VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bài Vở Hàng Ngày
Ngày 13 Tháng 08 Năm 2007
**********************************
1- Thời Sự Thế Giới
- Lực lượng quân sự Trung Cộng
Huệ Vũ
2- Thông Cáo Báo Chí
- Hòa thượng Thích Quảng Ðộ kêu gọi đóng góp vào "Qũy Cứu tế Dân oan" để tiếp cứu tập thể Dân oan khiếu kiện từ Nam chí Bắc
3- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Tham nhũng ở Việt Nam từ một góc nhìn khác
Ðoản Kiếm
4- Tin Tức Quốc Nội
- Thông Bạch Vu Lan Của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng VHÐ/GHPGVNTN
5- Tin Tức Quốc Nội
- Ðảng Viên Ðào Văn Huệ Ðặt Vấn Ðề Với Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam Về Vụ Tham Nhũng Hồ Tây
6- Ðời Sống Quanh Ta
- Mưa ngâu
Nguyễn Quý Ðại
7- Ðời Sống Quanh Ta
Gina Kolata (New York Times) - Minh Trang phỏng dịch
8- Gương Xưa Tích Cũ
- Bây Giờ Mới Biết
Mõ Sàigòn
**********************************
1- Thời Sự Thế Giới
- Lực lượng quân sự Trung Cộng
Huệ Vũ
Ngày Bát Nhất, 1 tháng 8 là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Trung Cộng, có tên là Quân Ðội Nhân Dân Trung Hoa, và tên phổ thông nhất là Hồng quân. Ngày Lễ lần thứ 80 đã được cử hành long trọng ở Ðại Sảnh Ðường Nhân Dân Bắc Kinh trong ngày thứ tư, 1 tháng 8/07 vừa qua. Hồ Cẩm Ðào với tư cách chủ tịch Quân Ủy Trung Ương nhấn mạnh tới 5 mục tiêu sau đây để tiếp tục gia tăng khả năng quân đội Trung Cộng: 1) hiện đại hóa và chuyên môn hóa, 2) giảm quân số nhưng làm cho quân đội mạnh hơn, 3) tận dụng khoa học và kỹ thuật để gia tăng sức mạnh quân đội, 4) Gia tăng khả năng cơ động và củng cố hệ thống huy động sức mạnh "nhân dân", 5) Mỗi năm mỗi tăng ngân sách quốc phòng.
Quân đội Trung cộng lần nữa được khẳng định có nhiệm vụ trung thành và bảo vệ đảng trước, bảo vệ đất nước là chuyện đi sau! Có lẽ để nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển không gian của Trung Cộng, nhà phi hành đầu tiên của Trung Cộng là Dương Lợi Vĩ được chọn để đại diện quân nhân nói lên sự trung thành của quân đội đối với đảng Cộng Sản. Cũng qua ngày kỷ niệm này, Bộ trưởng quốc phòng Tào Cương Xuyên tuyên bố Trung Cộng sẽ không có bất cứ một nhượng bộ nhỏ nào đối với việc Ðài Loan đòi độc lập.
Năm 1927 có thể nói là năm đã làm biến đổi lịch sử Trung Hoa, trong năm này Tưởng Giới Thạch từ Quảng Ðông mở cuộc bắc chinh để thanh toán thành phần quân phiệt ở miền bắc. Cộng sản Trung Hoa liên kết với Quốc Dân Ðảng chỉ là toan tính tạm thời. Trong thế liên kết với Quốc Dân Ðảng chúng luôn luôn tìm mọi cơ hội để cướp công và phát triển hàng ngũ trong giới công nhân và gài người trong quân đội. Khi quân đội do Tưởng Giới Thạch chỉ huy từ miền nam kéo lên Thượng Hải, Chu Ân Lai đã bí mật tới Thượng Hải trước, phát động công nhân đứng lên cướp chính quyền, sau đó tổ chức chào đón đoàn quân của Tưởng Giới Thạch. Nhìn rõ âm mưu của Cộng Sản nên khi vào Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch chuẩn bị mở chiến dịch thanh trừng. Ngày 12 tháng 4 năm 1927 được lịch sử Trung Cộng gọi là ngày Tứ Nhất Nhị, Tưởng Giới Thạch ra lệnh tàn sát đảng viên Cộng Sản, treo giải thưởng cho những ai có thể bắt được Chu Ân Lai. Tất cả cơ sở Cộng sản ở Thượng hải bị phá vỡ, nhiều lãnh tụ Cộng Sản bị giết. Thành công ở Thượng Hải, Tưởng phát động chiến dịch càn quét đến Vũ Hán và các thành phố khác. Buộc thành phần Cộng Sản phải vũ trang đứng lên chống lại. Lúc bấy giờ là mùa Thu nên được gọi là cuộc Cách Mạng Mùa Thu.
Nam Xương là nơi có đầy đủ yếu tố để thực hiện một cuộc nổi dậy qui mô. Tại đây Diệp Dĩnh làm Tư lệnh Nam Xương và sư đoàn 24, Diệp Kiếm Anh làm Tham mưu trưởng quân đoàn 4, Hạ Long làm tư lệnh sư đoàn 20, Chu Ðức nắm sở công an Nam Xương. Ngày 1 tháng 8, lực lượng quân sự của các tướng lãnh Cộng Sản do Hạ Long chỉ huy đứng dậy chiến lấy Nam Xương, giết chết khoảng 800 quân của chính phủ. Quân số của họ lúc bấy giờ khoảng 20 ngàn người. Tuy nhiên, họ chỉ giữ được Nam Xương trong 3 ngày. Sau đó tướng Trương Phát Khuê đã đưa quân tới bao vây chiếm lại Nam Xương. Rút khỏi Nam Xương, đoàn quân 20 ngàn này chạy về phía nam định đánh chiếm Quảng Châu, nhưng tới địa phận Quảng Ðông chỉ còn 8 ngàn người. Họ lại bị vây đánh ở hải cảng Sán Ðầu chẳng còn manh giáp. Thành phần chỉ huy phải dùng thuyền trốn chạy ra Hương Cảng. Chỉ có Chu Ðức bảo toàn được 2 ngàn người trốn vào rừng núi, sau đó tìm tới gia nhập lực lượng Mao Trạch Ðông đóng ở Cương Sơn.
Mặc dầu cuộc khởi nghĩa võ trang 1 tháng 8 hoàn toàn thất bại, nhưng là cuộc võ trang nổi dậy lớn nhất, tập trung hầu hết những tướng lãnh Hồng quân nổi tiếng sau này như Trần Nghị, Hạ Long, Lưu Bá Thừa, Lâm Bưu, Chu Ðức, Diệp Kiếm Anh.. nên đã được đảng Cộng Sản Trung Hoa coi là ngày thành lập quân đội "Nhân Dân".
Sau 80 năm, từ một đội quân bị đánh bại liên tiếp, chạy trốn từ Giang Tây tới Thiểm Tây và con đường trốn chạy chết không biết bao nhiêu người này được gọi là cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng nhờ thời cuộc đưa đẩy, Cộng Sản chiếm được Hoa Lục, lực lượng quân sự Trung Cộng ngày nay là một quân đội có con số nhân sự khổng lồ nhất thế giới. Vừa Quân đội chính qui cộng với cảnh sát vũ trang, lực lượng quân đội Trung Cộng hiện đang ở khoảng trên 2.3 triệu người. Ngoài quân chính qui và cảnh sát vũ trang, Trung Cộng còn có lực lượng bán vũ trang khoảng trên 1 triệu.
Với nhiệm vụ căn bản "bảo vệ đảng" là nhiệm vụ đầu tiên, quân đội Trung Cộng được đặt dưới sự chỉ huy tối cao của Quân ủy trung ương do ban chấp hành trung ương đảng cộng sản chỉ định. Chủ tịch quân ủy luôn luôn là tổng bí thư đảng. Quân Ủy Trung Ương của Trung Cộng hiện nay do Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch có 3 phó chủ tịch là Quách Bá Hùng, Tào Cương Xuyên và Từ Tài Hậu. Những ủy viên khác gồm Lương Quang Liệt, Liêu Tích Long, Lý Kế Nại, Chương Bỉnh Ðức, Trương Ðịnh Phát, Kiều Thanh Thần, Tịnh Chí Viễn. Việc các tướng Kiều Thanh Thần, chỉ huy trưởng không quân; Trương Ðịnh Phát chỉ huy trưởng hải quân; Tịnh Chí Viễn chỉ huy trưởng Ðệ nhị quân đoàn pháo binh, tức lực lượng hỏa tiễn liên lục địa của Trung Cộng; Chương Bỉnh Ðức, chủ nhiệm cục quân khí được đưa vào quân ủy từ lâu chỉ dành cho các tướng chỉ huy bộ binh cho thấy rõ quyết tâm hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng.
Về mặt tổ chức căn bản, quân đội Trung Cộng, dưới tên chung là Quân đội Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army) cũng có ba binh chủng: không, hải, lục. Không quân và hải quân Trung Cộng có tên rất dài: Không quân quân đội giải phóng nhân dân, Hải quân quân đội giải phóng nhân dân. Vì thế với báo chí và giới nghiên cứu về quân đội Trung Cộng, để cho tiện việc, người ta thường coi PLA là lục quân Trung Cộng, PLAAF (People's Liberation Army Air Forces) là không quân Trung Cộng và PLAN (People's Liberation Army Navy) là hải quân Trung Cộng.
PLA, chia theo vùng, có 7 quân khu là Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thành Ðô, Quảng Châu, Tế Nam, Lan Châu, và Nam Kinh. Quân số ở mỗi quân khu không nhất định. Theo đơn vị, quân đội nhân dân có 21 tập hợp quân (group army). Mỗi Tập hợp quân, hay Quân có khoảng 60 ngàn người. Trong 21 quân, có tất cả 44 sư đoàn và 13 lữ đoàn bộ binh, 10 sư đoàn và 12 lữ đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn và 20 lữ đoàn pháo binh, 7 trung đoàn trực thăng. Ngoài quân số trực thuộc 7 quân khu, Quân đội Trung Cộng còn có một số đơn vị độc lập gồm 5 sư và 2 lữ đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 1 sư và 2 lữ đoàn pháo binh, 3 lữ đoàn phòng không.
Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Cộng gồm lực lượng biên phòng và an ninh nội địa biên chế thành 45 sư đoàn. Lực lượng cảnh sát vũ trang trực thuộc bộ quốc phòng.
Không quân Trung Cộng có khoảng 370 ngàn người, tổ chức thành 45 không đoàn. Trong số này có 5 không đoàn thả bom, 32 không đoàn chiến đấu, 6 không đoàn tấn công, 2 không đoàn vận tải. Ngoài 45 không đoàn nói trên, không quân Trung Cộng còn có 17 sư đoàn phòng không, một quân đoàn nhảy dù gồm 3 sư đoàn.
Hải quân Trung Cộng trong năm 1987 đã được đánh giá là lực lượng hải quân đông đảo đứng hàng thứ ba trên thế giới, có quân số khoảng 350 ngàn người, chia là ba hạm đội: Bắc Hải, Ðông Hải và Nam Hải.
Thúc đẩy bởi quan niệm xây dựng quốc phòng vững mạnh là chiến lược trong sự nghiệp hiện đại hóa, bảo đảm sự thống nhất đất nước, bảo đảm "xã hội chủ nghĩa", bắt kịp quân đội các quốc gia tiên tiến, Trung Cộng đã mỗi năm mỗi tăng ngân sách quốc phòng trên 10%. Năm nay ngân sách quốc phòng Trung Cộng tăng 17.8%, với ngân khoản chính thức là 46 tỷ mỹ kim, nhưng giới chức Hoa Kỳ ước lượng ngân sách thực sự từ 85 tới 125 tỷ.
Năm 1991, sau khi nhìn thấy kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ qua chiến dịch Bão Sa Mạc, Trung Cộng càng nỗ lực hơn để canh tân quân đội.
Ðông đảo về nhân số, nhưng trang bị và vũ khí, quân đội Trung Cộng nói chung còn phải cần nhiều năm, có thể hàng nhiều thập niên mới bắt kịp quân đội Hoa Kỳ và các nước Tây phương. Hải quân Trung Cộng có 69 tiềm thủy đỉnh, nhưng đa số là loại Whiskey và Romeo, đã lỗi thời, chạy bằng dầu cặn, gây nhiều tiếng động và chậm chạp. Trung Cộng có tất cả 73 chiếc Romeos, chỉ còn sử dụng được một nửa là 38 chiếc. Tuy nhiên, trong một năm chúng cũng chỉ rời cảng năm ba ngày. Trong thập niên 70, xưởng đóng tàu Ðại Liên đã đóng được loại tàu Ming và Song, tốt hơn Romeo. Ðến năm 2004, Trung Cộng chỉ có 19 chiếc Ming (type 35) và 4 chiếc Song (type 39). Bốn chiếc Kilo, một chiếc Xia (type-092), một chiếc Golf (Type-031). Chiếc Xia chạy bằng nguyên tử và có thể phóng hỏa tiễn liên lục địa. Chiếc này đang được thay thế bằng loại T-094. Với sự giúp đỡ của chuyên viên Nga, Trung Cộng đã đóng và hạ thủy trong năm 2005 chiếc SSN NEWCON (Type 093) đây là loại tàu ngầm tối tân nhất mà Trung Cộng tự đóng, nhưng loại này cũng tương tự như loại Victor III của Nga, đã từng được Nga đưa ra sử dụng từ năm 1978. Tức 29 năm về trước. Về tàu chiến, Trung Cộng có trên 20 khu trục hạm (destroyer), trong số này có hai chiếc Sovremenny trang bị hỏa tiễn hướng dẫn; 16 chiếc loại Luda, được trang bị 6 hỏa tiễn diệt hạm C-201, hệ thống phóng thủy lôi, trọng pháo nặng. Hai chiếc Luhus được trang bị 8 hỏa tiễn C-802, có giàn phóng SAM và có 2 phi cơ trực thăng Harbin Zhi-9A. Về chiến trục hạm (Frigate), Trung Cộng có 45 chiếc, đa số là loại Giang Hồ (type 053). Chiến đỉnh (boats) có 85 chiếc hướng dẫn hỏa tiễn (guided missile), 15 chiếc phóng thủy lôi, 234 tuần đỉnh (patrol boats), 100 chiếc vớt mìm (mine warfare), 33 tàu đổ bộ. Phi cơ thuộc hải quân có khoảng 68 chiếc thả bom gồm các loại Tu-22M, Tu-16, IL-28; trên 300 phi cơ chiến đấu đa số là Mig-19; 66 chiếc vận tải, đa số là loại Y-5. Trước đây Trung Cộng định đóng một chiếc hàng không mẫu hạm, nhưng sau cho rằng chiến tranh tương lai không cần tới hàng không mẫu hạm nên đã bỏ kế hoạch này.
Trang bị không quân Trung Cộng, theo ước tính có khoảng 150 chiếc thả bom, đa số là H-6, có tầm hoạt động 1.800km. Phi cơ chiến đấu và tấn công có khoảng 1.800 chiếc, đa số là phi cơ MiG của Nga. MiG-19 có khoảng 600, MiG-21 khoảng 200. Trên 200 chiếc Su-27, 30 chiếc Chengdu J-10. Tối tân nhất là 24 chiếc Su-30MKK2 được trang bị năm 2004, Su-30MKK là loại phi cơ tối tân trang bị hỏa tiễn hướng dẫn, có khả năng tương đường với F-16. Phi cơ Chengdu J-10 do Trung Cộng chế tạo tại Thành Ðô là loại tối tân hàng thứ hai trong lực lượng không quân Trung Cộng. Theo kế hoạch tối tân hóa, vào năm 2020 Trung Cộng sẽ thay thế khoảng 2000 phi cơ, trong đó sẽ có 150 chiếc thuộc thế hệ thứ tư, trang bị hoàn toàn bằng hệ thống điện tử tinh khôn. Trung Cộng cũng đang chuẩn bị để chế tạo loại phi cơ thế hệ thứ năm là J-XX.
Quân đội Trung Cộng hiện nay cũng còn được coi là chưa có những phương tiện chuyển vận nhanh chóng, thiếu các loại phi cơ chuyên chở lớn, và hải quân cũng chưa có các loại tàu chuyên chở quân đội. Trong năm 2005 nước này mua của Nga 30 chiếc vận tải cơ IL-76 và 8 chiếc phi cơ chở dầu Il-78. Không quân Trung Cộng đang nghiên cứu để tự sản xuất các loại phi cơ vận tải và chở dầu.
Kho vũ khí nguyên tử của Trung Cộng, DIA ước tính có khoảng 818 đầu đạn vào năm 1994. Theo Bulletin of the Atomic Scientists chỉ có khoảng 400. Nhưng theo những nguồn tin hiện nay khoảng từ 100 tới 200. Hỏa tiễn phóng đầu đạn liên lục địa Trung Cộng có độ 120, gồm các loại Ðông Phong: DF-3A, DF-4, DF-5/5A, DF-21. Hỏa tiễn DF-3A có tầm xa 2800 km, thời gian chuẩn bị từ 3 đến 4 giờ. DF-4 có tầm xa 5000 km, thời gian chuẩn bị từ 1 đến 2 giờ. DF-21 có tầm 1800 km, thời gian chuẩn bị từ 10 đến 15 phút. DF-5/5A mang một đầu đạn có tầm 13,000 km, thời gian chuẩn bị nửa giờ. Hỏa tiễn DF-31, di động, có tầm 8,000 km, Trung Cộng bắn thí nghiệm trong năm 1999, nhưng chưa thể phối trí. DF-41 mang nhiều đầu đạn, tầm xa từ 8,000 tới 12,000 km, đang chế tạo, chưa bắn thử nghiệm. Hỏa tiễn trang bị trên tàu ngầm loại JL-I của Trung Cộng có tầm xa 1,700 km. Tiềm thủy đỉnh Xia của Hạm đội Bắc Hải là chiếc trang bị được 12 hỏa tiễn JL-I. Tiềm thủy đỉnh Xia hiện được thay thế bằng loại tàu ngầm nguyên tử T-094 có thể mang 16 hỏa tiễn liên lục địa. Trung Cộng đang chế tạo và thí nghiệm loại hỏa tiễn JL-II, có tầm 8,000km. Loại này đã được bắn thí nghiệm trong năm 2002 và 2003. Trung Cộng hiện cũng đang cố gắng áp dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để dùng trong việc hướng dẫn hỏa tiễn.
Tóm lại, Trung Cộng hiện là nước có khả năng quốc phòng vẫn còn ở trong tình trạng mạnh về số lượng, nhưng còn kém về chất lượng. Theo nhiều nhà quan sát, sức mạnh không quân và hải quân Ðài Loan hiện nay đủ để chiến đấu ngang ngửa trong trường hợp bị tấn công.
Không quân Ðài Loan hiện chỉ có khoảng trên 500 phi cơ chiến đấu, nhưng có tới 180 chiếc F-5E, 130 chiếc IDFs, 150 chiếc F-16, 60 chiếc Mirage-2000- 5s. IDF là loại phi cơ cánh xếp, có thể bay ở độ thấp, tiện lợi tấn công mục tiêu dưới mặt đất. F-16 có khả năng tương đương với Su-30, loại tối tân nhất của Trung Cộng. Mirage-2000- 5 là loại phi cơ chiến đấu tối tân nhất do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo có trang bị hệ thống radar, hệ thống phóng hỏa tiễn hướng dẫn bằng tia laser. Hải quân Ðài Loan cũng chỉ với số lượng rất khiêm nhường so với Trung Cộng, chỉ có 7 chiếc khu trục hạm, 21 chiếc chiến đỉnh, 4 chiếc tiềm thủy đỉnh, nhưng tất cả đều tối tân hơn Trung Cộng. Dù không có nhiều tàu ngầm, sức mạnh không quân và hải quân Ðài Loan đã được Federation of American Scientists đánh giá là ngang ngửa để đương đầu với hải và không quân Trung Cộng.
Các nhà chiến lược Hoa Kỳ vẫn rằng trong tương lai sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng không thể tránh khỏi. Rand Corp luôn luôn có những bài viết nhắc tới việc này. Ngược lại, những nhà chiến lược thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự Trung Cộng cũng đã từng nhiều lần tuyên bố trong tương lai chiến tranh Hoa Kỳ và Trung Cộng khó tránh khỏi, hay các tướng Trung Cộng như Trì Hạo Ðiền cũng đã nhiều lần nói rõ kẻ thù tương lai của Trung Cộng là Hoa Kỳ. Hai bên trong thế giao hảo hiện nay vẫn dè dặt và đề phòng nhau ráo riết. Hoa Kỳ hiện vẫn cấm vận đối với các loại kỹ thuật quốc phòng cao kỹ đối với Bắc Kinh. Trong năm 2000 cũng đã ngăn cản không cho Trung Cộng mua hệ thống radar Phalcon của Do Thái. Tuy nhiên, qua trao đổi kỹ thuật thương mại với thế giới, Trung Cộng hiện cũng đã có thể từ các loại kỹ thuật tân tiến thương mại cải biến dùng sang lãnh vực quốc phòng. Trước việc Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng hàng năm, Hoa Kỳ không phải ngồi yên như nhiều người lầm tưởng cho rằng vì chiến tranh chống khủng bố nên Hoa Kỳ đã lơ là, bỏ ngõ cho Trung Cộng bành trướng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Ngược lại, trong những năm gần đây Hoa Kỳ đã chuyển cán cân sức mạnh quân sự từ Âu Châu sang Châu Á, đã củng cố hợp tác quân sự với Nhật và nhiều nước Ðông Nam Á Ðặc biệt là hợp tác quân sự với Ấn Ðộ. Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng đã được tăng cường và củng cố hơn lúc nào hết. Hạm đội Thái Bình Dương được gia tăng lên 6 chiếc hàng không mẫu hạm, 52 tàu ngầm tấn công. Trên 60% khả năng của Hải quân Hoa Kỳ đã tập trung về Thái Bình Dương. Ðảo Guam đang biến đổi để trở thành căn cứ lớn nhất dành cho các loại phi cơ thả bom có tầm hoạt động xa và các nhà quân sự Hoa Kỳ đã cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở Thái Bình Dương cũng phải có sự hiện diện của ít nhất 4 chiếc hàng không mẫu hạm. Chương trình chế tạo loại phi cơ siêu thanh F-22 và các loại phi cơ thả bom mới của Hoa Kỳ hiện nay đều phát xuất từ lo ngại đối với Trung Cộng.
Trước việc Trung Cộng mới bắn thử một hỏa tiễn tiêu diệt vệ tinh thành công mới đây đã làm các nhà quân sự và chiến lược Hoa Kỳ đã tự hỏi họ đã nắm vững được khả năng kỹ thuật của Trung Cộng tiến bôỳ tới đâu hay không? Nếu hai bên không xảy ra chiến tranh sớm vì vấn đề Ðài Loan, thì cuộc chạy đua quân sự của Trung Cộng và Hoa Kỳ không phải là lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương mà có thể là cuộc chạy đua quân sự không gian. Từ lâu các nhà chiến lược quân sự Trung Cộng đã cho rằng vũ khí chống vệ tinh, ASAT, là điều thiết yếu cho an ninh Trung Cộng. Năm 2000, một chiến lược gia Trung Cộng là Vương Chính đã viết một bài báo nói rằng xưa nay không nước nào có thể chiến thắng Hoa Kỳ bằng phi cơ, tàu chiến và xe tăng, nên tấn công vào hệ thống quân sự không gian Hoa Kỳ là sự chọn lựa thích ứng nhất. Trung Cộng và cả Nga đều lo ngại hệ thống hỏa tiễn nguyên tử của họ sẽ vô dụng nếu Hoa Kỳ phát triển hệ thống phòng vệ hỏa tiễn được các vệ tinh không gian hướng dẫn. Trong năm 2002, Trung Cộng và Nga đã cùng đề nghị quốc tế ký kết một hiệp ước ngăn cấm đưa vũ khí vào không gian. Hoa Kỳ đã từ chối việc này. Hoa Kỳ từ lâu cũng chủ trương phải làm bá chủ không gian. Trong năm 2002, ông Peter Teets, giám đốc Cơ quan Do thám Hoa Kỳ (National Reconnnaissane office) nói rằng việc đưa vũ khí vào không gian chỉ còn là vấn đề thời gian. Phúc trình quốc phòng tam cá nguyệt hàng năm, QDR, của Hoa Kỳ công bố trong ngày 1 tháng 10 năm 2001 đã không che giấu, rõ rệt tuyên bố rằng Hoa Kỳ phải khai thác không gian cho mục đích quân sự, và cũng không để cho kẻ thù nào có thể làm được như Hoa Kỳ. (A key objective.. is not only to ensure U.S. ability to exploit space for military purposes, but also as required to deny an adversary's ability to do so.)
Có lẽ chiến tranh Afghanistan và Iraq làm cho Hoa Kỳ phải lơ là đối với kỹ thuật không gian hơn là lơ là ở Thái Bình Dương. Thành công của Trung Cộng trong việc tiêu hủy một vệ tinh đã hư trong tháng giêng vừa qua và trước đó nước này cũng đã có thể phóng tia laser làm cho một vệ tinh Hoa Kỳ khi đi vào lãnh thổ Trung Cộng trong tháng 9/06 bị mù, đã không thể quan sát được điều gì làm cho Hoa Kỳ sực tỉnh trước tiến bộ không gian của Bắc Kinh. Trung Cộng hiện có kế hoạch sẽ thiết lập một trạm không gian riêng của nước này trong năm 2020 và cũng sẽ đưa người lên khám phá mặt trăng.
Tuy rằng sức mạnh quân sự của Trung Cộng còn thua xa Hoa Kỳ, nhưng nếu chiến tranh hai nước xảy ra vì vấn đề Ðài Loan trong tương lai gần, hay xung đột vì cạnh tranh không gian trong tương lai xa, thì hình như cả hai cũng không thể tránh khỏi những thiệt hại vô cùng lớn lao về sinh mệnh và tài sản. Hai nước ai thắng, ai thua thì cũng sẽ trở thành những nước bại liệt, và thế giới sẽ nổi lên những siêu cường khác thay thế. Hy vọng chiến tranh đừng bao giờ xảy ra.
Huệ Vũ, Aug 10, 2007
=END=
2- Thông Cáo Báo Chí
- Hòa thượng Thích Quảng Ðộ kêu gọi đóng góp vào "Qũy Cứu tế Dân oan" để tiếp cứu tập thể Dân oan khiếu kiện từ Nam chí Bắc
Làm tại Paris ngày 11.8.2007
Hòa thượng Thích Quảng Ðộ kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và Ðồng bào các giới trong và ngoài nước đóng góp vào "Qũy Cứu tế Dân oan" để tiếp cứu tập thể Dân oan khiếu kiện từ Nam chí Bắc
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được Thông bạch kêu gọi cứu trợ Dân oan của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từ trong nước gửi ra để phổ biến.
Hòa thượng cho biết rằng đứng trước tình trạng Dân oan biểu tình ngày càng phổ biến từ Nam chí Bắc, mà sự thiếu thốn, đói nghèo của khối người này ngày càng khẩn thiết. Nên Hội đồng Chỉ đạo Viện Hóa Ðạo vừa lấy quyết định vạch kế hoạch cứu trợ, thiết lập "Qũy Cứu tế Dân oan", kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và đồng bào các giới hỗ trợ tài chính để Giáo hội có đủ phương tiện đi tiếp cứu lớp người thấp cổ bé họng này.
Hòa thượng kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và đồng bào các giới trong và ngoài nước: "hãy nghĩ tới tình cảnh đồng bào mà ra tay cứu trợ những người Dân oan khắp nước đang sống cảnh thiếu thốn bên lề đường công lý, trước công đường im ỉm, từ năm này sang tháng khác mấy mươi năm qua".
Sau đây là nguyên văn Bản Thông bạch của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ:
GIÁO HộI PH
T GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA Ð[1]O
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Phật lịch 2551 - Số: 07 /VHÐ/VT
THÔNG B[1]CH
KÊU GọI CỨU TRợ DÂN OAN
Kính gửi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và Ðồng bào các giới
"Bà Trần Thị Tám, 74 tuổi ở ấp Giòng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn kể: "Tôi có 25 công đất của ông bà để lại, năm 1977, ông Hai Ngây, Bí thư xã Thuận Thới gọi tôi đến chuồng trâu ông Sáu Thanh tuyên bố tịch thu đất của gia đình tôi. Tôi không hiểu lý do gì tịch thu đất. Ông Hai Ngây trả lời rằng "khỏi hỏi, sau này bà sẽ biết..."; "Chị Nguyễn Thị Hà ở ấp Vĩnh Hòa, xã Hữu Thành, huyện Trà Ôn, khóc nức nở và nghẹn ngào cho biết: gia đình chị 6 nhân khẩu có 10 công ruộng và 1,2 công vườn. Trong khi chị đã sạ xong vụ lúa hè thu thì xã bắt buộc chị phải ký giao bớt 2 công ruộng cho cán bộ công an ở xã canh tác. Vì bị hăm dọa đòi bắt đi học tập, nên chị hoảng sợ phải ký tên "chấp hành trước khiếu nại sau..."; "Một cụ già khoảng trên 70 đến 80 tuổi, ở huyện Cầu Kè, rưng rưng nước mắt nói: "Tôi lên xã xin lại ruộng bị chiếm, cán bộ xã tuổi đáng con cháu "xỉ" vào mặt nói tôi cứng đầu cứng cổ không thèm tiếp...".
Vài mẫu chuyện thương tâm trên đây được trích đăng từ số báo Ðặc san "Truyền thống Kháng chiến" phát hành tại Saigon ngày 23.9.1988 trong số muôn nghìn chuyện chưa có nơi đăng tải.
Cũng trong số Ðặc san nói trên, nhà thơ Rum Bảo Việt viết bài thơ "Bao giờ?" hôm 1.10.1988, có đoạn ghi rằng: "Hai mẹ con mừng rỡ / Ngồi bệt xuống lề đường / Nghe má nói mà thương / Ðời má sao khổ vậy? / "Ruộng nhà tao nó lấy / Ðổi ruộng xấu ruộng xa / Tao "ý kiến" nó la / Bà già chống hợp tác? / Tưởng sao tao đòi gắt / Nó bắt trói, đem giam / Tính ra trọn tuần trăng / Tao "ở tù Việt Cộng" / Tụi nó giờ quá lộng / Khác trước lắm bây à / Dòi trong xương dòi ra / Ắt có ngày... vậy đó..." / Bà con tới đông đủ / Má vội vã tấp vô / Ði ngang dọc, lô nhô / Ðổ về đường Lê Duẩn". Rồi ông nhà thơ than thở: "Thương má phải đội sớ / Lên tới tận Trung ương". Nhà thơ Nguyễn Bá viết trong bài "Như lúc còn chiến tranh" nhận xét: "Lúc cái THIỆN còn yếu hơn cái ÁC / Lấn lướt Phật trong chùa là qủy sa-tăng".
Hôm 17.7 vừa rồi, khi tôi cùng chư Tăng ra thăm đồng bào dân oan tại Văn phòng Quốc hội 2 ở đường Hoàng Văn Thụ, tôi thấy hàng hàng biểu ngữ, trăm cách viết, nghìn cách trình bày sự việc khác nhau, nhưng đều biểu lộ một nỗi oan khiên kêu trời không thấu. Tôi nhìn một phụ nữ mặt buồn xo mang tấm biển ghi dòng chữ "Dân tỉnh Sóc Trăng đi tiềm Công Lý", một phụ nữ khác thì ghi "Dân tỉnh Trà Vinh đòi lại đất". Nhưng không gì biểu cảm hơn những mặt người nam, phụ, lão, ấu. Những đôi mắt trông chờ, vô vọng, không bút mực nào tả xiết.
Những tiếng oan dậy đất chỉ muốn vạch trời kêu lên. Nhưng kêu chưa dứt, thì một ngày sau khi Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến thăm, tối hôm 18.7, hàng trăm con người ấy đã bị lực lượng công an "xúc" đi. Cưỡng bức họ về nơi quê quán.
Ðầu tháng tám này, Dân oan lại lục tục hàng trăm người kéo về Saigon trước cổng Tiếp dân ở đường Võ Thị Sáu, kéo ra Hà Nội trước cửa Tiếp dân ở số 110 Cầu Giấy. Khối dân oan mang những tấm biển đến từ Quận 9, Saigon, từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến từ Quảng Ninh, Hà Tây, v.v... Nay còn thêm cảnh tượng những em thiếu nhi viết trên áo thun nỗi oan ức của cha mẹ, quấn lên đầu vành khăn kêu cứu SOS...
Xem thế thì vấn đề Dân oan khiếu kiện đã kéo dài trong quá khứ, sẽ còn kéo dài vào tương lai. Bao lâu Công lý chưa hiện hữu trên dải đất này. Vì vậy, vấn đề cứu trợ giữa những người cùng khổ cần cấp bách đặt ra.
Kính thưa chư liệt vị Tôn đức Tăng Ni, Ðồng bào Phật tử và Ðồng bào các giới trong và ngoài nước,
Nhân danh Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi xin cất lời kêu gọi chư liệt vị hãy nghĩ tới tình cảnh đồng bào mà ra tay cứu trợ những người Dân oan khắp nước đang sống cảnh thiếu thốn bên lề đường công lý, trước công đường im ỉm, từ năm này sang tháng khác mấy mươi năm qua.
Hội đồng Viện Hóa Ðạo vừa quyết định thiết lập "Qũy Cứu tế Dân oan" mong quyên góp để làm vơi bớt phần nào nỗi thống khổ, thiếu thốn trong những ngày khối dân oan toàn quốc chờ cánh cửa công lý mở ra. Hai lần Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cứu trợ trước đây, vào ngày 13 và 17.7, chỉ mang lại tổng cộng 313 triệu đồng Việt Nam chẳng thấm đủ vào đâu, như giọt nước trong cơn hạn hán.
Nay Viện Hóa Ðạo xin cất lời kêu gọi đồng bào các giới, đặc biệt đồng bào hải ngoại hiện đang sống cảnh an cư lạc nghiệp, thể hiện tình đồng bào cứu nguy kẻ sa cơ thất thế, người ít kẻ nhiều đóng góp vào "Qũy Cứu tế Dân oan" để Giáo hội có phương tiện thực hiện việc cứu trợ tập thể Dân oan từ Nam ra đến Bắc. Tiền bạc đóng góp, xin chư liệt vị gửi về một trong ba địa chỉ sau đây:
Ở hải ngoại xin gửi về:
- Hòa thượng Thích Hộ Giác
Chủ tịch Hội đồng Ðiều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ - Văn phòng II Viện Hóa Ðạo
Diệu Pháp Pagoda
311 E. Mission Road
San Gabriel, CA. 91776 (Hoa Kỳ)
Chi phiếu xin đề: "QUY CUU TE DAN OAN"
Tại Việt Nam xin gửi về:
- Thượng tọa Thích Viên Ðịnh
Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Chùa Giác Hoa
15/7 Nơ Trang Long
Phường 7, Quận Bình Thạnh
TP Hồ Chí Minh
- Thượng tọa Thích Không Tánh
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội
Chùa Liên Trì
153 Lương Ðịnh Của
Phường An Khánh, Quận 2
TP Hồ Chí Minh
Thời gian qua, tuy Viện Hóa Ðạo chưa có Thông bạch quyết định gây qũy cứu trợ Dân oan, nhưng một số chư vị đồng bào hải ngoại đã tự động gửi tiền về đóng góp. Vậy, thay mặt Viện Hóa Ðạo, tôi xin gửi lời cảm tạ đến chư vị ân nhân sau đây:
Tiền nhận được tại Chùa Giác Hoa: Hòa thượng Thích Trí Lãng, Hoa kỳ, 1000 Mỹ kim; Ðạo hữu Pháp Chiếu Diệu Thông, Hoa kỳ, 1000 Mỹ kim; Ông Võ Tiến Sơn (Hội Thiện Nguyện Rạng Ðông, Úc Châu) 500 Úc kim; Ðạo hữu Diệu Nguyên Hạnh, Úc, 400 Úc kim; Ðạo hữu Cao Thị Liên Hương, Canada, 400 Gia kim.
Tiền nhận được tại Chùa Liên Trì: Ông Trần Cung, Hoa kỳ, 500 Mỹ kim; Ông Trần văn Quá, Úc, một lần 7.050.000 $VN và một lần 500 Úc kim; Bà Bảo Khánh -- Ðoàn Kim (Ðài Sydney Radio, Úc) 500 Úc kim; Ông Phan văn Sáng, Úc, 1.000 Úc kim; Ông Lê Ngoan - Lý Tống, Hoa kỳ, 1.000 Mỹ kim; Bà Ðoan Trang và Hoàng Vệ (thính giả Ðài Quê Hương), Hoa Kỳ, 500 Mỹ kim, Ông Phạm Phương, Hoa Kỳ, 2000 Mỹ kim; Mục sư Nguyễn Phú Cam, Hoa Kỳ, 1000 Mỹ kim; Nhóm Thân hữu Hồ Văn Sinh, Hoa Kỳ, 2000 Mỹ kim; Bác sĩ Nguyễn Văn Liêm, Pháp, 100 Euros; Ông Trần Tuyết, Úc, 500 Úc kim; Ông Lê Minh Triết, Hoa Kỳ, 1200 Mỹ kim; Ông Trần N Hoàng, Hoa Kỳ, 200 Mỹ kim.
Tiền nhận được tại Thanh Minh Thiền viện: Bà Nam Dao, Úc, 500 Úc kim.
Tổng số tiền nói trên sẽ sung vào "Qũy Cứu tế Dân oan" của Giáo hội để bắt đầu công cuộc cứu trợ.
Thanh Minh Thiền viện - Saigon, ngày 10.8.2007
Viện trưởng Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
ấn ký
Sa môn Thích Quảng Ðộ
=END=
3- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Tham nhũng ở Việt Nam từ một góc nhìn khác
Ðoản Kiếm
Theo bách khoa toàn thư wiki thì Tham nhũng là hành vi của người có quyền hành, lạm dụng quyền lực để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Như vậy có hai yếu tố để hình thành tham nhũng. Ðó là lòng tham và quyền lực. Tham nhũng xuất phát từ lòng tham của con người, và khi lòng tham đó được gắn liền với một quyền lực, lòng tham sẽ đẩy con người vào những cuộc làm ăn bất chính.
Sinh ra là người, hầu hết ai cũng có lòng tham cho cá nhân. Trừ một phần nhỏ những "bậc thánh sống", đa số những người khác đều mong muốn thâu tóm sự giàu có của xã hội về cho bản thân mình, cho gia đình mình. Cái lòng tham của con người lớn đến nỗi nhiều khi chỉ biết làm giàu mà không biết giàu để làm gì. Có rất nhiều người đã rất giàu vẫn tìm mọi cách làm giàu hơn mặc dù sẽ không bao giờ xài hết những gì họ có. Vì vậy, tham nhũng là một hệ quả tất yếu khi con người (tham) có trong tay quyền lực.
Tôi không ngạc nhiên khi thường gặp một luận điệu mà một số "chính uỷ viên" trên mạng đưa ra: ở đâu cũng có tham nhũng, chế độ nào cũng có, đất nước nào cũng có. Mới nghe thì có lý, thế nhưng đi sâu vào từng khía cạnh vấn đề thì lại hoàn toàn khác. Mức độ tham nhũng, mật độ tham nhũng và quy mô tham nhũng ở từng quốc gia rất khác nhau. Ở "quê hương thanh bình" của chúng ta thì tham nhũng len lỏi từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến tận thôn cùng, xóm hẻo. Ðó là chiều rộng. Còn chiều cao thì tham nhũng leo lên tất cả các bậc thang của xã hội, kể cả những bậc cao nhất. Nếu kể về cân nặng thì chúng ta cũng chẳng chịu thua ai. Trong khi mức sống bình quân của dân ta chưa đến 1000 USD mỗi năm, ở những tỉnh nghèo, đặc biệt ở nông thôn thì còn tệ hơn nhiều, thế mà các gã đầy tớ có trong tay tiền triệu (đô Mỹ). Tiền của họ, nếu có trúng số 100 lần cũng chẳng có được. Số tiền của một gã đầy tớ Bùi Tiến Dũng đem đi đánh bạc tương đương với 100 lần trúng số độc đắc ở Việt nam. Thế thì làm sao mà gã có nếu không tham nhũng?
Tham nhũng có nhiều hình thức khác nhau nhưng thường gặp nhất là đưa và nhận hối lộ. Một hình thức cũng khá phổ biến là tặng quà, phong bì, biếu xén. Trong các cơ quan chính phủ thì việc mua chức, mua quyền, mua chuộc cấp trên để được thăng tiến hay việc ưu tiên cho người thân, bạn bè được lợi thế trong các cuộc đấu thầu cũng là một hình thức tham nhũng. Ngoài ra trong thời đại "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" này thì hình thức "lại quả" cũng là một hiện tượng phổ biến. Người đưa hối lộ và kẻ nhân hối lộ trong trường hợp này (lại quả) áp dụng nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Nguyên tắc hai bên cùng có lợi của kinh tế, khi áp dụng vào tham nhũng cũng vẫn có hai bên cùng có lợi chỉ khác một điều là có thêm một bên thứ ba có hại. Bên bị hại là đất nước, là nhân dân, là những người è cổ ra đóng thuế ngày hôm nay và cả ngày hôm sau để trả nợ cho ngày hôm nay.
Tham nhũng vừa là con đẻ vừa là mẹ đẻ của một sự quản lý kinh tế và xã hội yếu kém. Xuất phát từ sự không minh bạch của nền kinh tế nhưng đến lượt nó, tham nhũng lại làm trì trệ thêm nền kinh tế. Tham nhũng có thể ví như một bệnh nhiễm khuẩn, nó xuất phát từ sự yếu kém của cơ thể, sau đó lại ăn mòn và làm cho cơ thể ngày càng ốm yếu hơn. Tham nhũng có thể đẩy cả một xã hội đến chổ diệt vong là vậy.
Trong quá khứ, tham nhũng đã là một trong các tác nhân đào hố chôn chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Những kẻ tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo của chính quyền Miền Nam đã làm mất lòng tin của nhân dân, mất lòng tin của những người chiến sĩ đang cầm súng bảo vệ quê hương. Tham nhũng còn làm mất đi niềm tin của các đồng minh cùng chiến đấu. Ðọc trong các hồi ký, bút ký về chiến tranh Việt Nam của người Mỹ, hầu như tất cả đều than vãn về sự tham nhũng tồi tệ tồn tại trong chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Những con sâu mọt ăn hại đái nát đó chính là những kẻ đã góp phần đưa Cộng sản vào Miền Nam. Nếu họ còn chút lương tri thì ngày hôm nay đừng nên khoát lác nhiều nữa mà hãy cầu nguyện cho một đất nước Việt sớm thoát khỏi quyền lực của bầy đảng viên đảng Cộng sản càng sớm càng tốt. Bởi vì ngày nay lịch sử đang lặp lại, những đảng viên Cộng sản đang ngày đêm thi nhau vơ vét của cải xã hội về cho bản thân họ. Và đây là hiện tại, một hiện hữu cũng trần trụi, mục ruỗng đến ghê tởm đang hàng ngày hàng giờ gặm nhấm quê hương tôi, đồng bào tôi.
Với một hệ thống bao che từ trên xuống, một nền kinh tế nửa mở nửa đóng, những kẻ có quyền lực tha hồ vơ vét mà hầu như không bị bất cứ một lực cản nào, kể cả dư luận vì ngay cả báo chí cũng đã bị bịt mồm. Nhân dân đang thống khổ vì họ phải è lưng gánh trên mình một gánh nặng của một bộ máy cồng kềnh, vừa hoạt động kém năng lực, vừa độc tài, vừa tham nhũng. Tiền bạc đã trở thành chất bôi trơn trong mọi sinh hoạt xã hội tại Việt nam. Công an chặn xe, trình giấy "bạc". Nhập hộ khẩu, xin cấp thẻ đỏ, trình giấy "bạc". Làm ăn mua bán nhỏ thì phải biết điều với cán bộ thuế nếu không muốn đi kiếm nghề khác. Việt Kiều về thăm quê mà không biết những thủ tục "đầu tiên" thì quay về Mỹ với một va-li những chuyện bực mình v.v...
Nhưng tất cả những chuyện trên chỉ là chuyện nhỏ so với mấy "sếp bự "chỉ cần ký một cái hoặc nhiều khi chỉ cần gặc đầu (cho người khác ký) là đã có tiền triệu (đô) trong tài khoản. Những khoản tiền đó là phần cắt xén trong những công trình vay vốn của nước ngoài. Ðể rồi tiền mất tật mang, công trình tiêu tan, nợ để lại cho "tương lai đất nước"
Tham nhũng còn tác động vào đời sống tinh thần của cả dân tộc. Chủ nghĩa đồng tiền đã được tôn sùng hơn bao giờ hết. Tham nhũng len dần vào tất cả các ngành, kể cả y tế, giáo dục. Ðạo đức xã hội băng hoại khi giáo viên bắt học sinh phải "học thêm", sinh viên phải mua điểm thầy bằng vốn tự có.... Hay bác sĩ chỉ chữa trị cho những bệnh nhân có tiền v.v... Hậu quả của tham nhũng không những chỉ cho thế hệ này mà còn để lại cho các thế hệ sau, không những chỉ về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần
Ðể ngăn chặn tham nhũng, hầu như tất cả các quốc gia đều có luật trừng phạt những ai phạm tội tham nhũng. Thế nhưng không phải dễ dàng để áp đặt sự trừng phạt lên bọn tham nhũng vì thứ nhất, tham nhũng rất khó phát hiện, và thứ hai những kẻ tham nhũng là những kẻ lắm tiền, nhiều quyền. Tiền bạc giúp cho những kẻ tham nhũng củng cố quyền lực và vị trí của mình, tránh sự va chạm với luật pháp. Quyền lực, đến lượt lại giúp cho chủ nó kiếm tiền dễ dàng hơn.
Tham nhũng bất cứ ở đâu cũng khó bị phát hiện vì kẻ đưa hối lộ và người ăn hối lộ đều có lợi ích. Vì vậy, người ăn hối lộ và kẻ đưa hối lộ bao che cho nhau. Hơn nữa cùng lúc với đồng tiền chạy ngược lên, cái ô quyền lực lại được che từ trên xuống. Cái kết cấu kim tự tháp quyền lực này rất khó bị phá vỡ nếu như không có những biến cố đặc biệt.
Quyền lực đẻ ra tham nhũng. Vì vậy muốn ngăn ngừa tham nhũng trước hết phải ngăn chặn cái gốc đẻ ra tham nhũng, đó là quyền lực. Hạn chế quyền lực sẽ hạn chế được tham nhũng. Xoá bỏ quyền lực sẽ xoá bỏ được tham nhũng.
Thế nhưng làm cách nào để xoá bỏ được quyền lực trong khi trong một xã hội có tổ chức, quyền lực không tập trung trong tay người này thì tập trung trong tay người khác? Muốn tách quyền lực ra khỏi xã hội chỉ có một cách duy nhất là xây dựng một xã hội hoàn toàn dân chủ. Lúc đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và "quyền lực" của nhóm người điều khiển xã hội sẽ bị giảm đi đáng kể. Nhân dân có quyền thuê (bầu) người điều khiển đất nước giống như hội đồng cổ đông trong một công ty đề cử hoặc thuê ban điều hành. Nhân dân cũng cần có quyền truất phế (sa thải) những gã đầy tớ không làm được việc để thay thế bằng những người tốt hơn. Lúc đó người điều hành chỉ có nhiệm vụ điều hành xã hội và có "quyền lực" thực hiện những việc được giao phó dưới sự giám sát của nhân dân.
Quyền lực còn có thể bị hạn chế khi các quy chế giám sát được thực hiện rõ ràng minh bạch. Mọi thu nhập, chi tiêu của tất cả các cấp chính quyền đều được sổ sách rõ ràng và công khai. Tài sản và thu nhập của các "đầy tớ" cũng phải được công khai... Báo chí sẽ là một công cụ hữu ích cho việc công khai hoá những dữ liệu trên. Quyền lực của lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng cần phải tách bạch rõ ràng để không một ai, ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội đứng ngoài hay đứng trên luật pháp. Và một điều quan trọng nhất, quyền lực của nhóm cầm quyền sẽ không bao giờ bị suy giảm hay xoá bỏ nếu như đảng Cộng sản vẫn là đảng duy nhất có quyền tồn tại (và tất nhiên lãnh đạo) vì không ai có quyền truất phế hay thay thế họ.
Thỉnh thoảng đọc trên các website trong và ngoài nước, có nhiều ý kiến về các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng trong đó nhiều ý kiến nêu vị trí giáo dục lên hàng đầu. Theo ý kiến các nhân tôi, giáo dục không đem lại kết quả trong việc phòng chống tham nhũng (xin phân biệt giáo dục và răn đe bằng trừng phạt). Thứ nhất, vì người có học vấn và không có học vấn đều có lòng tham như nhau, và khi quyền lực không được kiểm soát, thì tham nhũng vẫn xảy ra. Thứ hai, những người có quyền lực để có thể tham nhũng hầu hết đều nhận thức được việc làm của họ là sai, là phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn làm vì họ chấp nhận rủi ro (bị trừng phạt) để làm lợi.
Trong tính toán, bọn tham nhũng cũng chấp nhận một xác xuất rủi ro tương tự như một người bán bảo hiểm. Khi xác xuất bị trừng phạt là thấp, hoặc cái giá phải trả cho sự trừng phạt là quá thấp thì người tham nhũng sẵn sàng "ăn tất cả những gì có thể ăn được." Cái án tù 13 năm (mà chắc chắn sẽ còn được "ân xá" rất nhiều) dành cho Bùi Tiến Dũng ngày hôm nay là một bài học cho những ai còn tin vào lời hô hào chống tham nhũng của đảng Cộng sản.
Ðảng Cộng sản không ngu dại gì chống tham nhũng cả vì chống tham nhũng chính là tự tát vào mặt họ đấy thôi. Chống tham nhũng là chống đảng Cộng sản bởi vì chỉ có đảng viên Cộng sản mới có thể tham nhũng. Vì vậy không lạ gì khi hàng chục nhà báo bị gọi lên phỏng vấn vì "lộ mật" do đưa tin vụ PMU18 (BBC đã đưa tin).
Ðảng Cộng sản đang trị bệnh nhiễm trùng bằng thuốc giảm đau. Bằng những câu khẩu hiệu và những chỉ thị nửa vời, lấy lệ, họ chỉ muốn làm dịu cơn đau của nhân dân trên cái thân thể đang lở loét, mưng mủ. Ngày nào chưa được uống đúng thuốc kháng sinh, cái con bệnh kia vẫn còn quằn quại sống dở chết dở.
Ngày 08/08/2007 (DCV)
=END=
4- Tin Tức Quốc Nội
- Thông Bạch Vu Lan Của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng VHÐ/GHPGVNTN
GIÁO HộI PH
T GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P. 15, quận Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh
Phật lịch 2551 - Số: 07/VHÐ/TB/VT
THÔNG B[1]CH VU LAN
Kính gửi:
Chư Tôn đức Giáo phẩm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức Tăng Ni và toàn thể Phật tử trong và ngoài nước.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa chư liệt vị,
Giải trừ cái khổ bị treo ngược vừa là ý nghĩa thâm diệu của Vu Lan nhưng cũng vừa là sứ mệnh thiêng liêng trọng đại của hàng đệ tử đức Như Lai.
Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu. Báo hiếu chỉ có ý nghĩa đích thực khi đại nguyện cứu khổ độ sanh được thể hiện trọn vẹn, bởi thế, ở đâu có khổ đau, ở đó cần đến năng lực từ bi cứu độ.
Giữa bối cảnh đầy khổ đau phiền lụy hiện nay, mỗi chúng ta hãy gắng là Bồ Tát Ðịa Tạng, không ngại có mặt ngay tại ngục tối A tỳ. Với hạnh nguyện lớn lao như thế, chúng ta mới thắp sáng tinh thần cứu độ, mới thắng lướt mọi sự áp chế và mới đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi giới quần chúng.
Thế giới mỗi ngày một tiến bộ nhưng Giáo Hội chúng ta thì luôn gặp bao hiểm luân, chướng nạn; tuy nhiên, trong sứ mệnh độ sanh cao cả, người Phật tử luôn ý thức rằng, không có bất cứ thế lực nào có thể triệt hạ được ước vọng thể hiện chân lý của toàn thể Phật Giáo đồ trong và ngoài nước. Cái gì thuộc về chân lý thì hằng vĩnh bất biến, và đã là chân lý thì dù chỉ có một, chân lý vẫn cứ là chân lý, vì chân lý không tính bằng con số.
Chúng ta đang trực diện với vô vàn khó khăn, nhưng vấn đề ở đây không phải là khó hay dễ, vấn đề đặt ra ở đây là, ý lực của chúng ta có kiên vững, hạnh nguyện của chúng ta có sâu dày và quyết tâm của chúng ta có đủ mạnh để hàng phục mọi chướng duyên nghịch cảnh?
Mùa Vu Lan cũng là mùa siêu độ, ý nghĩa siêu độ ở đây không là ý nghĩa tiêu cực của một tâm thức kiến chấp hạn hẹp. Với dụng lực của bồ đề tâm, không luận là thân hay sơ, cũng không phân biệt là địa phương này hay quốc gia nọ, mà pháp giới tứ sanh, lục đạo, thập loại cô hồn, nguyện cho tất cả, trượng thừa tịnh lực, siêu sanh lạc quốc.
Hiếu đạo là Phật đạo, hiếu tâm là Phật tâm, hiếu hạnh là Phật hạnh, thế nhưng chỉ bạt độ oan hồn uổng tử, nhưng không phát tâm cứu hộ người sống lâm cảnh đọa đày, đó cũng chưa phải là hiếu đạo, cũng chưa phải là hạnh nguyện xuất trần.
Bài học hiếu để sống thực mà ta có thể truyền đạt đó là, tích cực dấn thân, dấn thân chứ không là vong thân, chỉ có dấn thân theo lý tưởng của Bồ Tát đạo, chúng ta mới thật sự cứu mình, giúp người. Mặt khác, nếu vì lợi dưỡng, đánh mất bồ đề tâm, thì dù làm bất cứ điều gì ngay cả những việc mà mình cho là thiện cũng chỉ là công cụ của thế quyền, tiếp tay tục hóa Phật giáo, làm phân rã hàng ngũ Tăng già, đây là bài học bất hiếu với Phật, với Tổ, với các bậc tiền bối hữu công.
Xin đừng ai trong chúng ta quên rằng, nếu không có quá khứ thì chẳng có cái gọi được là tương lai, chính thế, hướng đến tương lai, nhưng cũng đừng quên quá khứ, nhất là quá khứ đa sanh phụ mẫu, đặc biệt một quá khứ mà ở đó bao nhiêu công đức đã được huân tu, bao nhiêu thành tựu đã là chiếc nôi bảo lưu bản sắc đặc thù của quốc gia dân tộc.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, thay mặt Hội Ðồng Lưỡng Viện, tôi khuyến thỉnh chư vị nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp, hết lòng gìn giữ tổ ấn tôn phong, sách tấn hàng hậu học bước theo dấu chân của chư lịch đại Tổ sư, kiên vững trước mọi nguy khốn, bảo vệ năng lực hòa hợp thanh tịnh, một lòng vì đạo, vì sự khổ đau của tất cả muôn loài để mãi là ngọn hải đăng giữa đêm dài lịch sử.
Bằng tất cả lòng tri ân và báo ân sâu xa lên đức Phật, tôi nhất tâm cầu nguyện nền văn minh từ bi luôn tăng triển, chánh pháp trường tồn, thế giới nhân loại chung sống hòa bình, dân tộc tự do, bình đẳng và quyền con người mãi được tôn trọng.
Nam Mô Ðại Hiếu Mục Kiên Liên Tôn Giả.
Thanh Minh Thiền Viện,
Sài Gòn, ngày 01 tháng 8 năm 2007
Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo
(đã ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Ðộ
=END=
5- Tin Tức Quốc Nội
- Ðảng Viên Ðào Văn Huệ Ðặt Vấn Ðề Với Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam Về Vụ Tham Nhũng Hồ Tây
Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2007
Thư gửi các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và toàn thể các đồng chí uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Ðảng.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây đã và đang bị đục khoét tham nhũng, các cấp ủy Ðảng đã lãnh đạo như thế nào?
Kính thưa các đồng chí,
Tôi tên là Ðào Văn Huệ, Ðảng viên 50 tuổi Ðảng, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học & công nghệ, ngụ tại số nhà 374 Lạc Long Quân, cụm 3 phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Trong thời gian qua tôi là người đã viết nhiều đơn thư tố cáo vạch trần những sai trái vi phạm của những người lãnh đạo trong Ðảng và chính quyền từ Phường đến Quận lên Thành phố liên quan dự án kè Hồ Tây. Tôi viết những đơn thư kể trên với ý thức xây dựng mong sao Ðảng và Nhà nước ta thanh loại được những con sâu mọt. Nhưng ngược lại tôi và những người tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng liền bị trả thù một cách khốc liệt.
Những sai phạm về dự án kè Hồ Tây là rất nghiêm trọng trắng trợn và kéo dài, những khiếu nại tố cáo của nhân dân chúng tôi là rất đúng với những quy định của pháp luật nên đã được đến 4 lần Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, hoặc công văn của đồng chí thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm chỉ đạo Công an Hà Nội điều tra làm rõ. Như chúng ta đều biết tính chất nghiêm trọng hiện nay là những chỉ thị, chỉ đạo bị rơi vào "im lặng" hoặc sự đáp lại là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật để thực hiện cho bằng được tham vọng của đám quan tham này.
Sự khiếu nại tố cáo của chúng tôi là trường hợp hiếm có, vụ việc bị đục khoét xung quanh các dự án, đặc biệt là dự án kè Hồ Tây đã được sự lưu ý của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Phó thủ tướng Chính phủ đã đóng vai dân thường xuống xem xét tận nơi. Nhưng để rồi kết cục của nó mà dân chúng tôi đang phải gánh chịu mà tôi sẽ nói tới sau đây:
Tôi đã được làm việc với Uỷ ban Kiểm tra Quận ủy Tây Hồ, thanh tra từ Quận đến Thành phố, trực tiếp làm việc với Thanh tra Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng để giải quyết về việc dự án kè Hồ Tây làm sai quy hoạch nhằm trục lợi đục khoét Dự án có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Từ tháng 8/2006 đến tháng 1/2007 Thủ tướng Chính phủ giao cho thanh tra Chính phủ chủ trì, cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, đại diện Ủy ban Kiểm tra TW, Ban Nội chính TW cùng tham gia để kiểm tra làm rõ, kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo của một số công dân cụm 3 phường Xuân La, quận Tây Hồ liên quan đến quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đoạn đi qua cụm 3, phường Xuân La. Trong bản kết luận đã khẳng định: Nội dung báo cáo của UBND thành phố Hà Nội là không đúng với thực tế trong việc triển khai dự án. Nội dung khiếu nại của nhân dân cụm 3, phường Xuân La về việc nắn đường sai quy hoạch là có cơ sở, các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được Kiến trúc sư TP chấp thuận và UBND TP phê duyệt tháng 11/1997 liên quan đoạn qua cụm 3 Xuân La, các ban ngành của thành phố đã cố tình giấu đi, không trình ra cho đoàn thanh tra, mà đồng loạt kêu "bị thất lạc" để đưa ra những tấm bản đồ "dởm". Chỉ một việc này thôi đủ biết TP Hà Nội coi thường pháp luật như thế nào. Vậy là quy hoạch được phê duyệt với "đường bám kè, sát mép nước" đã bị điều chỉnh để đường tách ra khỏi kè xuyên sâu vào khu dân cư. Người phải chịu trách nhiệm liên quan đến các sai phạm, đứng đầu là ông Ðỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội (mới bị miễn nhiệm), danh sách kiến nghị xử lý gồm có 11 người. Nhưng ngay sau đó những người khiếu nại tố cáo liền bị đưa vào "tầm ngắm" của Thành phố Hà Nội, mà trực tiếp là ông Ðỗ Hoàng Ân đã thực hiện một loạt các cuộc cưỡng chế "thảm sát" trái pháp luật, huy động cả hệ thống chính trị, bộ máy chuyên chế độc tài kiểu phát xít để kéo đến đập phá nhà cửa của chúng tôi, ông Ân đã đứng trên pháp luật và đứng ngoài pháp luật. Cây cột nắn đường của dự án và mốc giới quy hoạch trong vườn gia đình tôi đứng sánh vai nhau như là một thách đố. Thế rồi gia đình tôi đã trở thành nạn nhân của họ chứ không còn là thách đố nữa. Ðợt cưỡng chế ngày 27/4/2007, các công trình nằm ngoài mốc giới quy hoạch bị đập phá tàn hoang, có nhiều cây trị giá hàng chục triệu đồng bị chặt đứt ngổn ngang, tàn phá tang thương. Trước khi có cuộc cưỡng chế xảy ra, chúng tôi đã có rất nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ, nhưng như là một sự bố trí sẵn, Thủ tướng đi công tác dài ngày ở miền nam, TP.Hà Nội được dịp tha hồ làm mưa làm gió. Ðợt thứ 2 ngày 29/5/2007 tiếp tục cưỡng chế tiếp 4 hộ gia đình và ngày 31/5/2007 các hộ còn lại, một số hộ do bị bức ép, đe dọa nên đã phải đặt bút ký "bàn giao" để họ đạt được hai chữ "đồng thuận" báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ðơn kêu cứu khẩn thiết của người dân đến Thủ tướng và các cấp lãnh đạo, Thủ tướng đã có sự can thiệp nhắc nhở với Chủ tịch UBND TP, ngay cả đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trương Tấn Sang cũng đã rất quan tâm và đã có nhắc nhở Hà Nội, Chủ tịch UBND TPHN cũng đã có lời hứa hẹn với Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng lần này cũng như là có sự bố trí sẵn, ông Chủ tịch "đi công tác nước ngoài", ông Ân cấp phó ở nhà lại được dịp tha hồ tung hoành ngang dọc, dọc ngang.
Riêng đối với gia đình của ông Ngô Hạ và bà Trần Thị Ðạt bị cưỡng chế vào ngày 29/5/07, là đối tượng của bộ máy chuyên chế tàn bạo nhục mạ con người mà ông Ðỗ Hoàng Ân đã chỉ đạo. Ðây là lần thứ 2 họ cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình này. Bọn sai nha kéo đến với hàng trăm người gồm có công an, cảnh sát các loại, lăm lăm dùi cui roi điện khoá số 8 để "đối thoại". Sẵn sàng vu cho tội dám "chống người thi hành công vụ". Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó công an quận Tây Hồ, ông Phạm Ðình Phong, Trưởng công an phường Xuân La và ông Ðinh Chiến Thắng cảnh sát khu vực đuổi những người hàng xóm đến để chứng kiến ra khỏi nhà ông Hạ. Hai lần những người mặc áo lính vào nhà nằm ngoài mốc giới quy hoạch để dò mìn đều bị bà Ðạt yêu cầu ra sân, phía ngoài mốc giới, họ thấy có lý đã ra ngoài, nhưng ông Nguyễn Bá Hùng, Phó công an Quận chỉ huy một đoàn người xông vào định bắt mẹ ông Hạ đang ở trong nhà, bị bà Ðạt cản lại, ông Nguyễn Bá Hùng ra lệnh bằng ám hiệu, ông Phong cùng 2 công an lực lượng khác lôi vợ ông Hạ ra khỏi nhà, đồng thời cho bắt mẹ đẻ ông Hạ 93 tuổi, cụ tuy già nhưng rất tỉnh táo, minh mẫn, đi lại bình thường vậy mà họ ép bỏ cụ lên cáng khiêng đi, cụ không chịu, cố ngoi dậy để ra khỏi cáng, liền bị những người khiêng cụ lấy tay ấn cụ xuống cáng, còn người khác thì dùng mũ cảnh sát nhăm nhăm chực úp lên mặt cụ nếu cụ nhổm dậy, họ rầm rập khiêng cụ diễu qua trước mặt ông Hạ đang đứng quan sát ở ban công gác 2 số nhà 12 cùng ngõ, chỉ một tích tắc thì ông Hạ đã sa vào cái bẫy của bọn chúng, ông Hạ thấy mẹ bị bắt khiêng qua nhà mình đang đứng, định chạy xuống can thiệp nhưng mọi người đã ngăn lại, xe ô tô 113 đã chực sẵn phía Ðình làng đầu ngõ 354 hốt cụ đi. Ông Nguyễn Bá Hùng đã cùng ông Ðinh Chiến Thắng, cảnh sát khu vực, trực tiếp ra giám sát bà Ðạt tại phía ngoài để ngăn không cho vợ ông Hạ tìm cách quay trở vào nhà. Khi không còn ai trong nhà, tài sản nhà ông Hạ liền được họ tự do "xử lý", không ai hay biết họ đã đút túi những tài sản quý giá gì, với những đồ đạc cồng kềnh thì họ cho vất lên xe chở đi, không người làm chứng biên bản, đến bây giờ gia đình cũng chưa biết tài sản gia đình mình còn mất ra sao. Riêng cụ Ðại khi chúng tôi vào thăm, cụ cho biết cụ có số tiền do bà con và các con cháu mừng tuổi cụ từ tết nguyên đán nay lại bị chúng nó cướp mất rồi. Trắng trợn nữa là việc họ ngang nhiên bán tài sản trong khi đập phá nhà cửa, đập nhà đến đâu trưởng Ðoàn cưỡng chế, chỉ đạo cho ông Nguyễn Ðăng Hưng, Phó giám đốc BQL Dự án kè Hồ Tây trực tiếp cho gom hết lại chở về lán tạm công nhân của BQLDA làm ngay cạnh đó phía đầu Ðình làng và gọi xe vào bán, chở về đến đâu bán hết đến đó trong khi đang "thi hành công vụ". Ðồng thời biến tướng việc cướp tài sản để bán này bằng việc cho người xông vào hôi của sau khi họ đã "tự hôi của" chán chê. Chỉ một nhoáng thôi đã có cả một đám người ào ào xông vào, kẻ tranh, người cướp, người vác cái này, người khuân cái kia trông vào thảm cảnh mà não cả lòng.
Vậy mà Ngày 30-5-2007, ngay sau ngày nhà ông Hạ bị san bằng Uỷ ban nhân dân TPHN, lập tức đã có thư biểu dương chính quyền quận Tây Hồ, phường Xuân La cùng các cơ quan đơn vị, lực lượng tham gia GPMB kè Hồ Tây tại cụm 3 Xuân La rằng: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HÐND và UBND Thành phố, với quyết tâm, thống nhất và nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị; cùng với việc vận động, thuyết phục công dân tự giác bàn giao mặt bằng; sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về cơ sở vật chất, lực lượng... quận Tây Hồ đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện GPMB khu vực cụm 3, phường Xuân La nhanh, gọn, an toàn tuyệt đối, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật". Thật là họ biết cách tô son để báo cáo Thủ tướng Chính phủ là đã thực hiện "đúng" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã: "thuyết phục công dân tự giác bàn giao mặt bằng" và"bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật". Cứ theo kiểu báo cáo này thì thủ tướng nào mà không sướng, việc "bắt giữ người biến tướng" hay sự "tự hôi của" làm gì có, sau này họ báo cáo rằng: "ông Hạ không có mặt ở nhà, còn bà Ðạt thì tự động bỏ ra ngoài để lại cụ già một mình, không tự bảo quản tài sản đấy chứ". Thật là một sự vu khống vô liêm sỉ, "vừa ăn cắp vừa la làng".
Lại nói về cụ Cao Thị Ðại, mẹ ông Hạ sau khi bị bắt giữ biến tướng, nếu thực sự chỉ vì an toàn cho cụ thì trong ngày hôm đó, ngay sau khi đập phá xong, an toàn rồi thì họ phải đưa trả cụ về vì họ biết chắc chắn vợ chồng ông Hạ vẫn đang đứng trên gác 2 ban công nhà số 12 quan sát đám người hôi của. Nhưng ý đồ của họ là còn muốn giữ cụ lại để thực hiện các trò nhục mạ bôi xấu con người. Trước tiên họ biến cụ thành người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa để "nhốt" cụ vào cái "trại tế bần" với cái tên Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, Tây Mỗ Từ Liêm Hà Nội như tôi đã có dịp nêu đến trong đơn tố cáo ngày 10/6/2007 là ở đây chó được nuôi nhiều hơn người. Ấy thế mà sau khi đơn tố cáo của tôi được gửi tới các đồng chí thì ngay lập tức đàn chó được di dời đi, tấm lưới bao B40 cũng được dỡ bỏ, vườn chuối được tu bổ sạch sẽ đẹp đẽ. Vậy là đơn của chúng tôi cũng đã được các vị lãnh đạo quan tâm, nhưng lại là đàn chó, chứ không phải với cụ Cao Thị Ðại, cụ thì ngược lại.
Trong khi đó chính quyền quận Tây Hồ cũng vẫn giọng điệu vu khống, bôi xấu nhục mạ vợ chồng gia đình ông Hạ như trên để đưa lên kênh truyền hình, lên mặt báo và văn bản thông báo về tận quê hương ông Hạ Nghệ An để đòi con cháu cụ phải ra đưa cụ về quê, vì cụ không phải hộ khẩu ở Hà Nội?
Quen thói có tiền muốn làm gì ở cái địa bàn Hà Nội này đều được, họ đem áp dụng vào ngay cho cả tỉnh Nghệ an, tổ chức một đoàn 11 người do Chủ tịch Quận Nguyễn Mạnh Cường cầm đầu vào UBND tỉnh Nghệ An, lên huyện Nghĩa Ðàn rồi cùng nhau về xã Nghĩa Thuận đòi các con cháu cụ ra cái Trung tâm ấy mà "thủ tục đón cụ". Ép buộc không xong vì các con cháu cụ tham dự cuộc họp đòi lập biên bản, đòi họ phải chịu trách nhiệm với cụ già vô tội. Các con cháu đặt những câu hỏi rất gắt gao: "cụ phạm tội gì mà các ông bắt cụ?", "cớ gì mà phải ép cụ về quê trong khi cụ chỉ muốn sống với con trai ở Hà Nội?" và khẳng định họ đã bắt ở đâu phải trả cụ về nơi đó.
Không thực hiện được trong quê họ kéo nhau ra Hà Nội tìm cách vừa đe dọa vừa lừa ông Hạ vào cái trung tâm đó mà nhận cụ, như nhận thân nhân do chính mình bỏ rơi, còn họ vô can. Cuối tháng 7/2007 UBND quận Tây Hồ lại gửi văn bản về cho các con cụ trong quê, hạn cho trong vòng 10 ngày không ra Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 bắt cụ về thì họ sẽ báo cáo cấp trên của họ cho "xử lý theo pháp luật". Giờ đây, cụ Cao Thị Ðại đang hàng ngày bị giam giữ biến tướng, cụ cần được trả tự do, quyền công dân của cụ phải được bảo đảm và tôn trọng đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở và tài sản.
Trong đơn tố cáo lần trước tôi có nói đến việc áp chế và khủng bố là cách làm của chính quyền quận Tây Hồ hiện nay mà điển hình là việc ông Phương Văn Hối, cụm 1 Xuân La bị cảnh sát khu vực "hỏi thăm" và bị đe dọa bằng điện thoại khi ông có nhiều đơn thư tố cáo về việc cướp đất di tích. Bây giờ bắt đầu đến lượt tôi, ông Long, đội trưởng đội an ninh Công an quận Tây Hồ cũng đã đến "hỏi thăm" tôi vì có ai đó đã đưa bài lên internet mà họ nghi vấn cho là tôi. Tôi già tuổi rồi đâu có biết internet là cái gì mà họ bảo tôi đưa bài lên internet, không nghi ngờ được tôi họ quay sang tra vấn để cột con trai tôi vì nó có máy tính và có nối mạng internet trong nhà, phải chăng đây là cái cớ để dẫn đến bắt bớ người trong gia đình tôi. Tôi đi hỏi nhiều người thì được biết trên mạng internet có đăng tải bài do một luật sư nào đó đưa lên với tiêu đề: "nói lên một sự thật thiếu dân chủ ở Việt Nam" mà nội dung bài là đòi trả tự do cho cụ Cao Thị Ðại 93 tuổi bị Công an bắt giữ biến tướng từ ngày 29/5/2007, theo đơn tố cáo của tôi ngày 10/6/2007. Vậy là lần này họ lại cố tình quy chụp cho chúng tôi về chính trị để dễ dàng trong việc trả thù gia đình tôi chăng? Sự trắng trợn ở đây không còn gì để che đậy nữa!
Thực hiện một cuộc cưỡng chế mà không tuân theo một quy định nào của pháp luật: bắt người, cướp của giữa ban ngày nhưng lại nói "thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ". Chúng tôi đặt câu hỏi, bàn tay nào đang ngấm ngầm chỉ đạo những tham quan này mà họ dám ngang nhiên như vậy? Phải chăng cái việc bắt giữ người biến tướng, việc "tự hôi của" đem bán này lại cũng là do sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cũng chẳng khó để phải tìm kiếm, bóng dáng ló dạng của sự chỉ đạo này thực chất nó ngay trong các văn bản, hay thông báo mà Tây Hồ luôn luôn bám lấy là việc gửi báo cáo vượt cấp lên Văn phòng Chính phủ liên quan việc giải quyết cụ Ðại mẹ ông Hạ, họ phải tốn nhiều thông báo, phải tốn tiền của nhà nước để vào tận quê ông Hạ khi họ muốn đổ cái lỗi lên đầu vợ chồng ông Hạ. Làm thế họ mới chối được tội. Ngoài ra việc gửi báo cáo vượt cấp này còn là với chủ ý muốn gửi cho người dân một thông điệp mang tính thách đố rằng đúng là họ đang được Văn phòng Chính phủ bao che, nơi gồm những người thân cận với Thủ tướng, tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng trong mọi vấn đề, vậy thì làm gì Tây Hồ còn phải sợ ai nữa, kể cả làm sai? Việc này chắc ông Vụ trưởng Vụ khiếu nại tố cáo thuộc Văn phòng Chính phủ biết rõ?
Sự việc ở đây quanh Hồ Tây này chỉ thấy không có dân chủ, giả dối, tàn bạo, vi phạm nhân quyền, không có pháp luật, hàng loạt những vi phạm tham nhũng ăn cắp đều bị bưng bít, trả thù người khiếu nại tố cáo là một thực tế đã và đang tồn tại ở đây, ở quanh Hồ Tây này. Ta thử đi đến phường Quảng An thì thấy rõ:
- Ở khu vực Bến Chùm: diện tích 8.080m2, cách mép nước Hồ Tây ba bốn trăm mét, không nằm trong quy hoạch dự án kè Hồ Tây, nhưng thành phố Hà Nội, mà trực tiếp là phó chủ tịch Ðỗ Hoàng Ân cùng với Quận Tây Hồ, phường Quảng An và Ban QLDA kè Hồ Tây, đã lợi dụng dự án kè Hồ tây để cướp đất của dân phục vụ cho mục đích kinh doanh, trong khi đó ông Ân lại ký quyết định cho Ban QLDA kè Hồ Tây dược phép làm kinh doanh. Nhân dân có đất khu Bến Chùm đã gửi biết bao đơn thư tố cáo, nhưng chính quyền thành phố đồng lõa để quận Tây Hồ cố tình cướp đất của dân. Ngày 5/6/2007 UBND quận Tây Hồ ra quyết định cưỡng chế và ngày 8/7/2007 thực hiện việc cưỡng chế sau khi đã san phẳng mấy chục hộ gia đình tại Cụm 3 Xuân La. Trước việc Chính quyền dùng quyền lực để đàn áp dân, bằng mọi cách áp chế dân, nhìn thấy bộ máy độc tài kiểu phát xít cưỡng chế dân ở phường Xuân La, các hộ dân ở Quảng An quá sợ hãi phải ký bàn giao, đền bù như thí như cho, lòng dân chứa chất đầy nỗi căm giận. Còn các quan chức, những người chức có tiền để đầu tư tại khu Bến Chùm làm Câu Lạc bộ Ðầm Sen thì hả hê, bằng chân như vại, họ cho xây dựng ngay các công trình kiên cố ảnh hưởng đến cảnh quan trước di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia là Ðình Quảng Bá.
- Tại Gói thầu số 12: Bà Hoàn, một cán bộ trong BQLDA kè Hồ Tây đã lập khống vào trong phương án đền bù gia đình bà Chúc Mai để rút 10 triệu đồng. Khi bị tố cáo, chính quyền quận Tây Hồ, phường Quảng An cùng Ban QLDA kè Hồ Tây đã quay sang trả thù gia đình này. Quy hoạch chỉ lấy từ mép hồ vào 10,5m để làm đường nhưng gia đình bà Chúc Mai bị lấy vào sâu hơn 24m. Mảnh đất nhà bà chúc Mai có 9 gia đình các con sinh sống, lúc đầu Dự án làm 9 phương án đền bù, nhưng sau khi bị tố cáo họ cho xuống còn 3 phương án để số tiền đền bù bị sụt xuống. Tại đoạn kè qua nhà hàng Phương Nguyên, đường và kè lại được nắn ra ngoài mặt nước đến hơn 10m.
- Tại Gói thầu 21: Nắn quy hoạch lấn ra phía hồ, chở cát lấp hồ để có khu đất vài chục nghìn mét vuông chia cho các quan chức và chia lô bán. Cho xây 38 ki ốt lấn vào trong mốc giới quy hoạch để cho thuê, đơn thư khiếu nại tố cáo, trực tiếp Chủ tịch TP Nguyễn Quốc Triệu hứa giải quyết phá bỏ nhưng nay vẫn ngang nhiên tồn tại?
- Diện tích 1,38ha tại phường Quảng An là đất đấu thầu lấy tiền xây dựng kè Hồ Tây, nhưng họ đã cho thông thầu giá rẻ mạt, đấu thầu 1,38ha nhưng khi giao chỉ 0,8ha. Số còn lại chia nhau hưởng, Giám đốc dự án Hoàng Văn Lộc cũng có suất trong khi ông đã có biệt thự cùng đất đai rộng lớn tại mép bờ Hồ Tây phường Quảng An này.
Sự ai oán của người dân Quảng An đã được thể hiện qua bài thơ "hành trình khiếu kiện" mà chắc các quý Vị đã được đọc khi nhân dân Quảng An gửi tới.
Ngay ở Xuân La này việc đền bù khống mặt nước để rút lấy 162 triệu tại số nhà 372 Lạc Long Quân đã thực hiện suôn sẻ, khi bị phản ảnh họ nói là họ sẽ thu hồi lại, không biết thu hồi đến đâu. Sự việc diễn ra sát nách gia đình tôi.Việc rút ruột công trình mà tôi đã đề cập đến, kết luận thanh tra Chính phủ có nhắc đến, vậy mà cũng được bỏ qua? Việc cố tình mở con đường nối xuống hồ để lấy hơn 1.000m2 đất ngoài quy hoạch của dân, trong khi cách đó 12m đã có sẵn đường xuống hồ rồi.
Không thể để Ðảng và Nhà nước mất lòng tin của nhân dân mãi được, chúng tôi kiến nghị các đồng chí lãnh đạo Ðảng Nhà nước và nhất là Thủ tướng Chính phủ hãy cho mở cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm, sự vi phạm pháp luật trắng trợn này và xử lý thích đáng. Cụ thể:
- Trả tự do ngay cho cụ Cao Thị Ðại 93 tuổi theo đúng quy định của pháp luật. Không thể dùng sức mạnh và quyền lực của Nhà nước bắt giữ và cưỡng bức cụ già 93 tuổi đang sống bình yên cùng con cháu thành người lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa, sử dụng đủ các phương tiện vu khống, bôi nhọ con cháu cụ, đổ lỗi cho con cháu cụ, chối tội bằng cách bắt người thân vào Trung tâm Bảo trợ 3 Tây Mỗ Từ Liêm mà đón cụ, còn họ đứng ngoài cuộc, vô can.
- Phải xử lý những kẻ lợi dụng chức quyền, trả thù người khiếu nại tố cáo. Không thể để Ðảng, Nhà nước và Chính phủ mang tiếng không bảo vệ được người khiếu nại tố cáo và thân nhân của họ: cụ Cao Thị Ðại - 93 tuổi vì con cháu cụ nghe theo lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ tham gia tích cực chống tham nhũng tại Cụm 3, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội này.
- Làm rõ việc những kẻ đã lợi dụng Thủ tướng Chính phủ để vi phạm pháp luật. Không thể để thành phố Hà Nội sau khi đã thực hiện được cuộc trả thù trái pháp luật, tàn khốc vô nhân tính và hết sức bẩn thỉu này xong lại chối tội bằng việc rêu rao là thực hiện " theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
- Phải cho thanh tra tiếp các nơi khác trên toàn tuyến kè Hồ Tây mà như Thanh tra Chính phủ có lần đã đề nghị.
Tôi đã có thư có đơn gửi tới đồng chí Trưởng Ban tổ chức TW tố cáo những cán bộ có quyền cao chức trọng trên Thành phố cho tới những kẻ dưới quyền vi phạm pháp luật ngay tại phường Xuân La nơi tôi cư trú như nguyên chủ tịch phường Nguyễn Xuân Ðịnh là một kẻ lừa đảo đã có kết luận của thanh tra thành phố trong vụ lừa đảo bà Nguyễn Thị Bích Dung 52 Phan Ðình Phùng để chiếm đoạt tài sản của bà Dung lúc Ðịnh, còn là Chủ tịch UBND phường Xuân La, nhưng Ðịnh vẫn yên vị, đến Quân Ngọc Anh chủ tịch hiện tại đủ thứ nhũng nhiễu dân đến nỗi người dân ai cũng thuộc câu "Thằng chủ tịch trước đã đểu giả lưu manh, thằng chủ tịch sau còn đểu giả lưu manh và khốn nạn hơn, có tới 4 bằng đại học, trong đó có một bằng luật, nhưng lại là "luật rừng", cùng với cán bộ địa chính thao túng về đất đai biến từ thổ canh sang thổ cư và ngược lại gây ra bao bất bình cho dân chúng. Các ông cán bộ UBND quận Tây Hồ như ông Chử Ngọc Tuất, nguyên là chủ tịch rồi Bí thư bao nhiêu tội, bầu bí thư không trúng phải ra đi, nhưng vẫn còn luyến tiếc cố bám lấy một vị trí tại dự án Tây Hồ Tây nhiều tiền, lắm đất để làm ăn. Ông Nguyễn Phúc Quang, Trưởng công an Quận bị tố giác có liên quan đến các sòng bạc, liên quan đến Bổng Ðề, đến Năm Cam, báo chí đưa tin xôn xao một thời rồi im lặng, không một lời cải chính vẫn nguyên vị, nay nghe tin được sang làm chủ tịch UBND quận Tây Hồ hay Bí thư Quận ủy gì đó, còn ông Vũ Hồng Khanh, Bí thư Quận ủy ra sức bảo kê cho việc cướp đất di tích chùa Vạn Niên - đình Xuân Tảo Sở xây khách sạn tư nhân và chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị quận Tây Hồ vào vụ cưỡng chế trái pháp luật trong tháng 4, tháng 5 vừa qua lại trúng cử về thay vị trí ông Lê Quý Ðôn khi ông Ðôn vừa bị miễn nhiệm!
Kính thưa các đồng chí,
Chúng ta hiện nay có thanh tra, kiểm tra, điều tra các cấp cứ như là lưới trời dày đặc làm sao cho thoát, sự thực như chúng ta đã thấy. Là một Ðảng viên sớm giác ngộ cách mạng tự hỏi mình và hỏi đến các đồng chí, cứ như thế này Ðảng ta nay là của ai, sẽ đi đến đâu?
Kính mong được sự quan tâm của các đồng chí, xin trân trọng cám ơn./.
Kính thư
Ðào Văn Huệ
Số 374 Lạc Long Quân, Cụm 3 Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội
ÐT: 8362873
=END= |
6- Ðời Sống Quanh Ta
- Mưa ngâu
Nguyễn Quý Ðại
Tháng bảy mưa ngâu, làm chúng ta nhớ lại chuyện Ngưu Lan Chức Nữ (1) chuyện tình lãng mạn, nhưng đời sống hôn nhân của họ bị sông Ngân Hà ngăn cách đôi bờ, hàng năm chỉ gặp nhau một lần qua nhịp cầu Ô thước; ca dao còn lưu truyền trong dân gian:
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần...
Tháng bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Chuyện trên trời là vậy, còn chuyện dưới thế gian thì nhiều vô số. Biến cố lịch sử năm 1954 chia đôi Nam-Bắc dòng sông Bến Hải có cầu Hiền Lương nhưng ngăn cách giữa hai miền! Ðến 21 năm sau, dù được nối liền nhưng tình người vẫn còn ngăn cách!
Năm 1975 đất nước thống nhất, nhưng xảy ra nhiều chuyện tang thương. Tình yêu, vợ chồng, cha mẹ, anh em mỗi người một phương trời, phần lớn Quan - Chức làm việc dưới chế độ VNCH, kể cả tu sĩ đều bị chính quyền CS tập trung vào trại cải tạo, nhiều gia đình bị đánh tư sản đuổi đi vùng kinh tế mới.... Những người may mắn chạy thoát trước khi miền Nam bị thất thủ, vì hoàn cảnh không thể đem theo vợ hiền con thơ, cha mẹ già. Người ở lại nhiều năm trong mong nhớ đợi chờ....
Từ 30. 4.1975, nước mắt của người dân ở miền Nam có thể nhiều hơn mưa ngâu tháng bảy. Nhiều người vợ ở nhà phải đảm đang, gánh vác nuôi con, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ già, dành dụm tiền bạc mang quà đi thăm chồng, vất vả xin giấy phép tìm đến trại cải tạo, bị cán bộ quản giáo lạnh lùng canh gác nghe ngóng chuyện nhà, thân nhân tới thăm nhìn nhau nức nở khóc, ngồi cách nhau một cái bàn... Tháng Bảy mưa ngâu tháng báo hiếu Mẹ trong ngày lễ Vu Lan. Tôi đeo bông hồng trắng tưởng nhớ Mẹ, không thể quên ngày xưa Mẹ tôi đường xa lặn lội đến thăm, buổi chiều ngày đó trời đổ mưa, mấy năm xa cách gặp lại Mẹ, Mẹ ôm tôi khóc thật nhiều, tình thương của Mẹ như nước trên nguồn luôn chảy về biển rộng bao la. Mẹ tôi nói chưa hết chuyện nhà, thì cán bộ ra lệnh "hết giờ thăm". Giỏ xách qùa bánh Mẹ cho, liền bị cán bộ chận lại kiểm soát, và khiển trách: "uỷ mị khóc lóc...."
Mẹ ra về mang theo thương nhớ lo âu, nhìn theo Mẹ tôi nghẹn ngào nước mắt lưng tròng.... Hơn 3 năm trong trại cải tạo, tôi phải trả giá quá đắt so với thời gian ra trường, làm công chức của VNCH thâm niên 8 tháng!! Ngày được trả tự do, về nhà bị quản chế, không có quyền công dân, mỗi tuần phải trình diện công an Phường. Chính quyền địa phương gọi đi thủy lợi, hăm dọa đuổi đi vùng kinh tế mới.. Mẹ tôi thao thức nhiều đêm không ngủ, sau đó cho tôi mấy cây vàng và bảo:
- Con cầm lấy tìm đường vượt biên, thế hệ con không thể sống với chế độ mới.
Tôi ra đi, may mắn đến được bến bờ tự do. Ðường về quê hương đã hơn 27 năm xa cách, ngày trở về với vợ con mái tóc đã bạc màu, Cha Mẹ đã ra người thiên cổ, chúng tôi qùy trước những ngôi mộ của ông bà, cha mẹ với tấm lòng thành thương nhớ, những giọt lệ rơi....
Hàng năm ở Ðức cũng như các nước Tây Phương tổ chức ngày vinh danh Mẹ Mother' s day, ngày của Cha Father' s Day. Báo chí đăng những bài viết về Mẹ rất thiết tha, những nhạc phẩm ca tụng Mẹ tuyệt vời.... Hai ngày đó những người cha mẹ còn sống con cháu về chúc mừng.. Chúng tôi nhận quà của 2 con, và mua hoa để trên bàn thờ, đốt nhang đèn tưởng nhớ công sinh thành dưỡng dục, trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân Ước đều có rất nhiều đoạn nói đến lòng hiếu thảo đối với Cha Mẹ, đến nhà thờ nghe bản thánh ca cầu cho Cha Mẹ.
"Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ con. Công ơn Người như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn...Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dầu xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình Mẹ....."
Lần đầu về Việt Nam, nhằm tháng bảy âm lịch. Ðời sống ở Sài Gòn bon chen chạy đua theo thị trường...Nhưng người ta vẫn giữ phong tục rằm tháng Bảy cúng cô hồn, cho những linh hồn lang thang không người thờ cúng
"Dấu người thập loại biết là đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những mồ vô chủ thấy mà đau.."
Buổi tối trước sân, người ta cúng bánh kẹo, chuối, trái cây... mùi nhang thơm thoang thoảng bay xa. Ðám trẻ tinh nghịch trong xóm đến đứng chờ ngoài ngõ mong nhận được bánh... sau khi gia chủ cúng xong. Các Chùa Phật Giáo tổ chức lễ Vu Lan còn gọi là lễ Xá tội vong nhân. Sinh hoạt của Phật Giáo cũng có một vài khác biệt, Phật giáo Bắc Tông (Ðại Thừa) tổ chức lễ Vu Lan; nhưng Phật Giáo Nam Tông thì không.
Lễ Vu Lan, khởi thủy tại Ấn Ðộ. Lễ Vu Lan theo đạo Phật vào Trung Hoa, Ðại Hàn, Ðài Loan, Việt Nam, Nhật Bản. Ngoài các quốc gia ảnh hưởng Phật giáo Nam Tông như: Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Nam Dương... mỗi ngày ăn hai buổi, 6 giờ sáng và 11 giờ trưa, theo lối khất thực, Nam Tông đều không ăn cơm tối, nhưng được phép ăn mặn, không tổ chức lễ Vu Lan. Danh từ Vu Lan nguồn gốc từ tiếng Phạn Sanskrit "ullambana," được dịch là Vu Lan Bồn. Ullam theo Hán tự có nghiã là đảo huyền, treo ngược. Người Việt gọi là lễ Vu Lan, nghiã là giải thoát những khổ đau, cởi bỏ những nghiệp chướng của con người ở thế gian....
Trong kinh Phật đã dẫn chứng trường hợp của Ông Mandgalyayana theo Sanskrit; Moggallana, Pali; tiếng Hán phiên là Mục Kiền Liên, đọc tắt là Mục Liên, còn gọi là Ðại Mục Kiền Liên, quy y theo Phật là người đệ tử "thần thông bậc nhất." đắc đạo, trở thành La hán, ông có thể nhìn thấy dưới địa ngục và đã thấy mẹ là bà Thanh Ðề bị hình phạt, vì kiếp trước bà mẹ làm nhiều việc ác. Ông xuống điạ ngục lấy bình bát đựng cơm dâng mẹ. Bà Thanh Ðề cầm lấy ăn, tức thời cơm hóa ra lửa hồng...không thể ăn được. Ông đau đớn đến trình đức Phật, được Phật dạy là bà mẹ của ông kiếp trước gây nghiệp chướng tội lỗi, phải chờ đến ngày Rằm Tháng Bảy, làm đại lễ mời Phật và tăng giới mười phương, cùng tụng kinh cầu nguyện phù trợ, mới có thể giúp mẹ ông giải tội. Ông Mandgalyayana làm đúng theo lời Phật dạy, và mẹ của ông được siêu thoát. Tín đồ Phật giáo noi theo gương Mục Kiền Liên và từ đó lễ Vu Lan đi vào nghi lễ Phật Giáo Bắc Tông, lưu truyền cho tới ngày nay. Vào tháng bảy cầu cho Cha Mẹ Tổ Tiên của chúng sinh, nếu con cái hiếu thảo biết dâng lễ Vu Lan cầu xin chuộc tội, cũng sẽ được xóa tội vong thân....
Trước năm 1975, các ngày lễ lớn của Phật Giáo như Phật Ðản, Vu Lan thường được treo cờ, tổ chức đại lễ lớn có xe hoa lộng lẫy. Tôi đã đi ngang qua nhiều Chùa yên lặng không cờ xí như xưa! Thoáng một chút hoài cổ "dấu xưa xe ngưạ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Chùa Ấn Quang một thời làm sóng gió của phong trào tranh đấu Phật Giáo với chính quyền miền Nam, Hiện nay gắn bảng hiệu mới: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không còn của "GHPHVNTN" những người trước 1975, từng tranh đấu nhân danh đạo Pháp không biết họ ở đâu bây giờ?
Chú em giao việc văn phòng Luật cho nhân viên, mời tôi đi Chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu. Chúng tôi đến Việt Nam Quốc Tự, xe đến trước cổng đã có các em mời mua các con vật để phóng sanh. Những con khỉ, chim bị nhốt trông thật tội nghiệp, chúng mong được giải thoát, nhớ lại những năm trong trại cải tạo, tôi trả tiền mở cửa lồng cho đàn chim bay. Trong cổng Chùa hai bên bán nhang đèn, hoa sen để cúng Phật. Sân chùa đông người vội vã đến và đi. Bên trong Chánh điện khói nhang bay lên mù một khoảng không gian... tiếng chuông mõ đều đặng... Tôi muốn cảnh chùa thanh tịnh hơn, chú em đưa tôi đến gần khu du lịch Ðầm sen. Ngôi chùa nhỏ tu theo phái Thiền (thờ Tổ Sư thiền). Thầy trụ trì là Hòa Thượng Thích Minh Cảnh(?), chúng tôi đốt nhang đảnh lễ ở chánh điện và cúng tịnh tài. Vườn chùa có cây lá xanh tươi yên tĩnh, giếng nước trong mát vào buổi trưa "Ngọ trai" phía sau chùa, nhiều Phật tử đang tiếp tục nấu nồi cà ri vàng sôi sùng sục, phòng bên cạnh đã đông người sinh hoạt, mặc áo dài màu lam, nhưng không thấy ai đeo bông hồng đỏ hay trắng... Thức ăn không bán, ai muốn ăn gì thì tự chọn lấy. Tôi rất thích phong cảnh thiên nhiên nơi nầy, Thầy Trụ trì mời chúng tôi vào dùng "cơm trưa", thật là hân hạnh được ăn chay ở chùa thấy lòng mình thanh thản, an toàn không sợ ngộ độc! Phía sau Chánh điện là phòng nhỏ kê dãy bàn dài, để nhiều loại bánh chay, xôi, chè, trái cây đủ loại vừa cúng xong. Những diã rau thơm giá trắng sắp thứ tự, chú Ðiệu đầu còn để chóp mang 2 tô bún tới mời... bình trà sen thơm ngát.
Lần đầu tiên, tôi được thưởng thức món ăn chay với bánh, xôi, chè, cúng xong trên bàn Phật. Thức ăn có mùi hương đặc biệt, mùi của trầm, hoa sen... Chúng tôi có dịp hầu chuyện với thầy trụ trì, được biết thầy đã từng dạy môn Hán Văn, giảng dạy cho nhiều sinh viên tu học đã lên chức Ðại Ðức, Thượng Toạ, vì đông người, tôi ngại không hỏi nhiều về vấn đề tự do Tôn giáo... Thầy am hiểu sinh hoạt của người Việt hải ngoại, đại đức Thích Ðồng Văn trụ trì chùa Tâm Giác Munich được tấn phong lên Thượng Toạ nhiều người chưa biết, nhưng thầy đã biết... Trong nước các ngày lễ lớn, tổ chức đúng ngày tháng theo âm lịch, nhưng ở hải ngoại thường chọn ngày cuối tuần, vì trong tuần mọi người phải đi làm việc. Sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, luôn phát huy và trường tồn, mang bản sắc văn hoá Việt Nam hoàn toàn độc lập và tự do. Người Việt hải ngoại đã đóng góp nhiều về việc từ thiện, gởi tiền về giúp tu sửa Chùa, nhà Thờ bên quê nhà.
Thời gian ở Việt Nam tôi dành thì giờ đến các nơi mang dấu ấn lịch sử, như nhà thờ cha Tam ở Chợ lớn, nơi cố TT ngô Ðình Diệm dự thánh lễ cuối cùng, Thánh Thất Cao Ðài, Cồn Phụng của ông Ðạo Dừa (Vừa). Tôi muốn đến Thanh Minh Thiền Viện thăm danh tăng đại lão Hoà thượng Thích Quảng Ðộ, nhưng có người khuyên đừng tới đó, gây ảnh hưởng người nhà. Ông bạn tôi làm nghề giáo trước 1975 được hoãn dịch gia cảnh, nên được dạy học tiếp tục đã kể với tôi:
- Ðứa học trò lớp 9 con nhà nghèo cha mẹ mất sớm, ở với bà ngoại đi học chăm và ngoan, không ngờ nó nghe lời bạn bè bán cần sa kiếm tiền, bị bắt giam ở khám Chí Hoà. Vì tình thầy trò, ông xin giấy phép tới thăm, lấy tình thương khuyên bảo, cũng như hứa sau khi hết thời gian tù về sẽ giúp nó học lại để thành người tốt hơn. Sau đó ông gặp người học trò khác làm công an cho biết, sở CA thành phố có lệnh cho theo dõi thầy, vì đi thăm can phạm buôn bán ma tuý... ông khuyên tôi, đừng để thân nhân bị ảnh hưởng trong lúc tôi ở trong nhà, Thanh Minh thiền viện thuộc GHPGVNTH trước 1975, nhà nước CSVN không công nhận, ngày nay chỉ có Giáo Hội quốc doanh mà thôi. Nên ngày đêm, có công an thường phục theo dõi ai đến tiếp xúc với các Sư. Thật ra tôi nghe danh và kính mến Hòa Thượng, muốn đến thăm ngài chứ không mang một sứ mạng nào hết!
Lần đến Cần Thơ, tôi muốn đến tòa Tổng Giám mục, thăm vị Linh mục trước đây theo học thần học ở Roma, xong tiến sĩ về làm Phó TGM, bị chú em từ chối với lý do vì đi xe nhà, nếu đến đó bị CA ghi bản số xe thì phiền phức.... Như vậy chúng ta đã hiểu được vấn đề Việt Nam có tự do hay không? Những người đấu tranh bất bạo động cho tự do, dân chủ, đều bị kết tội theo điều 88 hình luật!!
Tôi cũng hỏi một vài Tu sĩ về vấn đề tự do tôn giáo, đều được trả lời như nhau: theo lệnh của nhà nước đi tu phải "đẹp đạo tốt đời" dù xuất gia đi tu, nhưng vẫn bị sự quản lý của công an và nhà nước... Vấn đề nầy khác trước 1975 ai muốn tu thì vào Chùa, Chùa có sinh hoạt độc lập và được tôn trọng trong khuôn viên của Chùa, Cảnh sát không được bước vào kiểm soát! Giáo Hội tự trị có nhiều cơ sở văn hoá riêng, các trường Trung và Ðại học...
Sau hơn 3 thập niên Việt Nam hoà bình, nhìn bề ngoài kinh tế phát triển, dân trí phải tiến bộ, nhưng không tiến được còn thụt lùi, con gái nhà quê bị rao bán làm nô lệ, xuất cảng lao động v.v.. Môi trường sông nước bị ô nhiễm trầm trọng, Thành phố tăng khoảng 8 triệu người, nhưng không có nhà vệ sinh công cộng... Nhà thờ Ðức Bà theo lịch sử 300 năm, nhưng góc cạnh phiá sau tường bị xâm thực, đổi màu vì người ta quên sự trang nghiêm của Giáo Ðường làm nơi ấy để đi tiểu. Thế kỷ thứ 21 mà Việt Nam vẫn còn trình trạng như các nước chậm tiến, thiếu văn hoá.
Mùa Vu lan ở Sài Gòn không thấy Ðoàn Thanh Niên Phật Tử áo lam đeo huy hiệu hoa sen? Ngoài phố chỉ thấy xe cộ xuôi ngược vội vã đêm ngày, đám trẻ "cháu ngoan" thì khăn quàng đỏ. Chùa, nhà Thờ không có cái nào được xây thêm (ngoại trừ ở Ðà Lạt có thêm Thiền viện Trúc Lâm của H.T Thích Thanh Từ?). Ði các nơi đều thấy tượng ông Hồ, đứng ở công viên, bến tàu, đầu đường xó chợ, rồi Ðền thờ, phần viện bảo tàng cho ông ta...?
Tháng bảy mưa ngâu, thời tiết vẫn như vậy, nhưng nếu đời sống xã hội không thay đổi theo văn minh của nhân loại, không có tự do, dân chủ thì con người vẫn ở cuối dòng sông, cuộc sống chỉ lo miếng cơm manh áo, bon chen đói khổ, thì tình người trở nên thiếu chân thật.. Hình ảnh quê hương rất đẹp! Lâu năm sống ở hải ngoại, ai cũng muốn một lần về viếng mộ, xây nhà thờ Tộc để trả một phần công ơn cha mẹ, tổ tiên... Ðối diện với cuộc sống hơn 30 năm Xã Hội Chủ Nghiã khá nhiều đổi thay... giã từ Việt Nam, chúng ta mỗi người đều mang theo một nỗi buồn nào đó chen vào hồn. Mùa xá tội vong thân, cầu mong cho dân tộc Việt Nam cỡi bỏ bớt nghiệp chướng của nhiều năm qua, Những giọt nước mưa Ngâu tưới xuống ruộng đồng xanh tươi, Phong trào đấu tranh cho Tự do Dân Chủ sớm thành công.
Nguyễn Quý Ðại
Chú thích:
(1) Ngày xưa ngày xưa có nàng Chức Nữ là con gái yêu của Thiên Vương, Nàng thường dệt vải hay ngồi bên bờ sông Ngân may áo cho các em. Ngày kia một chàng trai dắt trâu đến bờ sông, chàng tên là Ngưu Lang, đẹp trai, thấy nàng chàng liền si mê. Riêng nàng cũng yêu thương chàng Thiên Vương, hiểu được mối tình của hai người nên đã ưng thuận cho Chức Nữ và Ngưu Lang kết duyên vợ chồng. Nhưng họ phải lo tiếp tục công việc sau khi cưới nhau.
Hai người sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên suốt ngày bên nhau cho nên đã chểnh mãng công việc Thiên Vương giao, khung cửi bỏ không, đàn trâu gầy đói. Thiên Vương giận dữ đầy cả hai xuống bờ sông Ngâu, nhưng bắt mỗi người ở một bên bờ. Mỗi năm Trời chỉ cho hai người gặp nhau một lần vào ngày 1 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ. Nhân dân gọi đó là mưa Ngâu. Những vợ chồng trẻ vì nhiệm vụ hay vì một hoàn cảnh nào đó mà luôn phải xa cách nhau thường được ví là "như vợ chồng Ngâu".
=END=
7- Ðời Sống Quanh Ta
- Mập lên ư? Hãy đổ lỗi cho bạn bè của mình
Gina Kolata
(New York Times)
Minh Trang phỏng dịch
(VNN)
Các nhà khoa học vừa công bố rằng béo phì cũng có thể lây từ người này sang người khác như một loại virus. Khi một người tăng trọng thì những người bạn thân của anh ta cũng sẽ có xu hướng tăng trọng như anh ta.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine, kèm theo các chi tiết phân tích rất cặn một hệ thống số liệu của 12067 người được theo dõi liên tục trong suốt 32 năm từ năm 1971 đến năm 2003.
Những người điều tra biết rõ ai là bạn của ai cũng như mối quan hệ vợ chồng, anh chị em ruột hay hàng xóm láng giềng của những người đó, họ cũng biết rõ số cân của mỗi người trong từng thời điểm cụ thể trong suốt ba thập kỷ qua. Ðiều này giúp họ hình dung lại những gì đã xảy ra khi một người trở nên béo phì. Bạn bè, người thân trong gia đình hoặc hàng xóm có béo phì theo hay không?
Câu trả lời của các nhà nghiên cứu là có thể. Ðiều này làm tăng khả năng bị béo phì của mỗi người lên 57 phần trăm. Tuy nhiên láng giềng không bị ảnh hưởng, còn thành viên chung một gia đình chỉ bị ảnh hưởng tương đối thấp hơn.
Dù hai người có ở cách nhau hàng trăm dặm vẫn cứ bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng thấy rõ nhất trong quan hệ giữa những người bạn thân thiết. Nếu như có một người bị béo phì thì người kia có đến 171 phần trăm sẽ trở nên giống như bạn mình.
Hiệu ứng tương tự cũng diễn ra đối với tình trạng giảm cân. Nhưng do đa số đều lên cân nên trong 32 năm qua, theo kết quả trung bình thì con người đã trở nên mập hơn trước.
Tiến sĩ Nicholas A. Christakis, bác sĩ và cũng là giáo sư khoa xã hội y học tại đại học y khoa Harvard, đồng thời cũng là người lãnh đạo công trình nghiên cứu cho biết một trong những lời giải thích đối với việc này là do bạn bè thường chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong nhận thức. Khi những người bạn thân đều trở nên béo phì thì béo phì trở nên không đến nỗi quá tệ.
Tiến sĩ Christakis nói: "Bạn thay đổi quan điểm đánh giá của bạn về cơ thể bằng cách xem những người xung quanh bạn".
Những người khảo sát cũng nói rằng kết quả của họ có thể giải thích tại sao người dân Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã trở nên mập hơn trước -- mỗi người đều từ từ phát phì do ảnh hưởng của những người bạn xung quanh mình.
Theo tiến sĩ Christakis, sự phân tích của họ là thống nhất, vì nó được thực hiện từ việc phân tích một người cùng với các quan hệ xã hội của người đó từ đó mở rộng ra khảo sát toàn bộ xã hội cùng một lúc, đánh giá tác động từ những người bạn, người yêu đối với trọng lượng cơ thể.
Theo ông, hiệu ứng này "làm rõ tính quan trọng của một quá trình phát triển lan rộng, một hình thức truyền nhiễm xã hội".
Dĩ nhiên theo các nhà khảo sát, quan hệ xã hội không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể mà di truyền cũng có một tác động rất mạnh.
Khoa học đã chứng minh rằng cá nhân nào có gene di truyền sẽ tăng trọng khoảng 30 cân Anh. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến trọng lượng của con người khi mà trọng lượng của người đó sẽ tăng cân nhiều hay ít. Con người càng lúc càng mập lên, và có nhiều người đã béo phì đến mức tột đỉnh, tại sao lại như vậy?
Nếu công trình nghiên cứu mới này là đúng thì điều này cho thấy trong môi trường cũng có một loại bệnh dịch tương tự như bệnh dịch béo phì, từ một vài người mà lan ra nhanh chóng.
Ðiều này cũng có nghĩa là nếu muốn tránh béo phì thì cũng phải tránh chơi với những người bạn béo phì.
Tuy nhiên đây không phải là thông điệp mà tiến sĩ Christakis và đồng nghiệp của ông là giáo sư James H. Fowler, giáo sư khoa học chính trị tại đại học California muốn đưa ra.
Theo tiến sĩ Chritakis, chắc chắn không ai muốn mất đi một người bạn béo phì. Ông giải thích rằng bạn bè rất có ích cho sức khoẻ. Do vậy tại sao không kết bạn với những người ốm, và để cho họ ảnh hưởng đến những người bạn béo phì?
Câu trả lời này không làm cho các nhà khoa học như Kelly D. Brownell, Giám đốc Trung tâm quản lý tình trạng thực phẩm và béo phì tại đại học Yale thoả mãn.
Tiến sĩ Brownell nói: "Tôi cho rằng đổ lỗi cho những người béo phì ảnh hưởng đến môi trường như vậy hoàn toàn là một mối nguy hiểm".
Theo các nhà khảo sát, tính trung bình một người béo phì khi tăng lên 17 cân Anh, bạn bè của họ sẽ tăng theo 5 cân Anh. Một số người tăng ít hơn, thậm chí không tăng, nhưng cũng có người tăng nhiều hơn. Số cân thừa bổ sung vào sự tăng cân tự nhiên khi người ta trở nên già đi.
Ðiều thường xảy ra là chỉ số tăng cân sẽ vượt chỉ số trung bình là 30, đây là chỉ số ranh giới giữa cân nặng "hơi quá" và béo phì (Ví dụ như một người cao 6 bộ nếu cân nặng vượt quá 220 đến 225 cân thì sẽ trở thành béo phì).
Trong khi các nhà nghiên cứu khác ngạc nhiên về chỉ số này thì còn điều ngạc nhiên lớn nhất đối với tiến sĩ Christakis việc ông hoàn toàn tự thực hiện cuộc nghiên cứu này. Ông là người đưa ra ý tưởng cho cuộc nghiên cứu sau cuộc nói chuyện về dịch béo phì.
Tiến sĩ Christakis nhớ lại: "Một ngày tôi có nói: Có lẽ đây là một loại dịch lây lan được từ người này sang người khác". Nhưng ông chỉ khám phá ra nó một cách tình cờ. Ông biết rằng dữ liệu ông cần nằm trong công trình nghiên cứu lớn cấp liên bang về bệnh tim, đó là công trình nghiên cứu Framingham Heart Study, công trình này đã theo dõi người dân ở Framingham, Mass. trong nhiều thập kỷ, thu thập thông tin hầu như của tất cả mọi thành viên tham gia.
Các mẫu nghiên cứu đều ghi rõ thông tin về địa chỉ người tham gia lẫn các thành viên trong gia đình người đó. Ðể bảo đảm rằng các nhà nghiên cứu không bị mất dấu, mỗi người đều phải cho biết tên của một người bạn thân thiết có thể biết rõ mình đang ở đâu trong suốt bốn năm liên tục.
Khi mà cả thành phố và hầu hết thành viên gia đình đều tham gia vào công trình nghiên cứu, dữ liệu bao gồm tất cả những gì tiến sĩ Christakis và đồng nghiệp cần để tái hiện lại mạng lưới xã hội và theo dõi tình hình của nó trong suốt 32 năm.
Nghiên cứu của họ làm cho cả những chuyên gia về béo phì lẫn các nhà khoa học xã hội đều phải giật mình. Nhiều người đồng ý rằng kết quả này là một bước đột phá và là bước khởi đầu để tìm ra nguyên nhân tại sao người ta mập lên quá nhanh.
Tiến sĩ Rudolph L. Leibel, nhà nghiên cứu về béo phì tại đại học Columbia nhận xét: "Ðây là một công trình quan trọng vì nó xem xét các khía cạnh của môi trường, vốn từ trước đến nay không được đánh giá đặc biệt".
Richard M. Suzman, người lãnh đạo văn phòng nghiên cứu hành vi xã hội tại viện nghiên cứu National Institute of Aging gọi công trình nghiên cứu này là "một trong những công trình nghiên cứu lý thú nhất về xã hội học và khoa học trong vài thập niên trở lại đây".
Nhưng tiến sĩ Stephen O'Rahilly, nhà nghiên cứu về béo phì tại đại học Cambridge, thì nói chính sự thống nhất trong dữ liệu Framingham gây khó khăn khi muốn thực hiện những nghiên cứu mới. Không có công trình nghiên cứu nào khác có cùng loại dữ liệu lâu dài và chi tiết về các quan hệ xã hội.
Tiến sĩ O'Rahilly nói: "Tôi không muốn mình là một ông già lẩm cẩm khó chịu nhưng khi chạm đến những gì có vẻ hơi giả tạo, tự nhiên bạn sẽ đẩy các tiêu chuẩn cao lên. Khoa học là tái tạo, nhưng ở đây khó có thể hình dung khoa học làm thế nào để tái tạo được".
Ông nói: "Ðiều tôi muốn nói, đó là sự thống nhất về dữ liệu của công trình nghiên cứu Framingham".
=END=
8- Gương Xưa Tích Cũ
- Bây Giờ Mới Biết
- Mõ Sàigòn
(SGT)
Họ Liễu, ở Sơn Ðông, có người con gái hiền thục tên là Hoa Chi, thường theo chúng bạn học cách nuôi dấm, làm món nhậu, cùng thức uống làm sao cho men rượu mau bay, nên được nhiều người thương mến. Mẹ là Liễu thị, thấy vậy, mới nói với con rằng:
- Con chỉ có một, mà người để ý thì lại hơn hai, nên con phải thập phần cẩn thận. Mối nào không thích thì hãy tỏ ra là không thích. Chớ đừng cười cợt rồi gieo hy vọng cho người ta, thì mốt nữa mai kia khó đứt lìa lắm vậy.
Hoa Chi ngúng nguẩy đáp:
- Con gái mẹ được nhiều người để ý. Lẽ ra phải mừng vui mới đúng. Sao mẹ lại cản con? Hay tại tuổi thanh xuân mẹ không... quơ nhiều như thế?
Liễu thị lắc đầu đáp:
- Mẹ nói con không tin. Vậy phải đợi tới một ngày nào đó, con thực sự cảm thấy phiền muộn của cái... hứa nhiều, và biết được cái trống vắng của đêm trường đơn lẽ, thì lúc đó con mới thật sự lớn khôn, và hiểu được do đâu mẹ lại can ngăn con yêu vừa thương ít.
Hoa Chi vùng vằng không chịu, rồi bực bội nói:
- Chưa có chồng thì mẹ cấm chơi, đến khi có chồng thì chồng cũng cấm chơi. Mần răng con sống?
Liễu thị đột nhiên nghe đụng tới chồng, hùng hổ đáp:
- Cấm chồng chớ sao lại để chồng cấm mình? Thiệt là bất hiếu!
Nay nói về Tăng Tử, theo thầy học đạo đã lâu, nên chẳng mấy khi để tâm đường duyên nợ, bởi cứ nghĩ cái gì tới thì nó sẽ tới. Cái gì của mình thì vẫn là của mình, nên với chuyện gái trai, chưa hề lo lắng.
Ngày nọ, Tử đến Sơn Ðông ăn đám cưới. Khi đụng đến món lẫu lươn thì khoái hổng biết bao nhiêu mà nói, bèn xoay qua người bên cạnh, chỉ tay vào cái lẫu, mà nói rằng:
- Ai là tác giả của món này? Huynh có biết không?
Người ấy đáp:
- Hoa Chi! Người con gái được sinh ra để làm món nhậu. Chẳng phải chỉ một món này, mà bất cứ món nào đụng vô, cũng ăn hoài không chán.
Tăng Tử bỗng bụng dạ lao xao, hồi hộp nói:
- Cô ấy là người thế nào? Có thể đôi lời cho mát ruột được chăng?
Người ấy lấy tay chỉ về cô gái đang bưng dĩa bún ra, sảng khoái đáp:
- Hoa Chi. Loài hoa chưa có chủ, nên ong bướm dật dìu. Nếu huynh cảm thấy hứng thú với cuộc chơi, thì cứ tự nhiên nhào vô chơi láng.
Tăng Tử. Sau khi đã biết rõ nhà cửa, nhớ cả họ tên, bèn viết một phong thư, nhờ người quen trao lại cho thầy Mạnh Tử. Thầy Mạnh Tử liền lẹ làng mở ra. Thư viết: Ðệ đi ăn cưới, bất chợt gặp một thiếu nữ chưa chồng, khiến lòng đệ xôn xao như gà đang tìm ổ. Ðệ chợt nhớ tới huynh. Người khiến đệ cảm phục vì tình yêu đôi lứa, nên muốn huynh cho đệ một lời khuyên. Nên càn hay nên thối?
Thầy Mạnh Tử bèn nở một nụ cười độ lượng, rồi hí hoáy viết: Bất kể là góa phụ hay còn độc thân. Hễ hợp nhãn là nhào dzô chơi tuốt.
Thầy Tăng Tử, từ lúc tiếp nhận được thư, lòng mừng như mở hội, bèn nhờ người mai mối, đặng sớm rước Hoa Chi về làm vợ. Ðã vậy còn tự nhủ với thân:
- Nhẫn nhục phụ trọng. Nếu ta muốn bạc tóc răng long, thì phải quyết tâm mần y như thế!
Nay nói về Liễu thị. Một hôm đang ngồi sơn móng tay, chợt có Bản thị tới thăm, mang theo một chục cam sành, đon đả nói:
- Lâu ngày không gặp, mà tẩu tẩu lại không sợ... thời gian, thì thiệt khiến cho người ta phải ghen lên mà chết!
Liễu thị từ nào tới giờ cứ sợ mình bớt duyên, nay bỗng dưng có người khen mình đẹp, bèn mát tận tâm can. Khoan khoái đáp:
- Sắc bất mê người, người tự mê. Bà thấy tôi đẹp là tự con mắt của bà. Chớ thực sự... mấy chục năm qua, tôi đều như thế cả.
Bản thị thấy mới vô đầu đã ngọt, liền cao hứng nói:
- Con gái chỉ bước lên xe hoa có một lần, thì phải bước cho đàng hoàng chính chắn. Có phải vậy chăng?
Liễu thị vừa gọt cam, vừa híp mắt đáp:
- Ðúng! Ðúng!
Bản thị mừng rơn tiếp:
- Lấy lầm thì cũng phải sống một đời. Chọn đúng thì cũng phải sống một đời. Ðiều quan trọng là đừng chọn lầm. Có phải vậy chăng?
Liễu thị gật gù đáp:
- Phải! Phải!
Bản thị liền hít vội hơi sâu, rồi chậm rãi nói rằng:
- Tăng Tử theo thầy học đạo đã lâu. Nay danh đã vang rền bốn bể. Trên thì có thể giúp vua dựng nước, dưới vỗ về bá tánh được bình yên, thì gia đạo ấm êm là điều không bao giờ sai trật. Nay Tăng Tử muốn quỳ dưới gối, gọi tẩu tẩu bằng hai tiếng nhạc gia, nên mới nhờ tôi sang đây tỏ bày tâm nguyện. Vậy ý của tẩu tẩu thế nào xin cho biết, để tôi về báo lại với người ta, đặng hỉ sự hay... văng biết đường mà lo liệu.
Liễu thị nghe vậy, liền bật người đứng dậy, lớn tiếng nói:
- Ở đời này mà kiếm được người mình yêu, thì không phải ai cũng làm được, nên chi khi kiếm được rồi, thì phải giữ liền ngay. Chớ không thể khơi khơi để cho... thằng khác giựt. Nay Tăng Tử yêu liền phang tới, thật hợp với lòng sở nguyện của người ta, thì chữ phu thê coi như đã ngon lành đó vậy.
Mấy năm sau Hoa Chi đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Chi quay lại nói:
- Con ở nhà ngoan. Lúc mẹ về, mẹ làm thịt lợn cho ăn.
Lúc Chi về, thầy Tăng Tử liền đem dao ra mài. Chi ngạc nhiên nói:
- Hôm qua chàng đã mài dao. Hôm nay lại kéo ra mài, là cớ làm sao?
Tăng Tử đáp:
- Tôi tính bắt lợn ra làm thịt.
Hoa Chi thảng thốt nói:
- Còn mấy tháng nữa là tết. Nào quà cáp giỗ chạp. Nội ngoại hai bên, thảy đều trông vào con heo đó cả. Nay chàng lại thịt nó đi, thì ít nữa tiêu pha mần răng tính toán?
Tăng Tử ngừng tay mài lại, ngẩng mặt đáp:
- Lời hứa do miệng mình thốt ra, thì phải ráng mà giữ. Chớ không thể oán người trách trời được. Nay nàng đã hứa với con, thì không thể nuốt lời mau như thế.
Hoa Chi khổ sở nói:
- Thiếp chỉ nói đùa cho qua chuyện. Chớ nào phải thiệt đâu. Sao chàng lại có thể hồ đồ tin vô đó?
Thầy Tăng Tử hết nhìn trời, nhìn đất, rồi bực bội đáp:
- Nói đùa là thế nào? Ðừng khinh trẻ thơ là không biết gì, bởi nó thường hay bắt chước. Nay nàng nói dối với nó. Chẳng là nàng dạy nó nói dối ư?
Hoa Chi không dè hậu quả như vậy, nên nhất thời chưa biết xử làm sao, thời nghe Tăng Tử ào ào nói tiếp:
- Phàm là cha mẹ, ai lại không muốn cho con mình sống đời thành thực. Nhưng muốn vậy, tất phải giữ gìn. Chẳng vậy mà có câu: "Nếu mình không hết lòng thành mà mong người ta hết lòng thành, thì chắc chắn người ta sẽ chán mình mà không theo mình nữa. Lần này mình không có lòng thành, rồi bảo lần sau sẽ có lòng thành, thì chắc chắn người ta ngờ vực, rồi chẳng chịu tin, thì lúc ấy muốn cứu cũng không làm sao cứu được.".
Ðoạn, tay cầm dao, xăm xăm đi tới chuồng lợn. Chi thấy vậy, mới chạy đến mà nói rằng:
- Chàng mà đụng đến con heo, thì chữ phu thê sẽ như trâm này đó vậy.
Rồi đưa tay lên đầu, rút vội cây trâm, bẻ ngang và giục ngay xuống đất, khiến Tăng Tử như vừa té sông. Ấp úng nói:
- Ta lấy lời Thánh nhân ra để nhắc nhở nàng, mà nàng lại ép ta, là cớ làm sao?
Chi trợn mắt đáp:
- Ôm lời Thánh nhân mà sống được hay sao? Tôi hỏi ông: Giỗ chạp không đóng góp. Tết nhất không tặng quà, thì cả họ nhà ông, sẽ rủa tôi đến chừng mô đây nữa? Ông mở lời ra là thương vợ, là không thể thiếu em trong cõi đời này, là... vắng em rồi say với ai - mà chỉ vì một lời hứa hẹn vu vơ - lại nỡ nhẫn tâm đẩy xô tôi rơi vào nơi tăm tối...
Rồi ôm ngực mà thở. Lúc thở xong, lại bừng bừng nói tiếp:
- Mẹ nói chàng: Càng làm càng loạn. Càng giúp càng hư chuyện, thiệt là đúng lắm!
Tăng Tử. Từ ngày theo thầy tới giờ, đây là lần đầu tiên có người không sợ tội với Thánh nhân, mà người đó lại là vợ của mình, nên không biết làm sao cho phải, bởi đi cũng dở mà ở cũng hổng xong, nên thụt tới thụt lui như con rùa rút cổ. Bất chợt nghe vợ nghiến răng nói:
- Con nên tại mẹ. Cháu ngoan tại bà. Chàng đừng có lạng quạng bước vô, kẻo ít nữa mai kia tan đàn xẻ nghé, thì đừng trách thiếp bạc tình phụ nghĩa, bứt... mẹ dây tơ, mà không nói với nhau một lời cho phải.
Tối ấy, đầu Tăng Tử như có ai đục ầm ầm trong đó, nên không làm sao ngủ được, bèn trở ra thư phòng, liền nhìn thấy lá thư hồi âm của thầy Mạnh Tử đang chình ình ở đó, bèn lệ muốn trào tuôn, nên muốn có ai sớt chia bầu tâm sự, bèn lấy đại tờ giấy màu vàng. Cong lưng viết: Từ ngày theo thầy học Ðạo đến nay, lúc nào trong tâm tưởng, đệ cũng tin rằng cái lễ cái nhân luôn được thế nhân trông chờ ngưỡng mộ, nên cứ chăm chăm ngó nhòm vô chỗ đó - mà không ngờ rằng chuyện gì cũng cứ lễ cứ nhân - ắt sẽ có ngày... như cánh chim chìm xuống.
Bây giờ, sau khi nếm mùi phu phụ đã xong, đệ mới hiểu được: Muốn trở thành một người chồng cho vợ mến yêu, thì phải biết biến mình như giòng nước. Ðổ vào bình cũng được, vào tô cũng xong, thậm chí vào hủ cũng ngon lành tới bến. Chớ đụng một cái thì thầy nói như vầy. Thánh dạy như kia, thì e chưa đủ nửa năm đã tanh bành xác pháo!
=END=
********************************** |