- Người Tiêu Dùng Ðiên Ðầu Vì Giá Cả Hàng Hóa Tăng Cao
(Sài Gòn - VNN) Mặc dù thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng đang theo đà "xuống thang" nhưng một loạt các mặt hàng thiết yếu lại đang bước vào đợt tăng giá mới khiến người tiêu dùng không khỏi bị nhức đầu.
Các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết đã tăng giá bán bình quân từ 2.000 - 3.000 đồng. Cụ thể, từ ngày 19/9, các hãng Mobil Unique, PV Gas, Vinagas tăng 2.000 đồng/bình 12kg. Với loại bình tương tự, giá bán của VT - Gas lên đến 188.000 đồng/bình, tăng 3.000 đồng so với đầu tháng 9.
Theo ông Phạm Ðình Ðức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (PVGas), nguyên nhân tăng do nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Từ ngày 1/9, Thái Lan ngưng xuất khẩu gas, trong khi sản lượng gas Việt Nam nhập khẩu từ nước này khoảng 20.000 tấn/tháng. Ðồng thời, giá dầu thế giới đang tăng mạnh (trên 81 đôla một thùng trong ngày 18/9) đã tác động mạnh đến việc tăng giá gas. "Trong tháng tới giá gas trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh " - ông Ðức dự báo.
Ông Ðức cũng cho biết, kể từ đầu tháng 10, Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố của PV Gas tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạm ngưng hoạt động để bảo trì trong thời gian khoảng 20 ngày.
PV Gas cung cấp khoảng 40% sản lượng gas cho thị trường, vì vậy dù các doanh nghiệp có tăng sản lượng nhập khẩu cũng không bù đắp nổi lượng gas thiếu hụt trong nước. "Vào thời cao điểm, có tiền cũng chưa chắc mua được gas "- ông Ðức lo lắng nói.
Nguồn tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay, giá phôi thép nhập khẩu đang tăng rất mạnh. Tính đến tháng 8/2007, giá phôi thép nhập khẩu là 530 đôla 1 tấn (năm 2006 ở mức 389 đôla).
Bước sang tháng 9/2007, giá phôi thép nhập khẩu lên tới 570 - 580 đôla 1 tấn. Ðể cân đối lợi nhuận, ngay từ đầu tháng 9, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã tăng giá lên từ 100.000 - 200.000 đồng 1 tấn.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp thép cho biết sẽ còn tăng giá thép trong thời gian tới bởi nguồn cung ứng phôi thép chính là từ Trung Quốc nhưng nước này vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dưới dạng bán thành phẩm.
Kể từ ngày 18/9, giá nhiều loại sữa ngoại cũng bắt đầu tăng thêm khoảng 5-10%. Cụ thể Lactogen hộp thiếc 1kg tăng từ 119.000 đồng lên 122.900 đồng/hộp, Lactogen 1 hộp giấy loại 400g tăng thêm 9.000 đồng, Lactogen 2 hộp thiếc từ 62.900 lên 89.000 đồng/hộp, sữa Meiji tăng từ 177.000 đồng lên 195.000 đồng/hộp. Kể từ đầu tháng đến nay một số hãng sữa ngoại đã 2 lần tăng giá và tổng cộng mức tăng từ 5 -15%.
Tại chợ Cư xá Ngân hàng giá cá điêu hồng tăng từ 20.000 - 22.000 đồng lên 30.000 đồng/kg. Tương tự, thịt heo nạc tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg. Giá rau tươi cũng tăng gần gấp đôi. Ngoài ra các loại rau ăn, gia vị cũng tăng lên đáng kể.
Gạo nàng thơm chợ Ðào từ 8.400 đồng lên 8.500đồng/ 1kg, gạo tài nguyên Minh Hải lên mức 6.300 đồng, tăng 300 đồng/1kg, gạo nếp Sáp từ 7.500 đồng lên 7.700 đồng... Tại chợ bán sỉ thịt heo Phạm Văn Hai, giá bán sỉ heo hơi ngày 19/9 là 24.500 đồng/1kg, tăng 500đồng, heo thịt từ 29.000 - 33.000 đồng, tăng bình quân 1.000 đồng/1kg.
Tại các chợ đầu mối rau quả, một số loại như cải ngọt, gừng nội địa, hành củ đỏ, khoai lang, xà lách búp... tăng 200 đồng đến 1.000 đồng/1kg. Riêng giá cải thảo tăng 1.100 đồng lên 5.500 đồng/1kg. Một số tiểu thương cho biết, sở dĩ các mặt hàng này tăng giá vì nhu cầu xuất khẩu tăng cao trong khi lượng cung không đáp ứng kịp....
*Một loạt các mặt hàng thiết yếu lại đang bước vào đợt tăng giá mới.
=END=
- Lại Hỗn Chiến Dữ Dội Tại Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất
(Quảng Ngãi - VNN) Trong đêm 17, rạng sáng 18/9/07, tại cổng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) lại xảy ra một vụ hỗn chiến giữa công nhân xây dựng nhà máy lọc dầu và nhân viên Công ty bảo vệ Thiên Long. Vụ loạn đả này được xem là một trong những vụ gây rối nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xảy ra tại Dung Quất.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, đội trưởng Ðội bảo vệ, Công ty bảo vệ Thiên Long cho biết diễn biến của sự vụ như sau: Khoảng 22 giờ đêm 17/9, một nhóm công nhân khoảng 7 người mặc đồng phục của Công ty xây dựng Bạch Ðằng (đơn vị đang làm dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất) có giấu sắt trong người khi ra về sau giờ tăng ca.
Phát giác thấy sự việc, nhân viên của Công ty bảo vệ Thiên Long chặn lại, yêu cầu nhóm công nhân này không được mang vật tư của nhà máy ra ngoài. Khoảng 15 phút sau đó, số thanh niên này ra ngoài cổng dùng đá ném vào nhân viên Công ty bảo vệ Thiên Long. Sự vụ chưa dừng lại ở đó, khoảng 1 giờ 30 sáng 18/9, một nhóm công nhân khoảng chừng gần 30 người, ùa vào nhà máy lọc dầu đánh tới tấp nhân viên bảo vệ, khiến lực lượng bảo vệ Thiên Long không kịp trở tay.
Nhóm người này tiếp tục kéo vào dùng tuýp sắt, dao, gậy gộc, xẻng... đập phá phòng làm việc của công ty ngay tại cổng nhà máy lọc dầu. Khi cảnh sát cơ động và Công an Dung Quất đến thì số công nhân này đã tháo chạy. Hậu quả của vụ hỗn chiến đã làm 3 nhân viên bảo vệ bị thương, bàn làm việc, điện thoại và xe hơi của Công ty Thiên Long bị nhóm công nhân hung hãn đập phá tan tành.
Ông Bình cho biết thêm, trong mấy ngày qua lực lượng bảo vệ Thiên Long liên tục phát hiện, ngăn chặn công nhân trộm sắt đem ra ngoài nên một số công nhân tìm cách trả thù. Ngay trong lúc đang nói chuyện thì một nhân viên bảo vệ cho hay, vừa lập biên bản một công nhân lận trong người gần 30 kg sắt, định tẩu thoát ra ngoài. Một nhân viên bảo vệ ngao ngán nói: "Chuyện trộm cắp vật tư (chủ yếu là sắt, thép) của đơn vị thi công nhà máy xảy ra như cơm bữa. Có ngày chúng tôi phát hiện cả chục vụ".
Hiện nay tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất có trên một vạn công nhân làm việc suốt ngày đêm. Mặc dù lực lượng bảo vệ nhà máy đã quản lý khá nghiêm ngặt, ngay cổng ra vào cũng đã được trang bị hệ thống thẻ từ, nhưng vẫn không kiểm soát được tình hình trộm cắp vật tư tại đây. Khi lực lượng bảo vệ làm căng thì số công nhân quá khích này ném đá, tìm cách gây gổ đánh trả thù nhân viên bảo vệ.
Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất lo lắng, những thiết bị quan trọng của nhà máy đang chuẩn bị đưa về, nếu mất một chi tiết nào đó cho dù rất nhỏ, nhưng giá trị cũng lên đến tiền tỉ, và quan trọng hơn nữa là những thiết bị này được đặt hàng ở nước ngoài, nếu mất mát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xây dựng nhà máy. Ðiều đáng nói là liên tiếp những vụ mất cắp, loạn đả ở Dung Quất xảy ra gần đây đã được đích thân Phó thủ tướng CSVN Hoàng Trung Hải, rồi Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và các ngành liên quan phải nỗ lực khắc phục, song đến nay tình hình an ninh trật tự ở Dung Quất vẫn không ổn định.
=END=
- Trẻ Em Mắc Dịch Bệnh "Tay Chân Miệng" Ngày Càng Nhiều
(Sài Gòn - VNN) Chưa bao giờ số trẻ mắc bệnh "tay chân miệng" nhập viện tăng cao như hiện nay. Các bác sĩ điều trị cho rằng, các nhà dịch tễ cần vào cuộc điều tra nguyên nhân
Ngày 18/9, tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Ðồng 2 Sài Gòn, nhận số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng theo từng giờ. Bác sĩ Trần Thị Thúy, Phó Khoa Nhiễm cho biết, từ sáng đến 15 giờ cùng ngày, Khoa Nhiễm đã tiếp nhận thêm 15 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đa số là trẻ dưới 3 tuổi. Theo bác sĩ Thúy, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện trong ngày có thể sẽ còn tăng nữa.
Sự gia tăng bất thường của bệnh tay chân miệng suốt 2 tháng nay (những năm trước bệnh thường giảm hẳn vào tháng 7, tháng 8), đã khiến nhiều bác sĩ không ngờ số trẻ mắc bệnh tay chân miệng lại tăng cao như hiện nay. Bệnh nhi nhập viện ngày càng nhiều, các ca nặng ngày càng tăng, các bác sĩ trong Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Ðồng 2 đều cảm thấy "kinh hoàng". Tháng trước, số trẻ mắc bệnh đã tăng đến mức 30 trẻ nằm điều trị mỗi ngày, thế nhưng những ngày gần đây lại tiếp tục tăng "chóng mặt". Ngày 17/9 lên đến 75 ca và chỉ sau 1 ngày (18/9) đã lên đến 82 ca, con số cao nhất từ trước đến nay.
Số ca nặng cũng chiếm tỉ lệ rất cao. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Ðồng 1, cho biết ngày 18/9, trong số 52 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị (tăng gấp gần 3 lần so với tháng trước) thì số ca bị biến chứng viêm não, viêm cơ tim chiếm gần 70%. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, mùa của bệnh tay chân miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Như vậy, hiện mới là đầu mùa bệnh mà số trẻ mắc bệnh đã tăng như vậy thì dự báo cao điểm của bệnh (trong tháng 10 tới) sẽ rất đáng lo ngại.
Tuần trước, một cháu bé mắc bệnh tay chân miệng đã tử vong tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Ðồng 2. Còn tại Bệnh viện Nhi Ðồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng thừa nhận, dù các bác sĩ rất tích cực điều trị nhưng vẫn có vài trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng tử vong do nhập viện quá trễ. Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền rất nhiều về bệnh này, tuy vậy vẫn còn nhiều bà mẹ chưa biết đến những triệu chứng của bệnh để đưa trẻ đi điều trị sớm.
Ðó là trẻ bị sốt, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, giật mình, hốt hoảng, run tay chân... Nguy hiểm hơn là nhiều ca bệnh có diễn tiến rất nhanh. Cụ thể, ngày 17/9, cháu T.V.M.H, 7 tháng tuổi, ngụ ở quận 7 - Sài Gòn mới có triệu chứng sốt, nổi ít hồng ban ở lòng bàn chân và vẫn bú bình thường nhưng chỉ 2 ngày sau cháu đã bị sốc, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, nhịp tim nhanh, phải thở máy. Ðến 15 giờ ngày 18/9, bác sĩ điều trị cho biết diễn tiến bệnh của cháu cực kỳ xấu, có thể nguy hiểm tính mạng....
Chính vì nhiều ca bệnh có diễn tiến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều ông bố, bà mẹ có con mắc bệnh tay chân miệng, dù nặng hay nhẹ, đều lâm vào tình trạng hốt hoảng, lo sợ. Chị N.T.H, ngụ ở quận 7 - Sài Gòn buồn rầu kể rằng 2 ngày trước con chị vẫn còn khỏe mà giờ đây đã phải nằm thở máy trong phòng cấp cứu. Còn chị T.P.K, ngụ tại quận Tân Bình - Sài Gòn, cho biết dù bác sĩ bảo trường hợp của con chị nhẹ nhưng chị vẫn luôn thấy hồi hộp và lo sợ vì bệnh này có thể trở nặng và tử vong bất cứ lúc nào. Theo bác sĩ Thúy, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng cao như hiện nay chứng tỏ nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
*Trẻ 2m mắc bệnh tay chân miệng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2
=END=
- Việt Nam Mới Có 3 Người Mang Thai Ở Gan
(Sài Gòn - VNN) Thai phát triển ở gan là một vị trí thai ngoài tử cung rất hiếm. Cả thế giới ghi nhận được 22-23 ca. Còn ở Việt Nam từ năm 2002 đến nay, các bác sĩ đã thấy được 3 ca.
Năm 2002, một ca thai trong gan đã được ghi nhận tại bệnh viện Hùng Vương-Sài Gòn. Tuổi thai được 2 tháng và cũng đã được giải quyết thành công.
Ngày 19/5/2004, bệnh viện Trung Ương Huế công bố một trường hợp thai 4 tuần tuổi nằm trong gan. Ban đầu, thai bị chẩn đoán sai thành một áp-xe gan nhỏ. Sau khi phát giác một thai nhi trong gan, các bác sĩ đã tiêm thuốc để thai tự teo nhỏ đi.
Ca thứ ba được các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ báo cáo khi tiếp nhận sản phụ tên là L.T.L. (27 tuổi, ở Rạch Giá-Kiên Giang). Chị L. sinh con đầu lòng vào năm 2001, bằng phương pháp sinh thường.
Lần tiếp theo, chị L. mang thai ngoài tử cung. Thông qua kết quả siêu âm và CT scan, các bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ, Trung Tâm Medic, phát giác một thai sống khoảng 22 tuần trong ổ bụng dưới gan phải. Kích thước khối thai là 12x15x17cm. Bánh nhau dày 47mm, xâm lấn gan phải và có mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch gan phải.
Chị L. được các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật lúc 9 giờ 15 sáng ngày 30/8/07. Sau khi mở túi thai ở gan, các bác sĩ lấy ra một em bé gái nặng 600g đã chết. Sau đó, do nhau thai bong ra khỏi gan, gây xuất huyết ồ ạt, nên người mẹ cũng thiệt mạng.
Còn trên thế giới, vào ngày 23/5/2003, hãng tin BBC đã cho biết về một thai nhi đặc biệt ở Nam Phi. Thay vì phát triển bình thường ở trong tử cung của mẹ, thai nhi phát triển trong gan mẹ đủ ngày, đủ tháng. Bé sinh ra nặng 2,8kg. Ðây là em bé sống sót duy nhất trong khoảng hơn 20 trường hợp thai nằm ở gan trên toàn thế giới.
Theo thống kê từ năm 2005-2006 tại bệnh viện Từ Dũ, có khoảng 3-4,6% thai ngoài tử cung.
Bác Sĩ Phan Văn Quyền, chuyên viên của ban giám đốc bệnh viện Từ Dũ, cho biết, vào những năm 1990-1992, có 9% bà mẹ đã chết do thai ngoài tử cung. Vị trí thai ngoài tử cung thường gặp nhất là trứng đã thụ tinh làm tổ trong ống dẫn trứng (95-97%), ở đoạn kẽ là từ 2-4%.
Một vài trường hợp khác, khoảng 1%, trứng đã thụ tinh rơi ra khỏi ống dẫn trứng và có thể làm tổ bất cứ đâu trong ổ bụng. Thai nằm trong gan thực sự cũng là một dạng thai ngoài tử cung.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, thai nằm trong gan, một nơi rất giàu các mạch máu, cực kỳ hiếm, chỉ khoảng 0,01%.
Thai nhi vẫn được bảo vệ vì nằm trong nhau thai. Nhưng nó lại không nhận được một sự bảo vệ theo đúng chức năng tử cung của người mẹ, mà lại nằm trong một nơi chứa rất nhiều nguy cơ là ổ bụng.
Hầu hết các thai nhi ngoài tử cung đều thoái hóa và chết đi chỉ trong vài tuần.
Bác Sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung Tâm Y Khoa Medic, nói: "Ca thai nằm trong gan của sản phụ ở Kiên Giang là một ca thực sự cần phải rút kinh nghiệm, để cho các bệnh nhân sau có cơ hội sống sót."
Phương pháp siêu âm được sử dụng ngày càng nhiều kết hợp với xét nghiệm máu, nên tỷ lệ tử vong do thai ngoài tử cung đã giảm xuống do được phát hiện sớm.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện sớm, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội khoa mà không cần phải phẫu thuật. Người phụ nữ nhờ đó vẫn còn khả năng sinh đẻ cho những lần sau.
Về trường hợp chị L.T.L., theo Bác Sĩ Hải, sai lầm nằm ở chỗ: "Không phát hiện ra thai trong gan." Các bác sĩ chuyên khoa siêu âm về phụ khoa đã sử dụng đầu dò siêu âm đi ngõ đường âm đạo mà vào, tuy đúng phương pháp nhưng không phát hiện được vị trí thực của thai.
*Hình ảnh siêu âm cho thấy thai nằm trọn trong gan của sản phụ L.T.L., Tiền Giang.
=END=
3- Tin Thế Giới 20-09-07
- Miến Ðiện: 1.300 Nhà Sư Biểu Tình 3 Ngày Liên Tiếp Phản Ðối Chính Phủ Quân Sự
(Rangoon - VNN) Hôm nay 20-09 các nhà sư Miến Ðiện xuống đường tuần hành ngày thứ 3 liên tiếp phản đối nhà cầm quyền quân sự tăng giá nhiên liệu gây khó khăn cho đời sống dân chúng, cũng như phản đối chính quyền đàn áp những người biểu tình ôn hòa. Các nhà sư tuần hành khắp đường phố Rangoon dưới sự bảo vệ và ủng hộ đông đảo của đồng bào phật tử; đây là một diễn biến tích cực chưa hề xảy ra từ hàng chục năm qua. Trong những ngày đầu, dân chúng vẫn ủng hộ nhưng với thái độ dè dặt vì sợ bị đàn áp. Giới tăng lữ Miến càng thêm phấn khởi; họ tuyên bố sẽ tổ chức tiếp các cuộc tuần hành trong những ngày tới. Các nhà sư xếp hàng hai vừa đi vừa tụng kinh hướng về ngôi chùa lớn Shwedagon, nổi tiếng thủ đô Rangoon với hàng ngàn phật tử tháp tùng. Nhà cầm quyền quân sự đã đóng cửa ngôi chùa này từ vài ngày trước, nơi tụ tập của các nhà sư ở xa về xuất phát các cuộc tuần hành. Bị đóng cửa, đoàn biểu tình hướng về ngôi chùa Sule lớn thứ nhì tại Rangoon cũng dưới sự bảo vệ của các phật tử. Hôm nay người ta không thấy cảnh sát nào bao vây chung quanh đoàn biểu tình như trước, nhưng các công an thường phục bố trí tại các ngã ba đường đoàn biểu tình đi qua. Ngày 10-09 vừa qua chế độ quân sự cho binh sĩ và cảnh sát đóng chốt ngăn chận đoàn nhà sư tuần hành, diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Miến. Giới tăng lữ Miến luôn đi đầu trong các cuộc tranh đấu, trước tiên là cuộc đấu tranh chống lại cai trị của đế quốc Anh, kế đó là chống chế độ độc tài quân sự 1962. Họ luôn đóng vai trò chủ yếu trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ năm 1988 dù bị đàn áp đẫm máu.
* An ninh đóng cửa chùa Shwedagon, các nhà sư tuần hành đến chùa Sule
=END=
- Ngoại Trưởng Mỹ Hội Kiến Với Tổng Thống Palestine
(Ramallah - VNN) Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice rời Jerusalem sau khi hội kiến với Tổng thống Do Thái Shimon Peres, hôm nay 20-09 đến Ramallah tiếp xúc với Tổng thống Mahmoud Abbas chuẩn bị cho hội nghị quốc tế bàn về hòa bình Do Thái-Palestine. Cuộc tiếp xúc bắt đầu vào lúc 09g00 GMT tại Mouqataa, tổng hành dinh của chính phủ Palestine ở Ramallah. Bà Rice cũng đã hội kiến với Thủ tướng Palestine Salam Fayyad.
Tuyên bố với báo chí, ngoại trưởng Rice cho biết hôm qua 19-09 đã gặp ngoại trưởng Do Thái Tzipi Liniv và Thủ tướng Ehud Olmert, cả hai đều bày tỏ "ước muốn có hòa bình". Bà Rice cho biết sẽ gặp Tổng thống Palestine Abbas cũng trong chiều hướng này. Tất cả phải cùng nhau làm việc để có thể tổ chức một hội nghị quốc tế hòa bình Do Thái-Palestine. Ðến giờ một số nước được mời chưa được công bố.
Tính từ đầu năm nay Ngoại trưởng Rice đã đến Cận Ðông 6 lần, khai thông đàm phán Do Thái -Palestine bế tắc từ trên 7 năm qua. Trước khi bà Rice đến Jerusalem, Do Thái tuyên bố "Gaza là kẻ thù". Ðược báo chí hỏi về điều này, bà Rice trả lời là cần phân biệt "tổ chức khủng bố" với dân chúng Palestine. Hamas phản ứng về tuyên bố này của Do Thái, nói rằng họ tiếp tục "có ý đồ gây tội ác, chống lại nhân dân Palestine. Phát ngôn Hamas Sami Abou Zouhri kêu gọi chính quyền Palestine và các nước á rập tẩy chay hội nghị quốc tế Mỹ dự định tổ chức trong những tháng tới. Lực lượng an ninh của Tổng thống Abbas đã bị Hamas tấn công kiểm soát hoàn toàn dải Gaza hồi tháng 6. Hoa Kỳ chưa công bố ngày họp quốc tế về hòa bình Do Thái-Palestine, chỉ nói là trong tháng 11, và còn giữ kín những nước dự định mời. Thủ tướng Do Thái Olmert loan báo hội đồng bộ trưởng Do Thái Palestine chưa đạt được một hiệp ước nguyên tắc nào trước cuộc họp quốc tế. Phản ứng về tuyên bố này, chính quyền Palestine cho rằng thực chất là hình thức chờ đợi của Do Thái.
* NT Rice và TT Palestine Abbas.
=END=
- Cuộc Họp 6 Nước Về Hạt Nhân Bắc Hàn Nối Lại Ngày 27-09
(Hán Thành - VNN) Hãng Yonhap ngày 20-09 loan báo được AFP trích dẫn cho biết, cuộc họp 6 nước về hồ sơ hạt nhân Bắc Hàn dự định diễn ra ngày 19-09 đã hoãn lại và sẽ được mở ra vào ngày 27-09 tại Bắc Kinh. Một giới chức Nam Hàn không nêu tên cho Yonhap biết: "Chúng tôi đang chuẩn bị cuộc họp sẽ mở ra vào ngày 27-09". Cũng theo viên chức này, Trung Quốc sẽ loan báo lịch trình cuộc họp mới sau khi tham khảo với các phía. Hôm 17-09 Trung Quốc thông báo cho Nam Hàn biết cuộc họp dự trù trong tuần được hoãn lại, nhưng không nói rõ lý do. Hồi đầu tuần phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, Sean McCormack, cho biết cuộc họp bị hoãn lại 1 tuần. Ðặc sứ Christoper Hill sẽ lên đường đi Bắc Kinh tham dự vào tuần tới. Trong tuần một phái đoàn chuyên gia Mỹ đã đến Bắc Hàn quan sát việc đóng cửa các cơ sở hạt nhân trở về Mỹ tuyên bố Bắc Hàn thực hiện tốt cam kết đóng cửa cơ sở hạt nhân. Các nhà quan sát nhận định, Hoa Kỳ mong muốn diễn tiến tốt giải trừ hồ sơ hạt nhân Bắc Hàn để rãnh tay đối phó với tham vọng hạt nhân Iran, đang căng thẳng sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp: "thế giới nên chuẩn bị chiến tranh trong trường hợp đàm phán với Tehran bất thành."
* Kim Gye Gwan nhà thương thuyết của Bắc Hàn.
=END=
- Colombia: Du Kich Farc Ðồng Ý Vai Trò Trung Gian Của Tổng Thống Venezuela
(Bogota - VNN) Hãng AFP hôm 20-09 loan tin, du kích mát xít Colombia tuyên bố tán đồng vai trò trung gian của Tổng thống Venezuela trong việc trao đổi con tin giữa họ và chính phủ Colombia. Ông Hugo Chavez đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên; Farc cho biết ngày 8-10 họ sẽ gửi 1 đại diện tới Venezuela tiếp xúc. Thượng nghị sĩ Colombia, bà Piedad Cordoba, hôm 19-09 tuyên bố trên đài phát thanh tư Radio Caracol rằng: "Trên nguyên tắc, cuộc thảo luận sẽ diễn ra ở Venezuela. Ðiều này Tổng thống Colombia và Farc đều đồng ý". Giai đoạn tiếp sau là Bogota chỉ định bà Cordoba làm trung gian về hồ sơ con tin. Hoa Kỳ cũng đồng ý cho bà tiếp xúc với 2 thủ lĩnh du kích "Sonia" và "Simon Trinidad", đang bị giam giữ tại Mỹ được du kích yêu cầu trả tự do để trao đổi với 3 kiều dân Mỹ đang trong tay họ. "Simon Trinidad" có biệt danh là Ricardo Palmeras bị bắt vào năm 2004 ở Ecador và bị dẫn độ sang Mỹ sau đó để xét xử về tội bắt cóc 3 người Mỹ: Marc Gonsalves, Thomas Howe và Keith Stannsen. Thượng Nghị Sĩ Cordoba cho biết ngày mai 21-09 bà sẽ gặp các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ tại Hoa Thịnh Ðốn, sau đó bay xuống Florida gặp gia đình 3 người Mỹ bị du kích Farc bắt cóc vào tháng 2-2003. Juan Carlos Lecompte, phu quân con tin Ingrid Betancourt nhận định là cuộc gặp gỡ tới giữa Chavez và đại diện Farc là một "bước tiến lớn". Ðối với ông, điều quan trọng là bắt đầu và cho đây là lần đầu tiên từ 5 năm rưởi qua ông cảm thấy lạc quan. Tuy nhiên ông Lecompte ghi nhận là cuộc thương thảo còn nhiều khó khăn và kéo dài. Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong bối cảnh du kích Farc và Tổng thống Uribe còn nhiều bất đồng. Farc đòi thiết lập một vùng phi quân sự rộng 800 cây số vuông để trao đổi con tin do họ giam giữ và du kích hiện đang trong tay chính quyền Bogota. Còn Tổng thống Uribe thì khẳng định chống lại bất cứ hình thức phi quân sự nào, và từ chối cuộc gặp gỡ giữa Muralanda và Chavez trên lãnh thổ Colombia. Hôm 19-09 phó Tổng thống Francisco Santos đã yêu cầu Thượng nghị sĩ Cordoba và Tổng thống Chavez hãy giữ kín tất cả chi tiết thảo luận trước khi có kết quả. Phó Tổng thống Colombia cho rằng đàm phán không thể diễn ra công khai trước ống kính và micro của các ký giả.
* TT Venezuela Chavez sẽ đàm phán với thủ lĩnh du kích Farc về con tin.
=END=
- Liên Hiệp Quốc Bác Ðơn Xin Gia Nhập Của Ðài Loan
(Liên Hiệp Quốc - VNN) Hãng AP ngày 20-09 loan tin, hôm qua Liên Hiệp Quốc đã bác đơn xin gia nhập của Ðài Loan trong khóa họp Ðại Hội Ðồng lần thứ 62 mở ra từ đầu tuần. Phản ứng về sự từ chối này, David Wang, phát ngôn bộ Ngoại giao Ðài Loan cho biết, quyết định không ngăn chận đảo quốc tiếp tục con đường này với tất cả nỗ lực. Ðài Loan đã bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc nhường ghế lại cho Trung Cộng năm 1971, lúc đó là họ thành viên Liên Hiệp Quốc dưới tên Cộng hòa Trung Quốc. Trong lần nỗ lực xin gia nhập kỳ này, đảo quốc lấy tên là Ðài Loan. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm 19-09 tuyên bố đơn xin gia nhập của Ðài Loan không hợp pháp. Ðây là lần thứ 15 trong 15 năm liên tiếp đơn xin gia nhập của Ðài Loan bị bác. Ðại sứ Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc rằng, vấn đề Ðài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc. Tổng Thống Ðài Loan Trần Thủy Biển dự đinh mở trưng cầu dân ý vào năm tới để thăm dò dân chúng có ủng hộ xin gia nhập Liên Hiệp Quốc dưới cái tên Ðài Loan hay không. Hoa Kỳ và Trung Quốc phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng việc này có thể dẫn đến bất ổn tại khu vực eo biển Ðài Loan. Ðài Loan và Hoa lục chia cắt sau cuộc nội chiến chấm dứt năm 1949. Lúc bấy giờ Mao Trạch Ðông cai trị toàn lục địa và Tưởng Giới Thạch bại trận kéo khoảng 1 triệu quân còn lại chạy sang đảo Ðài Loan lập chính phủ mới. Hiện giờ Trung Cộng với chủ trương "một nước Trung Hoa duy nhất", luôn tìm mọi cách cô lập Ðài Loan trên sân khấu chính trị quốc tế. Trong tháng qua có trên nửa triệu người biểu tình ủng hộ Ðài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc.
* Dân chúng biểu tình ủng hộ Ðài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc.
=END=
- Pakistan: Ấn Ðịnh Bầu Tổng Thống Ngày 6-10
(Islamabad - VNN) Một giới chức Ủy Ban bầu cử Pakistan ngày 20-09 loan báo cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra ngày 6-10. Tổng thống Pervez Musharraf sẽ là ứng viên nhiệm kỳ 2 trong năm năm tới. Tổng thống Musharraf chấp nhận từ bỏ chức vụ đứng đầu quân đội sau khi đắc cử, trong khi đối lập phản đối mạnh mẽ cho là vi hiến. Giới chức Ủy ban bầu cử không nêu tên cho phóng viên AP biết, ghi danh bầu cử sẽ mở ra từ ngày 27-09 và quốc hội liên bang và hội đồng địa phương sẽ bỏ phiếu vào ngày 6-10. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Musharraf nhiều lần đàm phán mật với cựu Thủ tướng lưu vong Benazir Bhutto; các dân biểu đảng của bà sẽ ủng hộ ông Musharraf với điều kiện là ông phải từ bỏ chức vụ đứng đầu quân đội và nhường lại ghế Thủ tướng cho bà. Bà Bhutto dự định về nước vào tháng tới. Tòa án Tối Cao đang cứu xét nhiều đơn kiện do đối lập nạp trong những tháng qua, họ đòi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào giữa tháng 1-2008. Ðối lập tố cáo ông Musharraf lẫn lộn giữa vai trò lãnh đạo quốc gia và chỉ huy quân đội; họ yêu cầu tòa án Tối cáo phán quyết bất hợp pháp đối với 1 quân nhân tại ngũ ứng cử Tổng thống. Tướng Musharraf lên cầm quyền từ 8 năm nay sau một cuộc đảo chánh không đổ máu, tuyên bố ông sẽ từ bỏ chức vụ đứng đầu quân đội sau khi đắc cử. Quyết định của Tòa Án Tối cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai chính trị của ông Musharraf; nhiệm kỳ của ông sẽ mãn vào ngày 15-11. Trong khi các nhà phân tích nhận định, Tổng thống có thể ban hành tình trạng khẩn cấp nếu tòa án phán quyết gây bế tắc cho cuộc bỏ phiếu. Ông Musharraf chắc chắn sẽ được bầu vì khối dân biểu ủng hộ ông chiếm đa số tại quốc hội. Trong bối cảnh này, một video mới sẽ được phổ biến trong vài ngày tới, trong đó Osama bin Laden tuyên chiến với Tổng thống Puvez Musharraf, cho rằng ông là kẻ thù của hồi giáo. Một thông điệp tiếp sau đó của phó tướng Al-Qaida, Aymand al Zawahri tuyên bố là Mỹ sẽ bị đánh bại tại A Phú Hãn và Iraq cũng như tại các mặt trận khác. Các thông điệp mới của thủ lãnh và phụ tá Al-Qaida được phổ biến tiếp theo một thông điệp của Osama bin Laden nhân kỷ niệm 6 năm Al-Qaida tấn công vào lãnh thổ Mỹ sát hại gần 3.000 nhân mạng.
* Tướng Pervez Musharraf hứa nếu đắc cử sẽ từ chức đứng đầu quân đội.
=END=
- Tổng Thống Iran Bị Thành Phố Nữu Ước Từ Chối Ðặt Vòng Hoa Tại Ground Zero
(Nữu Ước - VNN) Tổng thống quá khích Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ không được cho phép tới đặt vòng hoa tại Ground Zero nhân dịp ông đến Nữu Ước vào tuần tới tham dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Thành phố đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Iran đến đặt vòng hoa tại vị trí World Trade Center nơi gần 3.000 thiệt mạng trong vụ Al-Qaida cướp máy bay tấn công làm sụp đổ hai tòa nhà song lập WTC. Phát ngôn cảnh sát Nữu Ước, Paul Browne ngày 19-09 giải thích rằng, yêu cầu này của lãnh đạo Iran bị bác bỏ vì vị trí này không đón du khách trong thời gian xây cất. Ông Browne cũng giải thích thêm rằng sự từ chối vì lý do an ninh sau cuộc họp của cơ quan cảnh sát Nữu Ước, an ninh cảnh và an ninh bảo vệ các yếu nhân. Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Zalmay Khalilzad, nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ nỗ lực của Iran sử dụng vị trí này trang trí cho một bức hình. Trong khi đó Mohammad Mir Ali Mohammadi, đặc sứ của Iran tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố chưa chính thức loan báo cho Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad về sự từ chối này. Ông hy vọng cảnh sát Nữu Ước xét lại quyết định.
Phát ngôn tòa Bạch Ốc, Gordon Johndore, mạnh lời hơn khi nói, Ground Zero là nơi gần 3.000 dân Mỹ chết vì khủng bố, cảnh sát Nữu Ước sẽ không cho phép lãnh đạo một nước hậu thuẫn đến viếng địa điểm này. Tổng thống Iran sẽ đến Nữu Ước ngày 23-09 tham dự khóa họp của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Mahmoud Ahmadinejad sẽ đọc diễn văn vào buổi chiều ngày 25-09, sau đó là diễn văn của Tổng thống George W. Bush. Chuyến đi của ông Mahmoud Ahmadinejad diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng về hồ sơ hạt nhân. 5 nước thành viên thường trực Hội Ðồng Bảo An sẽ họp tại Hoa Thịnh Ðốn vào tuần tới thảo luận về một nghị quyết mới trừng phạt Iran.
* TT Iran, Ahmadinejad bị cảnh sát Nữu Ước từ chối đến Ground Zero.
=END=
- Liban: Nổ Xe Bom Làm Thiệt Mạng Một Dân Biểu Chống Syria
(Beirut - VNN) Hãng Reutes ngày 20-09 loan tin, một vụ nổ xe bom xảy ra hôm qua 19-09 tại phía đông thủ đô Beirut làm thiệt mạng dân biểu Antoine Ghanem 64 tuổi, thuộc cánh Thiên Chúa giáo có xu hướng chống Syria. Vụ nổ diễn ra trước không đầy 1 tuần lễ nữa quốc hội bầu Tổng thống mới. Nổ bom xảy ra gần khách sạn Metropolitan trong khu người Thiên Chúa giáo Sin el Fi làm ít nhất 7 người chết và trên 30 người bị thương. Ðài truyền hình chiếu hình ảnh tại hiện trường nhiều xe còn đang cháy, xe cứu thương mở còi inh ỏi đến cứu những người bị thương. Thủ tướng Liban Fouad Siniora gửi thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu giúp chuyên viên kỹ thuật mở cuộc điều tra vụ nổ khủng bố. Trong thư Thủ tướng Siniora viết: "vụ ám sát chính trị kinh hoàng xảy ra trong hàng loạt vụ tấn công liên tiếp nhắm vào các nhà chính trị Liban". Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, đại diện thường trực Pháp, Jean Maurice Ripert, chủ tịch luân phiên Hội Ðồng Bảo An tuyên bố: "Vụ nổ tại khu người Thiên Chúa giáo nhắm sát hại 1 dân biểu, Hội đồng lên án tất cả hành động gây bất ổn tại Liban, đặc biệt vào thời điểm quan trọng này". Tòa Bạch Ốc có phản ứng nhanh chóng, cho rằng vụ nổ này một lần nữa cho thấy Syria luôn "gây bất ổn" cho nước láng giềng, đặc biệt xảy ra chỉ còn 6 ngày nữa quốc hội họp bầu ra tổng thống mới thay thế Tổng thống Emile Lahoud. Từ 3 năm rưởi nay thủ đô Beirut là diễn trường của nhiều vụ nổ bom, đã làm 7 người chết, đa số là các nhà chính trị chống Syria. Hồi tháng 6 dân biểu Walid Eido và 9 người khác đã thiệt mạng do một vụ nổ xe bom. Tháng 12-2006, bộ trưởng Kỹ nghệ Pierre Germayel đã bị một nhóm võ trang ám sát. Việc ám sát dân biểu Ghanem làm giảm phe đa số xuống còn 68 ghế trong liên minh chính phủ, trong tổng số 128 dân biểu quốc hội, nhưng vẫn còn 3 ghế cao hơn đa số tuyệt đối, chỉ cần 65 ghế để đạt thắng lợi.
* Nổ xem bom phía đông Beirut giết hại 1 dân biểu và 7 thường dân.
=END=
- Iraq: Quân Mỹ Bắt Giữ Một Sĩ Quan Iran
(Baghdad - VNN) Hãng AP ngày 20-09 loan tin, quân đội Mỹ loan báo đã bắt giữ một sĩ quan Iran tại thành phố Sulaimaniyah của người Kurd ở miền bắc Iraq gần biên giới Iran. Theo tin trên người bị bắt là một sĩ quan thuộc lực lượng Quds, đơn vị tinh nhuệ thuộc Vệ binh cách mạng Iran. Sĩ quan này bị buộc tội vận chuyển các thiết bị gây nổ, và các loại bom các nhóm nổi dậy thường dùng trong những cuộc tấn công quân Mỹ và Iraq trên đường giao thông. Thông cáo của quân đội Mỹ cho biết, nguồn tin tình báo cũng cho thấy viên sĩ quan Iran có dính líu tới những hoạt động thâm nhập và đào tạo các tay súng ngoại quốc ở Iraq. Thời gian qua, quân đội Mỹ thường lên án lực lượng Quds đã giúp vũ trang và huấn luyện cho người Shiite chống Mỹ và chính quyền Iraq dù Tehran luôn phủ nhận.
Chính quyền Bush đang xem xét đưa Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Ngày 28-08 vừa qua, quân Mỹ đã bắt giữ tại 1 khách sạn lớn ở Baghdad 1 nhóm người Iran làm việc với bộ năng lượng Iraq, họ được thả ra vài giờ sau khi chính phủ Iraq xác minh. Quân Mỹ luôn giam giữ 5 người Iran bị bắt từ ngày 11-01-2007 tại vùng Kurdistan của Iraq, lên án họ cung cấp phương tiện cho các nhóm nổi dậy. Tehran nói đó là các nhà ngoại giao. Trong khi đó tư lệnh phó lực lượng Mỹ, tướng Ray Odierno xác định là các vụ bạo động tại Iraq đã giảm đáng kể từ tháng 2-2006.
=END=
- Thái Lan: Quốc Vương Phê Chuẩn Thay Ðổi Tư Lệnh Quân Ðội
(Bangkok - VNN) Hãng Reuters ngày 19-09 loan tin, quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã phê chuẩn dề nghị của quân đội, bổ nhiệm chức vụ tân Tư lệnh quân đội, tướng Anupong Paochinda, thay thế Tướng Sonthi Boonyaratkalin, sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 9. Quyết định này có hiệu lực từ 1/10. Việc tướng Sonthi nghỉ hưu đã được giữ kín trong thời gian qua. Người ta chưa biết vai trò mới của tướng Sonthi, thường tung tin thăm dò dư luận ông sẽ tham gia chính trường để hoàn tất hồ sơ tham nhũng cựu Thủ tướng Thaksin. Sau khi vua Bhumibol phê chuẩn, tướng Sonthi nói rằng tướng Anupong là người phù hợp nhất, cả về trí tuệ và thể chất. Ông ấy là một người tốt và trong sạch. Tướng Anupong là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Tướng Saprang Kalayanamitr, được bổ nhiệm vào chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc bổ nhiệm được công bố vào dịp kỷ niệm 1 năm đảo chính 19-09 do Tướng Sonthi đứng đầu lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Sự thay đổi các chức vụ quan trọng quân đội Thái diễn ra trong bối cảnh dân chúng Thái sắp bầu quốc hội vào ngày 23-12 tới. Trong số 3 chính đảng tham gia, đang Dân chủ đối lập dưới thời Thủ tướng Thaksin trở thành đảng mạnh nhất, có thể về đầu trong cuộc bầu cử.
* Tướng Anupong Paochinda tân Tư lệnh quân đội Thái.
=END=
********************************** |