banner
 
Home Page
vanhoc

 
Home
 
Saigon Bao.com
Saigon Bao 2.com
 
Liên Lạc - Contact
 
Liên Lạc - Contact
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy
 
Cần Thiết
 
Directory
 
Phụ Trang
 
Mobile Version
BaoThoiSu.com
BaoPhongSu.com
BaoTuDo.com
 
Disclaimer
SaigonBao.com
1999-2021 All rights reserved
 
 
 
Diem Bao industry lifestyle
 
 
 
 
 
 
Trang Nhà -Tài liệu Dân chủ - Lưu trữ 2007 -Tài liệu Lưu trữ
 
 

VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)

P.O. Box 661162

Sacramento, CA 95866

Phone & Fax: 916-480-2724

Email: vnn@vnn-news.com

Website: www.vnn-news.com

 

**********************************
Bài Vở Hàng Ngày

Ngày 15 Tháng 08 Năm 2007

**********************************

 

1- Bình Luận Việt Nam

- Cú Khều Biển Ðông?

Trần Khải

2- Thời Sự Việt Nam

- Vụ án PMU 18: Phim hài nhiều tập

3- Tin Tức Quốc Nội

- Ðơn Tố Cáo Thứ 3 của Dân Oan Nguyễn Văn Túc Về Việc UBND xã Ðông La Lừa Ðảo Chiếm Ðoạt Ðất Nông Nghiệp, Ăn Chận Tiền Ðền Bù của hơn 200 hộ dân trong xã.

4- Phỏng vấn

- Chị Vũ Thanh Phương Trả Lời Phỏng Vấn Của Ðài Phát Thanh TNT Hải Ngoại Về Tình Hình Dân Oan Biểu Tình Khiếu Kiện Tại Sài Gòn

5- Ðọc Báo Ngoại Quốc

- Những mâu thuẫn về lịch sử đang xảy ra tại Việt Nam

By Long S Le (Asia Times)  - Khánh Ðăng lược dịch

6- Tham Khảo

- Hồ Chí Minh và Hội Tam Ðiểm

Trần Gia Phụng

7- Câu Chuyện Ðiện Ảnh

- Hollywood 7 Ngày Qua

Natalie Nguyen

8- Truyện Ngắn Trong Nước

- Bóng Ðêm

Hoài Hương

 

**********************************

 

1- Bình Luận Việt Nam

 

- Cú Khều Biển Ðông?

 

Trần Khải

 (VNN)

 

Biển Ðông hiển nhiên là chuyện dài bất tận của dân mình. Vấn đề rất đơn giản đối với bất kỳ chính phủ nào của Việt Nam từ bây giờ về sau: hễ lùi bứơc thì sẽ mất thêm, mà hễ tiến bước thì không nổi.

Chơi với đàn anh lúc nào cũng bị bắt nạt như thế. Thậm chí bây giờ mà mở cuộc chiến thần thánh kiểu như "Chống Mỹ Cứu Nước" - bây giờ gọi là "Chống Tàu Cứu Ðảo" thì thấy rõ là bom nguyên tử dội vào Hà Nội liền. Thử thì biết.

Nhưng cũng cần thấy chuyện là chỉ mới khều nhau thôi, chưa thực sự kiếm chuyện. Ðiều bi thảm là tại sao nhiều tàu đánh cá Việt Nam phải chạy lạc sang Indonesia và Mã Lai để bị hải quân các nứơc bạn bắt giam?

Như mới đây là chuyện mới tuần trứơc hải quân Mã Lai bắt giữ 13 ngư dân Việt Nam vào đánh cá lậu. Nhưng bắt thôi, chưa nổ súng bắn chết ai. Chuyện chỉ tức cười là bị lộ chỉ vì ngư dân Việt treo cờ Mã Lai ngược.

Trong khi đó, hồi cuối tháng 7-2007, hải quân Indonesia nổ súng vào một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam lạc vào lãnh hải Indonesia tuần trước, giết chết 2 người và làm 1 người bị thương.

Tại sao ngư dân Việt chạy sang nước bạn đánh cá lậu? Có phải vì cá ở biển Việt Nam cũng phải di tản? Có lẽ điều đáng ngại là thế này: ngư dân không dám đi thẳng về hướng đông, vì sợ gặp tàu Trung Quốc đi tuần quanh Trường Sa, Hoàng Sa, cho nên phảỉ xuôi về Nam, và thế là bị vướng biển của Mã Lai, Indonesia.

Chúng ta có thể suy đoán rằng tàu đánh cá VN cũng vào biển Cam Bốt đánh cá lậu, nhưng nước đàn em đã có chỉ thị của Hun Sen là nên nhường nhịn và xử êm thì hơn. Cũng hệt như hãng tin DPA của Ðức nói là chiến hạm Trung Quốc đã nổ súng vào các tàu đánh cá của ngư phủ Việt Nam hoạt động gần quần đảo Trường Sa ngày 9-7-2007, mà Việt Nam cũng xử êm.

Ðiều cho thấy rằng Trung Quốc không tha Biển Ðông bao giờ, không chỉ riêng vùng ven của Việt Nam, mà còn dám thách thức cả vùng ven Nhật Bản.

Trung Quốc là nứơc tiêu thụ dầu nhiều thứ nhì thế giới, và xài tới 40% nhu cầu dầu thô thế giới kể từ năm 2000. Hiện thời các dự trữ dầu Trung Quốc khoảng 18 tỉ thùng barrel, và đang nhập cảng 1/3 lượng dầu thô tiêu thụ.

Ngoài vùng Trường Sa, Hoàng Sa tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và vài nứơc ASEAN, Trung Quốc cũng tranh chấp với Nhật Bản vùng đảo Diaoyu (còn tên là Senkaku) và mỏ khí đốt Chunxiao ở vùng biển East China Sea, đều được cả 2 nứơc khoanh vùng vào Ðặc Khu Kinh Tế (Exclusive Economic Zone).

Chú ý rằng năm 2003, Trung Quốc đã tự ý khoan dầu trong vùng này sau khi Nhật bác bỏ đề nghị khai thác chung dầu khí vùng này. Như thế, có thể thấy rằng, Bắc Kinh nhìn thấy khai thác chung là một giải pháp.

Ðiều tình cờ, hay được sắp xếp, là tuần này, Tổng Thống Phi Luật Tân đã kêu gọi Việt Nam hợp tác khai thác dầu trong quần đảo Trường Sa... Có thể đoán ngay lập tức, không cần đọc bản tin chi tiết, nếu khai thác chung, có nghĩa là sẽ khai thác chung với cả Trung Quốc. Thực sự chưa ai nói rõ như thế, nhưng không thể không đoán ra như thế được.

Bản tin đaì VOA ghi nhận:

"Tổng Thống Philippines, bà Macapagal-Arroyo, đã thúc giục Việt Nam và các nước lâu nay đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hãy cất bước kế tiếp trong cố gắng hợp tác với nhau sau khi bà cho biết các cuộc thăm dò dầu mỏ trong vùng biển đó xác nhận đã có những kết quả rất hứa hẹn. Bà Macapagal Arroyo đưa ra đề nghị nầy nhân quốc yến khoản đãi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam hồi cuối tuần qua.

Các nước giành chủ quyền trên dãy đảo đó là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã phát động một cuộc thăm dò địa chất 2 năm trước đây để lượng định khả năng khai thác dầu trên thềm lục địa bên dưới các đảo trong vòng tranh chấp.

Ngoài 3 nước vừa nói thì Brunei, Malaysia và Ðài Loan cũng cho là mình có chủ quyền trên toàn bộ, hoặc một phần, quần đảo Trường Sa. Theo Tổng thống Philippines thì tuy việc thu thập và phân tích dữ kiện phải mất cả năm nữa mới xong, nhưng kết quả sơ khởi rất hứa hẹn. Vì vậy, bà đã yêu cầu các nước bắt đầu thăm dò các bước kế tiếp..." (hết trích)

Có phải chuyện Tổng Thống Phi tới VN là trong một vở kịch lớn mà đàn anh Bắc Kinh đạo diễn? Bởi vì chính Trung Quốc đã từng nóng lòng yêu cầu Nhật Bản hợp tác chung với Trung Quốc cùng khai thác tài nguyên hai vùng tranh chấp đã nói ở trên.

Và có phaỉ Nhật Bản kiên quyết từ chối Trung Quốc vì không muốn Trung Quốc tới gần hơn ở vùng biển, cũng rất là gần với Ðaì Loan? Bởi vì chỉ cần khi naò mà Ðài Loan rung rinh vì anh khổng lồ Hoa Lục, thì Nhật Bản và Nam Hàn cũng có thể ngã dây chuyền như quân cờ domino?

Không ai biết chính xác các cao thủ suy tính nước cờ như thế nào, nhưng thấy rõ các áp lực lộ ra lớn kinh khủng.

Như mới đây, nhà báo lão thành Bùi Tín trong bài viết từ Paris, nhan đề "Chuyện tàu USS Peleliu: Nước ta ai là chủ?" đã cho biết:

"Việc chiếc Tầu Bệnh Viện Hoa kỳ USS Peleliu cặp bến Việt nam để làm việc từ thiện đã được 2 bên Việt - Mỹ thỏa thuận từ đầu năm nay.

Tàu USS Peleliu vốn là tàu chiến loại lớn đã hết hạn dùng cho thời chiến, được cải tạo hoàn toàn nhằm tận dụng cho công việc ngoại giao - nhân đạo...(...)

...Tàu bệnh viện hiện đại này có 2 phòng mổ, nhiều phòng khám bệnh, các chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, tiêu hoá, tim mạch, phụ khoa, chiếu điện, phòng thí nghiệm...Năng xuất trung bình mỗi ngày là 160 ca mổ.

Ðặc biệt là có những xe chở bệnh nhân và cả trực thăng để đón đưa bệnh nhân đến sàn tàu nhanh chóng thuận lợi, nhất là khi cấp cứu.

Sau chuyến làm việc ở Philippin rất kết quả, gây ấn tượng sâu rộng về tinh thần quốc tế cao, năng xuất chữa bệnh vượt trội, được cả xã hội quý trọng ghi ơn, tàu USS này sang Việt nam cặp bến Ðà nẵng chiều 16 tháng 7 trong cảnh thờ ơ vắng lặng đến lạ lùng.

Chiếc tàu này bị "nhỡ tàu"? Nó bị coi như khách vô duyên, gần như không được hoan nghênh! Cả đội ngũ y tế tiền tiến sững sờ, không hiểu chuyện gì, coi như thất nghiệp. 1.200 cán bộ y tế và nhân viên phục vụ các loại trên tàu bàng hoàng.

Bao nhiêu bà con ta dài cổ mong chờ đành tưng hửng. Nhiều bà con bị bệnh hiểm nghèo đành thở dài não nuột.

Vì sao? Không có giải thích chính thức. Do lệnh trên. Thế thôi! Ai muốn hiểu ra sao thì hiểu. Không thì tự hiểu lấy!

Thì ra phía Việt nam ra lệnh: cấm trực thăng Hoa kỳ không được bay trên bầu trời Việt nam, vì đó là trực thăng quân sự (!) của một nước thù địch cũ (!). Dù cho đó chỉ là những trực thăng quân sự đã được chuyển sang làm việc từ thiện.

Ðó chỉ là cái cớ!

Dư luận thủ đô vang vọng vào Ðà Nẵng và Sàigòn, cho biết tàu USS Peleliu đến Việt nam khi tranh chấp Trung quốc - Việt nam xảy ra sự cố ở quần đảo Trường Sa, tàu chiến Trung quốc bắn tàu đánh cá Việt nam, giết chết ngư dân ta, đã vậy lại còn nổi giận vô lối. Họ càng lấn lướt khi thấy phía chính quyền Hànôi quá mềm yếu, chuyên cúi đầu vâng dạ với họ cả những trường hợp họ đuối lý rành rành.

Thế là khi tàu USS Peleliu cặp bến Ðà Nẵng, Bắc kinh đã tỏ ra khó chịu, và chỉ cần viên đại sứ tàu họ Càn ở Hànôi bắn tiếng cho 2 vị "thái thượng hoàng" - người của "Thiên triều cộng sản " cắm rễ trong triều đình cộng sản đàn em, rằng: Bắc kinh không muốn có bất cứ một dấu hiệu nào về quan hệ Việt - Mỹ có màu sắc quân sự, hay có tính chất hữu nghị mang tầm chiến lược dù là trá hình dưới hình thức nhân đạo.... (...)

Lẽ ra chiếc tàu Bệnh viện này có thể thực hiện chừng hơn 2 ngàn ca mổ đặc sắc cho bà con dân nghèo ta, nhanh gọn, không mất tiền, chất lượng cao...."(hết trích)

Cụ Bùi Tín chỉ nói về chuyện áp lực từ Bắc Kinh, về chủ quyền nhà nứơc, về căng thẳng giữa quan hệ 3 chiều Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam... nhưng bàng bạc trong đó là nỗi lo về Trường Sa, Hoàng Sa...

Chuyện chiếc tàu y tế Hoa Kỳ phaỉ quay lui cũng chỉ là một cú khều nhẹ từ Bắc Kinh thôi. Nhưng khi nào có một cú khều mạnh hơn? Và để làm gì? Ðó là chỗ để lo vậy.

Nói như thế, không có nghĩa là đề nghị của Tổng Thống Phi không cần cứu xét. Nhưng chỉ là cần suy nghĩ, vì sao Nhật Bản từ chối khai thác chung với Trung Quốc vùng East China Sea?

 

=END=

 

2- Thời Sự Việt Nam

 

- Vụ án PMU 18: Phim hài nhiều tập

 

Hôm 07/08/2007, trước sự ngạc nhiên của nhiều người tham dự phiên tòa sơ thẩm vụ án PMU18, Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 13 năm tù, chỉ hơn một nửa so với mức án do bên Kiểm Sát đề nghị trước đó. Dũng là cựu tổng giám đốc PMU18 và cũng là nhân vật chính trong "vụ án PMU18".

 

Tập 1- Khởi đầu của câu chuyện

PMU 18 (được viết tắt từ chữ Project Management Unit - Ban Quản Lý Dự Án) là một trong số hàng chục PMU được Bộ Giao Thông Vận Tải đặt ra để quản lý các công trình hạ tầng cơ sở, cầu đường do EU, Nhật và Ngân hàng Thế Giới tài trợ.

Vụ án bắt đầu khi Bùi Quang Hưng, một công an thành phố Hà Nội cùng với 21 viên công an khác bị công an của bộ bắt quả tang đang sát phạt đỏ đen tại đảo Tròn, công viên Bách Thảo, Hà Nội vào chiều 13/12/2005. Từ đây đã hé lộ ra cả một đường dây cá độ bóng đá quốc tế, lô đề, đánh bài lớn liên quan đến nhiều cán bộ, công chức.

 

Tập 2- "Con bạc triệu đô" và các nhân vật có liên quan trong vụ án

Ngay sau vụ đánh bạc đổ bể, dân dần lộ ra cả một danh sách quan chức đánh bạc, trong đó có: Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Việt Bắc, Lương Mạnh Hoa,... nhưng trên hết là "con bạc triệu đô" Bùi Tiến Dũng (Dũng Tổng). Tuy trong cuộc điều tra Dũng khai "chỉ" đánh bạc hơn triệu đô, nhưng qua điều tra của công an thì con số này lên đến 2.6 triệu, nhưng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều. Nổi bật nhất là vào ngày 26/11/2005 Dũng đã đặt cửa 268.000 USD để cá đội Arsenal thắng đội Blackburn Rovers (giải bóng đá ngoại hạng Anh) và nhiều trận lớn nhỏ khác. Chính những kỷ lục "để đời" này đã khiến dư luận tặng cho Dũng "tổng" cái hỗn danh "con bạc triệu đô". Dũng "tổng" và các con bạc khác đã từng cờ bạc và cá độ với hai trùm cá độ Bùi Quang Hưng (công an) và Nguyễn Văn Hồng.

Nhân vật bị kết tội "chạy án" cho Dũng "tổng" là Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế"). Dũng "Huế" đã nhiều lần nhận tiền của Dũng tổng để tìm "cửa" chạy án, với tổng số lên đến hơn 1.1 tỷ đồng. Ðồng phạm tội "chạy án" với Dũng Huế còn có Vũ Mạnh Tiên (phó chánh văn phòng PMU18), Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Mậu Thôn, Nguyễn Ðình Toản (phó công an phường Ngã Tư Sở).

Một quan chức cao cấp bị "nghi vấn" có liên quan đến việc chạy án là thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh, khi đó là Tổng cục phó, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, tức là người trực tiếp chủ trì điều tra vụ án này. Ngay sau khi vụ việc PMU18 đổ bể không được bao lâu ông này đã có mặt trong một bữa ăn trưa do Dũng "Huế" chủ trì ở khách sạn Melia (đường Trần Hưng Ðạo, Hà Nội), với sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp của các ban ngành khác nhau, từ Văn phòng chính phủ cho đến Tòa án, Viện kiểm sát. Tuy nhiên ông Oánh đã chối bai bải rằng mình chỉ là "khách mời ngẫu nhiên".

"Tin lời" ông Oánh, bộ công an đã tạm đình chức Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an của ông ta. Chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đã ra lệnh này để rồi 10 tháng sau (5/2007) lại phục hồi vị trí cho Oánh với chức vụ mới là Tổng cục phó Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Công An. Ðược biết trước khi có những nghi vấn về vụ chạy án, Oánh từng được dự kiến vào danh sách bầu Ủy viên trung ương khóa X đảng CSVN và thứ trưởng Bộ Công an.

 

Tập 3- Phiên xử cười ra nước mắt

Phiên xử sơ thẩm vụ án PMU18 tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội bắt đầu từ 1/08/2007, với tất cả 8 bị can (không kể một án treo của Nguyễn Việt Bắc, Phó Tổng Giám Ðốc Cty phát triển đường cao tốc VN). Sang ngày 2/8/2007, Viện Kiểm Sát đã kiến nghị mức án tổng cộng cho 8 bị can là 87 tới 99 năm tù, mà phóng viên báo Lao Ðộng đã ghi nhận chi tiết như sau:

Bùi Tiến Dũng cũng bị đề nghị tịch thu hơn 2,2 tỷ đồng tiền bán ngôi nhà mà Dũng từng đem thế chấp để vay tiền đánh bạc; phạt tiền 30 triệu đồng vì đánh bạc; phạt gấp 3-5 lần số tiền hơn 1,1 tỷ đồng mà Dũng dùng để đưa hối lộ chạy án.

*Ðại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị mức án 7-8 năm tù đối với Bùi Quang Hưng, nguyên cán bộ Phòng CSGT CA TP Hà Nội. Nguyễn Văn Hồng bị đề nghị mức án 8-9 năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Cả 2 bị cáo này mỗi người bị phạt đến 100 triệu đồng vì tội danh trên.

* Bị cáo Lương Mạnh Hoa và Vũ Mạnh Tiên bị đề nghị mức án 3-4 năm tù vì tội đánh bạc; 9-10 năm tù vì tội đưa hối lộ. Tổng mức án đề nghị cho 2 tội danh cho mỗi bị cáo là 12-14 năm tù giam.

Nguyễn Mậu Thôn và Tôn Anh Dũng cùng bị đề nghị mức án 9 -10 năm tù giam về tội đưa hối lộ.

Nguyễn Ðình Toản, nguyên Phó trưởng CA phường Ngã tư Sở (Ðống Ða, Hà Nội) bị đề nghị mức án 8-9 năm tù giam. Các bị can này còn bị đề nghị phạt tiền từ 1-2 lần số tiền đưa hối lộ.

Nguyễn Việt Bắc bị đề nghị phạt từ 30-36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo này cũng bị đề nghị mức phạt 10 triệu đồng.

Dũng tổng chạy án là để "nắm tình hình"

Luật sư của Dũng là ông Ngô Ngọc Thủy đã cho rằng cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát đã nhầm tội danh chạy án và đưa hối lộ. Theo luật sư Thủy, Dũng vì lo lắng, muốn giúp Hưng sau khi bị bắt nên dò la tin tức và tìm người giúp đỡ, cho nên tội hối lộ chưa thành, do đó thân chủ mình chỉ chạy án chứ không phải đưa hối lộ.

Nói đến cờ bạc cá độ thì Dũng tổng khai đã tham gia cá độ bóng đá khoảng 30 lần với Bùi Quang Hưng và 10 lần với Nguyễn Văn Hồng. Trận cá nhiều nhất khoảng 98.000 USD và trận ít nhất là 5.000 USD (Lấy trung bình và nhân cho 40 lần thì vị chi cũng tròm trèm 2 triệu đô). Thế nhưng khi được hỏi xác nhận lại tổng số tiền cá độ thì Dũng chỉ thừa nhận "khoảng dưới 1 triệu đô", và cho biết trong số lần cá cược đó thì chỉ thua 4-5 trận. Chỉ vì đang buồn và... yêu bóng đá nên Dũng mới cá độ!

Bùi Quang Hưng xin được giảm án vì đã "thành khẩn khai báo"

Hưng là cảnh sát giao thông của Hà Nội, và cũng là người đứng đầu một trong hai đường dây cá độ, bị bắt quả tang tại Thủ Lệ, Hà Nội vào chiều 13/12/2005.

Luật sư Trần Ðình Triển cho rằng mức án 7 - 8 năm tù giam là cao, xin được hưởng mức án 30 tháng tù giam. LS. Triển viện dẫn rằng và thân chủ mình đã "khắc phục hậu quả" qua việc giao nộp 20 triệu đồng tiền hoa hồng kiếm được, "thành khẩn khai báo", bản thân nhận được nhiều bằng khen của công an và đặc biệt là gia đình cách mạng, có ông nội là liệt sĩ. 30 tháng tù giam đồng nghĩa với việc Hưng được trả tự do vào cuối năm nay. 30 tháng tù giam đồng nghĩa với việc Hưng được trả tự do vào cuối năm nay.

Không có chuyện "chạy án" đưa hối lộ

Nguyễn Mậu Thôn và Nguyễn Ðình Toản đều là công an và đều bị kết tội đưa hối lộ và "chạy án". Tuy nhiên luật sư đã "kêu oan" cho Thôn vì không hề có tài liệu nào chứng minh được là Bùi Tiến Dũng đã nhờ Thôn chạy án, và bân thân Thôn có "thành tích đóng góp" trong ngành công an.

"Căng thẳng" tại toà do bà thẩm phán dốt luật

Có một tình tiết đã xảy ra trong ngày xử thứ ba (3/08/2007) của phiên tòa đó là việc một số luật sư đã bỏ ra về sau những bất đồng với bà chủ tọa Ngô Thị Yến vì bà ta đã nhiều lần vô cớ ngắt lời của các luật sư và giới hạn việc tranh cãi chỉ trong vòng 10 phút. Các luật sư đã phản đối việc này. LS.Hải là người đứng dậy bỏ về trước tiên, và sau đó một số luật sư khác cũng bỏ về theo, khiến cả phiên tòa nhốn nháo.

Trước đó bà chủ tọa đã lúng túng khi các luật sư yêu cầu mở khóa cho các bị can. Việc hạn chế thời gian phát biểu của mỗi luật sư trong 10 phút của bà chủ tọa Ngô Thị Yến đã khiến Ðặng Quang Phương (Phó chánh án thường trực TAND Tối cao) thừa nhận rằng bà Yến.... dốt luật vì "Có lẽ chủ tọa chưa nắm vững quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại Ðiều 218...".

 

Dũng Huế được "chỉ đạo" để nói tốt cho tướng Oánh tại tòa

Như một bản kịch được chuẩn bị sẵn để gỡ tội cho tướng Oánh, Tôn Anh Dũng, người có liên hệ với thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh, đã bật khóc tại tòa, khiến mọi người ngạc nhiên, nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là lời xin lỗi mà Dũng thốt ra. Phóng viên Công Minh của Tiền phong đã thuật lại như sau:

"Bị cáo Tôn Anh Dũng còn bật khóc nức nở trước vành móng ngựa và xin cho bị cáo gửi lời tạ lỗi Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh. Dũng Huế nói, vì hành vi không tốt nhất thời của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho tướng Oánh, khiến dư luận hiểu sai về ông Oánh suốt một thời gian dài".

 

Tập 4- Nhận án phạt xong, nhiều bị cáo sắp mãn hạn tù

Vào ngày cuối của phiên sơ thẩm, ngày 7/08/2007, tòa án nhân dân tp Hà Nội đã tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 13 năm tù giam cho cả 2 tội đánh bạc và hối lộ. Mức án này đã gây ngạc nhiên cho mọi người vì trước đó Hội Ðồng Xét Xử (HÐXX) của Tòa án đã nhận xét rằng Dũng và đồng bọn đã phạm trọng tội, "nên cần áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc để răn đe".

Ðể có được bản án nhẹ này, HÐXX đã vận dụng tính "uyển chuyển" của luật pháp CHXHCNVN để giảm tội bằng cách viện dẫn Ðiều 17 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) để giảm tội ở mức chỉ "chuẩn bị phạm tội" chứ không phải "phạm tội chưa đạt" (theo Ðiều 18 BLHS).

Giống như các vụ án xét xử quan chức trước đây, các quan tham luôn được miễn giảm vì những tình tiết như: thân nhân tốt, có công, thành thật khai báo, tự thú và "tố giác" hành vi của bản thân và đồng bọn,...

Lần lượt các bị cáo khác cũng được miễn giảm, thậm chí có nhiều bị cáo sắp mãn hạn tù.

 

Nhiều bị cáo cười mừng

Có lẽ đoán biết trước bản án đã được sắp đặt theo chiều hướng... giảm tội, cho nên sau khi nghe tuyên án, hầu hết các bị cáo đã mỉm cười, mà không có một lời phản đối nào cả. Ngoài án tù, các bị cáo chỉ bị phạt sung công các khoản tiền "chạy án". Riêng Dũng tổng chỉ bị tuyên phạt bằng đúng số tiền mà Dũng dùng để chạy án là 1.1 tỷ đồng.

Riêng Nguyễn Việt Bắc do "thành thật khai báo" rằng mình có thắng cá độ chỉ... 1 lần là USD$1,500 và đã giao nộp cảnh sát điều tra nên chỉ bị phạt tiền 10 triệu đồng và 24 tháng tù... treo.

Mặc dầu nhận án phạt nhẹ, nhưng các luật sư cho biết sẽ tiếp tục kháng án tại phiên phúc thẩm. Như vậy, nếu "thành công" thì các bản án phạt vừa rồi sẽ còn giảm hơn nhiều nữa, và không chừng Bùi Tiến Dũng sẽ được trả tự do sau phiên phúc thẩm vì đã ngồi tù đủ trong suốt thời gian bị tạm giam.

 

"Ðầu voi đuôi chuột"

Có điều là xuyên suốt phiên tòa, mọi người được nhiều lần nghe HÐXX và Kiểm Sát nói đến tội đánh bạc, "chạy án", hối lộ của các bị can, nhưng tuyệt nhiên không đếm xỉa đến chuyện Dũng lấy ở đâu ra bạc triệu đô để ném tiền qua cửa sổ và ai là kẻ nhận hối lộ. Có kẻ đưa hối lộ thì phải có kẻ nhận hối lộ chứ. Lạ thật! Ðúng là "đầu voi đuôi chuột".

Nói như một bạn đọc của BBC (Luc Tac, Sài Gòn) thì Việt Nam có kiểu" xử án của Việt Nam, không "đụng hàng" bao giờ.

Các đại gia tư bản đỏ này cũng chẳng quan tâm nhiều lắm, vì đi tù ở Việt Nam mà có tiền thì vẫn phè phỡn như thường. Muốn gì cũng có, kể cả cái "chuyện ấy". Ði tù mà đi đi về về cứ như là đi chợ vậy. Vả lại, nếu "cải tạo tốt" thì lo gì mà không được về sớm, chỉ vài năm lại được thả ra thôi, giống như Bùi Quốc Huy trước đây vậy.

Bùi Tiến Dũng và đồng bọn sẽ nhận bản án gì, đi tù như thế nào?, bao giờ được "ân xá"?,... Các bạn đọc chắc chắn dễ đoán ra các chi tiết này trong các tập kế tiếp của bộ phim hài nhiều tập "PMU18".

Lê Minh Úc (12/08/2007)

 

Dũng tổng "thành thật khai báo"

 

* Dũng Huế khóc cho tướng Oánh...

 

* Thôn vẫy tay cười sau khi nghe tuyên án

 

=END=

 

3- Tin Tức Quốc Nội

 

- Ðơn Tố Cáo Thứ 3 của Dân Oan Nguyễn Văn Túc Về Việc UBND xã Ðông La Lừa Ðảo Chiếm Ðoạt Ðất Nông Nghiệp, Ăn Chận Tiền Ðền Bù của hơn 200 hộ dân trong xã.

 

Thái Bình, ngày 5 tháng 8 năm 2007

 

Ðơn tố cáo

V/V tố cáo UBND 3 cấp xã Ðông La - huyện Ðông Hưng - tỉnh Thái Bình cố ý làm trái pháp luật, Lừa đảo Bịp bợm chiếm đoạt quyền sử dụng đất nông nghiệp, ăn chặn tiền đền bù giá trị quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân xã Ðông la.

 

Kính gửi:

- Dư luận đồng bào trong nước + ngoài nước và Quốc tế

- Báo đài trong nước, hải ngoại và Quốc tế

- Các Tổ chức bảo vệ Nhân quyền trên thế giới

Thưa quý bạn: Tôi tên là nguyễn Văn Túc 44 tuổi.

Ðịa Chỉ chỗ ở hiện nay: Thôn Cổ Dũng 1 - xã Ðông La - Ðông Hưng - Thái Bình

Cùng đông đảo các hộ dân xã đông La, tôi đã gửi đơn khiếu nại, rồi tố cáo tới các cơ quan chức năng từ cơ sở đến trung ương, với nội dung khiếu tố những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của một số cán bộ chủ chốt UBND 3 cấp của tỉnh Thái Bình trong việc thu hồi đất cho thuê đất đền bù giải phóng mặt bằng tại cụm công nghiệp xã Ðông La.

- Tóm tắt nội dung khiếu tố:

Từ đầu năm 2002 đến nay 2007, với chiêu bài đổi đất nông nghiệp lấy công trình, với cách gọi là thu hồi đất nông nghiệp xây dựng cụm công nghiệp xã Ðông La. Ðứng đầu là các ông:

1, Lê Xuân Thiện (Nguyên chủ tịch UBND xã Ðông la)

2, Ðặng Ðình Bình (Nguyên chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng)

3, Bùi Tiến Dũng (Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình)

Lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái pháp luật về đất đai, chính sách đền bù có những quyết định hành vi vi phạm, đã thu hồi 12,5 ha đất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân xã Ðông La với kiểu làm lừa đảo bịp bợm cướp đi quyền dân chủ nhằm mục đích chiếm đoạt quyền sử dụng đất nông nghiệp và ăn chặn tiền đền bù giá trị quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân xã Ðông La với số tiền 5 tỷ đồng như báo nông nghiệp Việt Nam số 247 ngày 13 tháng 12 năm 2005 và nhiều báo đài khác đã đăng tải những sai phạm tại khu công nghiệp xã Ðông La trong nhiều năm qua. Với kiểu lừa bịp lấy giá đất theo quyết định 538 ngày 24 tháng 12 năm 1997 (Quyết định này đã hết hiệu lực pháp luật) và đã thay thế bằng quyết định số 78 ngày 1 tháng 11 năm 2002. Với những lời lẽ phổ biến của UBND xã Ðông La (Trích lời phổ biến của UBND xã Ðông La) hộ dân cứ nhận tiền đền bù hoa màu đến năm 2013 vẫn được chia ruộng việc này cũng được Lê Xuân Thiện chủ tịch UBND xã Ðông La xác nhận bằng dấu đỏ mực đen, cố ý làm trái ăn chặn luôn số tiền đền bù hỗ trợ đào tạo nghề được quy định cụ thể tại điều 25 nghị định số 22 ngày 24 tháng 4 năm 1998 của chính phủ và số tiền cải tạo đầu tư vào đất của những hộ sử dụng đất 5% công ích của xã được quy định cụ thể tại khoản 2 khoản 4 điều 9 nghị định số 22. Khiến hơn 200 hộ dân chúng tôi mất đất để sản xuất, không công ăn việc làm phải lâm vào cảnh khiếu tố kéo dài triền miên, khi việc khiếu tố lên đến đỉnh điểm, gay gắt ngày 29 tháng 11 năm 2004 ông Nguyễn Duy Hanh (nguyên chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng) phải ra quyết định số 487 để giải quyết, trong quyết định số 487 ông Nguyễn Duy Hanh phải thừa nhận những sai phạm của số cán bộ khi thực hiện thu hồi đất và đền bù đất nông nghiệp của dân là có sai phạm về chính sách pháp luật và công nhận ông Nguyên Văn Túc cùng một số hộ dân xã Ðông La khiếu nại là có cơ sở, có nhiều nội dung đúng thực tế. Nhưng việc ông giải quyết vẫn chỉ là hình thức đồng loã bao che cho những người vi phạm quyền lợi của hơn 200 hộ dân bị thu hồi đất vẫn cố tình không được trả lại, vẫn không chịu khắc phục những hành vi vi phạm, những hậu quả thiệt hại đã bị khiếu tố, trong quyết định giải quyết ông không hề căn cứ pháp luật hiện hành để giải quyết mà bao che đồng loã để bảo vệ cho đối tượng ăn chặn tham nhũng.

Ngày 30 tháng 11 năm 2004 chúng tôi tiếp tục gửi đơn khiếu tố lên UBND tỉnh Thái Bình đồng thời tiếp tục tố cáo những hình vi vi phạm của các ông: 1- Ðặng Ðình Bình (nguyên chủ tịch), 2- Vũ Trọng Biên (nguyên phó chủ tịch), 3- Vũ Duy Ðịnh (Nguyên phó chủ tịch), 4- Nguyễn Duy Hanh (Nguyên chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng) với các vi phạm pháp luật thu hồi đất, cho thuê đất ăn chặn tiền đền bù, cố ý giải quyết khiếu nại trái luật để bảo vệ những người vi phạm, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của hộ dân, buông lỏng để nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất tại cụm nông nghiệp xã Ðông La mà nhiều báo đài đã đăng tải, mặc dù chúng tôi đã có buổi làm việc với ủy ban kiểm tra tỉnh uỷ Thái Bình để cung cấp thông tin bằng chứng liên quan nội dung trong đơn tố cáo, và cũng rất nhiều lần lên gặp cơ quan giải quyết tố cáo để đôn đốc yêu cầu ra văn bản trả lời kết quả giải quyết xử lý tố cáo. Nhưng mọi cố gắng của chúng tôi 4 năm trời trôi qua vẫn chưa được cơ quan giải quyết trả lời. Ðơn khiếu nại của chúng tôi gửi UBND tỉnh Thái Bình lại giao cho thanh tra tỉnh để lừa đảo bịp bợm với cái gọi là "đúng trình tự thủ tục trước khi ra quyết định giải quyết cuối cùng", chúng tôi hỏi có điều khoản nào luật pháp nào quy định như thanh tra tỉnh đã sử dụng hành dân lừa bịp các hộ dân xã Ðông La như vậy không? (Chúng tôi có đủ căn cứ chứng minh sự lừa bịp để chạy tội cho những kẻ sai phạm của thanh tra tỉnh Thái Bình).

Khi mọi thủ đoạn lừa bịp không thành ngày 9 tháng 2 năm 2007, ông Nguyễn Duy Việt, chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình lại dở thủ đoạn lừa bịp tiếp bằng quyết định giải quyết khiếu nại số 346 (Quyết định giải quyết cuối cùng);nội dung trong quyết định giải quyết hoàn toàn đồng loã, bao che, kiểu treo đầu dê bán thịt chó cụ thể: Trên đầu quyết định ông có nói căn cứ luật khiếu nại tố cáo sửa đổi bổ xung ngày 5/6/2004 của chính phủ, căn cứ nghị định số 22 ngày 24/4/1998, nhưng phần quyết định liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người dân bị thu hồi đất thì không được căn cứ một chi tiết nào; quyền lợi của người dân vẫn không được trả lại theo đúng luật định hiện hành. Hơn 3 năm trời đơn khiếu nại của chúng tôi mới ra quyết định giải quyết một cách lừa bịt đồng loã bao che bảo vệ những kẻ cố ý làm trái để tham nhũng, có phải là treo đầu dê bán thịt chó không hở qúy vị?

Chúng tôi khiếu nại để đòi quyền lợi hợp pháp của mình là đúng thực tế những gì đã xảy ra tại địa phương hoàn toàn chính đáng đúng chính sách pháp luật hiện hành, những người có chức có quyền cố ý làm trái áp đặt thủ đoạn lừa đảo bịp bợm đồng loã bao che để cướp đi quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân xã Ðông La. Phải chăng pháp luật của nhà nước Việt Nam không đúng, không đủ mạnh, nên những kẻ có chức có quyền không thực thi, phải dùng kiểu luật rừng để áp đặt đè đầu, cưỡi cổ những người dân lành chúng tôi???

Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng TW đảng, nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nhưng thời gian đã quá dài, mọi cố gắng của chúng tôi chưa được giải quyết kịp thời quyền lợi hợp pháp của chúng tôi đã và vẫn bị xâm phạm một cách trắng trợn ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vậy không còn lựa chọn nào khác buộc chúng tôi một lần nữa viết đơn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của các ông.

1, Lê Xuân Thiện (Nguyên chủ tịch UBND xã Ðông La)

2, Lê Thành Vuông (chủ tịch UBND xã Ðông La)

3, Ðặng Ðình Bình (Nguyên chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng)

4, Phạm Công Tráng (chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng)

5, Bùi Tiến Dũng (Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình)

6, Nguyễn Duy Việt (chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình)

Với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai chính sách đền bù vi phạm về giải quyết sử lý đơn khiếu nại tố cáo của những hộ dân bị thu hồi đất tại xã Ðông La từ 2002 - 2007 nội dung cụ thể sau:

- Cố ý làm trái đồng loã lừa đảo thu hồi đất nông nghiệp của dân, thay đổi mục đích sử dụng đất trái điều 83 luật đất đai năm 2003.

- Cố tình chiếm đoạt quyền sử dụng đất nông nghiệp, tiếp tục đền bù trái với chính sách pháp luật, để tiếp tục ăn chặn tiền đền bù.

Buông lỏng quản lý đất đai để bí thư đảng uỷ Nguyễn Xuân Ðông lấn chiếm 332 m2 đất lúa, để nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích, một số đất thu hồi bỏ hoang hoá, nhiều dự án vi phạm luật bảo vệ môi trường không sử lý, huỷ hoại một số diện tích đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến việc canh tác sản xuất của những hộ liền kề, để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ đời sống của nhân dân trong khu vực.

Ông Bùi Tiến Dũng bị tố cáo việc ban hành quyết định 129 ngày 30/12/2004 Ban hành giá đất nông nghiệp trái với nghị định 188 của Chính phủ nay tiếp tục tái phạm vẫn áp đặt giá đền bù rẻ mạt để thu hồi đất, tạo điều kiện cho các cấp các ngành ăn chặn tiền đền bù của dân.

Trên đây là toàn bộ nội dung tố cáo các ông có tên nêu trong đơn, một lần nữa chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng TW Ðảng, Quốc Hội, Chính phủ chỉ đạo điều tra làm rõ những sai phạm của những ông nêu trên, sử lý nghiêm minh đúng pháp luật dù người đó là ai, giữ chức vụ gì.

- Yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp của hơn 200 hộ dân xã Ðông La theo đúng luật định.

Nếu không trả lại quyền sử dụng đất thì phải có trách nhiệm trả lại tiền đền bù thoả đáng theo luật định hiện hành.

Yêu cầu biện pháp chặn đứng các hành vi vi phạm trong việc thu hồi đất nông nghiệp cấp, bán, cho thuê, thay đổi mục đích sử dụng đất nhằm mục đích chiếm đoạt quyền sử dụng đất nông nghiệp của nhiều hộ dân xã Ðông La để sử dụng vào mục đích vô bổ, vô lợi ích, thiệt hại cho nhà nước xâm phạm quyền lợi hợp pháp của hộ dân xã Ðông La chúng tôi.

Nay một lần nữa kính đơn.

Người làm đơn đã ký tên

Công dân Nguyễn Văn Túc

Thôn Cổ Dũng 1, xã Ðông La, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình

 

=END=

 

4- Phỏng vấn

 

- Chị Vũ Thanh Phương Trả Lời Phỏng Vấn Của Ðài Phát Thanh TNT Hải Ngoại Về Tình Hình Dân Oan Biểu Tình Khiếu Kiện Tại Sài Gòn

 

Lược ghi bài trả lời phỏng vấn đài phát thanh Tiếng Nước Tôi của chị Vũ Thanh Phương và Lư Thị Thu Duyên tại Sài Gòn đêm ngày 11/8/2007.

 

***

 

(Ghi chú: Anh Hoàng Hà, biên tập viên đài phát thanh TNT ở Hải ngoại, đã gửi câu hỏi cho cả 2 chị Vũ Thanh Phương và Lư Thu Duyên để trả lời phỏng vấn. Dưới đây là phần nội dung trả lời của riêng cô Thanh Phương)

 

1/ Anh Hoàng Hà:

Thưa chị Thanh Phương và Thu Duyên, mặc dù nhà nước cộng sản VN hứa là sẽ giải quyết vấn đề đất đai, nhà cửa ca dân chúng bị cán bộ đảng cộng sản Việt Nam cướp bóc, nhưng có vẻ người dân không tin tưởng gì ở lời hứa của các quan chức cộng sản. Tin tức từ cuối tuần qua cho biết các cuộc biểu tình của bà con khiếu kiện vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi như Bến Tre, Ðồng Tháp, Bình Thuận, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang và ngay tại thành phố Sài Gòn và Hà Nội, v.v... Xin hai chị cho biết liệu rằng chiều hướng biểu tình này sẽ giảm đi hay sẽ tăng thêm? Và tại sao lại giảm đi hay tăng thêm? (mời chị Thanh Phương trước và chị Thu Duyên bổ túc).

Vũ Thanh Phương: Thưa Quí vị thính giả đang nghe đài và thưa anh Hoàng Hà. Hiện nay các cuộc biểu tình như anh đã nêu trên, thì đã diễn ra ở các tỉnh trong phạm vi rộng. Quần chúng tham gia biểu tình vừa rồi bị các quan chức CSVN hứa hẹn sẽ giải quyết, nhưng họ đã lừa đảo không giải quyết làm cho bà con rất căm phẫn. Hiện nay họ chưa tập trung ở Sài Gòn đông như lần trước. Nhưng chúng tôi tin rằng nếu có cơ hội họ trở về Sài Gòn thì quân số sẽ tăng cao hơn. Vì họ rất phẫn nộ với lời hứa suông mang tính lừa đảo của các quan chức CSVN. Chiều hướng biểu tình nổ ra ở trong nước chỉ có tăng lên chứ không thể giảm đi được. Bởi vì bộ máy của Nhà Nước độc tài CS này ngày đêm vẫn sản sinh ra rất nhiều bất công áp bức cho nhân dân.

 

2/ Anh Hoàng Hà: Thưa hai chị, Thứ Sáu 03-08-2007 vừa qua, đúng hai tuần lễ sau ngày cuộc biểu tình khiếu kiện trước Văn phòng 2 Quốc Hội bị đàn áp và giải tán. Bà con lại tập trung về Sài gòn biểu tình tuần hành. Theo lời phát biểu của các bà con Dân Oan đang có mặt ở Sài-Gòn, đợt biểu tình này sẽ được bà con cố gắng tiếp tục duy trì trong lâu dài, với tinh thần ôn hoà nhưng cũng quyết liệt hơn. Xin hai chị cho biết tình hình biểu tình của bà con khiếu kiện và tinh thần hiện nay của đồng bào ra sao?

Vũ Thanh Phương: Sau hơn hai tuần lễ cuộc biểu tình của dân oan các tỉnh bị đàn áp đêm ngày 18-7-2007 thì nay đã lác đác 1 số bà con các tỉnh đã trở về Sài Gòn và đi diễu hành biểu tình, vì họ đã bị lừa dối. Các quan chức CSVN có hứa hẹn bà con trở về địa phương sẽ lần lựơt giải quyết nhưng trên thực tế chỉ nhằm mục đích lừa đảo bà con, mà không chịu giải quyết vụ việc nào cả, làm bà con rất căm phẫn vì sự dối trá mang tính chuyên nghiệp của họ. Tinh thần của bà con hiện nay là rất quyết tâm, kiên trì nhưng ôn hoà để đấu tranh đến cùng.

 

3/ Anh Hoàng Hà: Thưa hai chị, hôm 3 tháng 8, tổng thanh tra nhà nước là ông Trần Văn Truyền cho hay là: để giải quyết tình trạng khiếu kiện đông người, Chính phủ cần phải xét lại cơ chế và chính sách liên quan đến giải tỏa, đền bù cho người dân. Như thế tức là ông Trần Văn Truyền thừa nhận là chính sách của nhà nước sai trái, vì có sai trái thì mới cần phải xét lại. Xin hai chị có thể cho thính giả biết một số những điểm sai trái này của nhà nước (mời chị Thu Duyên trước và chị Thanh Phương bổ túc).

Vũ Thanh Phương: Thưa quí vị!

Như Anh Hoàng Hà vừa nêu: Ông Trần Văn Truyền là tổng thanh tra chính phủ cần phải xét lại cơ chế chính sách giải toả đền bù cho người dân tức là Ông Trần Văn Truyền qua đây đã thừa nhận chính sách của Nhà nước CSVN có sai trái nên mới phải xét lại. Tôi có lấy một vài ví dụ sai trái đó như thế này:

Chính sách đền bù của Nhà nước độc tài Cộng sản về đất đai là một chính sách rất lỗi thời, giá cả đền bù rất rẻ mạt mang tính tước đoạt tài sản, đất đai của nhân dân, không coi trọng lợi ích của nhân dân, giá cả đến bù vô cùng rẻ mạt, trong khí giá đất thị trường tự do rất đỏ... Ngoài ra khi thực hiện các chính sách liên quan đến bù giải tỏa đất lại bị các quan chức cấp dưới ăn chặn, tham những, làm cho quyền lợi của người dân bị thiệt hại nặng nề. Do vậy, việc này đã gây nên oán hờn cho nhân dân.

 

4/ Anh Hoàng Hà: Tổng thanh tra nhà nước là ông Trần Văn Truyền cũng thừa nhận là do chính sách đền bù đất đai không hợp lý cũng như những chính sách khác không đồng bộ gây khó khăn khiến dân chúng bất mãn, biểu tình khiếu kiện. Tuy nhiên, ông Truyền lại cho đó là do địa phưng làm không đúng. Theo hai chị thì việc ông Truyền trút trách nhiệm cho địa phương có đúng không? Hay đây chỉ là cách đổ thừa vòng vo giữa trung ương của nhà nước cộng sản VN? (mời Chị Thanh Phương và Thu Duyên bổ túc).

Vũ Thanh Phương:

Ông tổng thanh tra chính phủ thì thừa nhận chính sách đền bù đã có sai trái. Nhưng lại đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương thực hiện chính sách của Nhà Nước CSVN chưa đúng. Như vậy là nhà nước CSVN ở trung ương là sai từ gốc. Vậy mà ông Truyền còn trút lên đầu các quan chức Nhà Nứơc CS ở cấp dưới, việc này là thái độ rất xấu của ông Tổng Thanh Tra Chính Phủ, vì họ đã tìm cách đổ thừa vòng vo giữa trung ương và địa phương, họ không dám nhận lỗi trước toàn dân. Theo ý kiến của tôi là Nhà nước trung ương đề ra chủ trương chính sách cũng sai mà các chính quyền địa phương đã dựa vào những chính sách sai trái đó để tiếp tục làm sai thêm nữa và nhân dân là nạn nhân. Sai trái của nhà nước trung ương là căn bản, là gốc rễ, là cội nguồn. Ðiều này ông Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền không thể chối cãi được.

 

5/ Anh Hoàng Hà:

Thưa hai chị, theo tin tức thì có một số người bị nhà cầm quyền cộng sản VN nghi ngờ là cầm đầu, hay xúi dục, sách động dân chúng biểu tình, đang bị bắt bớ, trù dập, thí dụ như cụ Ngô Lướt ở Bình Thuận, hay ông Ba ở Tiền Giang. Hai chị có biết những trường hợp bị trù dập tương tự nào khác không? Và sự an nguy của những người đó hiện nay ra sao? (mời Thu Duyên và Thanh Phương bổ túc)

Vũ Thanh Phương: Nhà nước và công an CSVN bao giờ cũng tưởng tượng và bịa đặt ra là các cuộc biểu tình ở trong nước của quần chúng nhân dân đã diễn ra sôi nổi và quyết liệt là do có một số người kích động, xúi dục, cầm đầu cho nên họ đã đàn áp bắt bớ những người đó. Như trường hợp ông Ngô Lướt ở Bình Thuận, ông Ba Chinh ở Tiền Giang, Anh Phạm Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Chỉnh ở Bờ Tây Sông Vân Thị xã Ninh Bình, Chị Hồ Thị Bích Khương ở Nghệ An, anh Nguyễn Thanh Phong ở Long An... Trong đó có cả tôi và Thu Duyên, những người này họ đều là những người đã đứng lên đấu tranh và giúp đỡ cho dân oan rất nhiệt tình và hiện nay một số đã phải bứơc vào nhà tù CS, số còn lại ngày đêm bị khủng bố rình rập, chưa biết lúc nào công an CSVN đưa họ vào tù.

 

6/ Anh Hoàng Hà:

Thưa hai chị, hai chị có nghĩ rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ dùng lại thủ đoạn phân tán, cách ly những người bị họ nghi ngờ là sách động, cầm đầu biểu tình, để rồi dùng những trò ám toán hèn hạ để thủ tiêu như họ đã làm đối với các cựu chiến binh trong vụ nông dân tỉnh Thái Bình nổi dậy 10 năm trước đây không? Và nếu thế thì bà con phải làm cách nào để bảo vệ những người bị nạn như vậy? (Mời chị Thanh Phương)

Vũ Thanh Phương: Tôi nghĩ rằng công an Nhà Nước CSVN sẽ phân loại những người tích cực đi đầu tổ chức biểu tình, để cách ly họ với quần chúng. Mặt khác họ có thể dùng những biện pháp hèn hạ như gây tai nạn giao thông, gây khó khăn sách nhiễu trong cuộc sống của gia đình những người này. Theo tôi bà con phải bảo vệ những người như vậy bằng cách công khai tên tuổi của họ trước dư luận thật rộng rãi, thường xuyên theo dõi sự an nguy về tính mạng của họ. Làm vậy để kịp thời thông báo cho trong và ngoài nước biết trên các phương tiện truyền thông, có như vậy thì công an CSVN mới chùn bước không dám hãm hại họ nữa.

 

7/ Anh Hoàng Hà: Thưa hai chị, báo đài của nhà nước Cộng sản Việt Nam như câm điếc, dui, mù trong suốt 27 ngày đêm biểu tình của dân oan khiều kiện tại Sai Gòn. Kể từ ngày 19 tháng 7 thì báo, đài nhà nước mới thông tin về việc bà con ngoan ngoãn theo lời vận động của Mặt Trận Tổ Quốc mà trở về địa phương, mà theo như lời của đài phát thanh cộng sản Việt Nam thì không có dùi cui, hơi cay hay vòi rồng... gì cả. Thưa hai chị, với sự bưng bít và dối trá của nhà nước cộng sản Việt Nam như vậy thì hai chị có đề nghị nào để có thể đưa sự thực đến cho quần chúng một cách hiệu quả hơn không? (mời Thu Duyên, Thanh Phương bổ túc)

Vũ Thanh Phương: Cuộc biểu tình của dân oan gồm 19 tỉnh đã kéo dài 27 ngày tại Sài Gòn, nhưng không hề được một tờ báo nào trong nước dám loan tin, dù là một mẫu tin ngắn. Chỉ sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp giải tán bằng vũ lực, thì sau đó báo đài trong nứơc mới thông tin là Bà con đã ngoan ngoãn nghe theo sự vận động của mặt trận Tổ Quốc đã trở về địa phương. Còn một số đài báo của họ thì thanh minh và cãi xoá việc công an đã dùng lực lượng vũ trang đông đảo có vòi rồng và khói cay, dùi cui roi điện để đàn áp đồng bào. Ðây là luận điệu dối trá để bưng bít sự thật, lừa bịp dư luận của công an nhà nước CSVN và là điều không thể chấp nhận được, nên nhiều người dân không biết sự thật đó. Theo tôi nghĩ, chỉ có cách in thật nhiều những tờ rơi, bản tin viết về sự thật dân oan trong nước đi biểu tình bị đàn áp, phát không cho dân chúng để nhân dân chuyền tay cho nhau đọc. Mặt khác các đài phát thanh quốc tế ở Hải ngoại phải thường xuyên và tăng giờ phát sóng về Việt Nam để thính giả trong nước nắm được mọi tình hình diễn biến và mọi sự thật.

 

8/ Anh Hoàng Hà: Thưa hai chị, nếu bà con vẫn tiếp tục biểu tình dài ngày thì nhà nước lại đàn áp, mà lực lượng công an đàn áp biểu tình cũng từ nhân dân mà ra. Hai chị có nghĩ rằng bà con biểu tình phải có cách nào để kêu gọi những lực lượng đó thay vì đàn áp biểu tình, thì hãy đứng về phía nhân dân để cùng nhân dân đòi lại công bằng và công lý hay không? Vì rõ ràng là nhà nước cũng phải thừa nhận là hầu hết đồng bào khiếu kiện đúng, chỉ có nhà nước thi hành sai mà thôi.

Vũ Thanh Phương: Công an và Quân đội ở trong nước hay bất cứ ở quốc gia nào đều từ nhân dân mà ra và đều là con em của nhân dân. Trong hoàn cảnh một đất nước có chế độ dân chủ tự do thì các lực lượng vũ trang bảo vệ xã hội, bảo vệ nhân dân tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật để bảo đảm cho nhân dân được hưởng các quyền Tự do Dân chủ và Nhân quyền. Nhưng ở Việt Nam là một chế độ độc tài đảng trị. Họ đã biến các lực lượng vũ trang này thành công cụ riêng cho đảng và nhà nước để đàn áp Nhân quyền và chống lại nhân dân. Nhưng khi tiếp xúc với công an, chúng tôi cũng tranh thủ thuyết phục để giải thích cho họ như vậy. Cụ thể là chúng tôi đã nói với công an rằng: Nhân dân đứng lên biểu tình đòi lại công bằng và công lý là đúng đắn, là chiếu theo các Quyền Con người được ghi trong hiến pháp và Công ước quốc tế về Nhân quyền. Nhân dân không có gì là sai trái, Nhân dân đi khiếu kiện là rất đúng mà chỉ có nhà nước là thi hành sai, lại còn chỉ đạo công an đàn áp nhân dân thì càng sai trái nữa. Tiếc rằng ở trong nước các lực lượng vũ trang và đảng viên Cộng sản bị bưng bít thông tin nhồi sọ quá lâu, nên họ không phân biệt được đúng sai.

 

9/ Anh Hoàng Hà hỏi: Thưa hai chị, Trong cuộc biểu tình kéo dài gần 1 tháng ở Sài Gòn vừa rồi, qua những vận động ở hải ngoại, và những hỗ trợ phần nào từ hải ngoại cho đồng bào biểu tình, một điều không ai phủ nhận được là thế liên kết trong nước và ngoài nước đã thể hiện rất rõ. Ðây là điều mà cộng sản Việt Nam rất lo sợ, và khối 8406 cũng kêu gọi "đừng sợ những gì cộng sản làm, mà hãy làm những gì cộng sản sợ". Hai chị có những đề nghị gì để sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại hiệu quả hơn, tức là phát huy thế liên kết trong ngoài mạnh mẽ hơn?

Vũ Thanh Phương: Qua cuộc biểu tình ở Sài Gòn vừa rồi chúng ta thấy sự liên kết giữa trong và ngoài nước rất tốt và rất nhịp nhàng, rất có hiệu quả. Cuộc biểu tình vừa rồi của đồng bào trong nước đã được sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại rất kịp thời, rất to lớn trên tất cả các phương diện. Họ được hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần và truyền thông. Trong thời gian tới chúng tôi đề nghị đồng bào hải ngoại sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa thành tích này, góp phần đẩy mạnh công cuộc đấu tranh trong nước.

 

10/ Anh Hoàng Hà:

Một lời tâm tình cuối chương trình này, xin 2 chị cho quý thính gỉa những cảm nghỉ của 2 chị về những nỗi đau, những uất nghẹn mà đồng bào chúng ta đang phải gánh chịu trong suốt nhiều năm dài, mà trong đó cũng là những nỗi đau của 2 chị trực tiếp với chế độ độc tài CS này. Xin cảm ơn 2 chị.

Vũ Thanh Phương:

Như Quí thính giả đồng bào đã biết, suốt bao nhiêu năm qua nhân dân cả hai miền Nam Bắc phải chịu biết bao nhiêu nỗi cay đắng khổ nhục do chế độ độc tài CS gây nên. Những sai trái và tội lỗi của họ đã chất cao như núi. Nỗi đau mà dân oan chúng tôi phải chịu chỉ là 1 phần trong đó, chỉ có đấu tranh đòi dân chủ hoá hoàn toàn và triệt để thì mới chấm hết nỗi đau khổ cho cả dân tộc và nỗi khổ đau của dân oan phải chịu đựng. Nếu biểu tình đấu tranh gây áp lực mạnh với nhà cầm quyền CS buộc họ có thể giải quyết cho một vài trường hợp...Nhưng tôi cho rằng đấy chưa phải là cách xoá bỏ mọi cội nguồn tội lỗi của bất công, áp bức mà đồng bào dân oan phải nhận thức cho đúng vấn đề này. Ngày nào trên đất nước này còn độc đảng cai trị thì chừng ấy vẫn còn những thảm nạn dân oan nhức nhối. Tệ nạn quan chức cộng sản với quyền lực đầy mình đàn áp và áp bức nhân dân không bao giờ hết. Người dân không thể thoát được cảnh đói nghèo, lạc hậu, nạn dân oan không thể chấm hết được.

Chỉ có một con đường đúng đắn nhất là phải đứng lên đấu tranh, tất cả mọi chúng ta hãy cùng nhau ký tên ủng hộ cho bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ khối 8406, để cùng tham gia đòi dân chủ hoá đất nước, đòi Tự do Dân chủ và Nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Có như thế chúng ta mới sớm thoát ra được cái ách của cường quyền độc tài Cộng sản. Ðất nước mới có cơ hội để phát triển phồn vinh. Dân tộc Việt Nam mới được sống trong Tự do, hạnh phúc.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi sự yểm trợ của đồng bào Hải Ngoại trên tất cả các phương diện tinh thần, truyền thông và vật chất dành cho công cuộc tranh đấu đòi Tự do Dân chủ, Công lý và Công bằng xã hội. Ðiều đó là vô cùng cần thiết và quí báu. Vì cuộc đấu tranh này còn rất nhiều gian khổ và còn kéo dài, nhưng tôi tin thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về cả dân tộc ta.

Cuối cùng xin kính chúc quí thính giả và anh Hoàng Hà sức khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống

Xin cảm ơn và kính chào tạm biệt các quý vị.

 

=END=

 

5- Ðọc Báo Ngoại Quốc

 

- Những mâu thuẫn về lịch sử đang xảy ra tại Việt Nam

(Contradictory histories plague Vietnam)


By Long S Le - Asia Times 14/8/07

Khánh Ðăng lược dịch

Thành phố Sài Gòn đang chuẩn bị cho xây dựng một pho tượng mới bằng đồng cao 6,3 mét của nhà sư Phật giáo Thích Quảng Ðức, đã tự thiêu trên đường phố của thành phố này, để phản đối sự áp bức của chính quyền thân Mỹ tại miền Nam cách đây hơn 4 thập niên.

Bức tượng có tính cách tượng trưng này vào tháng tới sẽ được dựng lên ngay tại vị trí mà nhà sư Thích Quảng Ðức, như được thấy trong các tấm hình đầy ấn tượng, đã tự đốt mình đến chết. Với bức tượng này được dựng lên, cách trình bày mới và có thay đổi của cái gọi là cuộc chiến chống Mỹ của nhà cầm quyền CSVN sẽ được phô bày ra cho cả thế giới cùng coi.

Không được nhắc đến trong lần thay đổi câu chuyện cho phù hợp này là cái quá trình cách mạng của Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân và hàng chục năm bị thống trị bởi chủ nghĩa đó. Thay vào là sự mong muốn của Việt Nam được nhìn nhận đứng về cùng phía với phương Tây, và việc bắt đầu hoà giải với cuộc chiến chống Mỹ. Kết quả là cuộc chiến đó được nhắc đến rất sơ sài cho du khách ngoại quốc trong khi một trang lịch sử mới vượt qua những thù hận đó lại được chú trọng đến nhiều hơn.

Ðể cho chắc ăn, ngành du lịch quốc doanh vẫn dùng nhóm chữ "thù địch nước ngoài" nhưng rất hiếm khi chĩa thẳng vào người Mỹ. Trong khi đó, hầu hết các nguồn đầu tư mới của kỹ nghệ du lịch lại nhắm vào việc tân trang và đặt lại tên cho các khách sạn, dinh thự và đường phố xây dựng vào thời thực dân, để cố gầy dựng lại cái khung cảnh du lịch đầy thân thiện và thu hút của thời thực dân.

Cái mánh lới kinh doanh hàng triệu đô la này được dùng như một lối để kêu gọi ngoại quốc chú ý đến một Việt Nam "mới", một Việt Nam đã trút bỏ tất cả các hành trang của chiến tranh và ôm vào lòng các truyền thống cổ xưa cũng như các ảnh hưởng của phương Tây.

Một số lớn Việt kiều - những người Việt sống ở hải ngoại tại các nước Tây phương - cũng bị cám dỗ bởi cái Việt Nam "mới" này, một Việt Nam được phô bày trái ngược lại với những hình ảnh của một đất nước khi mà họ cùng gia đình đã buộc phải trốn chạy vì sợ hãi sự trả thù của cộng sản sau khi miền Nam đầu hàng vào năm 1975.

Trong những năm đầu tiên dưới sự cai trị của cộng sản, hàng hóa của Mỹ và lối sống hưởng thụ bỗng nhiên không được coi như những biểu hiện của một miền Nam hiện đại. Thay vào đó, những người cách mạng cộng sản đã coi đó như là những tàn dư chiến tranh chỉ xứng đáng cho vào những bãi mìn chưa nổ hoặc những bãi chứa các hóa chất độc hại, rồi ồn ào tuyên bố rằng ảnh hưởng của Mỹ đã "làm hư hỏng linh hồn" của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam.

Tiến nhanh vào hiện tại, Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng cửa cho thế giới bên ngoài với việc gia nhập vào Tổ chức Thương mãi Thế giới hồi đầu năm nay, và với hiệp ước thương mãi và kêu gọi đầu tư với Hoa Kỳ. Có lần đã bị coi là nguy hiểm thì bây giờ quan hệ của Việt kiều với Hoa Kỳ được xem như là một thị trường giá trị cho cái chế độ cầm đầu bởi Ðảng Cộng sản có tính vọng ngoại hơn và thiên về kinh tế thị trường.

Chủ nghĩa thực dân, hồi đó và bây giờ

Vậy thì tất cả những điều này có nghĩa là miền Nam tư bản hơn đang thắng thế trong hoà bình? Thật là ngẫu nhiên trong khi lịch sử được xét lại của ÐCSVN đang ban bố ra nhiều quyền lợi về các mặt chính trị và kinh tế, bao gồm cả việc gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ, thì Laurel Kennedy và Mary Rose Williams trong một phân tích giáo dục mới đây về kỹ nghệ du lịch của Việt Nam đã kết luận: "Cái nguy hiểm tiềm tàng bên trong, dù sao đi nữa, là cái gía đã phải trả cho việc nói lại cho phù hợp chuyện quá khứ với chủ nghĩa thực dân cũ, có lẽ đây là một sự quay trở ngược lại chủ nghĩa đó."

Ðiều đó có nghĩa là, một thế hệ mới của người Việt Nam, mà gia đình của họ đã từng chiến đấu vô cùng mãnh liệt chống lại sự thống trị của thực dân, bây giờ lại đang sống nhờ vào kỹ nghệ du lịch toàn cầu của phương Tây. Những công trình đầu tư du lịch cao cấp của phương Tây, điển hình như hai sân golf 18 lỗ của nhà chơi golf chuyên nghiệp người Úc Greg Norman, được xây như một phần của khu du lịch sang trọng 350 phòng tại một căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ ở thành phố Ðà Nẵng, đang gia tăng trở thành những hình ảnh thông thường.

Quyền lợi từ ngành kỹ nghệ du lịch, phần lớn do nhà nước kiểm soát, lẽ dĩ nhiên là được chia chác một cách không đồng đều qua hệ thống sở hữu đất đai thời nay của ÐCSVN. Cán bộ đảng viên từ các bộ, các uỷ ban khác nhau đang quản lý ngành kỹ nghệ du lịch thường là những thành phần chủ nhân hoặc có nhiều cổ phần trong các khách sạn và các công trình liên đới về du lịch.

Giai cấp trung lưu của Việt Nam mới xuất hiện, nhưng thật ra vẫn còn rất ít, hoặc là họ có liên hệ mật thiết với nhà nước, hoặc là họ lệ thuộc vào những liên hệ như vậy để cải thiện đời sống. Nếu đưa ra lập luận rằng với sự giàu có hơn, giai cấp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam sẽ thúc đẩy thêm cho nền dân chủ, tức là quên đi tầm quan trọng của liên hệ này với chế độ chính trị đang hiện hữu.

Có thể là đấu tranh giai cấp kiểu Mác xít sẽ xảy ra, vì đại đa số tầng lớp nhân dân vốn là những người chạy bữa sáng ăn bữa tối, rất dễ nhậy cảm (rồi sinh ra bất mãn) vì liên hệ giữa giai cấp giàu có mới xuất hiện với những đặc ân có liên quan tới nhà nước và nạn tham nhũng.

Cũng giống như thực dân Pháp, nhà nước Việt Nam do đảng CS chỉ đạo đã quyết định cho phép người dân chỉ được hiện đại hóa với những ý tưởng Tây phương đã được lựa chọn sẵn, bao gồm cả việc mở rộng thêm về du lịch. Cùng lúc đó thì chế độ lại ngăn cấm những thái độ mà họ cho là đe dọa đến sự tiếp tục hệ thống độc đảng mà họ đang kiểm soát.

Những cái bị coi như đe dọa này có thể chỉ là những việc không quan trọng, chẳng hạn như việc các sinh viên đại học ngành nghệ thuật trình diễn tại các nơi giải trí bị coi là có tính cách "dễ xa ngã vào các tệ nạn xã hội", bao gồm các quán nhậu và phòng trà hát karaoke. Và hậu quả là sự cấm đoán có thể nghiêm trọng đến cả việc đàn áp các cuộc đình công và biểu tình của công nhân, để tiến đến cái mục đích bảo vệ nền kinh tế nặng về xuất cảng và do đầu tư nước ngoài cầm đầu, trong đó có cả kỹ nghệ du lịch để kiếm ngoại tệ.

Chỉ nhớ những điều muốn nhớ

Trong khi kỹ nghệ du lịch quốc doanh của nhà nước đang quảng cáo những truyền thống tôn giáo để gây sự chú ý nơi các du khách ngoại quốc về các đền đài, chùa chiền đầy huyền bí, thì các tổ chức tôn giáo vẫn đang bị đàn áp khi họ lên tiếng kêu gọi cho công lý xã hội và tự do tôn giáo. Sự đàn áp đó bao gồm cả áp lực chính thức bắt buộc phải đăng ký với nhà cầm quyền, mà các tổ chức tôn gíao được chỉ đạo để bày tỏ các thái độ và hành động "chính trị đúng đắn" - xin được diễn dịch là: không được đặt vấn đề với ÐCS và hệ thống chính trị độc đảng.

Hình phạt dành cho việc không tuân hành (các chỉ đạo của nhà nước), như nhiều linh mục và nhà sư đã phải trải qua, có thể là hành hạ thể xác và tù đày. Ðiều này giải thích lý do tại sao một số các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã không chịu đăng ký với nhà cầm quyền và bó buộc phải theo đạo một cách âm thầm kín đáo. Vì thế, việc nhà cầm quyền CSVN dự định tưởng niệm vụ tự thiêu của nhà sư Phật giáo Thích Quảng Ðức với một bức tượng mới, đánh dấu một sự mâu thuẫn quan trọng và rõ ràng, mà nhiều du khách thì không thấy, nhưng những người Việt địa phương thì sẽ nhận biết.

Như Ðảng CSVN đang âm mưu phác họa ra bên ngoài cho các du khách ngoại quốc thấy rằng Việt Nam cuối cùng thì đang hoà giải với cuộc chiến chống Mỹ, nhưng bên trong họ lại tiếp tục cấm đoán các tổ chức tôn giáo độc lập và ngăn cản quyền tự do bày tỏ tư tưởng. Thêm nữa, họ cũng đang tách rời ra khỏi cái căn nguyên mà nhà sư Thích Quảng Ðức đã lựa chọn để tự thiêu.

Hành động tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Ðức, một mặt thì đi ra khỏi cái giới hạn của chính trị lẫn tôn giáo, vì trong đạo Phật việc huỷ hoai thân thể là không tuân hành theo những giới luật trọng tâm của Phật giáo. Nhưng thay vào đó, hành động của nhà sư là tự thiêu trong tinh thần xây dựng, tìm sự cứu độ cho những đau khổ của chúng sinh, trong khi làm động lòng những kẻ áp bức. Hành động đó của nhà sư là một hành động xả thân để tranh đấu chống lại những kẻ thù của nhân loại, lúc đó là để nhắm vào chế độ Sài Gòn, nhưng hành động đó ngày hôm nay cũng rất thích hợp để nhắm vào cái chế độ hiện thời của CSVN.

Tôn chỉ từ bi và hỉ xả của đạo Phật nằm rất xa, ra ngoài cái tầm tay tàn bạo của ÐCSVN, và vai trò của Phật gíao cổ truyền trong sinh hoạt chính trị Việt Nam đã từ từ biến mất và bị thay thế dần bởi Khổng gíao trong vài thập niên gần đây. Trong cùng thời gian đó thì ÐCSVN lại tiếp tục sách nhiễu và bắt giữ các vị lãnh đạo của tất cả các tôn giáo khác nhau, trong đó có Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ thuộc Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện đang bị quản thúc từ năm 1981.

Tự do tôn giáo tại Việt Nam được cải thiện rất ít ỏi, và chỉ có dưới những đòi hỏi và điều kiện khó khăn của ÐCSVN. Các tổ chức tôn giáo có đăng ký với và chịu sự kiểm soát của nhà nước thì bây giờ có thêm nơi chốn cho tín đồ đến thờ phượng, nhưng những nơi được cho phép thờ phượng này, trong đó có nhiều ngôi chùa tại Hà Nội, bị treo đầy những khẩu hiệu của Hồ Chí Minh, trong khi các chương trình của các lớp học giáo lý lại bị nhồi nhét vào với những bài học và bài hát về lịch sử cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Với những việc như vậy, thì sự kiện ÐCSVN muốn tưởng niệm tinh thần của nhà sư Thích Quảng Ðức, nên được đặt vào việc mà chế độ này đang tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo, tốt hơn là sự hoà giải dưới bất cứ ý nghĩa nào về cái quá khứ thực dân và chiến tranh của đất nước. Khi chế độ CSVN đang cố gắng để xây dựng một nước Việt Nam "mới" và như một nơi du lịch thân thiện cho du khách, thì những mâu thuẫn đầy rẫy trong việc hồi sinh và tổ chức tưởng niệm tinh thần của một nhà sư đã tự hy sinh thân mình thì không thể nào lố bịch trắng trợn hơn.

* Ảnh nhà sư Thích Quảng Ðức tự thiêu.

 

=END=

6- Tham Khảo

 

- Hồ Chí Minh và Hội Tam Ðiểm

 

Trần Gia Phụng

 

1.- Nguyễn Ái Quốc vào Hội Tam Ðiểm

Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử hiện đại hoạt động kín đáo, thường thay tên đổi họ, và thường che giấu hành tung của mình. Một trong những điều được ông che giấu suốt đời là việc ông gia nhập Hội Tam Ðiểm (Franc-Maçonnerie) Pháp năm 1922. Hồ Chí Minh đã dùng tên khác, viết sách để tự ca tụng mình, nhưng hoàn toàn không hé lộ một tý nào về việc ông gia nhập hội Tam Ðiểm. Ðảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cũng tránh né không nói đến trong các bản tiểu sử của Hồ Chí Minh.

Tài liệu bằng tiếng Việt đầu tiên và duy nhất lưu hành ở Hà Nội, nói về việc Hồ Chí Minh gia nhập Hội Tam Ðiểm có lẽ là sách Nguyễn Ái Quốc tại Pari 1917-1923, Nxb: Thông Tin Lý Luận ấn hành năm 1989, tác giả là bà Thu Trang. Trong sách nầy, bà Thu Trang viết rằng: "Theo một mật báo đã ghi ngày 14 tháng 6 năm 1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Franc-Maçonnerie (Tam điểm)..." (tr. 201.)

Mẫu tin nầy không bị ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng CSVN kiểm duyệt hay gạch bỏ, có thể nhờ câu tiếp theo của bà Thu Trang: "Ðiều nầy chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ. Mặc dù theo truyền thống, Hội trên chỉ dành cho giới giáo sĩ, quý tộc hoặc những nhà trí thức bác học tên tuổi v.v... Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào hội nầy là do được sự giới thiệu (ít nhất phải có hai hội viên cũ giới thiệu) như một nhà báo lỗi lạc, hay một nhà cách mạng đã có tên tuổi? Khó mà đoán được..." (tr. 201.)

Cần chú ý các điểm: 1) Bà Thu Trang không phải là người Việt ở trong nước, mà bà đã định cư ở Paris từ năm 1961. Bà được Nhà xuất bản Thông Tin Lý Luận Hà Nội giới thiệu là "một nữ trí thức Việt kiều ở Pháp, với lòng tôn kính Bác Hồ" (Lời nhà xuất bản, tr. 5.) 2) Năm xuất bản là năm 1989, tức 20 năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời (1969). Năm đó, nhà cầm quyền cộng sản các nước trên thế giới tương đối cởi mở, kể cả Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nên mẫu tin nầy không có gì làm mất uy tín đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). 3) Ða số người Việt trong nước ít biết Hội Tam Ðiểm là hội gì, chủ trương như thế nào?

Hội Tam Ðiểm (Franc - Maçonnerie do tiếng Anh: Freemasonry) nguyên là một hội đoàn giáo dục, nhắm truyền bá cho hội viên một triết lý sống có đạo đức. Xuất hiện ban đầu ở Anh vào thế kỷ 17 như một nhóm nghề nghiệp (thợ nề, thợ chẻ đá). Về sau nhóm trở thành một hội đoàn hướng đến lý tưởng cao cả như bác ái (fraternity), bình đẳng (equality) và hoà bình (peace). Dần dần hội cho gia nhập cả những người giàu có hoặc có địa vị trong xã hội. Lý tưởng chấp nhận tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa mọi người của hội Tam Ðiểm đi đôi với chủ nghĩa tự do thời thế kỷ 18. Hội Tam Ðiểm phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, bị Giáo hội Ky-Tô giáo La Mã chống đối, vì Giáo hội cho rằng hội Tam Ðiểm tranh quyền với Giáo hội. Do đó, hội Tam Ðiểm không được chấp nhận ở các quốc gia theo Ky-Tô giáo La Mã. Dầu vậy, dần dần hội Tam Ðiểm phát triển khắp nơi. Hiện nay, trên thế giới, hội Tam Ðiểm đông nhất là hội Hoa Kỳ, chiếm khoảng 75% hội viên toàn cầu. Có nơi hội Tam Ðiểm chia ra thành nhiều phái và có khi chống đối nhau.(1)

Như thế, tuy cùng đề cao lý tưởng và quyền lợi công nhân, nhưng hội Tam Ðiểm phóng khoáng, tự do, trong khi đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị độc tài và hai bên rất chống đối nhau. Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập đảng Cộng Sản Pháp từ cuối năm 1920, đầu năm 1921. Nguyễn Ái Quốc chuyển qua hội Tam Ðiểm là hội đối nghịch với đảng CS vào năm 1922. Bà Thu Trang giải thích rằng "Ðiều nầy chứng tỏ là Nguyễn Ái Quốc đã đến với bất cứ tổ chức chính trị nào có tính cách tiến bộ..." Tuy nhiên, xin đừng quên một điều là lúc đó, đời sống Nguyễn Ái Quốc tại Paris rất khó khăn. Tình trạng nghèo khó nầy được ông mô tả lại khá rõ trong sách Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch dưới bút danh Trần Dân Tiên. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc vào hội Tam Ðiểm để tìm kiếm một cơ hội thăng tiến mưu sinh mới?

Nguyễn Ái Quốc vào Hội Tam Ðiểm ngày 24-6-1922, thì trong tháng 7-1922, Nguyễn Ái Quốc hai lần gặp gỡ Phạm Quỳnh tại Paris, cũng là một nhân vật Tam Ðiểm Việt Nam. Nguyên lúc đó, vua Khải Ðịnh (trị vì 1916-1925) hướng dẫn phái đoàn Việt Nam sang dự cuộc đấu xảo (hội chợ triển lãm) ở Marseille (Pháp). Phạm Quỳnh tháp tùng theo phái đoàn nầy. Lúc đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo, nghị viên Hội đồng thành phố Hà Nội, và đã gia nhập Hội Tam Ðiểm ở Hà Nội.

Theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Ðịa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề tài "Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ". Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp.

Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những "chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi", và không nêu tên những người ông đã gặp trong nhật ký. Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]: "Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)". [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: "Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi." [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.] (Xin xem phần tài liệu phía dưới.)

Vài tháng sau khi gia nhập Hội Tam Ðiểm, Nguyễn Ái Quốc ra khỏi hội nầy và suốt đời giấu kín việc vào hội Tam Ðiểm vì một điều dễ hiểu, hội Tam Ðiểm đối nghịch với đảng CS. Vậy phải chăng vì Phạm Quỳnh biết rõ chuyện Nguyễn Ái Quốc gia nhập hội Tam Ðiểm ở Paris sau hai cuộc tiếp xúc vào tháng 7-1922, mà Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quốc, ra lệnh thủ tiêu Phạm Quỳnh ngày 6-9-1945, tại một địa điểm cách Huế 20 km, để giấu kín bí mật của mình?

Theo lời tác giả Thu Trang, "Nguyễn Ái Quốc đã không ở lâu trong Hội nầy [Tam Ðiểm], vì cuối năm 1922 trên báp L'Humanité, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng tay chỉ trích hội ấy với những lời lẽ hết sức cứng rắn."(sđd. tr. 201.) Thật ra, lý do chính Nguyễn Ái Quốc dứt điểm hội Tam Ðiểm, vì lúc đó ông được đại diện Ðệ Tam Quốc Tế Cộng Sản mời sang Nga hoạt động. Lời mời nầy vẽ ra trước mắt ông một cơ hội thăng tiến mưu sinh mới.

Nguyên vào tháng 10-1922, D. D. Manuilsky, đại diện ÐTQTCS, từ Moscow qua Paris dự Ðại hội kỳ 2 đảng CS Pháp. Nhân đó Manuilsky mời Nguyễn Ái Quốc sang Moscow tham gia Hội nghị Quốc tế Nông dân vào năm 1923.(2) Sự việc nầy có nghĩa là Manuilsky chọn Nguyễn Ái Quốc để đưa qua Liên Xô huấn luyện. Nhận được lời mời Manuilsky, Nguyễn Ái Quốc vĩnh biệt hội Tam Ðiểm.

Ra khỏi hội Tam Ðiểm để gia nhập một tổ chức khác thích hợp với mình hơn, là chuyện bình thường. Chuyện bất bình thường ở đây là vào tháng 6 tuyên thệ gia nhập hội Tam Ðiểm, thì khoảng chưa đầy nửa năm sau, Nguyễn Ái Quốc lại "thẳng tay chỉ trích hội ấy với những lời lẽ hết sức cứng rắn."(Bà Thu Trang, đã dẫn.) Ngay từ lúc nầy, mới bước vào con đường chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã tự chứng tỏ là một con người "cơ hội chủ nghĩa", vừa lật lọng, vừa phản bội.

Bên cạnh sách bằng tiếng Việt, bà Thu Trang, với tên Thu Trang-Gaspard viết lại chuyện Nguyễn Ái Quốc ở Paris bằng tiếng Pháp, nhan đề sách là Hồ Chí Minh à Paris (1917-1923), do Nxb. Éditions L'Harmattan ấn hành tại Paris năm 1992, nội dung giống sách trên.

Về việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập hội Tam Ðiểm, ngoài những tài liệu của bà Thu Trang trên đây, còn có một số tài liệu chi tiết hơn của các tác giả Pháp. Một trong những người nầy là Jacques Dalloz. Ông viết sách Francs-maçons d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002. Sách nầy trình bày đầy đủ những nhân vật Tam Ðiểm ở Việt Nam, trong đó có Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc.

Riêng về Nguyễn Ái Quốc, ngoài sách trên, trong bài báo nhan đề "Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale" [Người Việt trong hội Tam Ðiểm thuộc địa], tạp chí Revue française D'Histoire d'Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d'Histoire d'Outre-mer, tr. 105, Jacques Dalloz viết:: "Vào đầu năm 1922, do sự giới thiệu của một nhà chạm trỗ tên là Boulanger, ông ta dự lễ gia nhập của tổ Fédération universelle (Paris GODF). Phiếu của ông ta ghi là: "Nguyễn Ái Quấc, sinh ngày 15-2-1895 (Việt Nam), thợ tô sửa hình, thợ vẽ." (tạm dịch từ nguyên bản Pháp văn là: "Au début de 1922, il s'est présenté à l'initiation de la loge la Fédération universelle (Paris GODF), recommandé par le graveur Boulanger. Sa fiche indique: "Nguyen Ai Quâc, né le 15-2-1895 (Annam), retoucheur en photo, dessinateur".) (3)

Trong mệnh đề nầy có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất là danh xưng Nguyễn Ái Quấc và thứ hai ngày sinh của Nguyễn Ái Quấc.

 

2.- Danh xưng Nguyền Ái Quấc (Quốc) và Hồ Chí Minh

Danh xưng Nguyễn Ái Quấc (Quốc) lúc đầu không phải là tên một người, mà là tên chung của bốn người. Ðó là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành.(4) Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng dùng một bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc, đồng ký bản "Revendications du peuple annamite" [Thỉnh nguyện thư của dân tộc Việt], bằng Pháp văn do Phan Văn Trường viết, gởi cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles (Paris) sau thế chiến thứ nhất, bắt đầu từ 18-1-1919. Thỉnh nguyện thư của các ông xuất hiện lần đầu trên báo L'Humanité [Nhân Ðạo] ngày 18-6-1919.

Trong bốn người cùng dùng chung biệt hiệu (Nguyễn Ái Quốc), Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường sống và hoạt động chính trị tại Pháp khá lâu, đang bị mật thám Pháp theo dõi, không tiện ra mặt. Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) là sinh viên du học, đang hưởng học bỗng của Pháp để theo học ngành hóa học,(5) nên không thể công khai chống Pháp.

Chỉ có Nguyễn Tất Thành là người mới đến, chưa bị mật thám chú ý. Nguyễn Tất Thành tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh tại Nghệ An, con ông Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) và bà Hoàng Thị Loan. Lúc nhỏ, Nguyễn Sinh Cung học chữ Nho, rồi chuyển qua tân học, theo chương trình Pháp. Sau khi đậu tiểu học khoảng năm 17 tuổi, Nguyễn Sinh Cung vào học lớp nhất niên (năm thứ nhất bậc trung học tức lớp 6 ngày nay) trường Quốc Học (Huế) năm 1907.

Một người bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung ghi nhận lúc học Quốc Học, Cung vẫn mang tên nầy. Tài liệu nầy cho biết thêm rằng đang học lớp nhất niên trường Quốc Học [tương đương với lớp ngày nay], Cung cùng học sinh Quốc Học tham gia biểu tình trong vụ Trung Kỳ dân biến tại Huế tháng 4-1908. Pháp đàn áp cuộc dân biến. Cung lo sợ bị bắt, liền bỏ học, trốn vào nam.(6) Ông ghé Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, rồi làm giáo viên dạy Quốc ngữ và chữ Pháp ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào năm 1910, với tên mới là Nguyễn Tất Thành.(7) Như vậy, có thể Nguyễn Sinh Cung đổi tên thành Nguyễn Tất Thành trong khoảng thời gian nầy.

Trong khi đó, phụ thân của Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc) đang làm thừa biện [thư ký] bộ Lễ ở Huế, được bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Ðịnh) tháng 5-1909, tức được thăng chức. Ðiều nầy chứng tỏ Pháp và triều đình Huế lúc đó không quan tâm đến hoạt động của học sinh Nguyễn Sinh Cung, nên không ghép Nguyễn Sinh Huy vào tội không biết dạy con và mới cho phụ thân của Cung thăng quan. Năm sau (1910), quan huyện Nguyễn Sinh Huy dùng roi mây đánh chết người nên bị sa thải.

Dạy học tại trường Dục Thanh được nửa năm, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, lấy tên là Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche-Tréville và theo tàu nầy rời Sài Gòn, đi Pháp ngày 5-6-1911. Ông đặt chân đến Marseille, hải cảng miền Nam nước Pháp, ngày 6-7-1911.

Sau hơn hai tháng có mặt ở Pháp, Nguyễn Tất Thành viết tay hai lá đơn đề ngày 15-9-1911, có nội dung giống nhau; một gởi cho tổng thống Pháp, một gởi cho bộ trưởng bộ Thuộc địa Pháp, xin vào học École Coloniale (Trường Thuộc địa) ở Paris, nơi đào tạo những quan chức cho các nước thuộc địa Pháp. Ðơn của Nguyễn Tất Thành bị người Pháp từ chối.

Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi tàu biển một thời gian. Sau đó, ông cư trú ở Luân Ðôn (London), thủ đô của Anh. Giữa năm 1919, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, tiếp xúc với nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Nhờ sự giới thiệu của ba người nầy, Thành bắt đầu làm quen với giới chính trị Paris, nhất là giới chính trị đối lập với chính phủ Pháp.

Sau khi cả bốn người cùng ký bản "Revendications du peuple annamite", ba người trước tránh mặt vì lý do an ninh, Nguyễn Tất Thành thường đại diện nhóm, dùng tên Nguyễn Ái Quốc để liên lạc với báo giới và chính giới. Có thể do đó, dần dần Thành dùng luôn bút hiệu Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của ông. Trong suốt cuộc đời còn lại, Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Ái Quốc còn có cả vài chục tên khác nhau, cho đến khi ông lấy tên cuối cùng là Hồ Chí Minh.

Có một điểm đáng chú ý: Nguyễn Sinh Cung bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng tên Nguyễn Ái Quốc và kết thúc sự nghiệp chính trị bằng tên Hồ Chí Minh. Hai tên nầy đều do Nguyễn Sinh Cung chiếm dụng của người khác.

Nguyên tại Nam Kinh (Trung Hoa), Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt Nam, đã lập ra Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh. Khi đến Hồ Nam năm 1937, Hồ Học Lãm lấy bí danh là Hồ Chí Minh.(8) Năm 1938, Nguyễn Sinh Cung, lúc đó lấy bí danh là Hồ Quang, từ Liên Xô qua Trung Hoa lần thứ ba. Theo lệnh của Hồ Quang, những đảng viên cộng sản như Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Ðồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), Lý Quang Hoa (Hoàng Văn Hoan)... len lỏi vào hàng ngũ của Hồ Học Lãm. Hồ Học Lãm già yếu, ít hoạt động. Các đảng viên cộng sản liền núp dưới danh hiệu Việt Minh để hoạt động cho đảng CS, rồi dần dần chiếm dụng danh xưng nầy. Thủ lãnh Hồ Quang, cũng chiếm dụng luôn bí danh thủ lãnh Hồ Chí Minh từ năm 1942.(9)

Riêng danh xưng Hồ Chí Minh, Nguyễn Sinh Cung rất thích thú với tên nầy. Theo Trần Quốc Vượng, sử gia Hà Nội, trong bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)", thì ông Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Hồ Chí Minh, không phải là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm, mà là con ông Hồ Sĩ Tạo. Trước khi đám cưới, bà vợ của ông Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên ông Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của ông Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Theo Trần Quốc Vượng, Hồ Sĩ Tạo thương đứa con rơi, mới gởi gắm Nguyễn Sinh Sắc vào học trương Quốc tử giám ở kinh đô Huế. Trần Quốc Vượng còn viết rằng: "Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm."(10)

 

3.- Ngày sinh của Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh

Khi đến Pháp năm 1911, Nguyễn Sinh Cung dưới tên mới là Nguyễn Tất Thành, làm đơn xin vào học trường Thuộc Ðịa Paris. Trong đơn, Nguyễn Tất Thành tự khai là sinh năm 1892.(Xin xem tài liệu phía dưới.) Nay trong đơn vào hội Tam Ðiểm, Nguyễn Ái Quấc tức Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung, tự khai là sinh ngày 15-2-1895. Theo tài liệu của đảng CSVN, Hồ Chí Minh tức Nguyễn Sinh Cung lúc nhỏ, sinh ngày 19-5-1890. Ngày sinh nầy được đưa ra chính thức năm 1946, khi Hồ Chí Minh mới cầm quyền chưa được một năm.

Nhìn vào ba ngày hay năm sinh do chính Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quấc, rồi Hồ Chí Minh, tự tay viết ra, rõ ràng hoàn toàn không giống nhau cả năm lẫn ngày tháng. Năm 1911, khi xin vào học trường Thuộc Ðịa, có thể lúc đó phải theo điều kiện tuổi tác ghi danh vào học, Nguyễn Tất Thành đề là sinh năm 1892, tức vừa trên 18 tuổi vào năm 1911. Năm 1922, khi xin vào hội Tam Ðiểm, không hiểu dựa vào đâu, Nguyễn Ái Quấc ghi rằng ông ta sinh năm 1895, tức 27 tuổi vào năm 1922.

Chuyện ngày 19-5, sinh nhật Hồ Chí Minh là một thủ thuật chính trị. Nguyên sau khi Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945, theo quyết định của tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945, quân đội Nhật bị giải giới bởi quân Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16 và bởi quân Anh ở Nam vĩ tuyến 16. Tối hậu thư nầy không nói đến ai sẽ cai trị Ðông Dương sau khi quân Nhật bị giải giới, nên Pháp liền lợi dụng kẻ hở nầy, trở lại Ðông Dương.

Ở nam vĩ tuyến 16 (từ Tam Kỳ trở vào), Pháp theo quân Anh, đến Sài Gòn rồi dần dần tái chiếm miền Nam. Ở bắc vĩ tuyến 16, Pháp thương lượng với Trung Hoa, và đi đến hiệp ước Trùng Khánh ngày 28-2-1946, theo đó Trung Hoa chịu rút quân từ ngày 1 đến 15-3-1946, và chậm nhất là ngày 31-3-1946. Ngược lại, Pháp trả về cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Ðông, Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Hoa ở Ðông Dương, miễn thuế người Hoa ở Hải Phòng, và người Hoa chuyên chở hàng hóa ngang qua Bắc Việt sẽ khỏi phải chịu thuế.

Sau hiệp ước nầy, sáng sớm ngày 6-3-1946, sư đoàn 9 bộ binh Pháp đến Hải Phòng, dưới sự chỉ huy của trung tướng Jean Valluy. Túng thế, Hồ Chí Minh liền báo tin cho Pháp biết là ông ta đồng ý ký hiệp ước với Pháp. Vào buổi chiều cùng ngày, tại số 38 đường Lý Thái Tổ, Hà Nội, Hồ Chí Minh, với tư cách chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến, vội vàng ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp. Cùng ký bản văn nầy, ngoài Hồ Chí Minh, còn có Vũ Hồng Khanh (lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Ðảng), phó chủ tịch Quân sự uỷ viên hội của chính phủ. Về phía chính phủ Pháp, đại diện là Jean Sainteny.

Trong khi đó, từ tháng 9-1945, quân đội Pháp theo quân Anh đến Ðông Dương, chiếm Nam Lào, nhưng không tiến lên phía Bắc, vì vùng nầy do quân đội Trung Hoa giữ. Sau hiệp ước Trùng Khánh ngày 28-2-1946, quân Trung Hoa rời khỏi Lào ngày 12-3-1946. Pháp liền chiếm Vạn Tượng (Vientiane hay Viang Chan) ngày 23-4-1946.

Giải quyết xong việc Trung Hoa chịu rút quân khỏi Việt Nam, từ ngày 14-5-1946, đô đốc D'Argenlieu, cao uỷ Pháp tại Ðông Dương, bắt đầu mở cuộc kinh lý khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 lần đầu tiên. D'Argenlieu đến Vạn Tượng ngày 17-5-1946, và dự tính sẽ đến Hà Nội vài ngày sau.

Ðô đốc D'Argenlieu là cao uỷ Pháp tại Ðông Dương, nghĩa là vừa đại diện nước Pháp, vừa được xem là nhà lãnh đạo các nước Ðông Dương. Việt Nam mới ký thỏa ước Sơ bộ 6-3-1946 theo đó điều 1 ghi rằng Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Ðông Dương và trong Liên Hiệp Pháp. Hồ Chí Minh đón rước D'Argenlieu nghĩa là đón rước quốc trưởng đến thăm Hà Nội.

Việc Hồ Chí Minh ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp, chính thức hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Pháp tại Việt Nam, hoàn toàn trái ngược với lời thề diệt Pháp của Hồ Chí Minh khi trình diện chính phủ vào ngày 2-9-1945, gây sự bất bình trong các đảng phái chính trị và trong đại đa số quần chúng. Nay lại đón rước D'Argenlieu đến Hà Nội và phải theo đúng nghi thức quốc gia, ít nhất phải có treo cờ chào mừng. Chắc chắn điều nầy càng gây thêm bất bình nơi quần chúng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền VM vẫn ra lệnh treo cờ trong ba ngày 18, 19 và 20-5-1946. Việt Minh cho biết treo cờ không phải để chào đón đô đốc D'Argenlieu, mà để mừng sinh nhật Hồ Chí Minh, ngày 19-5. D'Argenlieu đến Hà Nội chiều ngày 18-5-1946. Hồ Chí Minh và D'Argenlieu gặp nhau hai lần trong hai ngày liên tiếp 19 và 20-5-1946, nhưng không đạt kết quả đáng kể.(11)

Trước sự kiện nầy, có dư luận cho rằng Hồ Chí Minh lúng túng trong việc phải treo cờ đón D'Argenlieu cho đúng nghi thức, mới có sáng kiến đặt chuyện treo cờ để mừng sinh nhật, nhắm làm cho ông ta và chính phủ của ông ta khỏi mất thể diện, đồng thời làm cho dân chúng khỏi bất bình. Dư luận nầy có phần hữu lý ở chỗ trước đó, Hồ Chí Minh không bao giờ nói đến chuyện sinh nhật của mình, nay tự nhiên bày ra chuyện mừng sinh nhật. Hơn nữa, có điểm đáng chú ý là trong đơn xin vào hội Tam Ðiểm, Nguyễn Ái Quấc ghi rằng ông ta sinh ngày 15-2-1895; nay Hồ Chí Minh lại công bố sinh nhật của ông ta là 19-5. Thế là nghĩa làm sao?

 

***

 

Tóm lại, ngày nay, không ai lấy làm lạ về việc Nguyễn Sinh Cung đã đổi nhiều tên, nhiều họ, nhiều năm sinh, tháng đẻ khác nhau, cho đến tên cuối cùng là Hồ Chí Minh với sinh nhật là ngày 19-5-1890. Ðiều đặc biệt là ngày chết của Hồ Chính Minh cũng không phải là một ngày. Người Việt Nam xem ngày chết rất quan trọng, thường tổ chức kỵ giỗ để tưởng nhớ người quá cố. Thế mà ngày chết của Hồ Chí Minh cũng được đảng Lao Ðộng chính trị hóa, để phỉnh lừa dân chúng.

Nhiều người cho rằng vì hoạt động chính trị, Nguyễn Sinh Cung phải hành động như thế. Ðiều nầy chẳng có gì sai trái. Vấn đề là những hoạt động chính trị của Nguyễn Sinh Cung đã đem lại được gì cho đất nước Việt Nam?

Nguyễn Sinh Cung tức Hồ Chí Minh nói rằng ông tranh đấu để giải phóng dân tộc. Cái giá của việc giải phóng theo kiểu Hồ Chí Minh mà dân tộc Việt phải trả thật quá cao. Nếu chọn lựa đi một con đường khác, không phải là con đường cộng sản, thì có thể tốt hơn. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam ra khỏi tay thực dân Pháp thì rơi vào tay thực dân nội địa (autocolonisation) [chữ của nhà báo Pháp Jean Lacouture], tức đảng CSVN, còn ác độc hơn thực dân Pháp. Giải phóng là cởi bỏ xiềng xích thực dân chứ không phải thay đổi xiềng xích thực dân, và để tiến lên chứ không phải để đi xuống.

Hồ Chí Minh nói rằng ông ta chống Pháp để giành lại độc lập? Nước Việt Nam càng ngày càng nhượng bộ và lệ thuộc Trung Quốc. Hồ Chí Minh bảo rằng ông ta tranh đấu cho tự do dân chủ? Dân chủ của Hồ Chí Minh là dân chủ theo kiểu "đảng cử dân bầu". Còn về tự do, sau năm 1954, khi các nhà trí thức, văn thi sĩ Bắc Việt yêu cầu trả văn học nghệ thuật lại cho văn nghệ sĩ, nghĩa là để cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, thì Hồ Chí Minh và đảng Lao Ðộng trả lời bằng cách bắt bớ, giam cầm, đày đọa cho đến cuối đời hàng lọat trí thức, văn thi sĩ, mà rõ nét nhất là vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội năm 1956.

Hồ Chí Minh cải cách ruộng đất, hứa hẹn để thăng tiến đời sống nông dân? Hơn hai trăm ngàn người chết vì cải cách ruộng đất, toàn bộ đất đai của dân chúng do cha ông để lại bị quốc hữu hóa vào tay nhà nước cộng sản. Hồ Chí Minh đánh Mỹ để cứu nước? Thật ra là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc... (12)

Ðó là những câu trả lời về mục đích cuộc đời chính trị của một nhân vật lịch sử thay tên đổi họ, như tắc kè thay màu da, chỉ để làm những việc hại dân, hại nước, nhất là du nhập và ứng dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam.

 

TRẦN GIA PHụNG

(Toronto 21-6-2007)

 

CHÚ THÍCH

1) Tam Ðiểm: Các hội viên Franc-Maçonnerie khi viết thư cho nhau, thường gọi nhau là huynh đệ/anh em (frère), hay thầy (maýtre), thường viết tắt: F hay M và thêm vào phía sau 3 chấm (điểm) như 3 đỉnh hình tam giác đều. Vì vậy, người ta gọi hội Franc-Maçonnerie là hội Tam Ðiểm. (Tập san Historia Spécial, Paris: số 48, tháng 7-8/ 1997, tr. 127.)

2) Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 1: 1892-1924, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 224.

3) Hội Tam Ðiểm gồm nhiều "obédiences", xin tạm dịch là "phân bộ". Mỗi obédience gồm nhiều "loges", xin tạm dịch là "tổ". Ở đây, Nguyễn Ái Quấc gia nhập vào tổ (loge) Fédération universelle thuộc obédience (phân bộ) GODF. GODF là viết tắt của chữ: Grand Orient de France.

4) Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam [Hồ chí Minh, từ Ðông Dương đến Việt Nam], Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tt. 44-45.

5) Chính Ðạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 374. Học bỗng lên tới 5,759.50 francs. Lúc đó, số tiền nầy khá lớn.

6) Lê Thanh Cảnh, tạp chí Hoài niệm Quốc Học, Huế: 1956, tr. 37-39. Ông Lê Thanh Cảnh là bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung.

7) Hồ Tá Khanh, Thông sử công ty Liên Thành, Paris: 1983, tr. 34.

8) Chính Ðạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, sđd. t. 168.

9) Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, tập 2, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 281.

10) Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb. Trăm Hoa, California, 1993, tt. 256, 258.

11) Chính Ðạo, Việt Nam niên biểu tập A 1939-1946, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1996, tt. 333-334.

12) Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422, phần chú thích.

 

T€I LIỆU 1: Lịch để bàn của Phạm Quỳnh, do bà Phạm Thị Hoàn, thứ nữ của Phạm Quỳnh, cung cấp.

 

T€I LIỆU 2: Xin chú ý trong đơn nầy, năm sinh của Nguyễn Tất Thành: 1892.

 

=END=

 

7- Câu Chuyện Ðiện Ảnh

 

- Hollywood 7 Ngày Qua

 

Natalie Nguyen

 (VNN)

 

Zeta-Jones: "Ðóng phim là một sở thích"

 

 

Ngôi sao điện ảnh Wales Catherine Zeta-Jones nhấn mạnh rằng đóng phim chỉ đơn thuần là do sở thích và nếu cô không còn xuất hiện trên màn bạc thì đó là một điều đáng buồn.

Nữ diễn viên của bộ phim "Legend of Zorro" 37 tuổi này trong năm 2002 với vai diễn Velma trong phim "Chicago" đã nhận được 8 triệu USD, cô nhận thấy sự nghiệp điện ảnh của mình sẽ thay đổi khi cô vào tuổi 40.

Cô nói: "Khi tham gia diễn xuất, đó là một thú vui của tôi, tôi không thuộc loại người nghĩ rằng đây là điều bắt buộc phải làm. Tôi chỉ cố gắng hết sức mình và khi tôi 40 tuổi, có lẽ mọi thứ sẽ không thay đổi. Nếu công việc của tôi thay đổi, điều đó cũng tốt. Vì tôi đã ý thức trước điều này".

Cô hiện đang sống tại Bermuda với chồng là Michael Douglas, hai người cưới nhau đã được 6 năm, cô luôn phân chia thời gian dành cho gia đình, nghỉ ngơi và công việc từ thiện.

Cô nói thêm: "Tôi cho rằng mình hay thương người và thích làm từ thiện. Tôi rất thích hoạt động này".

 

***

 

Damon là diễn viên có giá nhất Hollywood

 

 

Matt Damon được xem là một cái tên đáng giá nhất để đầu tư, tính trên tỉ lệ số tiền thu được và số tiền trả cho anh. Damon từng đóng vai một sát thủ cựu nhân viên CIA trong loạt phim "The Bourne Identity", có giá trị cao gấp hai lần so với Tom Cruise và Tom Hanks, theo tạp chí Forbes, cứ một USD trả cho anh sẽ thu lại được 29 USD. Vai diễn của Damon trong hai tập phim "Bourne" đã đem về 850 triệu USD, đứng hàng thứ ba trong số các phim hút khách nhất tại Hoa Kỳ. Vị trí thứ hai thuộc về Brad Pitt, với tỉ lệ 24 USD với 1 USD đầu tư, vị trí thứ ba là Vince Vaughn, cùng hạng với diễn viên bộ phim "Pirates of the Caribbean" Johnny Depp. Tin đồn rằng Jennifer Aniston là nữ diễn viên có hạng cao nhất trong danh sách 5 hạng đầu. Danh sách 10 hạng đầu: 1. Matt Damon; 2. Brad Pitt; 3. Vince Vaughn & Johnny Depp; 5. Jennifer Aniston; 6. Angelina Jolie; 7. Renee Zellweger; 8. Reese Witherspoon; 9. Ben Stiller; 10. Sandra Bullock.

 

***

 

Phim của Simpson không được công chiếu

 

 

Nữ diễn viên Jessica Simpson vừa phủ nhận thông tin cho rằng bộ phim mới nhất của cô quá tệ đến mức không được công chiếu trên các rạp chiếu bóng Hoa Kỳ. Bộ phim hài mới nhất của ngôi sao 26 tuổi này là "Blonde Ambition", trong phim cô thủ vai chính bên cạnh Luke Wilson, không đạt được kết quả như các nhà đầu tư mong đợi. Nguồn tin trong cuộc của UsMagazine.com cho biết: "Bộ phim sẽ được đi thẳng đến người tiêu dùng qua dạng dĩa DVD và chỉ được công chiếu ở các rạp chiếu phim nước ngoài. Bộ phim quá tệ, điều này giống như một cú sét đánh, nhất là khi có sự tham gia của Jessica". Nhưng một phát ngôn viên của Simpson thì nói: "Ðây là một bộ phim sẽ công chiếu". Một trong số các nhà sản xuất là người từng thực hiện bộ phim "Malcolm in the middle" Justin Berfield, hiện đang sống ở Calabasas, California ngay tại ngôi nhà từng thực hiện chương trình truyền hình nổi tiếng của Simpson: "Nick and Jessica".

 

***

 

Phim của Jackie Chan bị cấm ở Trung Quốc

 

 

Bộ phim hài hành động mới nhất của Jackie Chan, Rush Hour 3, vừa mới bị cấm chiếu ở Trung Quốc dù anh được xem như một anh hùng dân tộc. Bộ phim của nam diễn viên gốc Hong Kong này bị tranh cãi về cảnh một gia đình có dính líu đến tội ác đi du lịch Paris. Việc hợp tác với các thành viên hội Tam Hoàng đã khiến cho chính quyền Trung Quốc nổi giận. Tuy nhiên cơ quan quản lý điện ảnh quốc gia nhấn mạnh rằng việc cấm chiếu bộ phim này là vì lý do thương mại, dù hai bộ phim đầu tiên trong loạt phim này thu hút rất nhiều người xem. Xiao Ping, quan chức phụ trách cơ quan xuất nhập khẩu điện ảnh Trung Hoa nói: "Chúng tôi cho rằng bộ phim này sẽ không thu hút được khán giả Trung Quốc". Theo các quy định của Trung Quốc, một năm chỉ có 20 bộ phim nước ngoài được công chiếu và đa số bị kiểm duyệt kỹ trước khi phát hành - ví dụ như bộ phim "Pirates of the Caribean: At World's End" có sự tham gia của Châu Nhuận Phát hồi đầu năm nay.

 

***

 

Fuentes được tạp chí Fitness đặt danh hiệu ngôi sao của trí óc, cơ thể và tinh thần.

 

 

Daisy Fuentes đã được tạp chí Fitness lần đầu tiên đặt danh hiệu ngôi sao của trí óc, cơ thể và tinh thần, nhờ vào Jennifer Lopez.

Nữ diễn viên - người mẫu này từng đính hôn với ngôi sao của Bros là Matt Goss, cô nhấn mạnh rằng chưa bao giờ đứng trước cơ hội được lên bìa tạp chí sau khi Lopez thuyết phục được các biên tập viên rằng những người hông to vẫn là những người đẹp.

Cô nói: "Phải có một người tự tin như Jennifer Lopez mới biến được một điều bất thường trở thành một cái đẹp".

Fuentes cũng sử dụng cơ hội này để bảo đảm với mọi người phụ nữ rằng việc giữ gìn vẻ đẹp cơ thể là một điều hoàn toàn dễ dàng.

Cô nói thêm: "Ðừng khắt khe với chính mình. Nếu bạn không thích điểm nào đó trên cơ thể thì hãy thay đổi. Ăn uống điều độ và tập thể dục".

Fuentes sẽ xuất hiện trên trang bìa số tháng 9 của tạp chí Fitness.

Mỗi tháng, các biên tập của tạp chí sẽ chọn một nhân vật nổi tiếng để thúc đẩy ý thức về sức khoẻ và cơ thể của tất cả mọi người phụ nữ thông qua các hoạt động từ thiện. Fuentes từng tham gia chương trình "Girl on the Run".

 

***

 

Minogue khóc vì hạnh phúc!

 

 

Hôm thứ sáu vừa qua, ngôi sao nhạc Pop Kylie Minogue xúc động đến phát khóc trong buổi tiệc mừng kỷ niệm 20 năm ca khúc đầu tiên của cô "The Loco-motion" được ra đời và ưa chuộng.

Trong bữa tiệc ở London có sự hiện diện của rất nhiều bạn bè lẫn thành viên gia đình của cô, cô đã oà khóc khi giám đốc Terry Blamey chúc mừng cô là "quyến rũ và mạnh mẽ".

Khi buổi tiệc chấm dứt tại lâu đài London's Fulham, Kylie tiếp tục cùng với bạn bè đi khiêu vũ tại câu lạc bộ Movida trong thành phố.

Sau khi toả sáng với vai Charlene Mitchell trong chương trình opera của Australia "Neighbours" vào cuối thập niên 1980, Minogue từ bỏ sự nghiệp biểu diễn để tập trung cho sự nghiệp ca nhạc và chiến thắng được căn bệnh ung thư hồi năm ngoái.

 

***

 

Cựu cận vệ của Lohan quy trách nhiệm về hành vi nổi loạn của cô ta cho cha mẹ cô

 

 

Theo Tony Almeida, người cận vệ của Lindsay Lohan, cha mẹ của cô ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi nổi loạn của cô. Almeida từng là cận vệ của cô trong ba năm cho đến năm 2005, cho rằng Dina Lohan và Michael Lohan không hề dạy dỗ con cái mình đàng hoàng và bắt cô phải làm việc để cung phụng cho cuộc sống của họ. Anh ta nói với tạp chí In Touch: "Từ khi còn trẻ, cô ta phải đáp ứng tiền bạc thoả mãn nhu cầu ma tuý của cha và nhu cầu rượu chè của mẹ". Almeida cũng nói rằng anh phải xô Michael ra khỏi con gái của ông ta - lúc đó mới 16 tuổi - sau khi ông ta chận chiếc xe anh đang lái, nắm con gái mình lôi ra khỏi xe, la hét và gọi cô là "đứa con gái hư". Anh cũng nói thêm rằng Dina thường xuyên "Ðể cho cô ấy làm gì cũng được, miễn là cô ấy thích và tiếp tục làm việc... Trong ngày sinh nhật thứ 16 của cô, Lindsay có thể uống bất cứ thứ gì cô thích - chính mắt tôi thấy Lindsay uống bia uống rượu mà Dina không hề can thiệp. Lindsay là con bò sữa của gia đình và cô rất buồn giận về điều này. Họ hoàn toàn dựa vào cô để thanh toán mọi chi phí... Tôi từng thấy Lindsay hoàn toàn kiệt sức và phải van xin mẹ cô để được nghỉ ngơi". Trong cuộc phỏng vấn, Almeida cũng nói rằng cha mẹ của Lindsau đã cho phép cô qua đêm với anh chàng bạn trai cũ Aaron Carter khi cô mới 15 tuổi và cậu kia mới 14, điều này đã đẩy cô đến việc hít ma tuý khi mới 18 tuổi. Anh cũng khẳng định nữ diễn viên này từng lấy dao cắt tay và doạ sẽ tự tử trong những năm mới lớn.

 

***

 

Paltrow đồng tổ chức chương trình nấu ăn

 

 

Diển viên từng giành giải Oscar Gwyneth Paltrow đang chuẩn bị tổ chức chương trình dạy nấu ăn cùng với bếp trưởng danh tiếng Mario Batali. Cô sẽ quay về Tây Ban Nha, nơi mà cô đã lớn lên, để hợp tác với Batali quảng bá cho các món ăn dân tộc, chương trình sẽ được quay vào tháng mười và tháng mười một để chiếu trên kênh truyền hình Hoa Kỳ PBS. Paltrow vốn nói tiếng Tây Ban Nha rất trôi chảy nên mau mắn đồng ý khi được Batili đề nghị về kế hoạch đi vòng quanh Tây Ban Nha, nấu ăn và giới thiệu các món ăn địa phương. Cô nói với tạp chí W: "Tôi nói với anh ấy rằng tôi sẵn sàng, một lúc sau đó anh ta có vẻ như nghĩ rằng tôi đang nói đùa và tôi khẳng định mình hoàn toàn không đùa. Tôi ăn tất cả các món ăn Tây Ban Nha. Ðủ các món cá, lươn v.v." Nhưng cô sẽ tránh xa các món thịt, vì cô không ăn thịt heo hay thịt bò: "Tôi không ăn được, nên chắc chắn tôi sẽ không thử được món jamon (Một món ăn làm từ thịt đùi heo) ".

 

***

 

Blanchett không gội đầu nữa!

 

 

Diễn viên từng đoạt giải Oscar Cate Blanchett quyết định không gội đầu nữa để tỏ rõ quan điểm bảo vệ môi trường và làm tấm gương cho con mình. Cô thừa nhận đã đặt rất nhiều thiết bị bấm giờ quanh nhà để hạn chế năng lượng - và giờ là không gội đầu nữa. Do không phải gội đầu nên Blanchett nói: "Tôi chỉ mất từ một đến hai phút để tắm. Tôi có xem một website và chồng tôi chọc tôi vì tôi đặt hàng mua 30 cái đồng hồ bấm giờ. Nhưng tôi nghĩ thật là tuyệt". Ngôi sao Babel quyết định sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để tiết kiệm năng lượng sau chuyến đến thăm vùng đất khô hạn ở Lake Samonsvale bắc Brisbane, Australia. Cô nói với nhật báo Sydney Daily Telegraph: "Tôi rất lo ngại về sự thay đổi khí hậu, vì tôi muốn bảo đảm con mình được an toàn. Thật tuyệt khi thấy con tôi cũng bắt chước tôi, ví dụ như khi đánh răng, bạn mở nước, rồi khi lấy kem đánh răng, bạn tắt nước đi để không hoang phí". Ngôi sao người Australia này cũng giảm thiểu việc sử dụng xe hơi và đã chuyển toàn bộ hệ thống cung cấp điện nhà sang dùng năng lượng xanh.

 

***

 

Jolie phủ nhận chuyện chia tay với Pitt

 

 

Angelina Jolie vừa phủ nhận tin đồn rằng quan hệ giữa cô với Brad Pitt đang lung lay, cô nhấn mạnh rằng cả hai "hoàn toàn tin tưởng nhau".

Ngôi sao "Tomb Rider" vừa thổ lộ tâm tình về mối quan hệ của mình với tạp chí Pháp, khẳng định rằng sự tin tưởng và chung thuỷ đã gắn kết hai người với nhau.

Cô nói với Public: "Anh ấy để tôi nói bất cứ cái gì tôi thích, anh ấy hoàn toàn tin tôi".

Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng nếu anh chàng 43 tuổi này muốn giữ được cô mãi mãi thì anh phải tỏ ra quyến rũ.

Pitt và Jolie đến với nhau từ năm 2005 và hiện có 4 đứa con chung.

 

***

 

Phillippe phủ nhận chuyện hoà giải

 

 

Diễn viên Hollywood Ryan Phillippe vừa phủ nhận tin rằng anh đang cố gắng níu kéo mối quan hệ hôn nhân với Reese Witherspoon sau khi người ta thấy họ ăn trưa với nhau.

Hai người chia tay vào tháng 10 năm ngoái, sau sáu năm hôn nhân và có hai đứa con. Họ cũng đang trong quá trình ly dị.

Nhiều tin gần đây cho rằng hai người đã chạy bộ, đi mua sắm và ăn trưa với nhau ở Brentwood, Calif., một người bạn giấu tên nói " Reese và Ryan đang cố gắng. Họ vẫn còn rất gần nhau".

Tuy nhiên, đại diện của nam diễn viên này nói với tạp chí New York Post: "Ðiều này sai sự thật".

 

***

 

Ngôi sao bộ phim Grey's Anatomy chỉ trích xã hội Hollywood

 

 

Ellen Pompeo, ngôi sao bộ phim "Grey's Anatomy" vừa lên tiếng chỉ trích cuộc sống xã hội tại Hollywood, những người "giàu có và nổi tiếng một cách không xứng đáng" đang là tấm gương xấu cho những người hâm mộ trẻ tuổi.

Cô nói với tạp chí Los Angeles Confidential: "Tôi cho rằng các phương tiện truyền thông phải định hướng để đất nước phát triển theo cách khác. Chúng ta vẫn đang tập trung vào một điều hoàn toàn sai. Chúng ta dạy cho trẻ em gái rằng cần phải tập trung vào những cô gái giàu có và nổi tiếng, những người giàu có và nổi tiếng nhưng vô tích sự. Chúng ta đang làm gì vậy? Ðiều này rất quan trọng".

Pompeo cũng chỉ trích các phương tiện truyền thông là "vô trách nhiệm" trong việc quá quan tâm đến chứng rối loạn ăn uống của cô, cô nói thêm: "Tôi chỉ lo cho những cô bé đang nhìn tôi - tôi không muốn họ nghĩ rằng tôi nhịn ăn quá đáng, và thế là họ cũng sẽ bắt chước theo tôi".

 

***

 

Beyonce đại diện cho chiến dịch quảng bá mới của American Express

 

 

Ngôi sao nhạc R & B Beyonce Knowles vừa trở thành khuôn mặt đại diện mới của American Express. Ca sĩ này từng đại diện cho Pepsi, L'Oreal và McDonald's - Cô sẽ là khuôn mặt chính trong chiến dịch quảng cáo của tập đoàn tài chính này, tham gia vào hàng ngũ của các diễn viên như Robert De Niro và Kate Winslet, cũng như vận động viên Tiger Woods và Venus Williams. Một nguồn tin của tạp chí OK! cho biết: "Cô ấy là một khuôn mặt tiêu biểu. Cô có một cách thu hút khủng khiếp không khác gì Tiger Woods. Cô được nhiều người ngưỡng mộ và chắc chắn là rất phù hợp với American Express".

 

***

 

Judd nói mình bị sốc khi hay tin chồng bị bắt

Ngôi sao nhạc đồng quê Wynonna Judd đang rất bàng hoàng sau khi biết chồng cô là D.R Roach vừa bị bắt do dính líu đến vụ bạo hành với trẻ em hồi đầu năm nay.

Cô đang làm thủ tục ly dị với Roach chỉ vài ngày sau khi anh ta bị bắt và bị buộc tội hành hung trẻ 13 tuổi hồi tháng ba vừa qua.

Judd mô tả cảm giác của cô là "không tin và bị sốc". Cô nói với tạp chí Ladies'Home Journal: "Có những điều mà bạn đọc được trên báo và nghĩ rằng điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho gia đình mình".

Tuy nhiên Judd vẫn còn tiếp xúc với chồng, và vẫn tiếp tục đeo nhẫn cưới.

Cô nói thêm: "Thật khó có thể bình tĩnh sau một đêm, tôi đang cố gắng tỉnh táo. Do vậy tôi vẫn đeo nhẫn cưới. Chúng tôi đã gặp nhau và nói chuyện qua luật sư cũng như những người hoà giải. Vấn đề vẫn còn mang tính riêng tư và còn nhiều chi tiết quan trọng trước khi có quyết định cuối cùng".

Hai người kết hôn vào năm 2003, ly thân vào tháng 12, đến tháng 2, Roach phải vào trại cai nghiện vì quá nghiện rượu.

 

=END=

 

8- Truyện Ngắn Trong Nước

 

- Bóng Ðêm

 

Hoài Hương

 

Thời gian dừng lại, lặng ngắt, chợt vỡ vụn bởi tiếng thét đầy bi phẫn và tuyệt vọng: Không! Không thể! Bích Hồng, nói lại chính xác, Thúy Ngọc lên cơn cuồng nộ lao ra khỏi phòng. Bóng đêm nuốt chửng lấy cô...

1. Các báo thành phố đồng lọat đưa tin: 22 giờ đêm qua, tại vũ trường "Không Có Ðêm" ở trung tâm thành phố xảy ra vụ cháy lớn... Số thương vong chưa được thông báo cụ thể... Trong số các nạn nhân được chuyển đến trung tâm cấp cứu thành phố có hai chị em, theo giấy tờ còn sót lại là Bích Hồng, Thúy Ngọc, song do bị bỏng nặng và hôn mê nên chưa rõ ai là chị, là em...

Ở hai nơi khác, có hai người con trai, sau hai ngày mới đọc được các dòng tin trên và họ cùng quay trở lại thành phố. Lao vào bệnh viện gần như cùng lúc. Hai người thất thần nhìn vào phòng cấp cứu đặc biệt qua tấm cửa kính: Chỉ là hai hình nhân băng kín mít, cứng đờ, trắng toát, trên đầu, trên người chằng chịt những dây, ống, chai, lọ, máy móc... Bác sĩ cho biết, một trong hai cô bị chấn thương sọ não, khó qua khỏi, người kia có hy vọng qua cơn nguy hiểm, nhưng các di chứng do bỏng lửa thì... phải đợi sau này mới biết, rồi ông lắc đầu ngậm ngùi: "Họ còn trẻ quá, mới 20-21 tuổi". Hai người con trai buồn bã nhìn nhau, họ bắt tay và cùng chia sẻ: Nguyên, bạn trai của Hồng, Quang, người yêu của Ngọc.

2. Hồng và Ngọc là hai chị em ruột được sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha là nhà doanh nghiệp nổi tiếng thành đạt ở giới thương trường về ngành điện-điện tử. Mẹ của hai chị em nổi tiếng hoa khôi của thành phố, nhỏ hơn cha họ một nửa số tuổi. Ðám cưới cha mẹ họ ngày ấy là sự kiện gây không ít tai tiếng. Sau ngày cưới ít lâu, Hồng ra đời và Ngọc cũng được sinh ra liền năm sau. Khi Ngọc tròn tháng, mẹ hai chị em qua đời. Người cha buồn phiền, ngoài công việc là chìm đắm trong những chai rượu hoặc nhốt mình ở trong phòng ngủ. Có lúc ông đi nước ngoài liên tục, chẳng ngó ngàng gì đến hai cô con gái, mọi việc ông phó mặc cho người vú. Hồng và Ngọc cứ thế lớn lên bằng tiền bạc giàu sang của người cha, quen với sự chiều chuộng của người làm trong nhà và tự do làm những gì theo ý thích.

Không chênh nhau nhiều, Hồng-Ngọc như hai chị em sinh đôi, đi đâu cũng có nhau, cùng học chung trường chung lớp, nhưng càng lớn, hai người càng khác nhau, như thể họ không phải là chị em ruột sống chung mái nhà. Tất cả những nét đẹp của cha và mẹ hình như dồn hết sang Hồng, Hồng đẹp mê hồn từ ánh mắt, đôi môi, sóng mũi đến dáng người thon thả. Còn Ngọc, bước qua tuổi dậy thì vẫn cứ gầy gò, gương mặt thô cứng. Tính tình hai người trái nhau như mặt trời, mặt trăng. Ngọc không đẹp song có duyên ngầm, đằm thắm, dịu dàng, giản dị, thông minh, khá sâu sắc, chăm chỉ, với người làm trong nhà thân thiện tử tế, thường giúp đỡ họ. Ngược lại, Hồng lười biếng, vô tâm, vô lo, chỉ thích mua sắm, ăn diện, đam mê các thú vui thời thượng ở vũ trường, nhà hàng, cô là nỗi khiếp sợ của người nhà mỗi khi trái ý.

Nhưng rất lạ, Hồng-Ngọc lại gắn bó thương yêu nhau, tình cảm của họ như có một sợi dây vô hình huyền bí buộc vào. Hồng đau, thì tự dưng ít phút sau Ngọc cũng đau y hệt vậy. Ngọc ăn gì đó hơi mặn, thì Hồng cảm thấy khát khô họng. Giữa họ còn có mối giao cảm kỳ lạ, có thể truyền đạt ý nghĩ cho nhau, giống như hai người là một thể thống nhất, đây cũng là bí mật riêng của hai chị em. Chữ viết hai người giống nhau như từ một người viết ra. Khi Hồng lên trả bài, ở dưới Ngọc thầm đọc và Hồng hoàn thành cuộc khảo sát dù chẳng học chữ nào. Ðã có lần thi, hội đồng giám khảo thật sự bối rối với hai bài thi giống nhau như bản copy, nhưng của hai thí sinh ở hai phòng thi khác nhau, cách xa nhau. Ngọc không đi chơi, song khi đón Hồng về, Ngọc có thể trêu chọc chị những gì xảy ra của đêm vui như thể Ngọc có mặt ở đó với Hồng. Trò chơi hai chị em đua tài là ký chữ ký của nhau, Hồng ký tên Ngọc, Ngọc ký tên Hồng, ai giống hơn thì thắng... Người này đi đâu, người kia ngóng đợi. Ngỡ rằng cuộc đời này khó có gì tách rời được họ...

Nhưng cha họ, ông đối xử với hai chị em bằng hai tình cảm trái nhau đến khó hiểu cả với người nhà và bản thân Hồng-Ngọc. Với Hồng, ông yêu chiều như vàng như ngọc, không bao giờ nặng lời, dù Hồng có nhiều khi tỏ ra ương bướng, hỗn xược, ngang ngược, gây phiền hà cho ông. Có lần ông đã đuổi một người làm chỉ vì Hồng không thích người đó. Ông vui vẻ chi trả các khoản tiền lớn cho Hồng thỏa sức mua sắm ăn chơi cùng bạn bè. Có khi cao hứng, hay trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, ông hãnh diện khoe: "Mai mốt tôi giao hết tài sản cho con gái cưng của tôi cai quản". Còn Ngọc, hình như ông ghét cô. Có lẽ vì Ngọc không là con trai như ông hy vọng, lại thêm do sinh cô mà mẹ cô mất sớm, làm ông hụt hẫng tắt đi giấc mơ có người nối dõi. Ông khắc nghiệt từng tí một với Ngọc. Ông hay đem những lỗi lầm của Ngọc bêu riếu trước mặt mọi người, khó chịu với những nét thô vụng của Ngọc: "Nhà ta đâu có thứ con gái xấu xí vậy". Không việc gì Ngọc làm mà ông hài lòng: "Có ai vụng về đến thế không?". Ngọc xin ông tiền, ông la mắng từ chối: "Phải biết tiết kiệm, muốn tiêu xài tự làm ra, đừng tập thói tiêu hoang xài phí". Một lần say rượu, Ngọc dìu ông lên phòng nghỉ, ông xô Ngọc ra, rồi hét: "Không phải con ta...". Ðêm đó, Ngọc mất ngủ. Lần đầu tiên Ngọc tự hỏi - Tại sao ông lại bất công với cô, hay cô không phải là con ông? Ngọc trở nên kín đáo, trầm lặng... Một ngọn lửa ngầm nhen nhúm đang bừng lên trong Ngọc.

Năm Hồng 19 tuổi, người cha qua đời sau cơn bệnh. Trước đó, ông đã kịp làm di chúc để lại. Người luật sư của ông và gia đình theo ủy nhiệm đã đọc thư ông gửi và mở cuộn băng ghi âm những lời dặn dò cuối cùng của ông: "Di chúc sẽ được mở khi Hồng tròn 24 tuổi. Hiện tại, Hồng sẽ đứng tên một tài khoản trong ngân hàng, cũng như thay mặt ông quản lý công việc kinh doanh cùng các giấy tờ giao dịch khác với bạn hàng". Hồng hờ hững nhận xấp giấy tờ, chìa khóa và vài thứ linh tinh khác do luật sư đưa. Còn Ngọc, cô không nói, một thoáng bóng đêm lướt qua mắt cô, song bản tính kín đáo trầm lặng nên không ai đọc được gì trên nét mặt cô.

3. Bệnh viện và các bác sĩ đã làm hết những khả năng có thể, nhưng một trong hai chị em đã không qua khỏi. Người còn lại chưa tỉnh. Do vết thương bỏng quá trầm trọng nên không thể biết người còn sống là Hồng hay Ngọc. Luật sư của gia đình đề nghị chờ người kia tỉnh lại. Một tuần lễ trôi qua trong hồi hộp của mọi người, cô gái đã tỉnh dậy.

- Cô tên gì?

- Tôi... Tôi... Em Ngọc đâu?

Cô gái lại rơi vào một cơn hôn mê ngắn.

Ông luật sư nhíu mày. Nguyên mỉm cười. Quang nhắm mắt một phút rồi đi ra ngoài, miệng lẩm bẩm: "Không thể... Là em". Những người thuộc cơ quan luật pháp và bác sĩ vội vàng ghi chép.

Ngày hôm sau, đám tang Thúy Ngọc được tiến hành trong sự tiếc thương của gia đình và bạn bè. Hồng đã tỉnh, được thông báo. Qua ánh mắt ló dưới lớp băng, có dòng nước mắt và khoảnh khắc vô hồn.

Hồng khỏe lại, nhưng không ai dám cho Hồng soi gương. Gương mặt cô bị biến dạng khủng khiếp bởi các vết sẹo lồi lõm, thân hình chỉ còn da bọc xương, chi chít vết sẹo bỏng loang lỗ chỗ trắng chỗ đen. Dựa theo các tấm ảnh chân dung của Hồng, nhờ những bàn tay khéo léo và sự tiến bộ y học của các bác sĩ và nhờ vào khả năng tài chính của gia đình, sau gần một năm, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật cấy, ghép, chắp, vá, sửa chữa, Hồng đã trở lại nguyên vẹn vẻ đẹp mê hồn trên gương mặt và thân hình xinh đẹp ngày trước. Chỉ còn hai tháng nữa là sinh nhật 24 tuổi của Hồng. Cô mỉm cười chào tất cả mọi người.

Ngày đầu tiên trở về nhà sau một năm vật lộn với sống còn của tai nạn, Hồng đứng chôn chân trước di ảnh của Ngọc. Có một lúc Hồng như bị mộng du, miệng lắp bắp: "là ta... là ta...", bóng đêm trùm lên người Hồng. Cô ngã ra bất tỉnh... Ảnh Ngọc trên bàn thờ câm nín lạnh lẽo.

Có một sự thay đổi trong người Hồng. Hồng trầm lặng, ít nói cười như trước kia, dịu dàng lễ phép với mọi người. Hồng cho thay lại toàn bộ tủ áo quần của mình dù nó vẫn rất mốt, hợp thời trang, cô dặn người may những bộ đồ có màu nhẹ, kín đáo. Mỗi khi tiếp xúc với khách cô thận trọng rất ít lời và mỗi khi buông bút ký giấy tờ, cô thường im lặng vài phút rồi mới ký. Mọi người cho rằng, sau tai nạn khủng khiếp kia, Hồng đổi tính. Hơn nữa Hồng mất mát quá lớn, mẹ, cha, em lần lượt ra đi vĩnh viễn. Phần khác, bây giờ Hồng là người thừa kế duy nhất của gia đình, mang vai trò quản lý công việc kinh doanh của người cha... Nên Hồng phải giữ vị trí cô chủ đầy quyền uy và giàu có. Duy có ba người, mỗi lần gặp Hồng, họ cứ gờn gợn một cái gì đó không thật, nhưng không thể rõ đó là điều gì. Họ lặng lẽ, bí mật quan sát, theo đuổi những ý nghĩ riêng mình.

Ông luật sư luôn nhíu mày khi cầm xem các giấy tờ Hồng ký tên. Ông không thấy gì lạ, vẫn là chữ ký như từ trước tới giờ, nhưng sao ông có cảm giác bất an, hình như nó thiếu thiếu, không phải. Thậm chí có lần ông đem cả kính lúp ra soi từng nét, chẳng phát hiện được gì. Chữ ký Bích Hồng có hình dáng như bông hoa rất toàn vẹn. Thời hạn mở di chúc càng tới gần, trong lòng ông càng bất an, gần nửa đời làm luật sư gắn bó với gia đình Hồng-Ngọc, cũng bằng thời gian đó, linh cảm mách bảo ông có một âm mưu rất tinh vi, song ông không làm rõ được. Ông bất lực, lo âu cái âm mưu đó đang dần đến, sự ủy nhiệm tin tưởng của người bạn đã khuất, ông lo không làm tròn. Ông thấp thỏm lo nghĩ đến bạc cả tóc.

Nguyên là con trai cưng của một gia đình quyền lực ở thành phố. Học giỏi và yêu cái đẹp toàn mỹ. Quen Hồng trong cuộc vui sinh nhật bạn. Nguyên yêu Hồng vì Hồng đẹp và vì cả sự kiêu hãnh của một chàng trai chinh phục, chiếm làm của riêng người đẹp nổi tiếng của giới thượng lưu thành phố. Phần nữa Hồng cũng sống hết mình trong tình yêu với Nguyên. Họ cũng đã tính toán vài dự định trong tương lai nhưng chưa rõ ràng. Khi Hồng gặp tai nạn, Nguyên mừng vì Hồng còn sống, nhưng khi nhìn Hồng dị dạng bởi các vết bỏng, Nguyên thở dài tiếc cho một sắc đẹp bị tàn phá. Nguyên từ từ ít đến thăm Hồng lấy cớ bận việc.

Một năm sau, Hồng trở về, đẹp hơn cả ngày trước, Nguyên hối hận về cách hành xử của mình, anh gặp Hồng thường xuyên, giúp Hồng điều hành công việc, chiều chuộng những sở thích của Hồng, anh muốn chuộc lỗi. Song Nguyên khó hiểu, tình cảm của Hồng với anh không nồng nàn đắm say như trước, mà Hồng cứ lành lạnh, thờ ơ, miễn cưỡng, có khi cáu bẳn với Nguyên nếu Nguyên tỏ ý thân mật quá trớn tí xíu. Có lần Hồng xô Nguyên và giận dữ khi Nguyên hôn Hồng. Ban đầu Nguyên nghĩ Hồng giận về thời gian Hồng gặp tai nạn, Nguyên ít chăm sóc, quan tâm, nên càng cố tình chăm chút Hồng. Ðến một lần, gần kề ngày sinh nhật Hồng, anh đến nhà với ý định dò ý cô thích gì anh mua tặng, Hồng tiếp anh trong chiếc váy ngắn hở cổ hơi sâu, anh buột miệng đùa: "Dấu son trên ngực em đâu cho anh ngắm". Hồng đang vui, bất chợt mặt trắng bệch, chạy vội vào phòng trong rồi cáo mệt, đuổi Nguyên về. Nguyên ghim câu hỏi trong đầu: "Hồng ơi... Có phải là em không?".

Quang hy vọng nhìn vào đôi mắt của hình nhân băng bó trắng toát đang nhìn đăm đắm vào mình, nhưng lúc nghe "Em Ngọc đâu?" anh thất vọng, đau đớn. Là một chuyên viên thiết kế ý tưởng quảng cáo, tài năng, Quang yêu Ngọc không phải vì cô là con nhà giàu, anh thấy ở cô sự giản dị, siêng năng, thông minh, có ý chí và nghị lực, không ỷ thế nhà giàu để kiêu kỳ. Anh hạnh phúc được Ngọc đáp lại tình yêu của anh trong sự tôn trọng, mến mộ tài năng và thấy được ở anh sự che chở cứng cáp. Họ đã hứa hẹn, có dự định tương lai, sẽ cưới nhau khi Ngọc tốt nghiệp đại học, Ngọc sẽ về ở với anh trong căn nhà do chính bàn tay anh tạo dựng. Họ đã có thật nhiều kỷ niệm sâu sắc. Mất Ngọc, Quang mất nửa trái tim. Một năm trôi qua, Ngọc vẫn in sâu trong anh kể cả giấc mơ, anh vẫn chưa quen Ngọc ra đi vĩnh viễn. Hôm giỗ đầu Ngọc, đến nhà gặp Hồng, anh thoáng rùng mình khi nhìn vào mắt cô, một cái nhìn quen thuộc, thân thiết kỳ lạ đối với anh. Ánh mắt của Ngọc. Và cũng như khoảnh khắc của giấc mơ, Hồng quay nhanh hướng khác và vội bước đi, để lại Quang lúng túng, thẫn thờ. Từ hôm ấy, anh âm thầm dõi theo Hồng. Anh càng thấy ở Hồng những gì quen thuộc. Có lần anh súyt nghẹn thở khi thấy Hồng mặc áo xanh ngọc, màu ưa thích của Ngọc, đi vào nhà sách Ngọc thường tới mỗi chiều tan học, anh tiến lại gần định chào Hồng, thình lình Hồng quay lại nhìn anh mặt tái mét, gấp gáp chạy đi như trốn tránh. Một đêm, Quang uống chưa say, anh cố tình đổ lên người cả chai rượu và đến gõ cửa nhà Hồng, anh lảm nhảm kêu tên Ngọc, ôm lấy Hồng và kể những kỷ niệm của Ngọc-Quang, rồi bất chợt anh giữ chặt lấy Hồng: "Em là Ngọc phải không?". Hồng giãy dụa, nhưng Quang không buông tha: "Nói đi, em là Ngọc phải không?". Hồng run bần bật, xám xanh mặt mày, và rồi như không còn đường nào thoát, cô lả đi trong tay Quang: "Tha lỗi cho em... Em yêu anh... Em không thể... Vâng... là Ngọc của anh... Nhưng... muộn rồi... Em không thể quay lại... Tha lỗi cho em... Quang ơi... Thương em... Tha lỗi cho em...". Quang tê tái, đau khổ. Mọi thứ như sụp đổ trong anh. Ôi, thà đừng biết sự thật, để Ngọc là viên ngọc của anh.

4. Không ai có thể hiểu Ngọc, kể cả Hồng. Trong cô đã nuôi ý chí phải đạt được những gì mình muốn. Cô thèm muốn vẻ xinh đẹp của Hồng. Cô thèm muốn được nhiều người ái mộ như Hồng. Cô căm thù người chị của cô đã lấy đi những tốt đẹp nhất mà đáng lý cô phải được hưởng như Hồng. Cô ghen tức với Hồng khi chị cô được chiều chuộng, yêu quý. Mỗi khi bị cha mắng hay từ chối điều gì trong cô lại bừng lên nỗi giận người chị, chỉ muốn trả thù. Ngày cha cô mất, Hồng được trao mọi quyền hành và tiền bạc, Ngọc đã đốt lên ngọn lửa, sẽ giành vị trí đó bất kể giá nào. Nấp dưới vẻ hiền thục của cô là một ý chí mãnh liệt của một người điên cuồng vì tiền bạc và quyền uy. Nấp dưới sự trầm tĩnh, phẳng lặng của cô là ngọn lửa tham vọng, ganh ghét dữ dội với hy vọng được như người chị. Cô âm thầm theo đuổi mục tiêu của mình một cách khôn khéo đến nỗi ai cũng nghĩ là rất bình thường. Vâng, không phải cô bày ra trò chơi ký chữ, không phải cô năn nỉ chị cô đừng cho ai biết họ có thể truyền ý nghĩ cho nhau... như là trò trẻ con. Nó là khởi đầu cho mục đích cô muốn thực hiện, chỉ còn chờ đợi. Cái đêm Hồng đi nhảy ở vũ trường "Không Có Ðêm", Ngọc bồn chồn, cô linh cảm thời cơ đã đến, linh cảm một con quỷ trong cô thật chính xác. Cô vào phòng Hồng, lấy áo của Hồng mặc trang điểm giống Hồng. Khi cô vào được bên trong, lên sàn nhảy, nắm được tay Hồng, thì cũng đúng lúc cô nghe tiếng hét "cháy". Ðèn tắt, bóng tối tràn ngập, tiếng la tràn ngập, cô bị xô ngã xấp xuống, một luồng gió bỏng rát liếm lấy cô, cô bất tỉnh, bên tai còn nghe văng vẳng tiếng Hồng gào thét: "Em Ngọc đâu? Em Ngọc đâu?". Rồi cô thấy mình trôi đi, có ai đó ôm lấy cô, cố sức đẩy cô đi. Cuối cùng cô chìm vào miên man bóng đêm dày đặc với giọng thét gọi của Hồng "Em Ngọc đâu?". Khi tỉnh dậy, tiềm thức mách bảo, hay linh cảm của quỷ cho cô cơ hội có một không hai, cô đã kêu lên: "Em Ngọc đâu?". Và tất cả mọi người dựa vào đó, đã cho cô là Hồng, tai nạn che đậy cho việc soán ngôi đầy thuyết phục bằng các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ.

Cô đã có tất cả - sắc đẹp và tiền bạc, giàu sang. Nhưng đêm đêm cô mất ngủ, cô sợ giấc ngủ vì cứ nhắm mắt thì Hồng lại hiện lên, người chị của cô nổi tiếng quậy phá, ăn chơi ở ngoài, song hết mực yêu thương cô, cô thấy chị Hồng khóc khi cô té chảy máu chân, cô bị cha la mắng, Hồng đến vỗ về, cô đi đâu về muộn, Hồng ra vào ngóng cửa không đợi người nhà mở cho Ngọc vào, cô ốm, chị cô tự tay nấu cháo cô ăn. Tới phút cuối trong hỗn loạn, Hồng vẫn nghĩ đến cô. Một chút sự hối hận cứ le lói, nhưng rồi ngọn lửa tham vọng kia lại lấn át, cô vật vã đêm này sang đêm khác. Ban ngày, với cô cũng là một địa ngục. Trong tâm thức, cô là Ngọc. Cô hiểu điều đó nên rất sợ khi gặp Nguyên-Quang và ông luật sư. Ông luật sư không thể thấy được chữ ký giả mạo bởi nó hoàn hảo, nhưng linh cảm nghề nghiệp và kinh nghiệm đã mách bảo ông một sự dối trá. Nguyên, hơi thực dụng, nên cảm giác hụt hẫng trong cách cư xử của cô đã làm Nguyên nghi ngờ về một con người khác - Vì cô là Ngọc, cô không phải là Hồng, yêu Nguyên. Còn Quang, tình yêu giữa hai người là có thật và sâu đậm, dù biết cô đã chết, song kỷ niệm quá sâu sắc nên Quang vẫn nghĩ là cô đang hiện diện. Và cô là Ngọc, cô không thể giấu Quang, bởi chính cô yêu Quang. Cô chỉ có thể là Hồng trước mắt mọi người.

Ngọc không còn đường nào. Cô đã thổi bùng ngọn lửa trong cô, bây giờ có muốn dập tắt cũng không thể. Tất cả những dự định của cô đã đến ngày kết quả, cô không muốn buông, cô nghĩ cô sẽ lấy được hết những mất mát và cô còn được nhiều hơn thế nữa.

5. Sinh nhật 24 của Hồng. Ông luật sư mời tất cả mọi người làm chứng theo đúng luật pháp, mời bè bạn thân hữu của gia đình đến dự buổi sinh nhật và mở di chúc. Quang- Nguyên cũng được mời với tư cách bạn bè thân thiết của gia đình. Hồng - phải là Ngọc mới đúng, đẹp hơn bao giờ hết. Lộng lẫy, rạng rỡ trong bộ váy áo màu đá Rubi, đứng cạnh ông luật sư, trên chiếc bàn dài bày biện ly cốc chén đũa sang trọng, chiếc bánh sinh nhật mang hình viên hồng ngọc cắm 24 ngọn đèn cầy hồng để gần lọ hoa to với 24 bông hồng nhung tuyệt đẹp. Chỉ còn chờ... Với Ngọc, tất cả chỉ là thủ tục, mọi việc diễn tiến thật hoàn hảo, không có kẽ hở nào. Cô đưa mắt nhìn Quang thầm nói: "Anh sẽ không phản bội em phải không? Chúng mình rồi sẽ được bên nhau. Em yêu anh và anh yêu em". Còn Nguyên, anh đến chỉ vì muốn thỏa chút tò mò, xem Hồng, dưới con mắt anh Ngọc là Hồng, sẽ thừa hưởng khoản tài sản khổng lồ đó là bao nhiêu. Trong anh, tình yêu đã nguội lạnh, anh không có ý nghĩ sẽ gắn bó với Hồng. Hồng bây giờ khác với Hồng ngày trước.

Ông luật sư đưa tay ra dấu, rồi lấy trong cặp ra một phong bì lớn còn nguyên dấu niêm và chữ ký của cha Hồng-Ngọc, mở niêm, ông rút tờ giấy, chậm rãi, rành rọt đọc: "Bích Hồng là con ngoại hôn. Những gì tôi cho cô ta đến lúc này là quá đủ. Tôi để lại toàn bộ tài sản bao gồm cả bất động sản cho con gái ruột của tôi là Thúy Ngọc. Nếu trường hợp Thúy Ngọc không nhận thừa kế, hoặc bị chết, thì số tài sản trên được chuyển cho quỹ từ thiện trẻ em khuyết tật thành phố..."

Thời gian dừng lại, lặng ngắt, chợt vỡ vụn bởi tiếng thét đầy bi phẫn và tuyệt vọng: Không! Không thể! Bích Hồng, nói lại chính xác, Thúy Ngọc lên cơn cuồng nộ lao ra khỏi phòng. Bóng đêm nuốt chửng lấy cô...

 

=END=

 

**********************************

 
 
 
Home Page
 
 
 
Tài Liệu
 
Tài liệu
Tài liệu Lưu trữ
Tin tức Lưu trữ
Nguyễn Quang Duy