VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bài Vở Hàng Ngày
Ngày 14 Tháng 08 Năm 2007
**********************************
1- Bình Luận Việt Nam
- Lại Vắt Sữa Việt Kiều
Trần Khải
2- Diễn Ðàn Quốc Nội
Nguyễn Xuân Nghĩa
3- Tin Tức Quốc Nội
- Ðơn Tố Cáo chính quyền huyện Ðông Hưng đàn áp người dân thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình
4- Tin Tức Quốc Nội
- Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền 2007 cho Việt Nam
5- Ðời Sống Quanh Ta
- Xảo Thuật Chế Biến Hải Sản Dưới Chế Ðộ CSVN
6- Thời Sự Nước Úc
- Mum can be proud that She Singers well
Hoàng Ð.Thư
7- Tin Tức Ðó Ðây
- Bản Tin Nước Úc
8- Diễn Ðàn Văn Học Nghệ Thuật
- CD "Khi Xa Sài Gòn" và tiếng hát Xuân Thanh
Lê Hoàng Thanh
**********************************
1- Bình Luận Việt Nam
- Lại Vắt Sữa Việt Kiều
Trần Khải
(VNN)
Bão lụt vừa mới đánh phá nhiều tỉnh Miền Trung xong. Và bây giờ các cán bộ trong Bộ Thương Binh và Xã Hội từ văn phòng ở Hà Nội sẽ nghỉ ngay tới giải pháp tiện lợi nhất: xin Việt Kiều mở lòng từ bi để cứu trợ. Ðúng vậy. Vắt sữa Việt Kiều là tiện nhất. Vắt sữa là chuyện dễ, chỉ đưa tay ra là tha hồ mà bóp, mà nắn, vì chính nghĩa cứu trợ không ai nỡ chống đối. Nhưng bù lại, nhà nước thực sự vẫn chưa bao giờ tỏ ra trân trọng với Việt Kiều tới nơi tới chốn. Chưa bao giờ nhà nước Hà Nội biết ơn một cách đúng đắn cả.
Trận bão năm nay tệ hại hơn nhiều trận bão khác. Theo bản tin tổng hợp của đài VOA hôm Thứ Năm, thì Reuters trích lại một tin do chính phủ Việt Nam và hệ thống truyền hình nhà nước cho biết:
"...Hôm thứ năm là đã có ít nhất 43 người thiệt mạng trong khi cả chục ngàn người đang bị đói và cần được cứu trợ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tuy nhiên theo đài VTV thì công tác cứu trợ đã gặp trở ngại vì đường sá đã bị hư hại rất nghiêm trọng, nhiều đoạn đường đã bị nước cuốn trôi khiến rất khó chuyển phẩm vật cứu trợ tới nạn nhân.
Hình ảnh chiếu trên đài cho thấy cảnh một người đàn ông, nước ngập tới cằm, đang nhận mấy gói mì ăn liền tại Hà Tĩnh, nơi bị tác hại nặng nhất. Trong tỉnh nầy đã có ít nhất 15 người thiệt mạng vì lụt sau khi đón nhận tới 60 centimet nước mưa.
Quân đội Việt Nam đã dùng thuyền cao tốc đưa lương thực tới một số nạn nhân ở Hà Tĩnh trong tổng số chừng 60,000 người phải bỏ nhà cửa ra đi.
Nước lụt cũng đã sát hại 3 người tại Quảng Bình và ảnh hưởng tới khoảng 200,000 người, trong số đó có ít nhất 7,500 người đã được di tản tới những miền đất cao.
Các viên chức ngành hoả xa loan báo hôm thứ năm là mọi chuyến tàu bắc nam đều bị huỷ bỏ vì nhiều đoạn đường rầy trong tỉnh Quảng Bình đã bị hư hại." (hết trích)
Ðương nhiên, vài ngày nữa, cũng sẽ có quý Tăng Ni, quý Linh Mục, quý Mục Sư - hoặc từ Việt Nam gửi thư ra, hoặc ngay tại tiểu bang California này - gửi thư xin đồng bào giúp cứu trợ bão lụt. Không ai nỡ từ chối. Các báo rồi cũng sẽ đăng các lời xin quyên góp. Vì đồng bào mình mà. Nhà nước lo không tử tế tới nơi tới chốn, thì mình phải lo chứ. Dù là biết rằng tiền này sẽ không toàn vẹn khi tới tay nạn nhân, vì phải qua nhiều cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, vân vân. Ðó là chưa kể chuyện bị ăn chận có thể có ngay ở các hải cảng, phi trường. Không phải suy đoán đâu, cứ hỏi một vài vị sư từng quyên góp ở Quận Cam trong một trận bão cuối thập niên 1990s. Nhưng cái gì cũng có giá để trả, và rồi ai cũng chấp nhận.
Thực tế, chưa cần nói tới các khoản quyên góp khẩn cấp như cứu trợ bão lụt. Chỉ cần nói chuyện gửi 4 tỉ đô tiền mặt về mỗi năm, nhà nước cũng chưa tỏ ra biết ơn một cách thích đáng.
Bây giờ, nhắc lại một bản tin nhà nước hồi tháng 1-2004. Khi đó, Ngân hàng Trung ương CSVN dự báo số lượng ngoại tệ do Việt Kiều gởi về nước sẽ từ 2 tỉ 600 triệu đô la trong năm 2003 sẽ tăng lên đến 3 tỉ 500 triệu đô la, tức sẽ gia tăng với tỉ lệ 36% trong năm 2004. Ông Trương Văn Phước, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, tiền bạc của khoảng 3 triệu người Việt Nam sinh sống cũng như công nhân xuất cảng làm việc ở nước ngoài "...được gởi về nước thông qua 4 kênh chuyển tiền là các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông được cho phép chuyển tiền kiều hối, và do Việt kiều trực tiếp mang về, không giới hạn số lượng mà chỉ cần khai báo hải quan..." Và lúc đó khoản tiền 2 tỉ 600 triệu đô la do Việt kiều gởi về trong năm 2003 đã giúp cải thiện cán cân thanh toán của CSVN và giúp bù đắp 53% số thâm hụt của cán cân thương mại lên tới 5 tỉ 100 triệu đô la.
Bản tin VietNamNet Bridge tháng 1-2007 nói rằng tiền do người Việt gửi về dự kiến tới 4 tỉ đô la. Xin ghi rõ rằng bản tin này viết bằng tiếng Anh dựa theo bản tin TTXVN, đề ngày 02/01/2007 (có thể là ngày 2, tháng 1-2007 theo kiểu VN; hay ngày 1 tháng 2-2007, viết theo kiểu Mỹ, vì bản tin này được lưu trong máy, nên người viết lỡ quên ghi chi tiết), nói một chi tiết rất đáng chú ý:
"...Năm 2005, VN nhận 6 tỉ đô trị giá đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Năm nay, tức 2007, các nơi cấp viện cam kết cho vay hơn 4 tỉ đô tiền viện trợ phát triển chính thức. VN hiện nhận vốn đầu tư và phát triển từ nhiều nguồn..." (...In 2005, Vietnam received $6bil worth of foreign direct investment. This year, donors have committed to loan more than $4bil in official assistance development. Vietnam now receives capital for investment and development from many sources...)
Bản tin khác
(link:http://www.vneconomy.com.vn/eng/?param=article&catid=&id=1adcc09a8d::1ờ1::)
của VNEconomy, ngày 8-8-2007, viết rằng "VN định mục tiêu xuất cả 5.4 tỉ đô trị giá sản phẩm sang Trung Quốc vào năm 2010." (Viet Nam has set targets of exporting 5.4 billion USD worth of products to China by 2010)
Ðọc các bản tin trên, chúng ta thấy rằng, VN năm 2005 được 6 tỉ đầu tư trực tiếp từ quốc tế. Có nghĩa là, 6 tỉ vào VN để mở nhà máy, thuê thợ, làm ra sản phẩm rồi bán để kiếm lời. Vốn 6 tỉ đó là tiền của quốc tế, sẽ sinh lời bao nhiêu? Nếu chúng ta lấy tỉ suất lời cho rộng là 10% (giả sử không huề vốn, không bị lỗ, không phá sản, không ngập nợ...) thì 6 tỉ đầu tư quốc tế đó chỉ cho tiền lời là 600 triệu đô, mà tiền này lại là tiền của tư bản quốc tế.
Trong khi đó, 4 tỉ đô Việt Kiều gửi về là cho không, là tiền nhét vào túi dân Việt, nếu lấy tỉ lệ lợi tức là 10% thì 4 tỉ này tương đương với hình ảnh Việt Kiều gửi về VN 40 tỉ đô cho vay không lãi, để làm ăn. Trời ạ, thế mà nhà nước không biết ơn. Xin nói rõ, 4 tỉ đô tiền mặt gửi về, tương đương với tư bản quốc tế gửi vào VN cho vay 40 tỉ đô để làm ăn, mà phải ép thợ VN làm tới xì khói mệt nhọc mới có nổi lãi suất này, phải phá hoại tài nguyên, hại rừng hại biển mới có hàng xuất khẩu kiếm lời. Thế mà, tự nhiên khỏi mở xưởng, khỏi ép thợ làm xì khói, khỏi phá hoại rừng biển quê nhà, mà vẫn có 4 tỉ đô cúng thoải mái.
Bây giờ hỏi thêm, VN định mục tiêu xuất khẩu hàng trị giá 5.4 tỉ đô sang Trung Quốc năm 2010. Vậy thì, xuất khẩu 5.4 tỉ đô thì lợi tức là bao nhiêu? Tính rợ, cho là 10% lời, thì cũng chỉ mới 540 triệu đô thôi, mà đó là hàng trăm ngàn công nhân làm việc cực nhọc mới có nổi lợi tức như thế đó. Thế mà, chỉ nhờ Việt Kiều, khỏi cần ai trong nước làm cực nhọc, mà 4 tỉ đô la vẫn phơi phới rơi vào như mưa.
Bây giờ nói thêm, bản tin hôm Thứ Ba 24-7-2007 của bản Anh ngữ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (link: http://chao-vietnam.blogspot.com/2007/07/vietnam-fulfils-rice-export-target-for.html#3760284854036862627) ghi nhận rằng "VN đã xuất khẩu 4.75 triệu tấn gạo năm ngoái, 2006, thu lời 1.3 tỉ đô la" (Vietnam exported 4.75mil tonnes of rice last year, reaping $1.3bil.).
Nghĩa là, hàng chục triệu nông dân VN làm quanh năm cũng chỉ thu lợi về cho cả nước 1.3 tỉ đô la nhờ gạo xuất cảng.
Thế mà, 4 tỉ đô của Việt Kiều rơi vào như mưa, đỡ biết bao nhiêu công sức.
Thế đấy, đó mới là đô la thôi đó. Chưa nói tới trí tuệ. Nhà nước vẫn chưa thực sự nhìn thấy hết năng lực Việt Kiều. Thấy 4 tỉ đô, mà không thấy con số tương đương 40 tỉ đô do 3 triệu người làm việc cực nhọc gửi về đầu tư vô hình. Thấy vài trăm ngàn Việt Kiều về thăm nhà mà không thấy ẩn tàng trong đó là các trí tuệ đã đem lại sinh động và phát minh tại nhiều ngành và nhiều công ty ở Hoa Kỳ.
Tại sao nhà nước chưa khai thác được Việt Kiều? Hãy thấy đơn giản rằng, chỉ cần một lằn ranh bị xóa đi, là Việt Kiều sẽ về ào ạt. Việt Kiều liều thân lên ghe vượt biên là để tìm tự do, và khi đi ai cũng mong muốn toàn dân mình được sống với tự do dân chủ. Như vậy, lằn ranh đó thực sự là bản chất chế độ toàn trị. Nói là lằn ranh, nhưng thực sự là cách biệt cả đại dương, giữa toàn trị và tự do dân chủ. Thật sự, ngay cả những người tự nhận là trí thức phe tả, đã có bao nhiêu người thực sự về toàn tâm toàn lực đóng góp? Trong khi đó, chính phe hữu mới là đóng góp nhiều nhất: đứng vạch áo ra, giơ vú ra cho Ðảng CSVN vắt sữa, lặng lẽ giúp các tôn giáo hồi phục, giúp nâng cao dân trí bằng mọi phương tiện...
Chỉ cần nhà nước thật tâm công nhận các quyền căn bản cho người dân, trong đó có quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do ứng cử và bầu cử... thì đừng nói gì 4 tỉ hay 40 tỉ, mà nói tới chuyện liều thân về để giữ đất, giữ biển cũng sẽ thấy hàng hàng lớp lớp rủ nhau về chứ.
Thế mà nhà nước không biết ơn. Lại bày trò tuyên truyền nhảm để nhuộm đỏ cộng đồng với những trò đẻ ra tờ báo thứ 701 hay 702 ra hải ngoại. Hay những trò dàn dựng các đaị nhạc hội Duyên Dáng Cờ Ðỏ ở hải ngoại.
Thế lại là đem tiền đổ ra sông Ngô rồi. Ðúng ra, là đổ tiền ngược ra sông Santa Ana.
Thực đấy, chỉ cần nhà nứơc thành tâm dân chủ hóa thì hải ngoại tiếc gì tiền và chất xám.
=END=
2- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Viết tiếp "Người Dân Lớn"
Nguyễn Xuân Nghĩa
Bạn đã được đọc một bài bài báo rất hay "Người Dân Lớn" của nhà văn Nguyễn Quang Thân, từ báo Thể thao & Văn Hoá trong nước số 90, ngày 29 tháng 7/2007 do trang mạng Doithoai post ngày 10/8/2007. Nguyễn Quang Thân đang sống ở Hà Nội. Chân dung của ông như sau:
Ta quyết không đi "Chung một chuyến tàu",
quyết "Ra khơi tìm miền đất hứa."
Tiếc cho "Chú bé có tài mở khoá"
Vẫn quanh quẩn trên tàu chứ chẳng xuống đâu!
(Trong ngoặc kép là tên các tác phẩm có khuynh hướng phản tỉnh của nhà văn)
Ðã nhiều lần văn tài này dự tính nhảy khỏi con tàu văn chương "vì tổ quốc XHCN" (tên biển hiệu treo trên trang đầu báo Văn Nghệ), nhưng rồi vì nhiều lý do ông không chịu rời tàu mà lúc thì ở đầu tàu, lúc ở cuối tàu. Bởi vậy ông không đi hết đời mình trong văn chương. Với bài báo này cũng thế. Cho nên đọc xong bài báo của một nhà văn quen biết, tôi mạn phép ông viết nối vào cho đúng hiện thực:
"Nhưng tại sao lâu nay bạn và mấy ông hàng xóm không biết nhờ ông ấy? Ðơn giản vì ông ấy, cái ông Nghị chỗ bạn lại muốn ẩn mình, có thể vì quá khiêm tốn đó thôi. Ông ấy quên rằng, Những Người Dân Lớn tức là ông Chủ Lớn, được hiến pháp dành cho quyền kiểm tra những người luôn tự nhận là công bộc (đầy tớ) của nhân dân; và nếu ai quên như vậy thì khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" chỉ là lời nói suông mà thôi" (hết trích của Nguyễn Quang Thân).
Nghĩ vậy, người dân nhỏ tìm sang nhà Người Dân lớn. Quái lạ! Người dân nhỏ gõ cửa thì một người Dân Nhỏ khác lạ hoắc bước ra: - Ông ta không ở đây nữa - Ông ta đổi nhà từ ngày được vào Quốc Hội - Ở Mỹ có Wall Street dành cho bọn tài phiệt, có Las Vegas cho bọn đánh bạc, tại sao ở ta lại không có phố cho bọn "Người dân Lớn" của ông?
Người dân nhỏ này nghe người dân nhỏ kia lộng ngôn mà kinh. Nếu đến tai công an, ông ta rất dễ mang tội bất mãn chế độ, nói xấu chính quyền, nói xấu đại biểu của nhân dân, tuyên truyền chống phá nhà nước, ăn tiền của bọn dân biểu Chris Smith, Dana Rorahbacher phản động Mỹ, của bọn thất trận vượt biên.... Không tranh luận, Người Dân Nhỏ bỏ đi dành nhiều thời gian lưu trú tại nhà Người dân Lớn đặng thỉnh nguyện kỹ càng hơn ý tưởng.
Tại đây, nghe người dân nhỏ đề đạt nguyện vọng uỷ quyền kiểm tra nhà máy nước, Người Dân Lớn tư lự gật gù. Ông bị bệnh gật gù cái đầu và giơ cao cái tay từ ngày trở thành Người Dân Lớn. - Ðúng rồi! Tôi cũng nghe cử tri vùng ta kêu như thế đấy! Cái gì chứ có thạch tín vượt quá chuẩn trong nước máy là ghiết dân. Tôi sẽ đi kiểm tra! Tôi sẽ đi kiểm tra! Tôi sẽ đi kiểm tra! Người Dân Lớn cao giọng khẳng định.
Cả tin, cả mừng, người dân nhỏ cung kính cáo biệt
Người Dân lớn khẳng định sẽ đi kiểm tra nhà máy nước là đúng thôi. Quyền hạn đó nằm trong tay ông. Từ khi làm Người Dân Lớn ông chưa được nghe một lời thỉnh nguyện nào của cử tri, không biết vì họ không coi ông là Người Dân Lớn của họ hay nguyên nhân nào khác? Cho nên, bây giờ có cử tri thỉnh nguyện, mà thỉnh nguyện việc chẳng to tát gì lắm, ông nhất quyết làm để xứng đáng là Người Dân Lớn.
Ông tâm sự điều này với một Người Dân Lớn khác. - ! ! ! Ði là đúng! Nếu không đi chúng ta đâu còn là Ðại biểu Quốc hội! Người Dân Lớn thứ hai cũng mắc bệnh gật đầu. Ngẫm ngợi một lúc, Người Dân Lớn bạn ông nói thêm - Cơ mà ông "trao đổi" với Người Dân Lớn nhất trong số Người Dân Lớn chúng ta xem sao đã.
Ông thấy bạn mình nói cũng phải nhẽ. Người Việt Nam ta có cái lý còn phải có cái tình. Ông lại bảo lái xe đưa ông đến nhà Người Dân Lớn nhất trong số các ông. Ông gặp lại cảm giác "quái lạ!" của người dân nhỏ khi đến nhà ông, lại phải bảo người lái xe quay lại tìm đến khu phố dành cho những Người Dân Lớn nhất quốc gia, nguyên do vì người này đã rời đến khu phố mà nhà nào cũng có công an đứng canh, mắt gườm gườm nhìn vào những người dân nhỏ lai vãng.
Không hiểu câu chuyện giữa họ ra sao. Có thể giám đốc cái nhà máy nước cung cấp cho những người dân nhỏ chất thạch tín kia là con một ông Lớn Nhất Nhì trong Ðảng, hoặc một ai đó cũng Lớn thực hiện Nghị quyết đảng viên biết làm giàu, có cổ phần, được chia lãi nhờ thạch tín, vân vân và vân vân, (tôi dự đoán rằng trong câu chuyện của hai người phải có câu hỏi và trả lời: Ai biến ông thành Người Dân Lớn?...! Ông là Người Dân Lớn của ai?...) cho nên buổi chiều trở về, ông nói với người dân nhỏ: "Tôi không đi kiểm tra nhà máy nước; nhưng tôi biết không có thạch tín trong nước máy! Quý vị đừng nghe mấy gã nhà báo 'không đi đúng lề đường bên phải' mà làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang tội vi phạm điều 88 bộ luật hình sự!"
Hải Phòng, ngày 11 -8-2007
Nguyễn Xuân Nghĩa
* Ðính kèm bài báo:
Người Dân Lớn
Nguyễn Quang Thân
Hải Phòng, ngày 11-8-2007.
Hãy tưởng tượng cạnh nhà bạn có một nhà máy nước cung cấp nước cho một phần tư thành phố của bạn. Trên tường chính diện nhà máy ấy có viết câu khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Ông giám đốc nhà máy nước này luôn được khen là có ý thức "phát triển dân chủ cơ sở", nghĩa là ông ta không những không sợ mà còn muốn mời nhân dân kiểm tra công việc của nhà máy ông.
Bạn là dân, bạn đọc báo thấy nói trong nước máy chỗ bạn có thạch tín vượt mấy lần qui định. Vậy là bạn đã biết chuyện trong nước máy bạn uống có vấn đề gì đó. Vì lo cho cuộc sống, bạn bàn với bà con trong lối xóm, thống nhất nên kiểm tra cái ông nhà máy luôn được khen này. Tin vào cái khẩu hiệu trên tường, bạn rủ vài người nữa vào nhà máy để hỏi ông giám đốc xem cái chuyện thạch tín là thật hay đùa. Ðến cổng bạn gặp bảo vệ. Bảo vệ không cần giải thích mà chỉ một cái biển khác: "Không nhiệm vụ, cấm vào!". Bạn thấy đúng quá. Nhà máy nước đâu là chợ mà ai cũng có thể vào.
Tình cảnh bạn thật bế tắc. Dân có quyền kiểm tra mà không được vào nhà máy kiểm tra thì kiểm tra cái gì?
Bạn quên nghĩ tới một người. Người này cũng là dân, có thể vào nhà máy bất kỳ lúc nào, có thể bắt buộc ông giám đốc trình bày kỹ càng chuyện thạch tín, có thể yêu cầu ông ta đưa mẫu nước đi kiểm định hàng tuần và làm nhiều việc khác thuộc trách nhiệm của ông ta nhưng từ lâu ông ta đã giả vờ quên. Và ít nhất thì sau đó bạn đã có câu trả lời về những vấn đề mà những người dân như bạn muốn kiểm tra.
Người ấy là ai mà quyền to vậy? Thưa bạn, người đó chính là ông đại biểu Quốc hội ở cách nhà bạn không xa. Ông ấy là Người Dân Lớn, lớn hơn bạn, nhiều quyền hạn hơn bạn, vì ông ấy đại diện cho vài chục ngàn dân chứ có ít đâu. Ông ấy có thẻ miễn trừ, có tiếng nói ở cơ quan quyền lực cao nhất nước. Xem ra bạn chỉ có thể kiểm tra mọi chuyện như chuyện nhà máy nước, chuyện giải tỏa đất đai, chuyện chống tham nhũng... qua Người Dân Lớn ấy.
Nhưng tại sao lâu nay bạn và mấy ông hàng xóm không biết nhờ ông ấy? Ðơn giản vì ông ấy, cái ông nghị chỗ bạn lại muốn ẩn mình, có thể vì quá khiêm tốn đó thôi. Ông ấy quên rằng, những Người Dân Lớn tức là Ông Chủ Lớn, được hiến pháp dành cho quyền kiểm tra những người luôn tự nhận là công bộc (đầy tớ) của nhân dân. Và nếu ai quên như vậy thì khẩu hiệu " dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" chỉ là lời nói suông mà thôi.
Nguyễn Quang Thân
Thể thao&Văn hóa số 90, 28/07/2007 (VietNam)
=END=
3- Tin Tức Quốc Nội
- Ðơn Tố Cáo chính quyền huyện Ðông Hưng đàn áp người dân thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình
Thái bình, ngày 10 tháng 8 năm 2007
Ðơn tố cáo
Về việc chính quyền huyện Ðông Hưng đàn áp những công dân thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình
Kính gửi: Các cơ quan truyền thông đại chúng trên toàn thế giới
Kính thưa các quý vị
Tên tôi là: Nguyễn Văn Túc hiện nay 44 tuổi, ở thôn Cổ Dũng 1, xã Ðông La, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Là một công dân luôn sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, với truyền thống gia đình, thấy chuyện bất bình chẳng tha. Trước những việc làm vi phạm trắng trợn hiến pháp và pháp luật của chính quyền huyện Ðông Hưng, đứng đầu là ông Ðặng Ðình Bình, nguyên Chủ tịch huyện Ðông Hưng, để lại nhiều hậu quả rất nghiêm trọng cho nhân dân trong huyện. Ðặc biệt nghiêm trọng là vụ đàn áp để cưỡng chế nhân dân thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sự việc xẩy ra như sau:
Nơi thôn quê hàng bao đời các hộ dân sinh sống, đang làm ăn yên ổn, bỗng dưng năm 2003 nhà nước giao cho Ban dự án công trình điện Miền bắc tiến hành xây dựng đường điện 220 kw tuyến Thái Bình-Nam Ðịnh. Việc xây dựng các công trình lớn của nhà nước để phục vụ nhân dân, chúng tôi không hẹp hòi nhưng phải đúng các quy định của nhà nước như: Phải có quyết định thu hồi đất, phải cấp đất tái định cư cho nhân dân, phải đền bù cho những hộ dân có đất đai, nhà cửa, cây cối nằm dưới đường dây điện mà nhà nước đã quy định hành lang an toàn bảo vệ đường điện nói trên rõ ràng, cụ thể, thoả đáng. Nhưng chính quyền huyện Ðông Hưng không hề làm như vậy mà đường đột kéo quân đến đàn áp, đập phá, cưỡng chế, coi nhân dân không bằng cỏ rác.
Thấy việc làm quá dã man, tàn ác của chính quyền huyện Ðông Hưng, các hộ dân khu vực này làm đơn khiếu nại, tố cáo chính quyền huyện Ðông Hưng do ông Bình cầm đầu gửi lên tỉnh, Bộ công nghiệp và chính phủ. Việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trên 3 năm trời ròng rã, nhưng cho đến tận ngày hôm vẫn không được cơ quan nào giải quyết. Những hộ dân sống dưới đường dây 220 kw phải chịu bao điều đau khổ. Họ phải tốn kém biết bao thời gian, công sức, tiền của, để tìm đến các cửa kêu cứu, song họ vẫn chỉ nhận được sự im lặng từ các cấp có thẩm quyền. Hiện nay lưới điện đã đi vào hoạt động từ lâu, các hộ dân phải sống dưới từ trường do lưới điện gây ra nên đã sinh ra nhiều bệnh tật....Vậy mà các cấp, các nghành vẫn thờ ơ, vô cảm với những thiệt thòi quá lớn của nhân dân. Vì các cấp thẩm quyền im lặng nên chính quyền huyện Ðông Hưng đứng đầu là ông Ðặng Ðình Bình, chủ tịch huyện được đà lộng hành nhắm mắt ký quyết định số 372/QÐ-UB, ngày 27/11/2003 điều động các lực lượng gồm: viện kiểm sát, công an, an ninh địa phương... ngoài ra ông Bình còn thuê thêm một số đầu gấu ở nơi khác đến khu vực này để đàn áp, cưỡng bức các hộ dân. Các lực lượng nêu trên, dưới sự chỉ đạo của ông Bình tự tiện xông vào vườn của các hộ dân, cứ việc chặt phá cây cối rồi trèo lên các mái nhà để phá dỡ các loại tài sản khác... bất chấp sự cầu khẩn, van xin của các hộ dân bị hại. Mặc dù nhà cửa, đất đai của các hộ dân nơi đây đang sử dụng hợp pháp theo luật đất đai quy định vì họ chưa có bất kỳ một quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền.
Vậy không hiểu sao ông Ðặng Ðình Bình, là người thay mặt nhà nước thực thi pháp luật lại cố tình vi phạm pháp luật ra một quyết định trái luật để đưa lực lượng về phá tài sản của công dân. Dưới sự chỉ đạo của ông Ðặng Ðình Bình, các ông Lê Văn Thứ chức vụ phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện, ông Lê Minh Quang phó công an huyện Ðông Hưng trực tiếp dẫn quân về thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu xông vào nhà các hộ dân khống chế để các lực lượng chặt phá cây cối, thu dỡ ăng ten truyền hình, khi các hộ dân phản đối hành động thô bạo nói trên của họ và giữ không cho bọn côn đồ phá cây, lập tức bị một số công an hình sự mặc thường phục túm vào xô ngã dân và bẻ quặt tay họ ra sau lưng dong đi và lập biên bản vu khống cho dân là chống người thi hành công vụ, ép buộc họ ký tên vào cả 4 góc tờ biên bản.
Ðây là một hành động vô cùng thô bạo, ác hơn nữa, ông Lê Minh Quang và ông Bàng, trưởng công an xã Minh Châu đã lệnh cho lực lượng của các ông xô ngã một cô phụ nữ, sau đó 4 công an túm vào mỗi người một chân, một tay khiêng cô như một con vật, quăng quật cô trên mặt đường gạch trong lúc cô này đang có thai 2 tháng, rồi đẩy cô xuống máng nước lúc trời đang giá rét, họ còn vô cớ bắt cô khiêng lên xe ô tô chở đi khiến cô bị ngất xỉu, thấy nghiêm trọng, chính quyền xã Minh Châu buộc phải tìm bác sỹ đến cấp cứu. Hậu quả cô bị thôi thai (sảy thai) .
Chúng tôi, công dân thôn Thọ Sơn , xã Minh Châu lên án hành động quá dã man, tàn bạo của các ông Ðặng Ðình Bình; Lê Văn Thứ; Lê Minh Quang; ông Bàng, trưởng công an xã; ông Ry Chủ tịch xã Minh Châu. Các hộ dân bị đàn áp đã có đơn tố cáo gửi lên chính quyền tỉnh, gửi trụ sở tiếp dân của trung ương Ðảng CSVN, nhà nước và gửi thanh tra chính phủ...
Song mọi tố cáo của chúng tôi đều bị các cơ quan nêu trên thờ ơ, vô cảm trước sự uất hận của những người dân vô tội.
Với trách nhiệm công dân, trước sự tàn bạo của các cấp chính quyền huyện Ðông Hưng. Tôi viết đơn này tố cáo những việc làm vi hiến, vi pháp trắng trợn chà đạp lên quyền con người của những cán bộ nêu trên. Kính mong các cơ quan ngôn luận trong và ngoài nước, các tổ chức bảo vệ Nhân quyền Quốc tế, hãy lên tiếng ủng hộ về tinh thần, vật chất, thông tin, sớm có những biện pháp giúp những người dân vô tội thôn Thọ Sơn, xã Minh Châu đã và đang bị bọn cơ hội cộng sản đàn áp.
Người tố cáo
Công dân Nguyễn Văn Túc
Thôn Cổ Dũng 1, xã Ðông La, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình
* Dân oan Nguyễn Văn Túc tham gia khiếu kiện tại Hà Nội
=END=
4- Tin Tức Quốc Nội
- Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Dự Luật Nhân Quyền 2007 cho Việt Nam
Kính gửi:
- Ông Chủ tịch và toàn thể Quý Nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ
- Bà Chủ tịch và toàn thể Quý Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ
- Quý Nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội, Chính phủ và Nhân Dân các nước yêu chuộng tự do trên thế giới
- Ðồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Như nhiều người trên thế giới đã biết, hiện nay, đảng cộng sản Việt Nam đang là tập đoàn độc quyền cai trị đất nước Việt Nam trên 60 năm nay và không biết sẽ còn tiếp tục cai trị bao lâu nữa. Chế độ độc tài độc đảng mà đảng Cộng Sản Việt Nam đang áp đặt lên toàn dân Việt Nam chính là nguyên nhân khiến cho:
- đất nước ngày càng tụt hậu; đại đa số nhân dân ngày càng nghèo khổ; sự chênh lệch giàu nghèo giữa nhân dân và cán bộ cộng sản ngày càng sâu rộng;
- các tệ nạn như tham nhũng, mại dâm, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài dưới hình thức hôn nhân dị chủng, cho dân ra làm nô lệ xứ người dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động ngày càng lan tràn...
- việc vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân ngày càng lộ liễu, nhất là với những ai dám công khai phê bình chính sách của đảng và nhà nước; nạn dân oan bị tước đoạt nhà cửa ruộng vườn xảy ra khắp nơi và ngày càng gia tăng; công nhân bị bóc lột sức lao động mà không được bênh vực hay cải thiện...
Nhiều cá nhân và tập thể trong nước như:
- Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam đã từng đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền;
- Hàng ngàn dân oan đã từng biểu tình tại Vườn Hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) và trước Văn Phòng II Quốc hội tại Phú Nhuận (Sàigòn) để đòi nhà cầm quyền phải trả lại đất đai nhà cửa đã bị nhà cầm quyền tước đoạt của họ cách bất công;
- Các công nhân tại rất nhiều công ty, xí nghiệp đã đình công đòi cải thiện mức lương và tình trạng lao động quá tệ hại của họ...
Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chẳng những đã không thỏa mãn những yêu cầu chính đáng và bức bách của họ mà còn đàn áp họ, nhất là bắt bớ, khủng bố, bỏ tù những người lãnh đạo. Ðiều đó chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam không hề có thiện chí cải thiện tình trạng nhân quyền mà muốn buộc mọi người dân phải câm miệng chịu đựng để mặc cho họ toàn quyền thao túng, cướp bóc, đàn áp người dân...
Do đó, muốn nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền của người dân, phải thực thi công bằng xã hội, thay đổi những chính sách không hợp lý, thực thi những gì họ đã ký kết với quốc tế, v.v... chúng ta không thể chỉ kêu gọi thiện chí của họ như biết bao lần chúng ta đã từng làm trước đây một cách hoàn toàn vô ích, mà phải tạo áp lực buộc họ thực hiện những điều mà đáng lý họ phải làm. Ðối với nhà cầm quyền Việt Nam, chỉ có áp lực mạnh mới có thể buộc họ thay đổi và hành động hợp lý mà thôi.
Vì thế, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam rất hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của Dân biểu Christopher Smith đã soạn thảo "Dự luật Nhân quyền năm 2007 cho Việt Nam" (HR 3096); dự luật này đã được Uỷ ban Ðối ngoại Hạ viện chấp thuận ngày 31-7-2007. Nội dung của Dự luật nhân quyền này là một biện pháp chế tài đối với Việt Nam bằng cách:
- Cắt các khoản viện trợ không thuộc lãnh vực nhân đạo cho đến khi Việt Nam chứng minh thực tâm qua những tiến triển cụ thể như: trả tự do cho tất cả các tù chính trị và tôn giáo, tôn trọng quyền sinh hoạt tôn giáo của các giáo hội, hoàn trả tất cả các tài sản đã tịch thu của các giáo hội,
- Tạo thuận tiện cho những người đủ điều kiện tham gia các chương trình tị nạn của Hoa Kỳ,
- Ðòi hỏi Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền của các dân tộc thiểu số, trừng trị những giới chức dính líu đến việc buôn người.
Chúng tôi rất mong:
- Lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật này.
- Chính phủ các nước yêu chuộng tự do hãy đồng loạt áp lực Cộng Sản Việt Nam bằng những dự luật tương tự, hay bằng những phương thức khác tùy theo sáng kiến của mình.
- Các cộng đồng người Việt hải ngoại hãy tìm mọi cách vận động chính phủ nước sở tại của mình đưa ra những dự luật tương tự.
Việc áp lực nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền là một điều rất có lợi cho những quốc gia nào muốn giao hảo thương mại với Việt Nam. Trong thương trường, không ai muốn làm ăn với những người thiếu lương thiện, thích lường gạt hay gây tội ác vì xác xuất gặp bất trắc rất cao. Cũng tương tự như vậy trên phạm vi quốc tế hay giữa các quốc gia. Nhiều nhà đầu tư ngoại quốc kinh doanh tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Việt Nam dùng luật rừng để kết án oan ức hầu cướp đoạt tài sản hoặc cơ sở làm ăn của mình. Khi những trường hợp tệ hại này xảy ra, nếu báo chí và các phương tiện truyền thông bị bưng bít hay buộc phải bênh vực nhà cầm quyền ăn cướp như hiện nay... thì quyền lợi của nhà đầu tư không được bảo đảm chút nào.
Việc giúp đỡ vật chất cho dân chúng một nước qua nhà cầm quyền nước ấy chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả khi nhà cầm quyền ấy gồm những người bất lương, gian trá, sẵn sàng cướp đoạt tài sản của người dân để thỏa mãn những đòi hỏi tham lam của mình như nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Thật vậy, nhà cầm quyền Việt Nam từ cấp địa phương đến cấp trung ương suốt 60 năm qua đã từng tước đoạt đất đai nhà cửa của người dân, làm sao các quốc gia viện trợ có thể tin tưởng được những vật viện trợ có thể đến tận tay người dân? Việc viện trợ này trái lại chỉ làm cho nhà cầm quyền độc tài có nhiều phương tiện hơn để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp người dân cho mạnh hơn mà thôi. Họ có thể dùng chính số tiền viện trợ to lớn này để mua chuộc các cá nhân có ảnh hưởng lớn trong nước cũng như trong các quốc gia khác để ủng hộ chế độ độc tài của họ, để vô hiệu hóa những nỗ lực dân chủ hóa của mọi người, v.v...
Ðồng bào trong nước cũng cần phải đồng loạt gây áp lực với chế độ độc tài bằng những cuộc tổng biểu tình của dân oan các nơi, bằng những cuộc tổng đình công của công nhân các công ty, xí nghiệp, các khu chế xuất, bằng việc cùng lên tiếng mạnh mẽ phản đối những vi phạm nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam... Và đồng bào hải ngoại hãy tích cực hỗ trợ cho những nỗ lực ấy của đồng bào trong nước.
Nếu tất cả những người thiện chí đều đồng tâm và đồng loạt gây áp lực như thế trên nhiều mặt, thì chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam sẽ buộc phải đi vào con đường chính đáng là tôn trọng người dân và thực hiện những gì họ đã ký kết.
Trân trọng kính chào.
Việt Nam, ngày 12 tháng 8 năm 2007.
Ban Ðiều hành:
1- Kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Sài Gòn
2- Giáo sư Nguyễn Chính Kết, Sài Gòn (đang vận động tại hải ngoại)
3- Cựu Sĩ quan Trần Anh Kim, Thái Bình
4- Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Hoa Kỳ.
=END=
5- Ðời Sống Quanh Ta
- Xảo Thuật Chế Biến Hải Sản Dưới Chế Ðộ CSVN
Phóng sự NLÐ
Bà Nguyễn Thị Các Trâm, ngụ tại phường 13, quận 3, Sài Gòn, sau khi có dịp về quê gặp một người bà con làm nghề buôn bán hải sản đông lạnh ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, khi thấy người bà con giao những cần xé cua, ghẹ đỏ au cho những người làm gia công bóc vỏ, bà có thắc mắc và hỏi người bà con rằng: "Lỡ như trong quá trình bóc vỏ, người bóc ăn lén thì sao?". Bà nhận được câu trả lời bất ngờ thật thà: "Không mất một cái càng nào đâu, vì tất cả đều được luộc bằng hàn the hết rồi, có cho tiền cũng chẳng ai dám ăn"...!
Bức xúc trước sự việc, bà đã viết thư cho báo Người Lao Ðộng kể sự việc, và cho biết rằng, trước đây con trai bà rất thích ăn xúp măng cua, nhưng từ khoảng một năm nay bà không dám cho cháu ăn món này nữa và cũng khuyên những người thân đừng nên ăn.
Sau đó, báo Lao Ðộng đã cho phóng viên tìm hiểu và ghi lại những "xảo thuật chế biến thủy - hải sản hãi hùng" tại khu vực cảng Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bài viết như sau:
Những món ăn được chế biến từ hải sản thường là món khoái khẩu của nhiều người; nhưng có chứng kiến các công đoạn chế biến loại thực phẩm này, mới thấy thật hãi hùng.
Ba lần tẩm độc
Xã Phước Tỉnh được xem là xã vùng biển giàu nhất nước, nhờ có đội ghe tàu hùng mạnh chuyên ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Mỗi ngày, tại cảng Tân Phước, có hàng trăm ghe tàu cập bến đổ xuống hàng ngàn tấn cá tôm, mực vừa đánh bắt được. Vì vậy, song song với hoạt động mua bán tấp nập, các loại hóa chất phụ gia bảo quản sản phẩm cũng được bày bán gần như công khai ở các nhà dân lân cận.
Ông Ba Hồng, người ở quận 8 - Sài Gòn, có cả đội ghe thuyền chuyên đi săn mực rồi trực tiếp dùng xe tải chở thẳng từ xã Phước Tỉnh đến chợ đầu mối Bình Ðiền - Sài Gòn, kể: "Trước đây để ướp 1 tấn mực phải cần đến 100 cây đá (giá khoảng 5 triệu đồng) rất bất tiện, tốn kém, nay chỉ cần cho vào 4 kg chloramphenicol, giá chỉ 250.000 đồng/kg là xong. Tiết kiệm được tới 4 triệu đồng cho 1 tấn ai chẳng ham". Ông Hồng còn tiết lộ: "Về đến chợ Bình Ðiền, tiểu thương lại một lần nữa ướp chloramphenicol vào rồi chờ bán ra các chợ lẻ, đến đây người bán lẻ lại ướp một lần nữa, tức là con mực phải chịu thấm đẫm chất này ít nhất ba lần mới đến tay người tiêu dùng". Theo ông Hồng, các loại cá cũng bị tẩm ướp chất kháng sinh cực độc này, theo một quy trình đơn giản mà "hiệu quả" như đã nói ở trên.
Tươi, chắc nhờ hóa chất
Mỗi khi tàu chở cua ghẹ về, hàng trăm người đã được chủ vựa thuê, ào xuống bốc xếp hàng lên bờ. Sản phẩm nhanh chóng được phân loại ngay, con nào còn sống để qua một bên, chuẩn bị cột dây, rọng nước; con nào chết chất thành từng đống, mùi cua ghẹ chết rất khai và thối xộc thẳng vào mũi vô cùng khó chịu. Ðể giữ cua ghẹ được lâu, người ta cho vào nước một lượng hàn the đậm đặc (khoảng 2 kg/100 kg sản phẩm), chlorine (hóa chất chống khuẩn) và GGT - loại thuốc dùng để diệt sâu bọ côn trùng, rồi luộc. Sau khi luộc xong, người ta xếp chúng vào từng cần xé và đem đi giao cho các hộ dân trong xã lột thuê. Nhìn từng đống cua, ghẹ, cá, mực bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen nghịt, không ai có thể ngờ được chỉ ngay sau đó vài giờ, chúng được đóng lại thành từng ký, bao bọc kỹ lưỡng xếp trong thùng mút, chở đi tiêu thụ khắp nơi, chủ yếu là Sài Gòn.
Về TP, đừng ăn xúp cua...
Tại đây, công đoạn chế biến chả cá, mắm ruốc cũng không kém phần rùng rợn. Ngoài việc nạo các loại cá chết đã lâu, cho ướp hàn the và các loại tinh dầu để sản phẩm thơm, họ còn để cho ruồi nhặng thoải mái "hưởng lợi" từ các thùng sản phẩm đã chế biến trước khi chúng được đóng gói. Hầu hết những người dân sống ở khu vực này đều không ăn những sản phẩm chế biến sẵn, bởi họ hiểu rất rõ độc hại từ hóa chất.
Chị Tuyền, người dắt tôi đi xem các công đoạn chế biến, ghé tai tôi nói nhỏ: "Về TP, em đừng ăn món xúp cua nhé. Ngày mai em về cứ mua cua ghẹ sống mà ăn". Ðối với tôi, những điều chị Tuyền dặn cũng bằng thừa. Tôi tin chắc rằng chẳng riêng gì mình, bất cứ ai đã từng chứng kiến các công đoạn chế biến khủng khiếp như thế cũng thề chẳng bao giờ dám ăn những sản phẩm này cả.
Cũng theo bài báo này cho biết, ở Việt Nam tất cả 100% nhóm thực phẩm ăn liền không đạt và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết quả kiểm tra năm 2006 của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) ở các địa phương cho thấy, tỉ lệ giò, chả có hàn the rất cao, trung bình từ 29% - 82% các mẫu được kiểm tra. Nhóm thực phẩm chế biến từ rau, củ, quả đều dùng những phụ gia bảo quản thực phẩm vượt quá giới hạn của Bộ Y tế. Ðiều tra từ nhóm thực phẩm ăn liền như khô bò, heo, patê, xúc xích, chả cá, thịt da bao, chả giò... cho thấy 100% đều không đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Năm 2006, kết quả kiểm tra của Sở Y tế Sài gòn về tình hình VSATTP cho thấy 31% chả lụa, bánh giò, mì sợi... chứa formol, hơn 50% mẫu có phản ứng dương tính với hàn the. Có nhiều nhóm thực phẩm không đạt chỉ tiêu vi sinh và hóa lý 100% như cá nục ở chợ, xôi màu các loại, lạp xưởng ở chợ, chao, tương xay...
=END=
6- Thời Sự Nước Úc
- Mum can be proud that She Singers well
Hoàng Ð.Thư
(SGT)
LND: Tuần qua, sau khi bị tấn công dữ dội về vụ bác sĩ Haneef, tổng trưởng di trú Kevin Andrews tuyên bố chính phủ Howard sẽ đưa thêm biện pháp xiết chặt luật di trú hơn nữa để bảo đảm an toàn xã hội. Chiếu theo dự luật này thì tất cả mọi di dân sinh sống ở Úc phải chứng minh được rằng họ có thiện chí muốn hội nhập vào xã hội Úc, đặc biệt là qua nỗ lực học Anh Ngữ cũng như thâu thập kiến thức về giá trị căn bản của Úc, bằng không thì họ sẽ không được cấp tư cách thường trú nhân và có thể bị trục xuất về nguyên quán. Tuyên bố này đã bị hầu hết mọi người trong giới truyền thông cùng quảng đại quần chúng cực lực lên án, cho là thủ đoạn "thổi còi gọi chó" (dog whistle) nhằm thu hút sự yểm trợ của những kẻ kỳ thị chủng tộc trong kỳ bầu cử liên bang tới đây. Nhật báo The Sydney Morning Herald đã chạy ngay một bài trên trang nhất với tựa đề "Những danh tài Úc chúng ta có thể đánh mất" và nhắc đến một số người Úc gốc di dân và tỵ nạn đã đóng góp nhiều cho nước Úc trong nhiều lãnh vực khác nhau - như đạo diễn gốc Việt Ðỗ Khoa, nữ lực sĩ nhảy sào gốc Nga Tatiana Grigorieva, nhà bác học gốc Áo Sir Gustav Nossal, doanh gia gốc Do Thái Frank Lowy.v.v. - sẽ không có cơ hội được định cư ở Úc nếu dự luật mà chính phủ Howard vừa tuyên bố được áp dụng khi họ hoặc cha mẹ họ vừa đặt chân đến Úc. Ngay cả nhật báo The Australian vốn bảo thủ và thận trọng đối với chính sách đa văn hóa cũng đã phải lên tiếng chính thức chỉ trích chính sách này của chính phủ Howard qua bài xã luận ngày 02/08/07 vừa qua, cho rằng trò chơi "thổi còi gọi chó... rất nguy hiểm" và đồng thời khuyến cáo chính phủ Howard, quần chúng cần phải có sự tin tưởng "những cuộc khảo thí không được lạm dụng để xách động những quan ngại về sắc tộc bày trò cho công chúng trong thời gian có bầu cử". Trong số các bài viết phê bình đạo luật này thì có lẽ, bài viết của đạo diễn Ðỗ Khoa, đăng tải trên nhật báo The Sydney Morning Herald hôm thứ Bảy 04/08 vừa qua là bài viết mang nhiều hơi hướm trào phúng pha tí châm biếm nhẹ nhàng nhưng rất thâm thúy sâu sắc, nêu rõ sự phi nhân, phi lý nếu không nói là tàn nhẫn và xuẩn ngốc của chính sách nói trên. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài viết tựa đề "Mum can be proud that she Singers well" - Mẹ có thể hãnh diện rằng mẹ đã "Singers" thật tốt.
Alice là một trong những người bạn thật tốt của tôi. Cô ấy là người Úc gốc Hoa và Miên. Cha mẹ cô đến Úc với tư cách là người tỵ nạn. Khi vừa đặt chân đến đây, cha mẹ cô vì quá cảm kích với việc được cho phép sinh sống ở xứ sở này nên đã đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình là Alice. (Alice là tên của nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết lừng danh thế giới của Lewis Carrol là "Alice Tại Xứ Thần Tiên" - Alice In Wonderland - LND). Ðối với họ, nước Úc quả thật là một xứ thần tiên. Và đấy cũng là cảm nghĩ của cha mẹ tôi khi chúng tôi vừa đến Úc. Cho đến bây giờ, trên nhiều phương diện, tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm nghĩ ấy.
Thế nhưng, tôi viết bài này mà với sự thắc mắc lởn vởn trong lòng. Tôi tự hỏi không biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu trong khoảng đầu thập niên 80 mà mẹ tôi phải đậu được cuộc thi quốc tịch mà chính phủ liên bang dự định sẽ áp dụng? Tôi thắc mắc không hiểu mẹ tôi có thể hội đủ các điều kiện hội nhập mà ông tổng trưởng di trú Kevin Andrews vừa đề ra hay không: một loạt 20 câu hỏi nhằm xác định xem mẹ tôi có phải là người Úc hay không?
Xem nào... mẹ tôi sẽ rất vui vẻ để ngồi vào bàn thi lần đầu tiên trong cuộc đời của bà, (Mẹ tôi không hoàn tất được trung học bởi vì có chuyện khác xảy ra trong cuộc đời của bà lúc bấy giờ - cuộc chiến tranh ở Việt Nam). Bà sẽ rút cây bút chì ra rồi đọc dò suốt bài thi quốc tịch. Bà sẽ cố tìm cho được một từ tiếng Anh duy nhất mà bà biết được. Quái nhỉ, cái từ ấy biến đâu mất rồi? Ồ, không, nó không có trong bài thi này! Từ ngữ mà bà ưa chuộng nhất thế giới mà lại không có ở trong bài này.
Mẹ tôi có lẽ sẽ cố tìm trong vô vọng từ "Singer".
Không. Mẹ tôi không phải cố tìm câu hỏi về chàng ca sĩ Jimmy Barnes hoặc chàng ca sĩ John Farnham. Bà tìm câu hỏi về cái máy may cơ. Và nếu mẹ tôi không tìm được "Singer" thì bà sẽ tìm bà con của nó là "Janome" hay anh của nó là "Brother". (LND: Singer, Janome và Brother là tên của ba loại máy may kỹ nghệ, thường được những người may đồ gia công sử dụng).
Suốt thập niên đầu tiên của mẹ tôi ở Úc, bà chỉ thật sự biết có thế thôi. Ðể có thể nuôi các con của bà ăn học, để có quần áo cho chúng mặc, có cơm cho chúng ăn, bà làm việc tại hãng may rất nhiều giờ trong một ngày, lắm khi cả bảy ngày một tuần. Quả thật rất khó mà học Anh Ngữ được khi người ta phải đạp máy overlock, phải may, phải cắt, phải may nhãn, phải đạp lai. Ngay cả khi người ta có được những cuộn băng dạy tiếng Anh như chúng tôi có được lúc đó.
Suốt cuộc đời của bà, mẹ tôi luôn cố gắng học tiếng Anh với Dịch Vụ Anh Ngữ Cho Di Dân Lớn Tuổi AMES. Thế nhưng sự thành công của mẹ tôi rất hạn chế. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên mẹ tôi đi học tiếng Anh. Trưa hôm ấy bà về và yêu cầu tôi giải thích cho bà nghe ý nghĩa của một trạng từ (adverb). Một trạng từ! Trời ạ, làm sao mà người ta có thể giải thích cho người mẹ yêu quý của mình, một người đã từng sống trong chiến tranh Việt Nam, từng vượt biên tìm tự do bằng ghe nhỏ, từng đơn thân độc mã nuôi dạy ba đứa con nên người, từng bỏ ra cả triệu giờ đồng hồ của cuộc đời bà khom lưng trên cái máy Singer, trạng từ là gì? Nhất là khi học năm lớp bảy, lúc thầy cô giảng dạy về trạng từ thì tôi lại chểnh mảng vì phải tranh cãi với bạn bè xem Người Nhện có thể thắng Siêu Nhân hay không. Thật là tội nghiệp cho mẹ tôi, tôi thất bại không giảng nghĩa được cho mẹ tôi trạng từ là gì và không bao lâu sau đó thì bà cũng bỏ cuộc, không học tiếng Anh nữa.
Trong vài năm qua tôi thường dẫn mẹ theo tôi đi khắp nơi. Tôi dẫn bà đến các buổi khai trương trình chiếu các cuốn phim - thế nhưng tôi thường xuyên phải tìm cách ngăn không để mẹ tôi và bà ngoại tôi ngồi gần nhau, bởi vì nếu họ ngồi gần nhau thì họ sẽ huyên thuyên bình phẩm suốt cả cuốn phim bằng tiếng Việt Nam.
"Ðấy, đấy, thằng con của con trên màn ảnh kìa! Kìa, kìa, đấy là con đường của mình kìa. Con mới vừa đi shop ở đó hôm tuần rồi, vậy mà bây giờ nó lại được lên phim kìa. Ôi, xem cái thằng đó sao có cái mũi to thế". Và tôi phải nhắc nhở thật nhanh: "Mẹ à, có nhiều người quan trọng ở đây lắm... Những người như nữ tài tử Claudia Karvan, hay anh diễn viên Peter Phelps, hoặc nữ đạo diễn Jane Campion - mẹ không thể nào bình phẩm suốt cả cuốn phim được đâu mẹ ơi. Họ sẽ cười mình, cho mình là đồ nhà quê đó mẹ à".
Mẹ tôi sẽ im lặng một tí, rồi bỗng nhiên bà nói: "Thế nhưng bà ngoại con không hiểu tiếng Anh tiếng u gì cả nên mẹ phải thông dịch cho bà chứ". Ðúng vậy. Mặc dù mẹ tôi không thể nói rành tiếng Anh được, nhưng bà quyết định làm thông ngôn. Quả thật xuất sắc.
Tôi đã dẫn mẹ tôi đến nhiều lễ phát thưởng cũng như nhiều buổi tiếp tân của chính phủ (state reception), và bà gặp đủ loại người trong vài năm qua. Bà vui vẻ lắm (had a great time) nhưng tôi biết rằng bà vẫn tiếc nuối vì không có đủ khả năng để đàm thoại tốt hơn với tất cả những người mà bà đã gặp được.
Mẹ tôi thích nói chuyện và bà rất hiếu khách. Bà cũng yêu đất nước này vô cùng. Ðôi khi tôi cảm thấy hối hận bởi vì nếu tôi không mải lo chuyện Người Nhện và chú tâm lắng nghe xem trợ động từ là gì thì tôi đã có thể giúp mẹ tôi với chuyện học Anh Văn và mẹ tôi đã có thể có khả năng Anh Ngữ xuất chúng để rồi hai mẹ con sẽ cùng trải qua nhiều bữa ăn trưa để tha hồ dùng trạng từ và tĩnh từ để bàn thảo về ngữ thuật ẩn dụ hoặc ngữ thuật so sánh rồi!
Thế nhưng, tôi không thật sự nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng đối với một số người, chuyện học tập Anh Ngữ trong vài năm đầu tiên chân ướt chân ráo đến Úc quả thật rất khó khăn. Và khi tôi bắt đầu suy nghĩ về nhiều người mà tôi quen biết, tôi bắt đầu thắc mắc không hiểu cha mẹ họ có thể đỗ được cuộc thi Anh Ngữ để trở thành công dân Úc hay không. Xem nào. Trước hết là ông bác sĩ của tôi, bác sĩ Tuấn. Không có hy vọng gì cả. Cha và mẹ ông là dân quê. Tôi nghĩ về bạn tôi, bây giờ là nhân viên xã hội. Không hy vọng. Một trong những người bạn thân của tôi là giáo viên Văn tại trường trung học, và cô là một trong những giáo viên xuất sắc nhất trường. Không, cha mẹ của cô cũng khó mà đỗ được. Càng nghĩ, tôi càng thấy cha mẹ của rất nhiều người mà tôi quen biết sẽ gặp khó khăn vất vả nếu phải trải qua một cuộc thi Anh Ngữ. Và nếu thế, họ sẽ thất bại, không trở thành công dân Úc được, và con cái của họ ngày hôm nay cũng sẽ không có mặt ở đất nước này.
Quý vị có lẽ đang thắc mắc không biết chuyện học hành Anh Ngữ của mẹ tôi đi đến đâu. Nhiều năm trước đây, người anh tuyệt vời của tôi thành hôn và bây giờ anh có hai đứa con. Vợ anh là Suzie, chị ấy rất tuyệt vời và chị ấy là người Úc gốc Anglo-Saxon. Hai đứa con trai của họ, Luc và Xavier, thường nói chuyện ở nhà bằng tiếng Anh. Mẹ tôi muốn nói chuyện được với hai đứa cháu nội của mình. Vâng. Thế là bà lại bắt đầu học tiếng Anh một lần nữa, ở tuổi ngoài 50. Và một lần nữa, tôi lại phải giúp mẹ tôi với những bài thi đọc, những bài văn phạm.
Hôm nay, có lẽ bà sẽ đọc bài viết này. Thế nhưng, bà sẽ không tìm từ "Singer" nữa. Thay vào đó, quý vị có biết bà sẽ tìm cái gì không? "Khoa à, có trợ động từ nào trong bài này không con?"
Con không biết mẹ ạ!... Con cũng không bao giờ học về nó cả!
=END= |