VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bản Tin Hàng Ngày
Ngày 06 Tháng 09 Năm 2007
**********************************
1- Tin Cộng Ðồng 06-09-07
- Nhân Dịp Hội Nghị APEC, Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Úc Châu Biểu Tình Cho Nhân Quyền tại Việt Nam
- Thư Ngỏ Gửi Thủ Tướng John Howard Và Lãnh Tụ Ðối Lập KeVin Rudd Về Vấn Ðề Nhân Quyền Cần Ðược Thảo Luận Tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC
2- Tin Việt Nam 06-09-07.
- RSF tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn
- Nông Dân Việt Nam Nghèo Vì Phải Ðóng Tới 122 Loại Lệ Phí
- CSVN Và Bắc Hàn Gia Tăng Hợp Tác Về Quân Sự
- Hơn 10.000 Tấn Hóa Chất Không Nhãn Hiệu
- Nhiều Công Ty Chứng Khoán Sống Cầm Hơi
- Nhiều Dược Liệu Ðông Y Nhập Khẩu Từ Trung Quốc Thực Chất Chỉ Là... Rác!
- Nơi Thì Ðỏ Mắt Tìm Ðất Ðể Xây Dựng, Nơi Thì Bỏ Hoang
- Cung Cách Làm Việc Của Nhà Nước CSVN: Trúng Tuyển, Nhưng Không Ðược Ði Học
- Phát Giác 4 Tấn Mỹ Phẩm Quá Hạn Sử Dụng
- Nữ Sinh Bị Công An "Hỏi Cung" Còn Khủng Hoảng Chưa Thể Ðến Trường
- Bắt Quả Tang Một Lò Nấu Cao Hổ Cốt Giữa Lòng Hà Nội
3- Tin Thế Giới 06-09-07
- Miến Ðiện: Binh Sĩ Nổ Súng Giải Tán Một Cuộc Biểu Tình Của Các Nhà Sư
- Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy Hy Vọng Làm Vai Trò Trung Gian Của Ông Chavez
- Một Thẩm Phán Mỹ Ra Lệnh Ngưng Dẫn Ðộ Cựu Tổng Thống Panama Sang Pháp
- Vụ Thảm Sát Ở Haditha, Iraq, Một Tướng Và 2 Ðại Tá Mỹ Bị Trừng Phạt
- Oanh Tạc Cơ B52 Của Mỹ Chở Nhầm Hỏa Tiễn Ðầu Ðạn Hạt Nhân
- Iraq: Ðụng Ðộ Tại Baquba và Salahuddin, 8 Binh Sĩ Mỹ Tử Thương
- Liên Hiệp Quốc Kêu Gọi Các Nước Ðang Phát Triển Lưu Ý Về Rủi Ro Kinh Tế
- Nam Dương Ký Hợp Ðồng Mua Vũ Khí Và Nhiều Hợp Ðồng Quan Trọng Khác Với Nga
- Ca Sĩ Opera Nổi Tiếng Của Ý Qua Ðời, Hưởng Thọ 71 Tuổi
- Ðức Ðang Truy Lùng Hàng Chục Thành Viên Hồi Giáo Liên Quan Tới 3 Tên Vừa Bị Bắt
- Châu Phi Sẽ Gánh Chịu Hậu Quả Của Hiện Tượng Khí Hậu Bị Hâm Nóng
- Lực Lượng Mỹ Bắn Hạ Trên 40 Tay Súng Taleban Ở Nam A Phú Hãn
- Tổng Thống Bush Gặp Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào Bên Lề Thượng Ðỉnh APEC
**********************************
1- Tin Cộng Ðồng 06-09-07
- Nhân Dịp Hội Nghị APEC, Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Úc Châu Biểu Tình Cho Nhân Quyền tại Việt Nam
(Sydney - VNN) Hội nghị APEC lần này không những là dịp để lãnh đạo 21 nền kinh tế gặp gỡ trao đổi, hoạch định hướng đi sắp tới mà còn là cơ hội để người dân bày tỏ quan điểm với chính quyền và giới lãnh đạo của vùng Á Châu Thái bình Dương về những mối quan tâm hiện nay như cuộc chiến ở Iraq, và những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và Việt Nam.
Từ nhiều tháng qua, cùng với việc chính phủ Liên-bang Úc chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2007 đang diễn ra tại Sydney, thủ phủ tiểu bang New South Wales, Úc, từ ngày 2 đến 9/9/2007, với cao điểm là cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế trong khu vực Á châu Thái Bình Dương, Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc châu (CÐNVTD-UC) cũng đã ráo riết lập kế hoạch lên tiếng nhắc nhở công luận quốc tế, khu vực và Úc, đừng quên rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn trước.
Từ khi có tin chính thức là Chủ tịch nhà nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết sẽ đến Sydney phó hội APEC, CÐNVTD-UC đã vận động với các chính khách Liên bang thuộc cả Liên đảng cầm quyền lẫn lao Ðộng đối lập để yêu cầu đặt vấn đề với nhà nước CSVN, và với riêng Nguyễn Minh Triết, về nhân quyền bị vi phạm tại Việt Nam.
Một số dân biểu, nghị sĩ liên bang đã hưởng ứng lời kêu gọi này, điển hình là dân biểu Lao Ðộng Chris Bowen, thuộc đơn vị Prospect, đã viết thư đến Thủ tướng John Howard, để yêu cầu Ông trong cương vị lãnh đạo nước chủ nhà, hãy nêu vấn đề tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt nam khi gặp Triết.
Ðại diện Cộng đồng NVTD-UC đã cho đăng trên tờ nhật báo The Australian, số ra Thứ Năm 06/09/2007, phát hành toàn quốc một lá thư ngỏ gởi Thủ tướng John Howard và ông Kelvin Rudd lãnh tụ đảng đối lâp.
Lá thư ngỏ trình bày việc nhà nước CSVN vi phạm nhân quyền, bắt giam những người hoạt động dân chủ ôn hoà, đàn áp thường dân trong những vụ biểu tình khiếu kiện, và yêu cầu lãnh đạo chính giới Úc đặt áp lực buộc Chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết phải chấm dứt đàn áp nhân quyền ngay lập tức và đổi mới để đi đến dân chủ.
=END=
- Thư Ngỏ Gửi Thủ Tướng John Howard Và Lãnh Tụ Ðối Lập KeVin Rudd Về Vấn Ðề Nhân Quyền Cần Ðược Thảo Luận Tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC (bản dịch)
Thưa Ông Howard và Ông Rudd,
Sau khi được đứng ra tổ chức Hội nghị APEC năm 2006 và được nhận vào WTO, nhà nước Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam (SRV) đã có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng, kể cả việc bắt bớ và giam cầm vô số nhân vật vận động dân-chủ ôn hòa như Linh-mục Nguyễn Văn Lý, những nhà hoạt động cho nhân quyền trẻ tuổi như Luật-sư Lê Thị Công Nhân (hình đính kèm), những người vận động cho quyền lợi của người lao động, và những vụ đàn áp mới đây nhắm vào những người dân bình thường chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi chính đáng và công lý.
Là một thành viên ký kết vào Công-ước Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, nhà nước CHXHCN Việt Nam đáng lẽ phải tuân thủ những bổn phận mà Công Ước đó quy định,
Là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị APEC 2007, và là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu thụ hưởng lợi lộc từ các nền kinh tế thành viên APEC, nước Úc cũng có bổn phận lên tiếng bênh vực nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền trong khu vực.
Chúng tôi trân trọng yêu cầu qúy Ông hãy đặt cho Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết một thử thách là phải chấm dứt ngay mọi hành vi vi phạm nhân quyền và tiến hành những cải tổ hướng đến nền dân chủ. Nhà nước CHXHCNVN phải được nhắc nhở để biết rằng không thể nào đạt được sự phát triển kinh tế bền vững nếu không có sự chân thành tôn trọng quyền làm người và hệ thống tài chính, pháp luật trong sáng, cũng như mối quan hệ của Úc, cũng như quan hệ giao thương và viện trợ ngoại quốc đều được đặt trên những nguyên tắc ấy.
Quyền lợi lâu dài của nước Úc sẽ được lợi ích nhiều hơn nếu Việt Nam trở thành một quốc gia tự do và dân chủ, bởi lẽ khi đó Việt Nam mới là một đối tác đáng tin cậy và trong sáng hơn hầu bảo đảm được kết quả an toàn, ổn định và sinh lợi lâu dài cho công cuộc giao thương.
Ngoài ra, vị thế trên trường quốc tế của Úc cũng sẽ được nâng cao hơn rất nhiều nếu chúng ta không làm ngơ bỏ mặc những giá trị nhân quyền để đổi lấy lợi lộc từ chuyện làm ăn với những chế độ độc tài như nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Tiến,
Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc châu
=END=
2- Tin Việt Nam 06-09-07.
- RSF tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn
(Hà Nội - VNN) Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) vừa lên tiếng tố cáo chính phủ CSVN gia tăng đàn áp đối với nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Khắc Toàn.
Thông cáo báo chí của RSF phổ biến hôm qua 5/9/07, đã lên án việc nhà cầm quyền CSVN đã tổ chức "toà án nhân dân" theo hình thức "đấu tố" thời Cải cách ruộng đất đối với ông Toàn. Ðồng thời CSVN cho mở chiến dịch vu cáo ông Nguyễn Khắc Toàn trên các báo đài trong nước đã khiến Tổ chức Phóng viên Không biên giới hết sức quan ngại là có thể nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt giam ông Toàn thêm một lần nữa.
Vẫn theo RSF, "toà án nhân dân" được CSVN tổ chức hồi cuối tuần qua tại khu vực cư trú của ông Toàn ở phường Tràng Tiền, Hà Nội, tố cáo ông kích động dân oan biểu tình và đe đoạ sẽ đưa ông vào trại học tập cải tạo.
Hồi năm 2002, ông đã bị giam 4 năm về tội gọi là "gián điệp" sau khi đưa những bài viết cổ võ cho dân chủ lên mạng. Kể từ khi được phóng thích, tất cả các sinh hoạt đời sống của ông đều bị nhà cầm quyền CSVN giới hạn và kiểm soát chặt chẽ.
Tuần rồi ông Toàn và các cấp lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lâu nay bị cấm hoạt động, đã bị các cơ quan truyền thông nhà nước công kích về tội khuyến khích các cuộc biểu tình của nông dân.
Ðài phát thanh nhà nước tố cáo ông Nguyễn Khắc Toàn đã tiếp xúc với các nông dân khiếu kiện và khuyến khích họ gây bất ổn xã hội bằng cách trao tặng họ những khoản tiền do các thành phần người Việt phản động ở nước ngoài cung cấp.
Tin của AFP ghi nhận là Phòng Thông Tin Phật Giáo tại Paris đã ra thông cáo cho biết người của giáo hội nầy đã bị doạ dẫm, gây khó dễ, kiểm soát, theo dõi và thẩm vấn tại Sài Gòn và các tỉnh khác.
Ðó là những lý do khiến tổ chức tranh đấu sợ rằng nhà cầm quyền sắp sửa bắt giam những người đã bị nhà nước CSVN tố cáo trong chiến dịch hiện nay.
=END=
- Nông Dân Việt Nam Nghèo Vì Phải Ðóng Tới 122 Loại Lệ Phí
(Hà Nội - VNN) Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn CSVN cho biết, các khoản phí và lệ phí theo quy định của trung ương và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố là các khoản thu như một loại thuế mà bất kể người nông dân nào cũng phải nộp, đã lên tới 122 loại, như: Khai sinh, chứng tử, xác nhận lý lịch, đăng ký hộ khẩu, chứng thực hợp đồng, cấp giấy tạm trú, trích lục bản đồ... với mức thu từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng.
Ðáng ngạc nhiên nhất là các khoản đóng góp cho xã, đoàn thể và hợp tác xã (HTX) tại địa phương. Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trung bình hàng năm mỗi hộ phải nộp tới 28 khoản, với tổng mức từ 250.000 đồng đến 450.000 đồng. Các con số này ở các tỉnh khu vực Ðồng Bằng Sông Hồng là 26 khoản, từ 350.000 đến 500.000 đồng; Bắc Trung Việt: 24 khoản, từ 500.000 đến 800.000 đồng; duyên hải Nam Trung Việt: 28 khoản, từ 400.000 đến 600.000 đồng...
Ở một số địa phương, vì "phấn đấu theo chỉ tiêu" nên đã ban hành cả những qui định mà luật không cho phép. Các loại quỹ như đền "ơn đáp nghĩa" vốn là động viên dân nhưng cũng trở thành bắt buộc. Vì quá nhiều loại phí và quỹ nên dẫn đến... loạn thu, mỗi nơi thu một kiểu. Ðặc biệt, tại xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), mỗi hộ dân hàng năm phải đóng tới 2 triệu đồng!
Ðóng góp nhiều như thế, đồng nghĩa với tình trạng người nông dân không có tiền để chi phí cho các nhu cầu thiết yếu khác như: Ði lại, học hành, chữa bệnh, xây dựng nhà ở...
Ông Tăng Minh Lộc, phó cục trưởng Cục Hợp Tác Xã và Phát Triển Nông Thôn cho hay: "Ðó là điều bất hợp lý, dù rằng các khoản thu đều đúng quy trình. Và vì vậy, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, người giàu và người nghèo ngày càng lớn."
Hàng chục năm nay, dựa trên chính sách "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều địa phương đã thu nhiều khoản bất hợp lý, quá sức người nông dân. Ðiều đáng ngạc nhiên nhất là những khoản thu bất hợp lý đó chỉ xảy ra ở nông thôn, nơi những người nông dân "thấp cổ, bé miệng", không dám phản kháng.
Vì thế, bao năm qua, dù đã cố gắng nhưng bộ mặt nông thôn Việt Nam vẫn rất xập xệ, nhiều nơi phát triển không theo xu hướng tốt (môi trường ô nhiễm, lãng phí tài nguyên đất, năng suất và chất lượng nông sản thấp kém...)
"Ðây là lúc nhà nước cần nhìn nhận lại cơ cấu đầu tư giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, với mục đích giảm bớt sự chênh lệch, bảo đảm công bằng xã hội. Biện pháp trước mắt để bù đắp thiệt thòi của người nông dân là tăng cường đầu tư cho khu vực nông thôn", ông Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn CSVN Cao Ðức Phát thú nhận như thế.
Thế nhưng, khi đề cập vấn đề này, Bộ Tài Chính và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đã có nhiều điểm bất đồng. Các khoản đóng góp như quỹ kinh tế mới, quỹ an ninh quốc phòng... theo Bộ Tài Chính, vẫn giữ nguyên. Còn Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn thì cho rằng, đây là các khoản chung cho tất cả công dân, hoặc xóa khoản thu này hoặc tất cả đều phải đóng.
Theo khảo sát của Bộ Tài Chính ở 8/13 tỉnh khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long thì tỉnh Tiền Giang có mức huy động trong dân cao nhất: Cao gấp 4 lần tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Hậu Giang. Dân nghèo mà phải đóng góp nhiều nên khó vươn lên làm giàu. Bài báo kết luận "Trong lúc thu không thống nhất, nên chi tiêu cũng khó kiểm soát."
=END=
- CSVN Và Bắc Hàn Gia Tăng Hợp Tác Về Quân Sự
(Hà Nội-VNN) Nhật báo The Straits Times, Singapore hôm thứ Tư 5-9, đã đưa tin cho biết chính phủ CSVN và Bắc Hàn sẽ tiếp tục thúc đẩy việc gia tăng các mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự..
Cùng nằm trong hệ thống các nước theo chủ nghĩa cộng sản, từ hàng chục năm nay Việt Nam và Bắc Hàn vẫn duy trì các mối liên hệ hảo hữu trên nhiều lĩnh vực.
Mặc dù hiện tại quan hệ giao thương giữa hai bên gần như không có gì, nhưng theo tờ The Straits Times, Bắc Hàn đã ký thỏa thuận theo đó nước này cung cấp cho Việt Nam vũ khí để đổi lấy gạo.
Bắc Hàn là một trong những nguồn cung cấp vũ khí chính cho Hà Nội trong thập niên 1990.
Nguồn tin này còn cho biết, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam, ông Nông Ðức Mạnh sẽ đi thăm Bắc Hàn vào cuối năm nay. Ðây là chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên của một lãnh đạo CSVN từ hơn 5 năm qua.
Trước đó, vào tháng Mười, Thủ tướng Bắc Hàn Kim Yong Il cũng sẽ đến Hà Nội. Theo lời Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, trong một cuộc gặp với Ðại sứ Bắc Hàn ở Hà Nội hồi tháng Bảy, nói rằng: "Chuyến công du này của Thủ tướng Kim Yong Il sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ song phương Việt Nam -- Bắc Hàn trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào việc duy trì sự ổn định và hoà bình trong khu vực."
Nhật báo Straits Times dẫn lời Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, cho biết Bắc Hàn từng bán các phi đạn tầm ngắn Scud C của Liên Xô, phi đạn đất đối đất Igla, các bộ phận rời, đạn vũ khí loại nhỏ và công nghệ quân sự cho CSVN. Hà Nội cũng đã từng mua hai tàu ngầm nhỏ của Bắc Hàn, đang đồn trú tại Vịnh Cam Ranh.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer: "Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Bắc Hàn tới Hà Nội có thể đặt ra nền tảng cho việc tái tục liên lạc quốc phòng."
Ngoài ra, có vẻ Hà Nội còn có một động cơ khác cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới. Báo Straits Times cho rằng, dưới sự dẫn dắt của ban lãnh đạo mới, Hà Nội muốn "nâng vị thế toàn cầu để phản ánh sức mạnh kinh tế đang lên của mình."
Nguồn tin từ Hà Nội cũng cho tờ The Straits Times biết thêm rằng, để chứng tỏ có sự cân bằng ngoại giao, Tổng Bí thư đảng CSVN Nông Ðức Mạnh cũng sẽ sang thăm Nam Hàn ngay sau chuyến đi đến Bình Nhưỡng.
=END=
- Hơn 10.000 Tấn Hóa Chất Không Nhãn Hiệu
(Hà Nội - VNN) Sau gần một tuần đồng loạt ra quân kiểm tra các kho hóa chất ở thành phố Sài Gòn, chiều 4 Tháng Chín, Ðội Trưởng 5A Chi Cục Quản Lý Thị Trường Nguyễn Văn Bách cho biết, hơn 10.000 tấn hóa chất được thu giữ đều không có nhãn phụ trên hàng hóa.
Ðây là số lượng hóa chất rất lớn, có thể gồm cả những loại hóa chất độc hại bị cấm sử dụng, nhưng vẫn được buôn bán trên thị trường.
Theo báo trong nước, ngày 30 Tháng Tám kiểm tra kinh doanh hóa chất ở 2 kho hàng và 3 công ty tại Sài Gòn, 5 đội quản lý thị trường đã thu hơn 7.838 tấn hóa chất các loại tại doanh nghiệp tư nhân Trường Phát; niêm phong hơn 4.370 tấn hàng của công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thanh Bình. Công ty Ðắc Trường Phát cũng bị tạm giữ hơn 1.849 tấn.
Kết quả kiểm tra sơ bộ công bố chiều 4 Tháng Chín cho thấy, ngoài phần lớn số sản phẩm bị tạm giữ vi phạm không dán nhãn phụ cho hàng hóa, có gần 2.000 tấn hóa chất trong kho của công ty Thanh Bình bị quá hạn sử dụng.
Quản lý thị trường vẫn đang đối chiếu chứng từ, kiểm tra sổ sách, tính hợp pháp của các lô hàng, dự kiến trong 10 ngày tới sẽ có kết quả điều tra chính thức chi tiết hơn", ông Bách cho biết. Từ đó, cơ quan này mới có thể xác định mức xử phạt đối với doanh nghiệp kinh doanh hóa chất vi phạm.
Thành phố Sài Gòn sẽ tiếp tục kiểm tra việc kinh doanh hóa chất trong thành phố trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý đến hoạt động của chợ hóa chất Kim Biên.
Ðây là đợt kiểm tra, rà soát các mặt hàng hóa chất phụ gia, hương liệu liên quan trực tiếp đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất từ trước tới nay của Sài Gòn.
Nguồn tin trên nói rằng, "Cho đến nay, tin các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất vừa bị kiểm tra đều là đầu mối cung cấp hàng cho thị trường địa phương và các tỉnh".
Ít tháng gần đây, báo chí trong nước loan tin phần lớn các loại nước tương chứa hóa chất độc hại 3-MCPD gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác, nước mắm có cả dấu vết phân bón hóa học. Nhiều người ướp hải sản để giữ cho lâu hư bằng phân bón hóa học hoặc bằng cả phormaldehyde (một loại hóa chất để ướp xác chết). Hóa chất này cũng được nhiều lò sản xuất bánh phở, bún, mì, bánh cuốn v.v... trộn để giữ cho tươi lâu.
=END=
- Nhiều Công Ty Chứng Khoán Sống Cầm Hơi
(Sài Gòn - VNN) Ðể duy trì hoạt động trong một tháng, công ty chứng khoán cần tối thiểu 500 triệu đồng. Tuy nhiên gần đây, nhiều thành viên sàn Sài Gòn chỉ thu được 4 triệu đồng từ phí giao dịch của khách hàng.
Giám đốc một công ty chứng khoán tiết lộ, theo bảng thống kê hoạt động môi giới hằng tháng từ các thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Sài Gòn (HOSE), chỉ khoảng 20 trên tổng số hơn 50 công ty thành viên có lãi hoặc huề vốn. Số còn lại lỗ từ nhẹ đến nặng, thậm chí có đơn vị chỉ thu được 200.000 đồng mỗi ngày lệ phí giao dịch.
Trong khoản tiền ít ỏi ấy, nhiều sàn còn trích lại để hậu đãi thân chủ bằng kẹo, bánh, cafe và phát miễn phí bản tin thị trường. Ðó là chưa kể trong giai đoạn đầu khớp lệnh liên tục, nhiều công ty còn thông báo kết quả đặt lệnh miễn phí cho khách bằng tin nhắn SMS. Họ cũng phải chiết khấu 0,05% từ số tiền thu được để trả phí cho Sở giao dịch theo quy định.
"Nhìn bảng thống kê của HOSE trong 4 tháng qua, dễ thấy rằng, kinh doanh chứng khoán lúc này không dễ đẻ trứng vàng", đại diện Công ty chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Ðồng bằng sông Cửu Long bình luận như vậy.
Hiện nay ngoài môi giới, các công ty chứng khoán còn hoạt động trên các lĩnh vực khác như tự doanh, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành... Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACBS) chi nhánh Nguyễn Thị Minh Khai, những công ty chứng khoán vừa và nhỏ hiện nay chủ yếu hoạt động trên hai nghiệp vụ chính là tự doanh và môi giới.
Vào lúc đỉnh cao của thị trường, phần lãi từ hoạt động tự doanh thường cao hơn gấp nhiều lần so với mảng môi giới và trở thành nguồn thu chính. Tưởng dễ đẻ trứng vàng, nhiều đơn vị ùn ùn xin thành lập công ty chứng khoán ngay lúc thị trường ở đỉnh cao. Nhiều công ty, thậm chí lập ra chỉ để mua bán cổ phiếu, hay tranh mua bán với khách.
Thế nhưng, thị trường điều chỉnh 4 tháng qua mà vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại, cổ phiếu rớt giá, những công ty chứng khoán mạnh về vốn phải xoay sang mua dần cổ phiếu để quân bình giá. Những công ty nhỏ, để kiếm đủ chi phí hoạt động, đã phải nghĩ đến phương án gửi tiền ngân hàng để bảo toàn vốn.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng nhận định, với lãi suất tiết kiệm 1% như hiện nay, công ty có vốn điều lệ khoảng 50 tỷ đồng cũng có thể gửi tiền vào nhà băng để kiếm khoản lãi hằng tháng khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ những công ty mới thành lập, nhiều đơn vị đã hoạt động lâu song tự doanh không hiệu quả cũng tính đến phương án gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu để bảo toàn vốn và kiếm tiền trang trải chi phí hoạt động.
Giám đốc ACBS chi nhánh Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, nếu Vn-Index cứ xoay quanh mức 900 điểm như hiện nay thì chỉ khoảng một tháng nữa nhiều công ty chứng khoán sẽ không cầm cự nổi.
Theo ông Tuấn đây chính là thời điểm thử lửa cho các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các công ty chứng khoán "đến rồi đi" không phải là chuyện hiếm. Ông lấy ví dụ ở 2 thị trường láng giềng Việt Nam, khi chứng khoán mới phát triển, Trung Quốc với Thái Lan lần lượt có tới 1.000 và 400 công ty chứng khoán. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, đến giờ chỉ có 100 đơn vị còn trụ lại ở Trung Quốc và 40 công ty hoạt động ở Thái Lan.
Hiện tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước vẫn còn nhiều hồ sơ xếp hàng chờ cấp phép. Nếu Ủy ban chấp thuận, đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có 100 công ty chứng khoán. Trong khi hiện nay, bốn anh cả là SSI, VCBS, BSC, ACBS đã giành hết hơn 60% thị phần môi giới.
*Công ty chứng khoán ngắc ngoải vì vắng khách.
=END=
- Nhiều Dược Liệu Ðông Y Nhập Khẩu Từ Trung Quốc Thực Chất Chỉ Là... Rác!
(Hà Nội - VNN) Nguồn tin từ Bộ Y tế CSVN hôm qua 5/9 cho hay, qua kiểm nghiệm mới đây tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã phát giác ra một số dược liệu nhập khẩu như hoàng kỳ, nhân sâm từ Trung Quốc... đã được tách chiết hết hoạt chất (tức bị lấy hết tinh chất) trước khi bán sang Việt Nam, nên không còn tác dụng dược lý và đơn thuần chỉ là... rác!
Cũng theo nguồn tin này, giá nhân sâm bán sang Việt Nam từ đầu nguồn (loại bị tách chiết hết và gần hết hoạt chất) rất rẻ, có loại chỉ... 2.500 đồng mỗi củ (khoảng 200.000 đồng/kg). Qua kiểm tra tại đầu mối nhập khẩu dược liệu tại Hà Nội cho thấy chỉ có 19 trong số 200 hộ kinh doanh có giấy phép hành nghề.
Trước đó, Bộ Y tế CSVN cũng có báo cáo cho biết, khảo sát tại quận 5, Sài Gòn cho thấy từ 50 đến 70% thuốc đông y, đông dược được nhập lậu và trong đó có không ít là hàng giả. Theo báo cáo này, qua kiểm tra 62 cơ sở kinh doanh trong thời gian qua, đã có đến 55 cơ sở vi phạm.
Theo đánh giá của đoàn thanh tra, chất lượng đông dược, dược liệu là không thể kiểm soát được.
=END=
- Nơi Thì Ðỏ Mắt Tìm Ðất Ðể Xây Dựng, Nơi Thì Bỏ Hoang
(Hà Nội - VNN) Trong lúc nhiều doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm đất để đặt nhà máy sản xuất thì nhiều khu công nghiệp (KCN) vẫn được xây dựng "đủng đỉnh" hoặc bỏ hoang.
Nhiều khu, cụm công nghiệp của Hà Nội chỉ mới có qui hoạch thôi nhưng đã có hàng trăm doanh nghiệp xin được đặt nhà máy. Theo ông Nguyễn Văn Việt, phó Ban Quản Lý KCN và chế xuất Hà Nội, "Có khu chỉ có 60 suất đất nhưng lại có đến trên dưới 300 đơn".
Phân tích nguyên nhân khiến Hà Nội thiếu đất cho doanh nghiệp, theo ông Việt, do cầu lớn hơn cung. Ðầu tư sản xuất tại Hà Nội có lợi thế rất lớn là gần thị trường, vì vậy các doanh nghiệp muốn giành được ưu thế ấy. Mặt khác, thành phố cũng đang có kế hoạch di dời hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô nên đất cho sản xuất trong KCN càng trở nên... quí hiếm. Vì vậy, Hà Nội đã đề ra qui trình xét tuyển vào KCN. Doanh nghiệp phải được UBND quận, huyện xét chọn, trình Ban Quản Lý KCN, khu chế xuất thành phố, được nơi này đồng ý thì tổ công tác liên ngành rà soát, kiểm tra. Chỉ khi qua được "cửa" này thì cơ hội có đất cho sản xuất mới mở ra cho doanh nghiệp.
Ðất dành cho sản xuất của Hà Nội đã cạn kiệt, hiện thành phố này đã sử dụng gần hết đất qui hoạch để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2010. Theo thống kê CSVN, hiện Hà Nội có 6 khu công nghiệp lớn (4 khu có diện tích trên 400ha) đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, Hà Nội còn có 18 dự án khu (cụm) công nghiệp vừa và nhỏ với diện tích qui hoạch khoảng 733ha.
Thế nhưng trong khi nhiều dự án lớn đang lần lượt bỏ Hà Nội ra đi, tìm đường đến các địa phương khác để đầu tư do Hà Nội thiếu đất thì nhiều KCN qui mô lớn, vị trí thuận lợi lại để hoang, thậm chí phải thay đổi mục đích sử dụng. KCN Ðài Tư, một trong những KCN đầu tiên tại Hà Nội, có diện tích 40ha, nằm ngay cửa ngõ thủ đô, mặt tiền giáp với quốc lộ 5 (xã Hội Xá, Gia Lâm, Hà Nội) do Ðài Loan đầu tư.
Sau gần chục năm, tới năm 2005 nơi này mới có hai nhà xưởng được xây dựng. UBND CSVN tại Hà Nội phải thay đổi chủ đầu tư bằng doanh nghiệp VN. Tuy nhiên, đến nay KCN Ðài Tư cũng chỉ lấp đầy được 25% diện tích (10 ha), 30ha vẫn bỏ trống. Nguyên nhân là do giá thuê quá đắt: 120 đô la trong vòng 40 năm mỗi m2 đất.
=END=
- Cung Cách Làm Việc Của Nhà Nước CSVN: Trúng Tuyển, Nhưng Không Ðược Ði Học
(Cần Thơ - VNN) Tốt nghiệp Ðại học Cần Thơ loại xuất sắc, Danh Xom Basak trúng tuyển học thạc sĩ tại Trường Ðại Học Missouri-Columbia theo chương trình Cần Thơ 150 (CT150). Sau khi hoàn thành thủ tục, chấp nhận bỏ ra hơn 11.000 đôla hỗ trợ thêm kinh phí để kịp thời nhập học vào tháng 8/2007, nhưng ngày gần lên đường, Ban chủ nhiệm đề án thông báo rằng: "Thành uỷ thành phố Cần Thơ không chấp thuận cho Basak đi học ở trường đại học này..."
Basak là một trong 11 ứng viên đầu tiên của đề án CT150. Sau quá trình học ngoại ngữ, theo giới thiệu và hướng dẫn của Ban chủ nhiệm đề án, Basak nộp hồ sơ và được khoa Công nghệ hoá học Trường Ðại Học Missouri-Columbia (Hoa Kỳ) nhận vào học chương trình thạc sĩ với chi phí khoảng 52.000 đôla. Basak thông báo với Ban chủ nhiệm để tiến hành làm thủ tục nhập học, nhưng bị từ chối với lý do chi phí quá cao. Ông Danh Ngoan - cha của Basak, đã gặp ông Tô Minh Giới - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đề nghị xem xét lại. Ngày 18.5.2007, ông Tô Minh Giới gửi thư cho Sở Nội vụ TP.Cần Thơ với nội dung: "Trường hợp ứng viên Danh Xom Basak trúng tuyển vào học đại học ở Hoa Kỳ - chi phí cao (vượt quá khả năng chương trình CT150), nhưng đây thuộc diện dân tộc ít người, đề nghị các đồng chí xem và có ý kiến trình xin ý kiến BCN và nếu cần xin ý kiến của tập thể thường trực uỷ ban".
Tuy nhiên, Ban chủ nhiệm đề án nêu các lý do: Basak đã nộp hồ sơ ngoài luồng, và Ðề án CT150 không có phần ưu tiên cho đồng bào dân tộc... để từ chối. Ngày 19.6.2007, Ban chủ nhiệm đã mời Basak đến và đưa ra hai phương án: Một là: Nếu đồng ý đi học ở Ðức thì đề án hỗ trợ 100% chi phí ăn ở, còn phần học tiếng Ðức không có trong đề án thì gia đình phải chịu; hai là: Nếu đồng ý đi đào tạo ở Missouri-Columbia thì đề án chỉ cấp một phần chi phí (khoảng 40.000 đôla), phần còn lại gia đình tự lo.
Do đã hoàn tất chương trình tiếng Anh, còn tiếng Ðức thì chưa biết chữ nào, ngoài ra Basak thích học ở Trường ÐH Missouri-Columbia nên anh đã chọn phương án hai. Ðể có tiền lo cho Basak đi học, ông Danh Ngoan chấp nhận bán nhiều tài sản trong nhà và thế chấp ngôi nhà gia đình đang ở để làm cam kết về phần tài chính còn thiếu. Ngày 13.7.2007, Văn phòng đề án làm công văn đảm bảo tài chính gửi cho Trường ÐH Missouri-Columbia. Cùng ngày, Sở Nội vụ thảo quyết định trình UBND TP.Cần Thơ ký để Basak đi học. Ngày 18.7.2007, Basak nhận được giấy báo làm thủ tục visa và mã số sinh viên của Trường ÐH Missouri-Columbia.
Thật bất ngờ, ngày 27.7.2007, Basak nhận được công văn từ Văn phòng đề án, với nội dung: Việc đề cử ứng viên Danh Xom Basak đi học tại Trường ÐH Missouri-Columbia đã không được Thành uỷ Cần Thơ chấp thuận mà chuyển sang đào tạo tại trường Dormund, Ðức.
=END=
- Phát Giác 4 Tấn Mỹ Phẩm Quá Hạn Sử Dụng
(Hà Nội - VNN) Chiều hôm qua 5/9, nhà chức trách Hà Nội bất ngờ tiến hành kiểm tra đã phát giác một số lượng lớn mỹ phẩm quá hạn sử dụng, không giấy phép lưu hành tại 2 kho hàng trong Chợ đầu mối phía Nam (Ðền Lừ - Hoàng Mai).
Khi kiểm tra, hai kho hàng ở ki ốt số 16 nhà A và số 10 nhà C có diện tích khoảng 80 m2 chứa đầy các thùng các tông gồm các mặt hàng hóa mỹ phẩm như: sữa rửa mặt, keo xịt tóc, keo dưỡng tóc, nước hoa, thuốc nhuộm tóc...
Theo ước tính, số lượng hàng hóa khoảng 3 - 4 tấn với trị giá xấp xỉ 500 triệu đồng. Kết quả cho thấy, các sản phẩm đều được dán đè tem lưu hành lên trên phần ghi hạn sử dụng mà thực tế là các sản phẩm này có thời gian sản xuất từ năm 2002 và hạn sử dụng là năm 2006.
Sau khi đã dán đè tem phụ lên trên để che mắt người tiêu dùng, số hàng hóa này lại được in hạn sử dụng mới là năm 2010. Ngoài ra, mã vạch in trên các mặt hàng cũng không thống nhất, mã hàng in trên từng sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài trong khi mã in trên bao bì của cả lô hàng thì lại là hàng Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, số hàng mỹ phẩm nói trên không chỉ quá hạn sử dụng, không đủ các hóa đơn chứng từ theo quy định, một số mặt hàng còn không có giấy phép lưu hành của Cục quản lý Dược. Việc tẩy xóa, làm giả hạn sử dụng đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Ðược biết, 2 ki ốt nói trên do Chi nhánh Công ty sản xuất và thương mại Mỹ Liên Nhung (có trụ sở chính ở 551/10 Bến Phú Lâm, quận 6, Sài Gòn) thuê lại của các hộ kinh doanh để làm nơi chứa hàng.
=END=
- Nữ Sinh Bị Công An "Hỏi Cung" Còn Khủng Hoảng Chưa Thể Ðến Trường
(Ðồng Tháp - VNN) Sáng nay, trong khi bạn đồng lứa nô nức đến trường dự khai giảng thì Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nữ sinh bị hoảng loạn sau cuộc hỏi cung vì nghi án 47.800 đồng của công an ở huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp, lại phải nghỉ học, chuẩn bị khăn gói lên Sài Gòn chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Nga, mẹ của Trâm nghẹn ngào kể, tối 4/9, khi thày chủ nhiệm lớp cũ của em gọi điện thông báo ngày khai giảng, Trâm chỉ lặng nghe rồi tắt máy. Cách đây hơn 1 tháng, Trâm viết chữ được, thích viết nhưng vẫn còn sai nhiều lỗi chính tả. Một lần, trên đường lên Sài Gòn, thấy nhiều học sinh tung tăng đến trường, đang yên lành bên mẹ, Trâm bỗng nổi xung, cáu gắt.
Cũng theo lời bà Nga, sau gần 6 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Tâm thần Sài Gòn, sức khỏe Trâm đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, em vẫn chưa nói thành tiếng rõ ràng, không chịu tiếp xúc với người lạ, kể cả bạn thân. Gia đình đã chuyển em lên Thị xã Sa Ðéc sống cùng bà ngoại, để xa nơi gây bệnh cho em.
Theo bác sĩ Hoàng Vũ Huỳnh Trang, người trực tiếp điều trị tâm lý cho em nói, Trâm có trở lại bình thường hay không còn tùy thuộc vào bản thân em, gia đình và những người xung quanh, vì họ tác động đến sinh hoạt hằng ngày của em.
Nhắc lại, Huỳnh Thị Ngọc Trâm, nguyên học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2, bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Ngày 14/3, nguyên hiệu trưởng Lưu Văn Ca cử thày giáo phụ trách đội là Lê Văn Xem chở em đến Công an xã, đưa vào phòng riêng để thẩmvấn, tra hỏi, bắt viết bản tường trình mà không có người giám hộ. Sau đó, Trâm bị hoảng loạn tinh thần, phải nghỉ học để điều trị tới nay.
Thế mới biết dưới chế độ công an trị CSVN đã đưa đến những hậu quả ghê gớm!
*Trong ngày khai giảng năm nay thay vì đưa con đến trường, bà Nguyễn Thị Nga lại đưa Trâm đến bệnh viện.
=END= |