VIETNAM NEWS NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bài Vở Hàng Ngày
Ngày 07 Tháng 08 Năm 2007
**********************************
1- Thời Sự Việt Nam
- Dân Oan Trường Sa
Trần Khải
2- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Tâm thư của một người trong nước kính gởi đồng bào thân thương ở hải ngoại
Hoàng Trung Việt
3- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Cuộc sống công nhân khu chế xuất
Sinh viên H.T.
4- Tin Tức Quốc Nội
- Khối 8406 Gửi Thư Cảm Ơn Và Thỉnh Nguyện Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ
5- Tham Khảo
- Văn Hoá Nội Gián: Những âm mưu xâm nhập văn hoá của Cộng Sản
Ðỗ Văn Phúc
6- Thời Sự Nước Úc
- Tổng trưởng di trú Úc sai lầm quanh vụ giam giữ BS Haneef?
Hoàng Ð.Thư
7- Thể Thao Tuần Qua
- Chuyện Túc Cầu
Nam Thanh
8- Tin Tức Ðó Ðây
- Bản Tin Nước Úc
9- Ðời Sống Quanh Ta
- Ðiều tra thủ phạm ngay tại hiện trường
Vũ Hải
**********************************
1- Thời Sự Việt Nam
- Dân Oan Trường Sa
Trần Khải
(VNN)
Tất nhiên là bực bội chứ. Chuyện hải quân Trung Quốc bắn giết dân mình thì ai mà không bực bội. Tuy nhiên, không phải dân mình ai cũng biết những chuyện đau lòng này, vì hơn 600 báo đài nhà nước không được phép nói tới. Cho nên, sóng gió Biển Ðông trở thành chuyện trong nước hầu hết không ai bận tâm, vì hầu hết không biết tới. Kể cả thành phần gọi là sinh viên, những người tương lai sẽ nắm vận mệnh đất nước VN, cũng bị nhà nước Hà Nội bịt miệng, bịt tai về các vấn đề biển đông.
Nhưng về phía Trung Quốc thì sao? Nếu bạn theo dõi các cuộc thảo luận trên các mạng của tuổi trẻ Trung Quốc, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy rằng chính phủ CSTQ đang làm cho họ tin rằng phần nhiều Biển Ðông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Và có vẻ như Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các thế hệ tương lai của Trung Quốc sẽ làm chủ thực sự vùng Biển Ðông. Và đối với quốc tế, có vẻ là nhà nước CSVN đang thành dân oan để ra LHQ xin khiếu kiện vì bị cướp mất Trường Sa.
Bản tin Ðài BBC ngày 20-7-2007 đã trình bày vấn đề theo hướng những người VN quan tâm, khi ghi nhận tình hình tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7/2007 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Sài Gòn 350km. Các nguồn tin quân sự cho hay một thuyền của Việt Nam đã chìm trong vụ tấn công nay. Một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương.
BBC sau đó phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, và được Giáo Sư trả lời, trích:
"Các sỹ quan hải quân Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đã có hành động gây hấn một thời gian nay... Ðây rõ ràng là biến cố thứ hai trong vòng ba tháng vừa qua. Nó cho thấy các tàu của Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh hơn đẩy thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trở về. Tôi không nghĩ rằng đây là chiến lược mới của Trung Quốc, thế nhưng những quan chức quân sự của Việt Nam mà tôi có dịp nói chuyện cho biết từ năm ngoái đến năm nay, mỗi khi có tàu đánh cá hay tàu hải quân của Việt Nam vào khu vực tranh chấp thì họ sẽ phải đương đầu với sự đe dọa của Trung Quốc..."
Có một điều ai cũng biết, rằng bất kỳ sự xáo trộn nào trong vùng này đều sẽ dễ dàng làm các nhà đầu tư bỏ chạy. Và chuyện này đã xảy ra với hãng dầu BP. Giáo Sư Thayer nói với BBC:
"...Chính phủ VN thì bây giờ đang rất muốn tập đoàn dầu lửa Anh Quốc tiếp tục triển khai công việc thăm dò, thế nhưng việc Trung Quốc phản đối khiến cho BP đã phải ngừng dự án..."
Tất nhiên là hầu hết những người Việt Nam biết chuyện đều bực bội. Bạn dễ dàng đọc những lời phẫn nộ đó ở rất nhiều trang web Việt ngữ trên thế giới. Ðiều này dễ hiểu, vì người Việt mình tự nhiên phải bênh vực chủ quyền các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhưng thấy rõ là Trung Quốc không nhượng bộ tí nào cho VN ở vùng Biển Ðông. Bản tin trên tờ Energy Tribune ngày 23-7-2007, tựa đề "Exploring the Troubled Waters of the Spratly Islands" (Thăm Dò Vùng Biển Sóng Gió của Ðảo Trường Sa) được nhà phân tích Lee Geng ghi như sau, với ngôn ngữ có vẻ như bênh vực Bắc Kinh:
"...PetroChina, công ty hàng đầu Trung Quốc, đã trì hoãn khảo sát dữ kiện địa chấn ở vũng cạn Huaguang Trough nơi Trường Sa để bày tỏ thiện chí với VN. Trong khi TQ kêu gọi khai thác chung vùng đảo đang tranh chấp, TQ cũng đang tự tài trợ khảo sát vài blocks nằm trùng với các blocks mà VN đòi chủ quyền.
Hồi tháng 4, Bộ Ngoại Giao TQ phản đối quyết định VN khai thác các mỏ khí đốt Hải Thạch và Mộc Tinh và xây 1 ống dẫn cho dự án, tố cáo VN xâm phạm chủ quyền và quyền cai trị hành chánh của TQ nơi đó. VN bất chấp phản đối, cho là mỏ khí này nằm trong thềm lục địa và vùng riêng của VN.
"Chuyện có thể tệ hại đi vào năm tới, khi PetroChina bắt đầu khoan giếng thăm dò dầu ở vùng Huaguang Trough. Công ty đã hợp đồng một dàn khoan nước sâu từ công ty Mỹ Transocean để sẽ khoan giếng Huaguang 1 vào cuối tháng 3-2008. Ðịa điểm dự kiến nằm khoảng 230 kilomét phía nam của Sanya thuộc tỉnh Hainan, Trung Quốc, và cách 240 kilômét phía đông của Ðà nẵng, VN. PetroChina muốn khoan mũi dầu này sau khi khảo sát địa chấn cho thấy có 10 bọc dầu ở vùng Huaguang, trong đó có 6 bọc dầu vượt xa 100 kilomét."
Nghĩa là, sang năm 2008 sẽ còn sóng gió nữa. Sẽ còn gay cấn nơi vùng đảo quanh đó.
Nhưng chúng ta không nên tin chính xác rằng nơi đó nằm 230 kilômét cách Sanya, vì Trung Quốc lúc nào cũng muốn chứng tỏ rằng các vùng này gần lãnh thổ TQ hơn là lãnh thổ VN.
Ðiều cần chú ý đặc biệt là trong khi công ty dầu Anh Quốc BP chạy khỏi VN, thì công ty dầu Hoa Kỳ Transocean chạy sang ký hợp đồng kiếm dầu cho Hoa Lục. Tại sao thế? Có phải Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ đã rỉ tai cho các hãng dầu Mỹ là nên rời bỏ VN để chơi với TQ có lợi hơn?
Ðặc biệt cần chú ý nữa là nằm dưới vùng Huaguang của Trường Sa được tin là có 10 túi dầu, trong đó có 6 túi dầu rộng xa hơn 100 kilômét, nghĩa là sẽ nằm rất gần với Ðà Nẵng. Cũng có nghĩa là khi chuyện khai thác dầu tiến hành, ngư dân Việt Nam sẽ còn khổ sở với các tàu chiến Trung Quốc canh gác vùng khai thác dầu mới này (nếu, giả thiết rằng Việt Nam không chịu khai thác chung vùng này, và cứ tranh chấp, đòi đưa ra LHQ để làm dân oan khiếu kiện).
Thêm nữa, có vẻ như chúng ta đoán ra lý do vì sao nhiều tháng trước xảy ra các hiện tượng loang dầu bể Ðông. Bí hiểm, từng tấn dầu trôi lềnh bềnh ngoài Thái Bình Dương - hóa ra, có lẽ là đàn anh Trung Quốc lúc đó bí mật thăm dò các mỏ dầu quanh Trường Sa.
Trời ạ, cả dân tộc VN mình sẽ trở thành dân oan cả đấy, kéo đi khiếu kiện là vừa. Bởi vì Trung Quốc đang bày trò giựt mất Trường Sa đấy. Chờ tới sang năm 2008 là sẽ thấy rõ hơn. Mà lúc đó, có nổ súng thì thế giới lại tưởng đàn em CSVN bắn pháo mừng Thế Vận Bắc Kinh 2008 của đàn anh Trung Quốc.
=END=
2- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Tâm thư của một người trong nước kính gởi đồng bào thân thương ở hải ngoại
Hoàng Trung Việt
Kính gởi đồng bào Việt Nam hải ngoại.
Trong hoàn cảnh đầy khó khăn và gian nguy mà các phong trào đấu tranh trong nước đang phải gánh chịu. Thời gian qua với sự trợ giúp của đồng bào VN hải ngoại khiến cho chúng tôi, những người đang dấn thân đối mặt với bạo quyền vô cùng cảm kích, sự trợ giúp này có đôi lúc khiến cho chính quyền CSVN phải lo sợ và càng lộ nguyên hình sự điêu ngoa giả dối của chúng trước công luận quốc tế.
Tuy nhiên, con đường đi đến thành công của chúng ta vẫn còn nhiều chông gai, đòi hỏi chúng ta phải có đầy đủ nghị lực kiên trì để vượt qua bằng tất cả khả năng sẵn có của mình. Chúng tôi muốn nói với quý vị rằng: cộng đồng VN hải ngoại là động lực chính không thể thiếu cho các phong trào đấu tranh trong nước. Với truyền thống hào hùng của dân tộc, chúng ta bắt buộc ÐCSVN phải trả lại sự công bằng, trả lại sự bình an và tự do mà bọn chúng đã dùng đường lối của CNCS độc tài, độc đoán áp đặt lên trên nhân dân VN, từ hơn 60 năm qua ở miền Bắc và hơn 30 năm ở miền Nam thân yêu của chúng ta.
"Nhiễu điều giữ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
Thật vậy, 2 câu ca dao trên vẫn còn văng vẳng bên tai của những ai mang trên mình giòng máu Việt. Thắm thoát mà đã hơn 30 năm kể từ ngày cộng sản chiếm được miền Nam. Cái ngày mà khi trực diện với thực tế, nhà văn Dương Thu Hương trong đoàn quân Bắc Việt vào tiếp quản thủ đô Sàigòn đã phải thốt lên bằng nước mắt rằng: cái ác đã thắng cái thiện giữa tiếng reo cười của đồng đội, cái ngày mà nhân dân miền Nam VN bước qua khúc quanh đen tối của lịch sử để tiếp nối con đường của nhân dân miền Bắc thân yêu đã chịu đựng 30 năm dài (1945-1975) dưới chế độ bạo tàn CS. Cái ngày mà hàng trăm ngàn quân nhân từ sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ cùng viên chức chính quyền VNCH phải bị đầy ải trong những nhà tù khắc nghiệt, trong đó số người bị hành hạ đến chết trong lao tù cho đến hôm nay cũng chưa thống kê hết. Cái ngày mà nơi yên nghỉ nghìn thu của các chiến sĩ VNCH trên khắp miền đất nước đã bị chính quyền CS san bằng để làm nhà ở, văn phòng, cơ quan, xí nghiệp. Cái ngày mà ÐCSVN kiểm kê và tịch thu tài sản của những người giàu có, khá giả dưới chiêu bài đánh tư sản mại bản, tịch thu đất đai của nông dân, thành lập hợp tác xã và vùng kinh tế mới, đẩy nhân dân vào con đường gian nan cùng cực. Cái ngày mà tiếp theo hàng thập niên sau hơn 2 triệu người phải bỏ nước ra đi tìm tự do nơi đất lạ, trong đó không biết bao nhiêu người phải bỏ mình nơi biển cả bao la bởi hải tặc và giông bão...
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ để chúng ta ôn lại những hành động vô luân tàn bạo mà ÐCSVN đã gây ra trên khắp miền đất nước. Hàng trăm ngàn người phải chịu chết oan uổng trong cuộc cải cách ruộng đất (1954-1956) cùng với sự nổi dậy của nhân dân Thái Bình năm 1997, cuộc tàn sát với những mồ chôn tập thể vào Tết Mậu Thân 1968 của nhân dân cố đô Huế thân yêu, và những tội ác tầy trời mà nhân dân miền Nam phải chịu đựng trong suốt thời gian dài sau ngày 30/04/1975. Ðây là những mất mát đau thương mà chúng ta không thể nào quên được.
Hôm nay, tất cả những người VN định cư ở các nước văn minh tiên tiến trên thế giới đang hưởng cái không khí trong lành tự do dân chủ, đang thành công trong sự nghiệp, đang có uy tín trên trường quốc tế. Kính xin quý vị với truyền thống hào hùng của dân tộc xin hãy bỏ qua mọi bất đồng để cùng nhau xiết chặc bàn tay hướng về quê nhà nơi có hơn 80 triệu đồng bào thân yêu trong đó có thân nhân bạn bè của mình đang ngày đêm phải chịu mọi bất công của chính quyền cộng sản.
Ngày ra đi của quý vị là ngày mà chính quyền CSVN cho quý vị là phản quốc, tài sản của quý vị để lại bị tịch thu, thân nhân con cái của quý vị được phân loại như những thành phần mà bọn chúng cho là ngụy quân ngụy quyền. Bây giờ khi quý vị đã thành công, có tiền gởi về giúp thân nhân và cứu trợ đồng bào thân yêu những khi bị thiên tai và nghèo đói, nhận thấy cuộc sống khá giả của đồng bào hải ngoại là một thực tế rõ ràng có thể giúp cho chính quyền CSVN tồn tại mãi mãi, do đó bọn chúng bắt đầu ve vuốt cho đồng bào VN hải ngoại là "Việt kiều yêu nước", là "khúc ruột ngàn dặm" để rồi kêu gọi xóa bỏ hận thù (nhưng riêng đảng thì vẫn độc quyền lãnh đạo), kêu gọi đầu tư xây dựng đất nước nhưng thực chất là để moi tiền Việt kiều củng cố chế độ.
Hàng ngày CS vẫn tuyên truyền trong nhân dân rằng: yêu tổ quốc là yêu đảng, đồng hóa đảng với đất nước là một, xây dựng đảng tức là xây dựng đất nước, cán bộ chính quyền, quân đội, công an mang danh nghĩa là của nhân dân, lãnh lương bằng tiền đóng thuế của nhân dân, nhưng thực chất là phục vụ riêng cho đảng. Do đó, trong thời gian qua mọi cuộc đàn áp tàn bạo và trắng trợn của ÐCSVN đối với các thành phần bất đồng chính kiến và tập thể dân oan là cũng vì bảo vệ đảng, vi phạm nghiêm trọng vào luật pháp quốc về những quyền tự do căn bản của con người, vi phạm luôn cả các điều khoản mà chính hiến pháp của đảng quy định....
Sự ve vuốt và dùng những chiêu bài xảo trá cùng những lời nói ngon ngọt để moi tiền Việt kiều, cho phát triển kinh tế thị trường nhưng phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một xã hội không còn phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, nếu hiện tại đồng bào hải ngoại nghèo không có tiền thì thử hỏi ÐCSVN có cho là "Việt kiều yêu nước" hay "khúc ruột ngàn dặm" nữa không? "Ðừng tin những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm" câu nói này của cố TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn đúng để cho chúng ta suy gẫm. Chúng ta hãy nói cho con cháu của mình biết sự thật về chủ nghĩa cộng sản để cho thế hệ trẻ con cháu của chúng ta khỏi bị bọn gián điệp CS mê hoặc.
Chính quyền CSVN đã và đang lừa dối quốc tế bằng những lời hứa thực thi tự do dân chủ, nhân quyền, cam kết tham gia tất cả các công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn trái ngược lại những gì đã hứa. Ðường lối của CSVN hiện nay là vừa ra tay đàn áp thô bạo, bắt bớ, hăm dọa và dùng công an đóng vai xã hội đen hành hung các nhà đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước, vừa láo khoét viện dẫn nhiều lý do để khỏa lắp những việc làm sai trái của mình để đo lường phản ứng của quốc tế. Nếu quốc tế can thiệp mạnh thì bọn chúng hơi nương tay một chút xíu, để chờ thời gian đàn áp quy mô tàn bạo hơn khi quốc tế lắng yên ngừng chỉ trích. Bản chất của CSVN là như thế. Tôi nghĩ rằng tất cả những người VN hải ngoại, ngoài Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sỹ Phạm Duy và một số rất ít nhỏ nhoi đã quay lưng lại với quê hương tổ quốc, phản bội lại lý tưởng mà đã một thời làm rạng danh họ, chớ còn đại đa số sẽ không bao giờ khuất phục trước bạo quyền.
Hiện tại ÐCSVN đã bắt gần hết những thành phần nồng cốt của các phong trào đấu tranh trong nước, những người chưa bị bắt thì bị quản chế và công an ngày đêm theo dõi gắt gao, ngoài ra con số mà tù nhân chính trị cô đơn không được quốc tế biết để bênh vực đang bị giam cầm khắp nơi trong nước có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn. Tin tức trên các trang web hiện nay cho biết là khắp nơi trên thế giới đã chính thức phản đối hành động phản tự do nhân quyền của ÐCSVN, trong đó có phái đoàn quốc hội ngoại giao nước Thụy Ðiển đã đích thân đến VN và đã gặp mẹ của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân, vợ luật sư Nguyễn Văn Ðài, phái đoàn ngoại giao Hoa kỳ cũng đến Thanh Minh Thiền Viện để thăm hỏi hội kiến với Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ, các nghị quyết của Quốc Hội Âu châu và những văn bản phản đối của các cơ quan bảo vệ nhân quyền như: Hội Văn bút Quốc tế, tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch)..v.v..
Nhờ sự tiếp sức đấu tranh của đồng bào ở hải ngoại mà các dân biểu, nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ đã họp báo công khai đòi hỏi Tổng thống Bush, Ngoại trưởng Rice phải có hành động ngay tức khắc đối với nhà nước VN nói chung và cá nhân ông Nguyễn Minh Triết nói riêng trong chuyến công du đến Mỹ của ông ta. Hình ảnh bịt miệng LM Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa ngày 30/03/2007 được các cơ quan truyền thông quốc tế và đồng bào hải ngoại lan truyền khắp nơi trên thế giới đã làm nức lòng các nhà đấu tranh trong nước và toàn dân. Cuộc biểu tình đòi công lý của trên 1500 dân oan của 19 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và 9 quận Sài gòn kéo dài 26 ngày đêm vừa qua tại Quốc Hội 2 của CSVN là một sự kiện lịch sử. Việc Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ bức phá vòng dây canh gác của công an để đến thăm và tặng quà dân oan cũng là một sự kiện chưa từng thấy. Hoà Thượng đã chứng tỏ cho các nhà lãnh đạo CSVN thấy rằng: với tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, Hoà Thượng sẽ không bao giờ khuất phục trước bạo quyền. Hành động này của Hoà Thượng cũng là một thách thức cho các tu sĩ lãnh đạo tôn giáo quốc doanh đã vì quyền lợi riêng tư mà làm ngơ trước sự đau khổ của đồng bào.
ÐCSVN cho dù có trăm phương ngàn kế cũng không bao giờ che dấu được sự thật. Như cuộc viếng thăm đầy nhục nhã của ông Nguyễn Minh Triết vừa qua tại Hoa Kỳ, ông ta phải đi ngã sau để được vào yết kiến TT Bush, bị cộng đồng người Việt bao vây biểu tình đả đảo, thế mà khi về nước thì báo chí lại thổi phồng là chuyến đi lịch sử của ông Triết thành công mỹ mãn và được cộng đồng Việt kiều đón tiếp nồng hậu.
Hành động bất nhân bịt miệng LM Lý trước tòa thì báo chí lại đăng câu trả lời của ông Triết với phóng viên CNN là "Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa thánh Vatican đồng tình về việc bắt và xử cha Lý", khiến cho TGM Nguyễn văn Hòa (chủ tịch HÐGMVN) phải lên tiếng bác bỏ trên mạng Internet (tuy không dám phản đối một cách chính thức để yêu cầu các báo đài trong nước đính chính việc đăng tin sai sự thật để cho nhân dân trong nước biết). Dùng lực lượng công an, quân đội với đầy đủ vũ khí, xe cứu thương, vòi phun nước, lựu đạn cay... để giải tán dân oan trước QH2 trong đêm 18/07/2007 sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ đến thăm thì báo chí quốc doanh lại nói rằng dân oan tự động giải tán về quê! Hiện tại khắp nơi chính quyền CSVN đang tìm cách bắt những người dân oan có trình độ mà họ cho là lãnh đạo, xúi giục biểu tình. Họ tuyên truyền trong nhân dân là dân oan được sự khích động của "bọn phản quốc" trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Chính quyền CSVN không dám cho người dân tự do nói lên chính kiến của mình, không dám thực hiện bầu cử và ứng cử tự do, không cho đảng đối lập và báo chí tư nhân hoạt động, không dám trưng cầu dân ý để biết rõ nguyện vọng của toàn dân..., nhưng trái lại bề ngoài lại tuyên truyền là nhân dân đồng tình với đường lối của đảng, một lòng một dạ theo đảng... Thật là một sự khôi hài quá mức, thử hỏi có ai mà lại đồng tình với một đảng đã từng giết oan uổng hàng triệu đồng bào ruột thịt của mình (đợt cải cách ruộng đất, phong trào nổi dậy của nhân dân tỉnh Thái Bình, tàn sát tập thể nhân dân cố đô Huế vào Tết Mậu Thân 1968, đầy đọa đến chết những quân nhân cán chính của chế độ VNCH trong các trại cải tạo). Có ai lại chấp nhận một chế độ độc tài, độc đoán đang bị loài người đào thải.
Khi mới chiếm được miền Nam, nhìn thấy sự văn minh và sung túc của người dân miền Nam hơn hẳn sự đói nghèo và lạc hậu của miền Bắc cùng hàng lãnh đạo cộng sản, cho nên họ đã vơ vét tài sản của miền Nam để phục vụ cho quyền lợi của đảng. Mười sáu (16) tấn vàng của kho bạc miền Nam được đảng tự do chia nhau xài nhưng lại tuyên truyền đổ thừa là do Tổng thống Thiệu mang đi. Ðảng còn tìm cách cướp tài sản của nhân dân miền Nam bằng đường lối đánh tư sản mại bản.
Bây giờ qua bao nhiêu năm tháng cướp giựt, tham nhũng và đục khoét tiền viện trợ vay mượn của nước ngoài, lợi dụng lấy tiền của đồng bào Việt kiều gởi về quê nhà để trở thành giàu có rồi thì trở mặt, đưa ra chính sách đổi mới kinh tế thị trường theo kiểu tư bản hầu giữ vững sự giàu có của mình nhưng vẫn cố giữ vai trò lãnh đạo độc nhất vô nhị để cai trị đất nước suốt đời, bắt buộc nhân dân phải học thuộc lòng câu: ÐCSVN quang vinh muôn năm.
Ðây là một sự thật quá rõ ràng trong muôn vàn các sự thật khác đang xảy ra trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Kính thưa quý đồng bào hải ngoại, với những lời tuyên bố của TT Bush trước khi cho Việt Nam vào WTO là: Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, Việt Nam phải chấp nhận sân chơi của WTO. Bà Rice (Bộ trưởng ngoại giao Mỹ) cũng thường nói: Hoa Kỳ sẵn sàng đứng bên cạnh những người dám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, cho tự do và dân chủ, chẳng lẽ những lời nói này là ngầm cho CSVN được quyền tự do đàn áp vô nhân đạo các nhà bất đồng chính kiến, tự do xâm phạm quyền tín ngưỡng của người dân? (điển hình thời gian qua CSVN đã cho đập phá tượng Ðức Mẹ sầu bi tại Ninh Bình, tự do khám xét nhà thờ và bắt cha Lý ra tòa xử rồi bịt miệng cha Lý trước sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế, tự do hành hung và đuổi tăng ni thuộc GHPGVNTN ra khỏi chùa như Thượng tọa Chơn Tâm chùa Tây Huê (An Giang), sư cô Ðàm Thoa, vu khống và bắt giam các nhà sư cùng phật tử rồi tự do đánh đập để bức cung trong đó có thày Thích Ðức Chính chịu không nổi phải chết trong tù (năm 2006 tại Bắc giang), huy động hàng trăm công an đập phá tịnh thất của Thượng tọa Thích Thiện Minh tại Bạc liêu ngày 15/3/2007 vừa qua, bắt Thượng tọa cùng người em làm việc liên tục và hiện nay công an CSVN đang mở rộng sự đàn áp GHPGVNTN một cách quy mô trên cả nước).
Kể từ ngày Việt Nam được vào WTO, chính quyền CS đã gia tăng đàn áp thô bạo hơn cả thời gian lúc chưa vào, cho đến hôm nay thì việc đàn áp này đang trên đà cao điểm nhất. Trong khi cả thế giới đang lên án sự đàn áp thô bạo của chính quyền CSVN đối với LM Lý, Ls. Ðài và Ls. Công Nhân cùng những người đấu tranh dân chủ khác, thì tập thể dân oan cũng phải chịu chung hoàn cảnh này. Rõ ràng là chính quyền CSVN đang lợi dụng quốc tế, đang xem thường quốc tế và bất chấp lẽ phải.
Dĩ nhiên trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi không thể nêu ra hết những cảnh tượng đau lòng mà toàn dân trong nước đang gánh chịu. Giờ đây để giúp sức và yểm trợ cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của toàn dân, theo thiển ý của tôi kính xin quý đồng bào hải ngoại nên vận động tối đa uy tín và khả năng sẵn có như sau:
1/- Tẩy chay không sử dụng một cách dứt khoát các hàng hóa nhập từ VN.
2/- Không sử dụng phi cơ của VN, không buôn bán kinh doanh ở VN, tiếp tục biểu tình và cô lập các tòa đại sứ CSVN tại các nước mình sinh sống.
3/- Dùng uy tín của các vị có chức quyền để vận động các chính phủ trên thế giới áp lực với CSVN tôn trọng tự do, nhân quyền, thả tất cả những nhà đấu tranh dân chủ đã bị bắt trong thời gian qua và chấp nhận thể chế đa nguyên từ kinh tế lẫn chính trị, vì đây là con đường duy nhất đưa VN vào nền văn minh của thế giới, là phương cách tốt nhất để thực hiện nền tự do dân chủ.
4/- Giải thích cho con cháu của chúng ta hiểu rõ những gian manh của CS để cho con cháu của chúng ta khỏi rơi vào cạm bẫy mà các mật vụ của CS đang tuyên truyền mê hoặc.
5/- Vận động con cháu của chúng ta trong trường học để lôi kéo sự tiếp tay của những du học sinh là con cháu của các tầng lớp lãnh đạo CS đang du học, như trường hợp sinh viên Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Lan và Tập hợp Thanh niên Dân chủ đang làm là một điển hình.
Những việc làm trên rất cần thiết và cấp bách, đồng bào hải ngoại nên liên tục đấu tranh không ngừng nghỉ để yểm trợ các phong trào đấu tranh trong nước cho đến bao giờ CSVN chấp nhận sự công bằng và từ bỏ con đường độc tài, độc đoán thực hiện thể chế đa nguyên dân chủ thì mới thôi. Khi đó chúng ta mới có đủ điều kiện để cùng nhau xây dựng và kiến tạo quê hương đất nước, cùng nhau hòa mình với nền văn minh của nhân loại và khỏi hổ thẹn với tiền nhân.
Xin trân trọng gởi đến đồng bào hải ngoại lời chúc lành thân thương nhất, chúng ta sẽ thành công và đất nước Việt Nam sẽ hòa bình vĩnh cửu trong một ngày không xa.
Việt Nam ngày 05/08/2007
Hoàng Trung Việt
=END=
3- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Cuộc sống công nhân khu chế xuất
Sinh viên H.T.
(Từ Sài Gòn gửi đến BBC)
Những chiếc khẩu trang được may với kích thước rộng hơn, số người đeo khẩu trang không chỉ khi ra đường cũng nhiều hơn, và trẻ sơ sinh thì được bao phủ bởi lớp màn mỏng trước mặt. Ðó là hình ảnh bên ngoài ở bất kì nơi nào tại thành phố Hồ Chí Minh và tập trung nhiều hơn ở những đường phố lớn và ven các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Vào bên trong ta thấy một căn phòng khoảng 10 mét vuông, khoảng 1/5 diện tích được dành cho toalet, một gác xép mà một người có chiều cao trung bình chạm đầu khi đứng thẳng, đó là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của khoảng bốn người công nhân.
Người ta cũng quen với mùi ẩm mốc, mùi hôi từ toalet, mùi ván ép, mùi phân chut...
Ðó là diện tích được trưng dụng với mức cao nhất, có lẽ không chỉ ở Việt nam. Ngoài ra người ta còn có thể để thêm xe, những dụng cụ nấu ăn và sinh hoạt.
Các khu công nghiệp là điểm nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyện người ngộ độc thực phẩm mỗi năm và những địa điểm đầu tiên được nhắc đến chính là các khu công nghiệp, khu chế xuất, những đầu tàu về kinh tế.
Ðiều kiện làm việc thiếu an toàn, cuộc sống kham khổ về vật chất và nghèo nàn về tinh thần.
Công nhân làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, hay cả vùng Ðông Nam Bộ chủ yếu đến từ miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Người miền Bắc và nhiều nhất là khu vực Bắc Trung bộ tập trung nhiều vì mức lương ở đây tương đối cao so với các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất ngoài Bắc.
Họ di chuyển hơn 1500 km để tìm mức lương cao 1,5 lần so với nơi gần họ hơn, vốn có quá ít công việc so với số người có nhu cầu làm việc.
Phần đông họ sống gần như cô lập, dường như chỉ biết đoạn đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà; nhà trọ không tivi, không báo chí và dường như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài ngoài môi trường làm việc của họ.
Phần lớn những người này sử dụng thời gian để tăng ca và gia tăng thu nhập. Có những người làm việc hai ca mỗi ngày, và cả ngày chủ nhật. Và có nhiều người không có ngày nghỉ trong ròng rã nhiều tháng. Ðối với nhiều người thì có nghỉ cũng chẳng biết làm gì, số nữa thì để thời gian ngủ, chat hoặc xem phim ở các quán cà phê.
Người công nhân trung bình nhận được khoảng hơn một triệu đồng mỗi tháng, và với khoảng 2/3 dành cho chi phí nhà cửa và ăn uống, sinh hoạt.
Họ cắt giảm chi tiêu bằng việc sử dụng triền miên rau, mì gói, hay thậm chí hạn chế ăn uống đến mức tối thiểu có thể.
Một số nơi người ta còn bị quản lí về giờ giấc, thường thì về trước 22h và thức dậy sau 6h, vì trước đó chủ nhà chưa mở cửa, có những nơi quy định không được nấu ăn hay cấm cho bạn bè nghỉ qua đêm.
Trong khi các phương tiện truyền thông lên tiếng ngày càng gay gắt về rau quả với sự tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nước tương với 3-MCPD, bún với hàn the, các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp với điều kiện vệ sinh tồi tàn, thì đó lại là phần lớn những gì người công nhân tại các khu công nghiệp đưa vào cơ thể mỗi ngày.
Ðôi mắt thâm quầng hoặc sưng húp, gương mặt khắc khổ và xanh xao, vì ngủ nhiều, hay làm những công việc nhàm chán với quá nhiều thời gian, hay sự độc hại, và đáng lưu tâm nhất là bởi không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.
Ðó là sự chọn lựa.
Tôi xin lưu ý là họ đã lựa chọn cuộc sống này, dù có thể không ý thức rõ ràng.
Với những điều kiện sinh hoạt và làm viêc như vậy, và cuộc sống như vậy, họ kiếm được khoảng 400 hay 500 ngàn mỗi tháng. Ðối với các công nhân miền Bắc thì số tiền tích lũy sau một năm cũng vừa đủ để về quê ăn Tết và cũng dễ hiểu tại sao có người ba bốn năm không về nhà.
Có một số công ty còn yêu cầu công nhân làm đến 28 Tết.
Và hàng năm vẫn có hàng chục ngàn người đổ xô đến thành phố này, và điều đó cho thấy điều kiện sống như thế này đối với phần lớn họ là dễ chấp nhận hơn ở nông thôn.
Họ chịu đựng sự coi thường của những cư dân thành phố, của những người quản lí trong các phân xưởng, những điều kiện sinh hoạt tồi tàn nhất, những công việc hoặc nhàm chán, nặng nhọc, thiếu an toàn hoặc trái múi giờ và sự thờ ơ từ chính quyền.
Phần đông thích nghi được và cảm thấy như vậy là bình thường, đó cũng là sự nhìn nhận của đa số trong xã hội. Họ ngày càng thui chột những nhu cầu chính đáng của con người, về tiếp cận thông tin, về cải thiện điều kiện sống, về tiếp cận tương xứng hơn những lợi ích mà sự phát triển kinh tế mang lại.
Phần còn lại giải thích cho các cuộc đình công có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, cũng như tình trạng khan hiếm công nhân tại một số khu công nghiệp.
Xuất thân từ nông thôn, phần lớn công nhân có trình độ văn hóa hạn chế, môi trường sinh sống, làm việc, thói quen sinh hoạt ngày càng đẩy ra xa họ những tiêu chí cần thiết của con người trong thời kì xã hội phát triển.
Và cuối cùng là sự thờ ơ của chính quyền như đó là những gì tốt nhất mà bản thân chính quyền hay xã hội có thể tạo dựng được. Chúng ta hướng đến những gì tốt nhất trong giới hạn có thể nhưng rõ ràng không ai có thể nhìn thấy điều đó ở đây.
Cả xã hội thích nghi với ô nhiễm môi trường bằng khẩu trang, người công nhân thích nghi với điều kiện sinh sống làm việc bằng im lặng, và dường như phần đông không ý thức rõ ràng điều đó.
Tôi không hi vọng nhận được ý kiến đóng góp từ những người công nhân, bởi phần đông họ không chú ý đến thông tin hay không biết sự tồn tại của BBCVietnamese, nhưng hi vọng nhận đóng góp từ những người quan tâm hay hiểu biết nhiều hơn tôi về vấn đề này. Xin cảm ơn!
=END=
4- Tin Tức Quốc Nội
- Khối 8406 Gửi Thư Cảm Ơn Và Thỉnh Nguyện Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ
Khối 8406 Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006
Bloc 8406 of Manifesto on Freedom & Democracy for Viet Nam 2006
Thư cảm ơn và thỉnh nguyện Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ
Việt Nam, ngày 06 tháng 8 năm 2007
Kính gửi Bà Chủ tịch và toàn thể Quý Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ.
Kính gửi Ông Chủ tịch và toàn thể Quý Nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ.
Chúng tôi, đại diện cho những người Việt Nam trong và ngoài nước đã ký tên vào bản "Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006" (gọi tắt là Khối 8406) xin gởi đến Quý Lưỡng viện Quốc Hội Hoa kỳ bức thư này để bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối và lời cảm ơn chân thành của chúng tôi đối với "Dự luật Nhân quyền năm 2007 cho Việt Nam" (H.R 3096) mà ngài Dân biểu Chris Smith đã đệ nạp và vừa được Uỷ ban Ðối ngoại Hạ viện chấp thuận ngày 31-7-2007.
Kính thưa Quý Dân biểu và Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ,
Ðảng cộng sản Việt Nam đã đưa chủ nghĩa Marx-Lenin phi nhân bản và phản dân tộc vào đất nước chúng tôi bằng con đường bạo lực. Bởi vậy hơn 60 năm qua, đảng này đã dùng mọi thủ đoạn từ lừa mị đến khủng bố để chiếm giữ chính quyền, dìm nhân dân Việt Nam vào cảnh nghèo đói, biến đất nước Việt Nam thành một xã hội tràn ngập bất công, tham nhũng, tụt hậu trên mọi phương diện so với mặt bằng chung của thế giới và so với khả năng thăng tiến của dân tộc chúng tôi.
Không phải vì thế mà nhân dân Việt Nam chẳng biết phản kháng!
Nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đại diện là những văn nghệ sỹ đòi được tự do sáng tác, đòi được trung thành phản ảnh hiện thực xã hội, đã đứng lên đương đầu với nhà cầm quyền độc tài đảng trị kìm hãm văn hoá, kìm kẹp dân trí trong thời kỳ "Nhân văn giai phẩm" (1956-1959).
Nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đại diện là những nhân sỹ, trí thức, cán bộ, đảng viên cộng sản phản tỉnh đã đứng lên đấu tranh chống chế độ độc tài đảng trị trong thời kỳ "Vụ án Xét lại chống đảng" (thập niên 1960)
Nhân dân Việt Nam chúng tôi mà một nửa ở miền Nam đã kiên cường anh dũng và chịu bao hy sinh để chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa và đế quốc cộng sản toàn trị từ những năm 1954 đến 1975.
Do đất nước bị nhà cầm quyền độc tài cộng sản đóng cửa ra thế giới văn minh, tiến bộ thời bấy giờ, cũng như do những oái oăm của lịch sử lẫn nền chính trị hiện đại, mọi phản ứng chính đáng của tất cả các thành phần dân tộc chúng tôi đều đã bị bẻ gãy, mọi nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân chúng tôi đều đã bị dập tắt.
Tuy nhiên nhân dân Việt Nam vẫn không khuất phục.
Bắt đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, từ nhiều cá nhân đơn lẻ bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền độc tài, đã hình thành một phong trào đấu tranh đòi Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền bằng hình thức ôn hoà bất bạo động, mà đại diện là nhiều hội đoàn, tổ chức, chính đảng... trong đó có Khối 8406 chúng tôi.
Lịch sử không thể tái diễn những bất hạnh mà nhân dân Việt Nam chúng tôi phải gánh chịu trong quá khứ! Lịch sử chỉ ra rằng chủ nghĩa và chế độ cộng sản đã bị phá sản từ lý thuyết đến thực tiễn, đồng thời cho thấy đất nước nào muốn phát triển thì cần phải có một thể chế chính trị đa nguyên, nơi mà Tự Do và Nhân Quyền của công dân theo tiêu chuẩn chung của nhân loại được thừa nhận, nơi mà mỗi công dân có quyền và có điều kiện phát huy tối đa năng lực của mình vì hạnh phúc bản thân và cho sự thăng tiến đất nước trên mọi phương diện: kinh tế, văn hoá, tôn giáo, khoa học, chính trị, xã hội...
Do nhu cầu cấp bách để tồn tại, đảng CSVN trong những năm gần đây đã chịu hoà nhập với thế giới về kinh tế. Tuy nhiên chính thể độc tài này muốn dùng sự phát triển mức sống vật chất của người dân để bao biện và tiếp tục nắm giữ quyền lực, bất chấp nguyện vọng dân chủ của nhân dân, bất luận xu thế phát triển của lịch sử nhân loại, bất cần bài học lịch sử mà Nga-xô và các nước cộng sản Ðông-Âu đã phải lãnh. Họ không chịu hiểu rằng một khi quyền tự do dân chủ của dân tộc bị mất, thì khả năng mưu cầu hạnh phúc của nhân dân cũng chẳng có. Vấn đề dân oan khiếu kiện triền miên, tai nạn giao thông vô số, môi sinh ô nhiễm trầm trọng là những thí dụ điển hình. Họ cố quên rằng nhân dân Việt Nam đã có những nhu cầu mới.
Nhân dân Việt Nam đòi hỏi đất nước phải phát triển về kinh tế song song với phát triển về chính trị. Nhân dân Việt Nam đòi hỏi có cơm ăn, áo mặc song song với có tự do, dân chủ, pháp quyền. Nhân dân Việt Nam đòi hỏi có đầy đủ mọi quyền công dân, trong đó có quyền lựa chọn thể chế chính trị, tự mình bầu ra một chính phủ thực sự của dân, do dân, vì dân, đồng thời cũng tự mình tổ chức, xây dựng cơ chế giám sát chính phủ này để giảm thiểu những rủi ro tác hại đến tốc độ phát triển đất nước. Có thế, đất nước Việt Nam mới phồn vinh mà dân tộc chúng tôi cũng góp công sức, trí tuệ được vào sự thăng tiến của toàn nhân loại.
Ðòi hỏi đó, đến nay nhân dân Việt Nam vẫn chưa được đáp ứng, thỏa mãn. Bởi lẽ nhân dân chúng tôi đã gặp phải một nhà cầm quyền lạc hậu, bảo thủ, tham quyền cố vị, đúng như ngài Dân biểu Cộng hoà Dana Rorahbacher từng phát biểu: "Chúng ta đang giao tiếp với một chế độ ăn cướp. Có người cho rằng cứ giao tiếp kinh tế với họ thì rồi đây ta có thể thuần hoá được con thú hoang dại... Chúng ta từng làm mọi cách để giao tiếp về kinh tế, nhưng đã không thành công. Muốn cho những bạo chúa khắp thế giới biết tôn trọng nhân quyền hơn, chúng ta không chỉ có đưa tiền cho họ để họ có dịp thủ lợi. Muốn cho các bạo chúa này biết tôn trọng nhân quyền hơn, thì cách duy nhất là biểu thị sự phẫn nộ của người Mỹ và của mọi người yêu chuộng tự do khắp thế giới..."
Kính thư toàn thể Quý vị.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi ra đời bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Tổng thống Thomas Jefferson vào thời phần lớn quốc gia trên hành tinh đang sống trong tăm tối và nô lệ, không chỉ hiển thị nguyện ước Tự Do, Nhân Quyền, Pháp Trị của nhân dân Quý Quốc mà còn hiển thị khát vọng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Từ đó đến nay, với truyền thống dân chủ của mình, Nhân dân, Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã không ngừng dùng mọi hình thức ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa mà Nghị viện Châu Âu đã lên án là "tội ác chống nhân loại" qua Nghị quyết 1481 ngày 25-01-2006), và bênh vực phần còn lại của thế giới đang bị kìm hãm trong các thể chế độc tài. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật do những quốc gia có Tự do Nhân quyền đem đến, trái đất trở nên nhỏ bé đến độ tất cả mọi quốc gia đều là láng giềng của nhau, liên đới cùng nhau, tất cả các dân tộc đã có hạnh phúc phải quan tâm đến các dân tộc còn bất hạnh.
Trên tinh thần cao cả đó, "Dự luật Nhân Quyền 2007 cho Việt Nam" do ngài Dân biểu Chris Smith đề xướng đã ra đời, khiến chúng tôi hết sức tri ân và mừng rỡ. Dù chưa thể lường trước được, chúng tôi vẫn khẳng định dự luật này sẽ có hiệu quả tích cực đến tiến trình dân chủ hoá Việt Nam nếu được Quý Lưỡng Viện chấp thuận và thi hành.
Trong khuynh hướng chung của thế giới văn minh và khát vọng chung của toàn dân Việt, chúng tôi đại diện cho mọi thành viên Khối 8406 trong lẫn ngoài nước kính gửi đến Quý ngài Chủ tịch cùng mọi thành viên Lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ lá thư này với ước mong "Dự Luật nhân quyền 2007 cho Việt Nam" (H.R. 3096) được hoàn toàn chấp thuận, ngõ hầu mục tiêu Tự do-Dân chủ-Nhân quyền-Pháp trị mà dân tộc chúng tôi đang quyết tâm đạt tới nhanh chóng trở thành hiện thực. Từ đó, quyền lợi của Nhân dân, uy tín của Quốc hội và sức mạnh của Chính phủ Hoa Kỳ càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Chúng tôi cũng nhân cơ hội này xin cảm ơn hai Nữ Dân biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren đã hết lòng bênh vực dân oan trong thời gian vừa qua, cảm ơn nguyên đại sứ Michael Marine vì đã có cố gắng hỗ trợ phong trào dân chủ tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vị tân đại sứ Michael Michalak sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa cho công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ tại đất nước mà Ông đang được phái tới để đại diện Hoa Kỳ.
Chúng tôi cũng đề nghị Chính giới Hoa Kỳ hãy thành lập một Ủy ban quốc tế do Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc điều hành để thường xuyên đến Việt Nam điều tra về tình trạng áp bức, trù dập, giam cầm, thủ tiêu các chiến sĩ dân chủ, các chức sắc đối kháng, các dân oan khiếu kiện, các công nhân đình công vốn đã, đang hoặc sẽ trở thành tù nhân chính trị dù nhà cầm quyền CSVN luôn gian trá gọi là tù nhân hình sự. Chúng tôi cũng ước mong chính giới Hoa Kỳ sẽ tích cực ủng hộ cho Dự thảo Hiến chương Nhân quyền của tổ chức ASIAN để nó được hình thành và đi vào cuộc sống.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và kính gửi đến toàn thể Quý vị lời chào trân trọng.
Làm tại Việt Nam ngày 06-08-2007
Ðại diện lâm thời Khối 8406
Kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Sài Gòn
Cựu sĩ quan Trần Anh Kim, Thái Bình
Linh mục Phan Văn Lợi, Huế
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Hải Phòng
=END=
5- Tham Khảo
- Văn Hoá Nội Gián: Những âm mưu xâm nhập văn hoá của Cộng Sản
Ðỗ Văn Phúc
Cả hội trường im phăng phắc, gần hai trăm cặp mắt hướng về tấm bục gỗ trên sân khấu. Sau tấm bục đó là một cụ già, khoảng 70 tuổi, mái tóc bạc phất phơ. Cụ mặc bộ bà ba trắng đơn giản, đôi mắt linh lợi ẩn hiện sau cặp kính lão. Dáng dấp cụ có vẻ hiền hoà, như một người ông, chân chất và khoan thai. Dù gặp ở bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta chắc chắn sẽ có cảm tình với cụ ngay.
Nhưng chúng ta lầm. Lầm to. Ðàng sau khuôn mặt và dáng dấp hiền hoà đó, là cả một trí óc đầy mưu lược chết người. Cụ già đó không đứng trước mặt hai trăm cử toạ gồm 170 sinh viên sĩ quan và 30 cán bộ các cấp của trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà lạt để nói chuyện tâm tình của người ông từng trải và đám cháu trẻ tuổi đang háo hức việc đời, mà là những mưu mô thủ đoạn trong nghề binh vận, tình báo.
Cụ già đó là Nguyễn Văn Ðông, bí danh Năm Cang; Trưởng ban Binh Vận của Trung Ương Cục Miền Nam (tức cục R). Nói rõ ra, đó là nhân vật số một trong ngành tình báo chiến lược của quân đội Viêt Cộng, tác giả của những biến cố có tầm cỡ như vụ đột nhập, xâm chiếm Hậu cứ của Thiết đoàn 1 Kỵ Binh ở Gò Ðậu, Bình Dương mà đã gây cho quân lực VNCH những tổn thất to lớn vừa về nhân mạng, vũ khí và cả uy tín.
Cụ bị quân ta bắt trong một cuộc hành quân càn quét ở miền Ðông Nam phần và đang bị giam giữ điều tra tại Cục An Ninh Quân Ðội. Ðể giúp cho các sĩ quan tương lai có thêm hiểu biết về âm mưu thủ đoạn của Cộng Sản, Trường Ðại học CTCT đã dàn xếp với cục ANQÐ, mời cụ Năm Cang đến trường để nói chuyện trong phạm vi của môn học về Binh Vận.
Cụ Nguyễn Văn Ðông đã xác nhận rằng cụ không là một người hồi chánh, mà là một tù binh. Câu nói đầu tiên là cụ chê bai ngành an ninh tình báo của QLVNCH rất kém cõi, và công tác giáo dục binh sĩ về binh vận, địch vận của ngành CTCT chưa có hiệu quả tích cực. Do đó, phía Việt Cộng đã rất dễ dàng xâm nhập, mua chuộc, đe doạ để gài người và lập ra mạng lưới tình báo, nội tuyến.
Cụ đã kể lại hai câu chuyện có thật về công tác binh vận và đã đưa ra những nhận xét rất chính xác về QLVNCH.
Chuyện rất dài, nhiều chi tiết thú vị. Tôi chỉ xin kể sơ lược một chuyện mà tôi còn nhớ nhiều. Nhưng sau 40 năm thăng trầm, có nhiều chi tiết về thời gian, không gian, tên tuổi tôi không thể nhớ hoàn toàn chính xác (xin các niên trưởng thuộc Thiết đoàn 1 KB và Sư Ðoàn 5 BB bổ túc, đính chính nếu có sai sót):
Thượng sĩ X quê quán ngay ở quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tham gia Quân đội từ trước năm 1954 và đang phục vụ tại hậu cứ Thiết Ðoàn 1 KB ở Gò Ðậu, tỉnh Bình Dương. Quận Bến Cát cũng như hầu hết các quân khác của Bình Dương nằm trong lãnh thổ Chiến Khu D nổi tiếng của Việt Cộng. Ða số các gia đình dân chúng đều có con cái theo phe Việt Cộng và bản thân họ cũng là thành phần rất tích cực. Dù chỉ cách Thủ đô Sài Gòn khoảng trên 30 cây số, vùng đất phiá Bắc tỉnh lỵ Bình Dương được coi là vùng bất khả xâm phạm của VC từ nhiều năm cho đến khi Sư đoàn 1 BB Hoa Kỳ nhận lãnh trách nhiệm hành quân. Những năm đó, Sư đoàn 5 BB của VN rất yếu kém, không có khả năng tác chiến và bình định trong một vùng lãnh thổ rộng rãi đầy dẫy mật khu của địch.
Thượng sĩ X có nhiều bạn bè cùng quê, bạn học cũ, bạn nhậu, dĩ nhiên! Trong số bạn thân, có một ông tên Y. Y chỉ là một nông dân thuần tuý, có vợ và các con còn đi học. Hai ông X và Y quen nhau từ nhỏ, biết hết tính tình, sở thích của nhau. Và chẳng có gì để nghi ngờ tình bạn trong sáng này.
Một hôm, trong buổi nhậu đã gần tàn, ông Y hỏi mượn ông X một cái bi đông nhựa cho con trai sắp dự hai ngày cắm trại của trường Trung Học Trịnh Hoài Ðức tổ chức. Ông X. sốt sắng: 'Tưởng gì. Chuyện nhỏ. Ngày mai đi uống cà phê tôi sẽ mang ra cho. Cả bi đông, cả bao vải, cả cái ca nhôm nữa. Có cần gà mên không? Cắm trại xong, bảo thằng nhỏ giữ lấy mà xài về sau, khỏi trả. Trong này thiếu giống gì."
Ðúng, chuyện nhỏ! Thiếu giống gì! Bởi vì quân đội VNCH ngày đó trang bị, tiếp liệu dồi dào kiểu con nhà giàu như bạn đồng minh Hoa Kỳ. Ngoại trừ việc mất mát vũ khí là phải khai trình, lập biên bản, điều tra... Còn những vật dụng linh tinh thì cứ vào kho mà lấy, ngay cả chẳng cần thiết áp dụng nguyên tắc một đổi một. Các quân dụng loại này có thể tìm thấy bất cứ xó xỉnh nào: trong một góc nhà, gầm giuờngt, xó bếp hay tại các cửa hàng bán chợ trời....
Vì thế, Thượng sĩ X không mấy thắc mắc việc ông bạn Y lâu lâu xin cái này, cái nọ. Khi thì tấm poncho, khi thì đôi giày cũ... Ðến độ còn xin cả cọc sắt kẽm gai về rào lại cái vườn. Có khi còn xin cả chất nổ dẽo C-4 nói là để mồi lửa, đun bếp cho mau bắt. Loại C-4 này có sức công phá rất dữ dội, anh em binh sĩ chúng ta khi hành quân vẫn sử dụng để đun nước pha cà phê cho nhanh.
Một hôm đẹp trời muà hạ, ông Y rũ ông X đi bắt cá ở khúc sông vắng phía tây Bình Dương. "Phải chi có vài ba trái nổ đem theo tha hồ mà bắt về nhậu." Ông X. liền dúi cho bạn hai trái lựu đạn MK-2 và nói: "Ông ra trước đi, tui còn lo vài việc trong trại rồi theo sau cũng không muộn."
Quan hệ giữa hai ông bạn vẫn thắm thiết. Ông X vẫn luôn hào phóng giúp dỡ bạn mỗi khi bạn cần xin xỏ các vật liệu quân đội mà không một chút nghi ngờ.
Một hôm, Thượng sĩ X nhận được một lá thư trên phong bì không có tên người gửi. Ông lấy làm ngạc nhiên, chẳng biết cơ quan, phòng ban nào gửi văn thư cho mình. Ông lật đật xé phong bì lấy thư ra đọc. Lá thư được đánh máy không rõ nét trên một tờ giấy cũng chẳng trắng trẻo gì. Khuôn mặt ông đang bình thường bỗng đỏ lên và tái dần lại. Ðôi môi ông run run, hai tay lẩy bẫy. Mắt ông nhoà lên trước những hàng chữ trên đầu trang thư:
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam
Ban Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Phước Bình Thành
...
Thư cám ơn,
Thay mặt Tỉnh Uỷ Phước Bình Thành, chúng tôi cám ơn ông Nguyễn Văn X.... đã đóng góp giúp đỡ Mặt trận trong thời gian qua một số quân trang quân dụng như sau:
...
Chúng tôi ghi nhận tinh thần yêu nước chống Mỹ Ngụy của ông NVX... Và mong rằng trong tương lai, ông X sẽ góp nhiều phần tích cực hơn cho phòng trào giải phóng dân tộc...
Ký tên
Thượng sĩ X ngồi phệt xuống, tay vò lấy lá thư. Tâm trí mê muội đi một lúc lâu. Sao lại có chuyện này? Thằng Y có liên quan gì với VC? Mà sao nó gài ta vào chuyện động trời thế này hở trời?
Thay vì làm một việc khôn ngoan là trình báo ngay với phòng An Ninh đơn vị để xin ý kiến. Ông X cứ băn khoăn suy nghĩ tìm cách tự gỡ rối cho bản thân. Vả lại, cái việc mà chúng ta gọi là khôn ngoan đó cũng chẳng dễ dàng gì. Ai ở trong quân đội cũng biết về nghành An Ninh. Nó cũng giống như hoàn cảnh người tù cải tạo mà phải lên làm việc với cán bộ trực trại, an ninh hay giáo dục vậy. Chỉ mua thêm lo âu, rắc rối và nguy hiểm đến sự nghiêp và an toàn bản thân. Vì thế, chúng ta không lạ khi rất nhiều anh em quân nhân dính vào các hoàn cảnh như Thượng sĩ X, đành phải câm nín, tự lo liệu hơn là lên gặp mấy khuôn mặt lạnh lùng, đầy đe doạ của mấy ông An Ninh Quân Ðội.
Thăm dò, theo dõi một thời gian, bọn Viêt Cộng biết ông X đã không trình báo gì với cơ quan an ninh. Biết đúng tẩy con bài, chúng bắt đầu áp dụng phương pháp vừa ve vuốt, vừa doạ dẫm để buộc Thượng Sĩ X phải dần dà sa chân vào bãi lầy không lối thoát. Người ta thấy ông X có nhiều em cháu bà con từ quê lên thăm, vào tận khu gia binh trú qua đêm. Họ lân la làm quen với anh em binh sĩ, mời mọc cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng. Họ dần dần biết hết các ngõ nghách, các trạm gác, ụ súng, hầm hố, giờ giấc sinh hoạt, canh gác, thói quen của anh em binh sĩ trong đơn vị, sở thích của các sĩ quan chỉ huy... Trong lúc nhậu nhẹt nghiêng ngã, họ tìm cách hỏi cách sử dụng các loại xe tăng. Tưởng ai chứ con cháu ông Thượng sĩ thường vụ thì ai mà e dè làm chi.
Xin cho phép bỏ qua giai đoạn này vì nó kéo dài lâu lắm, và thêm nhiều tình tiết gay cấn, để kể đến đoạn kết thúc bi thương.
Thời này chiến tranh chưa leo thang ác liệt, nên chưa có lệnh cắm trại ứng trực 100%. Hôm đó, hình như là cuối tuần. Anh em binh sĩ đi phép 50%, chỉ còn lại 50% trong đơn vị mà một số đã nhảy dù ra chợ Bình Dương nhậu nhẹt, thăm các em gái vườn chôm chôm, măng cụt. Trong trại, ông Thượng sĩ và một đám "con cháu" cũng bày tiệc nhậu nhẹt. Ðến gần nửa đêm, toàn trại bỗng nghe nhiều tiếng nổ kinh hồn. Lửa cũng lan nhanh gây nhiều đám cháy lớn. Tiếng người chạy rầm rập. Ðàn bà trẻ con trong trại gia binh khóc la um sùm. Người ta thấy những chiến xa nổ máy, vừa chạy ra phía cổng vừa bắn xối xả vào các khu doanh trại. Quân sĩ choàng tỉnh sau cơn ngủ chưa bén nhưng không biết hướng nào mà chống đỡ. Một phần đã ngã gục trong đợt tấn công bằng chất nổ C-4, một phần bị kìm lại vì hoả lực từ những chiến xa của "quân mình".
Ðoàn xe tăng cứ như chạy vào chỗ không người. Chúng bò ra cổng và chạy qua thành phố định tấn công vào toà Tỉnh, Tiểu khu và Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 ở Phú Lợi, cách đó chừng mấy cây số.
May mắn thay, sau những giây phút hoang mang, hỗn loạn, binh sĩ ta lấy lại tinh thần. Họ nhảy lên những xe tăng còn lại chạy đưổi theo những xe đã bị địch cướp đoạt. Cuộc rượt đuổi và bắn phá như trong cinema. Bọn VC chạy mãi rồi bị vướng vào đường cụt, hay sa vào các hóc hẽm mà không biết cách cài số de. Thì ra, chúng đã chịu khó học cách nổ máy, lái xe... nhưng lại không biết cách lùi. Vì thế những con cua sắt đã làm mục tiêu lý tưởng cho các xạ thủ của Thiết đoàn 1 KB.
Bình Dương được cứu thoát sau trận tập kích có đặc công, nội tuyến thần sầu đó. Quân Lực ta lẽ ra đã học một bài học đắt giá. Nhưng rồi vẫn có những đơn vị, những cá nhân tiếp tục rơi vào căm bẫy binh vận của địch. Rải rác đó đây vẫn xảy ra những vụ nội tuyến mà đa số các quân nhân phản bội là do yếu đuối, bị ràng buộc tình cảm, tài chánh, bị đe doạ... hay vì quá ngây thơ về kẻ địch nên không nhìn thấy những diễn biến rất nhẹ nhàng, khôn khéo trong diễn trình binh vận của VC.
Ngày nay, hơn 40 năm sau biến cố Bình Dương vừa kể, chúng ta lại có dịp ôn lại để đánh giá đúng mức việc Cộng Sản đang tìm cách xâm nhập Cộng đồng một cách tiệm tiến để áp dụng nghị quyết 36 qua việc tổ chức các buổi văn nghệ mà mới nhìn qua, có vẻ hiền lành, vô hại.
Cái khổ tâm của những tổ chức đoàn thể Cộng đồng Người Việt là e ngại bị gán cho những tĩnh từ "Cực Ðoan, Ðộc Ðoán", "nhìn đâu cũng thấy địch". Không phải chỉ những phụ nữ hiền lành, các thanh thiếu niên vô tư; mà ngay nhiều anh em cựu chiến sĩ từng bị lừa bịp, tù đày trong chế độ CS cũng đã thiếu cân nhắc khi nói: "Người ta tổ chức văn nghệ, có bài hát lời ca nào tuyên truyền đâu mà chống lại họ." Chúng ta hoàn toàn thông cảm những nghệ sĩ trong nước tìm cách ra ngoại quốc du lịch, ca hát để đem giọng ca phô trương với đồng bào hải ngoại, hay để kiếm tiền, kiếm danh... Chúng ta không đem danh nghĩa Cộng đồng, đoàn thể để chống lại những cá nhân nhỏ bé đó.
Nhưng chúng ta cần nhận định một nguyên tắc đầu tiến: Khi còn trong cuộc chiến (dù chiến tranh vũ lực trước 1975 hay đấu tranh chính trị hiện nay), thì vẫn còn giới tuyến giữa hai bên. Chúng ta phải luôn cảnh giác về những âm mưu xâm nhập của địch mà thường là khởi đi từ những việc nhỏ nhặt, nhẹ nhàng, vô hại để dần dà tiến đến những sự việc hệ trọng chính vào lúc mà chúng ta đã bị ru ngủ, vướng vào một cách êm thắm.
Những năm trước đây, chỉ có những nghệ sĩ đi qua một cách lẻ tẻ. Rồi đến những tổ chức rầm rộ hơn với những chương trình văn nghệ có chủ đề rất thách đố (Người Ấy và Tôi, Em Chọn Ai, Duyên Dáng Việt Nam, Thảm Ðỏ). Từ những nghệ sĩ VN chưa có vấn đề, dần đến những nghệ sĩ từng bị cộng đồng lên án về những hành vi chính trị tiếp tay cho địch (Nguyễn Ngọc Ngạn trong vụ Paris 40; Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Trịnh Hội trong vụ Úc Châu mới đây. Chuyện bố con Nguyễn Cao Kỳ thì đã quá rõ). Chúng ta có thể nhìn thấy những vụ tổ chức này không nằm ngoài kế hoạch tấn công văn hoá của CS. Có những bàn tay từ bên VN tiếp sức cho bọn đầu nậu ở hải ngoại. Cứ cho rằng những người tổ chức thì vì ham tiền ham danh mà vô tình làm công cụ cho CS đã đành. Chúng ta lại thấy có những cơ quan truyền thông trong cộng đồng, vì thiếu thông tin về những thành phần bất hảo trên, mà loan tin, quảng cáo cho chúng, vô tình đi ngược lại tinh thần chung, gây ngộ nhận trong quần chúng, gây trở ngại cho kế hoạch chống Cộng của chúng ta.
Ðôi lúc nhìn sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi vẫn liên tưởng đến thời gian trước 1975. Vẫn những thách thức từ phiá đối phương; vẫn những chiến sĩ ngày đêm lăn mình trong lửa đạn chiến đấu; mà luôn luôn tồn tại nơi hậu phương những con buôn thủ lợi, những tên phản bội đê hèn làm nội gián cho địch, và luôn có một tầng lớp quần chúng rất "vô tư" hành xử hoàn toàn theo bản năng, thị hiếu, suy luận dựa trên những cảm tính đơn sơ trước một kẻ địch đầy mưu ma chước quỷ. Chúng ta không phải ngây thơ mà không biết rằng Cộng sản đã cài người của chúng trong những chuyến vượt biển một cách an toàn. Chúng ta không phải không biết trong thành phần cựu tù nhân trong chương trình HO có nhiều anh em có những vướng mắc mà phải cam kết hoạt động cho CS để được đi định cư. Có những anh lỡ lầm làm ăng ten trong tù, còn lưu bút tích; CS chắc không ngu gì không lợi dụng họ để sử dụng ở hải ngoại. Vì thế, thời gian gần đây, nhiều tên đã bắt đầu lộ diện công khai, nhất là sau chuyến Mỹ du của Nguyễn Minh Triết. Bọn đón gió trở cờ từng ngo nghoe nay cũng lên tiếng hoà điệu với loài ếch nhái kia.
Trong lãnh vực báo chí, cũng có nhiều hiện tượng nổi lên. Vừa qua là các tờ báo Việt Weekly ở California, Vietnam Weekly News ở Dallas. Một tờ tạp chí phát hành rộng rải trên nhiều thành phố, mang một cái tên từa tựa tạp chí Tuổi Trẻ của đoàn Thanh Niên CS bên Việt Nam. Cùng một cách trình bày tên báo, mẫu chữ. Họ là ai? Toàn là những người chưa hề có kinh nghiệm, khả năng viết lách, làm báo. Nhưng họ dám đứng ra làm những tờ báo rất đẹp, in bằng Digital, nhiều trang màu giấy láng mà lại biếu không. Thậm chí quảng cáo cũng rất rẻ. Chúng tôi là những người làm báo nhiều năm trên đất Mỹ, từng biết rằng nghề làm báo là vì mục đích thông tin nghị luận chứ không thể trông cậy vào phần tài chánh thu nhập. Vậy thì người khổng lồ nào đứng đàng sau để chi tiền cho những tờ báo trên? Hỏi tức là trả lời. Nhất là những bài vở lấy từ các trang mạng bên Việt Nam với cách hành văn và ngôn ngữ mà Cộng sản thường xài. Có phải trước hết, họ muốn cho người Việt Hải ngoại từ từ quen thuộc với ngôn ngữ để rồi dần dà họ sẽ khôn khéo chuyển qua các thể tài chính trị xã hội tuyên truyền cho CS?
Dĩ nhiên, là những người đấu tranh cho tự do dân chủ, sống trên xứ sở dân chủ tự do, chúng ta không có quyền ngăn chặn những hoạt động như thế.
Nhưng với những ai từng thực sự lo âu khi bước chân lên chiếc thuyền mỏng manh để vượt Thái Bình Dương trong sóng gió và đe dọa của công an tuần duyên, của hải tặc Thái Lan; những ai từng đứng ngồi thấp thỏm chờ đợi trên lề đường Thống Nhất để nhận tấm "hộ chiếu" HO; xin hãy biểu lộ một thái độ chính trị đúng của người quốc gia chống Cộng bằng cách tẩy chay, lên án những hoạt động văn hoá nội gián do CS tiến hành. Xin hãy tuyên truyền, giải thích cho thân nhân, bạn bè về những âm mưu ly gián của bọn nằm vùng, tay sai Cộng Sản.
Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn cho đến khi nào dân chủ tự do toàn thắng chế độ Cộng sản độc tài.
Ðỗ Văn Phúc
=END=
6- Thời Sự Nước Úc
- Tổng trưởng di trú Úc sai lầm quanh vụ giam giữ BS Haneef?
Hoàng Ð.Thư
(SGT)
LND: Trong vài tuần vừa qua, vấn đề nóng bỏng, thu hút được nhiều sự chú ý nhất của giới truyền thông cũng như của quần chúng Úc và qua đó, tạo khá nhiều tranh cãi, bàn luận trên các chương trình truyền thanh trực thoại, cũng như qua các trang thư độc giả, là vụ việc chính phủ liên bang bắt giữ bác sĩ Mohamed Haneef với ý định truy tố về tội "yểm trợ khủng bố". Ðặc biệt là chuyện, sau khi thẩm phán Jacquie Payne thuộc tòa địa phương ở Brisbane cho ông được tại ngoại hầu tra thì tổng trưởng di trú Kevin Andrews quyết định dùng quyền của mình để thu hồi chiếu khán của ông hầu có lý do tiếp tục giam cầm ông. Ðến khi giám đốc công tố viện liên bang, ông Damian Bugg QC, quyết định hủy bỏ việc truy tố bác sĩ Haneef với tội "yểm trợ khủng bố" vì không có bằng chứng buộc tội, thì làn sóng công phẫn càng trào dâng cao hơn nữa. Sự can thiệp một cách sai lầm, đầy tính thủ đoạn chính trị của TT Andrews đã có tác dụng trái ngược khiến chính phủ Howard phải xính vính. Không ai có thể phủ nhận được rằng những chuyện mà chúng ta đã chứng kiến từ hôm Thứ Sáu 27/7 đến nay quả thật là một tấn tuồng diễu dở được dàn dựng hầu tái tạo lại chút uy tín cho chính phủ Howard đối với quần chúng Úc về vấn đề này. Sau đây xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài nhận định của ký giả Hedley Thomas về vấn đề này, được đăng tải trên nhật báo The Australian ngày 30/07/2007 vừa qua.
***
Việc tổng trưởng di trú Kevin Andrews cố luồn lách để tránh né không bị quy trách nhiệm về vụ việc Mohamed Haneef khiến người Úc chúng ta cảm thấy xấu hổ vô cùng. Thế nhưng, trong sự việc tạo nhiều tiếng xấu trên diễn đàn quôc tế này thì ông Andrews chỉ là con khỉ múa may làm theo lời chủ hơn là người chủ trò giật dây điều khiển.
Quyết định của ông Andrews trong việc hủy bỏ chiếu khán của bác sĩ Haneff cách đây hai tuần và tiếp tục giam giữ ông - mặc dù ông đã được một thẩm phán Brisban cho tại ngoại hầu tra - với lý do là các bằng chứng lúc ấy "vô cùng mong manh" (trước khi những thứ được gọi là "bằng chứng" này tan biến theo mây khói). Chắc chắn việc làm của ông Andrews phải có sự hỗ trợ đồng ý của TT John Howard.
Và giờ đây, sau khi thất bại với chuyện kiếm điểm trên chính trường về vấn đề an ninh quốc gia qua vụ bác sĩ Haneef, cả ngài thủ tướng lẫn tổng trưởng Andrews đều cố cãi cối cãi chầy, khư khư giữ vững quan điểm để tránh không bị nhục nhã xấu hổ thêm nữa. Hôm Chủ Nhật vừa qua, cho dù đã phải đối diện với một sự thối lui rõ rệt nhục nhã nhất trong lịch sử cận kim của hệ thống công lý, ông Andrews vẫn còn khăng khăng cho rằng ông không có gì phải thay đổi trong vụ việc bác sĩ Haneef. Vì thế, ông biện luận rằng bác sĩ Haneef 27 tuổi - người mà sự tự do bị tước đoạt và cuộc đời cùng sự nghiệp gần như bị hủy diệt hoàn toàn vì đã bị gán ghép một cách vô lý với tội khủng bố - khó có thể xin phục hồi chiếu khán của mình.
Tệ lậu hơn nữa, ông Andrews còn tuyên bố hôm Chủ Nhật vừa qua là việc Bác sĩ Haneef quyết định rời nước Úc để về lại Ấn Ðộ thăm đứa con gái sơ sinh mà ông chưa từng thấy mặt cũng như thăm người vợ hiền của ông, đã khiến cho ông Andrews "thêm nghi ngờ [BS Haneef] nhiều hơn nữa chứ không giảm sụt đi".
Ông Andrews đã khăng khăng giữ vững một quan điểm vốn không thể nào biện minh được nữa để giữ sĩ diện cho mình trong lúc tiếp tục gây thiệt hại cho bác sĩ Haneef. Ngài tổng trưởng từ chối không phục hồi chiếu khán bởi vì nếu làm thế có nghĩa là thú nhận chuyện mà mọi người, kể cả tổng tư lệnh cảnh sát liên bang, ông Mick Keelty, đều biết rõ: ngài tổng trưởng đã lầm lẫn thật tai hại ngay từ đầu khi hủy bỏ chiếu khán của ông Haneef.
Cách đây hai tuần (ngày 16/7/07), qua bản tuyên cáo lý do (statement of reasons) của mình, trước khi vụ việc này tự nó vỡ tan thành trăm nghìn mảnh vụn, ngài tổng trưởng tiết lộ rằng "sau khi đi đến sự nghi ngờ cần thiết rằng bác sĩ Haneef không đáp ứng được cuộc khảo thí tánh hạnh, và sau khi đi đến quyết định rằng việc hủy bỏ chiếu khán của bác sĩ Haneef là việc có lợi cho quốc gia", ông đã thực thi quyền chuyên quyết của mình để hủy bỏ chiếu khán. TT Andrews cho biết ông dựa theo Direction 21 trong đạo luật di trú để thi hành việc này.
Direction 21 trong phần dẫn nhập ghi rõ: "Khi sử dụng quyền này, tổng trưởng có trách nhiệm với quốc hội cũng như với xã hội Úc để bảo vệ xã hội tránh những hành vi phạm pháp hoặc các hành vi đáng khiển trách khác và từ chối không cấp chiếu khán, hoặc hủy bỏ chiếu khán của những người không phải là công dân (Úc), những người mà hành động của họ quả thật khiến cho xã hội kinh tởm (abhorent to the community) đến dộ mà họ không nên được cho phép nhập cảnh hoặc ở lại".
Ngài tổng trưởng Andrews không thể nào tin tưởng một cách nghiêm trọng đúng đắn rằng chuyện này vẫn còn thích hợp, đặc biệt là kể từ Thứ Sáu vừa qua, khi giám đốc công tố viện liên bang, ông Damian Bugg QC, đã giải toả hết mọi nghi vấn đối với bác sĩ Haneef.
Vào ngày 16/7, khi bác sĩ Haneef vẫn còn đang bị truy tố về tội hình sự, TT Andrews cũng tiết lộ qua bản tuyên cáo lý do của ông rằng ông "tiên quyết chú tâm đến việc bảo vệ xã hội Úc, đặc biệt suy xét về sự nghiêm trọng cũng như về bản chất của những hành vi mà bác sĩ Haneef bị nghi ngờ đã có, cũng như về nguy cơ mà hành vi này có thể được tái diễn cùng những nhu cầu ngăn ngừa tổng quát cho xã hội Úc". Tổng trưởng Andrews cũng tiết lộ rằng "việc bảo vệ xã hội Úc" đã khiến sự cân nhắc thiên về việc hủy bỏ chiếu khán, và ông đã xem đó là "việc hệ trọng đáng kể" (significant weight).
Có phải TT Andrews thực sự tin rằng điều này bây giờ vẫn còn hiệu lực? Rằng chúng ta cần được bảo vệ để đề phòng một ông bác sĩ rộng rãi hào phóng với cái thẻ SIM điện thoại lưu động của ông ta?
TT Andrews cho biết ông cũng cân nhắc kỹ lưỡng về "sự mong đợi của xã hội Úc" (expectations of Australian community) và vì thế, ông đi đến kết luận "xã hội Úc mong muốn một người không phải là công dân Úc vốn đã có mối quan hệ với những người bị tình nghi tham dự vào một vụ khủng bố và kẻ đã bị truy tố với tội cung cấp phương tiện cho một tổ chức khủng bố, phải bị hủy bỏ chiếu khán".
Ðại đa số người Úc mong mỏi rằng bác sĩ Haneef sẽ được đối xử một cách công bằng và trung thực để bù đắp lại những hành vi quá sức tồi tệ cho đến bây giờ. Tất cả mọi hoàn cảnh đều đã thay đổi kể từ sau khi TT Andrews hủy bỏ chiếu khán của bác sĩ Haneef. Và nếu TT Andrews không chấp nhận được thực tế này thì chúng ta phải thay đổi tổng trưởng di trú!
Và người phải nối gót ông Andrews để rút lui khỏi chức vụ của mình là Tổng Tư Lệnh Keelty, kẻ đã muốn dân Úc tin rằng mình không phải chỉ là một công cụ chính trị thô thiển, rằng ông cũng như thuộc cấp của ông đã không có sai lầm gì cả, rằng giới truyền thông không nên chỉ trích hoặc thách đố những sai lầm khi công lý không được thi hành đúng đắn (miscarriage of justice).
=END=
7- Thể Thao Tuần Qua
- Chuyện Túc Cầu
Nam Thanh
(VNN)
Khán giả Galaxy phỉ báng cầu thủ Beckham
Sự giận dữ của khán giả ái mộ dội LA Galaxy đã lên đến cực điểm trong trận đấu với Toronto FC, khoảng 22.522 khán gia có mặt trên sân đã hò hét, la ó, thậm chí họ còn giơ những tấm bảng có ý phỉ báng Becks.
Từ khi chuyển qua thi đấu cho Galaxy, tiền vệ hào hoa David Beckham chỉ mới thi đấu vỏn vẹn 12 phút cho đội bóng mới, tất nhiên là vì chấn thương mắt cá chân dai dẳng khiến Beckham không thể ra sân trỗ tài nhưng có vẻ như việc tiền vệ điển trai này xuất hiện trong quá nhiều hoạt động giải trí khiến người dân Mỹ không hài lòng.
Trong trận đấu với Toronto vừa qua Becks phải ngồi nhìn các đồng đội thi đấu trên băng ghế dự bị, tuy nhiên thay vì ăn mặc như một cầu thủ thì anh lại đóng bộ vest rất lịch sự, trông Becks không khác gì một huấn luyện viên trưởng chứ không phải một cầu thủ - 1 khán gia của Galaxy châm chọc.
Trong khi Becks ngồi theo dõi đồng đội thi đấu thì ở trên khán đài hàng nghìn tiếng la ó đang dành cho anh, một khán gia trong la hét: "David Beckham là rác rưởi".
Ở trận đấu tuần trước với đội banh FC Dallas, một số khán gia đã giơ cao tấm bảng có ghi dòng chữ có ý châm chọc: "Bench it like Beckham" (dự bị như Beckham) - một cái tít phỏng theo bộ phim "Bend it like Beckham" đã được trình chiếu cách đây khá lâu.
Có lẽ Becks biết người dân Mỹ cần gì ở anh. Tất nhiên là mọi người thông cảm cho cái mắt cá chân khiến anh không thể ra sân nhưng ai cũng biết Becks sang Mỹ với sứ mệnh mà cả Châu Âu đang gửi gắm nơi anh: thổi hơi ấm vào không khí bóng tròn vốn đã nguội lạnh ở quốc gia này. Trước khi tới Mỹ, Becks ấp ủ biết bao hoài bão, anh vạch ra biết bao dự định, như huấn luyện cho trẻ em Mỹ làm quen với bộ môn thể thao Vua này, rồi thì mở học viện bóng đá...
Nhưng cho tới thời điểm này những gì mà báo chí đang săn lùng về Becks chỉ là những thông tin kiểu như: anh đang đi shopping tại đâu, anh đã tham gia bữa tiệc nào, anh đã làm quen được với siêu sao nào ở Hollywood... Thực sự không ít người đang cảm thấy Becks sang Mỹ để nghỉ hè chứ không phải đá banh.
Nếu muốn nghe những lời ca ngợi của khán gia, Becks nên cởi bộ vest và khoác áo thi đấu vào, ít ra người dân Mỹ còn cảm thấy sự tồn tại của anh dành cho bộ môn bóng đá chứ không phải thuộc sàn diễn thời trang nào.
Vòng loại thứ nhất World Cup 2010 khu vực châu Á: Việt Nam gặp lại UAE
Tuần qua, Liên Ðoàn Túc cầu châu Á (AFC) đã tổ chức lễ bốc thăm chia cặp vòng loại thứ nhất và thứ hai World Cup 2010 thuộc khu vực châu Á. Lá thăm run rủi đã đưa tuyển VN một lần nữa chạm trán với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) là đối thủ từng thua mình 0-2 ở Asian Cup vừa qua.
Có tổng cộng 43 đội bóng tham dự vòng loại World Cup 2010 khu vực châu Á, trong đó 5 đội được xếp hạt giống từ số 1 đến 5 đương nhiên vào thẳng vòng loại thứ ba gồm Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản và Iran. 38 đội bóng còn lại được chia cặp đấu loại trực tiếp vào ngày 8 và 28.10. Trong số 19 đội bóng thắng trận, 11 đội bóng có thứ hạng cao nhất sẽ lọt vào vòng kế tiếp, 8 đội còn lại chia cặp để loại bớt 4 đội trong 2 lượt trận diễn ra vào ngày 9 và 18 tháng 11 năm 2007.
Ở vòng loại thứ ba, có 20 đội sẽ được chia thành 5 bảng, mỗi bảng 4 đội, chọn lấy 2 đội nhất nhì mỗi bảng (10 đội) tham dự vòng loại cuối cùng trong thời gian từ 6 tháng 2 đến 10.9.2008. 10 đội bóng này sẽ được chia tiếp thành 2 bảng thi đấu từ ngày 15.10.2008 đến 9.9.2009 để chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng giành vé vào thẳng vòng chung kết World Cup 2010. Hai đội xếp thứ ba mỗi bảng sẽ đá một trận quyết định để chọn đội bóng thứ năm châu Á đá trận tranh vé vớt với đại diện châu Ðại Dương (châu Á tổng cộng có 4 suất rưỡi).
Ở vòng sơ loại thứ nhất, các đội xếp từ thứ 6 đến 24 được xem là nhánh A, từ 25 đến 43 là nhánh B. Hai đội Thái Lan (xếp 19) và Indonesia (xếp 22) đều nằm ở nhánh A nên đã may mắn bốc thăm gặp các đội "nhẹ" hơn ở nhánh B, cụ thể Thái Lan gặp Macau và Indonesia gặp Guam. Trong khi đó, VN được xếp vị trí số 25 đứng đầu nhóm B nên bốc thăm đã gặp lại đội bóng xếp thứ 15 ở nhóm A là UAE.
Theo bảng tin của Goal.com: "Ðây có thể xem là cặp đấu cân sức nhất trong tất cả 19 cặp ở vòng đấu loại thứ nhất và đó sẽ là 2 trận đấu đáng chờ đợi nhất. Với bóng đá VN, đây cũng là lần thứ hai trong năm huấn luyện viên Riedl có cơ hội chạm trán với huấn luyện viên Bruno Metsu của UAE. Ðó sẽ là trận tái ngộ những gì đã từng giúp tuyển VN gây nên kinh ngạc tại Asian Cup. UAE chắc chắn sẽ muốn "phục thù" để lấy lại danh dự, nhưng với những tiến bộ vượt bậc của tuyển VN gần đây thì tái ngội sẽ là cuộc đại chiến".
Nhận xét về đối thủ UAE, phụ tá huấn luyện viên Mai Ðức Chung của VN cho biết: "Quá thú vị. UAE là đội đã gián tiếp loại Qatar tạo cơ hội cho tuyển VN đi tiếp. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại không chơi hết mình. Nhất định tuyển VN sẽ có cơ hội chứng minh một lần nữa khả năng trước một đối thủ mạnh. Những gì mà các tuyển thủ VN đã làm được tại Asian Cup chắc chắn sẽ được tiếp tục phát huy.
Như vậy, đúng ba tháng sau khi bị VN đánh bại với tỷ số 2-0 tại Asian Cup, UAE lại tiếp tục làm đội khách vào ngày 8 tháng 10 trên sân Mỹ Ðình Hà Nội ở lượt đi còn lượt về sẽ tiếp VN trên sân UAE ngày 28 tháng 10. Dù cơ hội vào sâu ở vòng loại World Cup là không dễ dàng, song với những gì đã thể hiện tại Asian Cup, liệu người ái mộ có quyền hy vọng tuyển VN sẽ tiếp tục có được 2 trận đấu hay với đối thủ vùng Vịnh này hay không?
Beckham đóng bộ vest rất lịch sự, trông Becks không khác gì một huấn luyện viên trưởng.
=END=
8- Tin Tức Ðó Ðây
- Bản Tin Nước Úc
(SGT)
Vợ chồng thiệt mạng vì bọn đua xe trên đường phố, để lại 7 người con
Sydney: Hôm Thứ Hai, cặp vợ chồng bị thiệt mạng trong tai nạn khi chiếc xe của họ bị bọn đua xe trên đường phố đụng phải được tiết lộ là cha mẹ của 7 người con và là ông bà của 15 người cháu. Họ đã phục vụ cho cộng đồng không mệt mỏi. Ông Alan Howle, 71 và bà vợ Judith, 70 tuổi đã bị thiệt mạng đêm Chủ Nhật khi xe Toyota Camry của họ bị 2 chiếc xe Holden Commodores chạy trên xa lộ Great Western Hw đụng phải tại St. Marys. Bà Howle là tài xế, bị mắc kẹt trong xe và các nhân viên cứu nạn đã không thể cứu được bà. Chồng bà đã bị chết ngay tức thì vì sự va chạm. Cặp vợ chồng này được cho biết là hoạt động rất hăng hái tại Giáo xứ Công giáo địa phương St Marys của họ và cha xứ Bob Bossini đã mô tả họ như là "không thể tách rời". Ông Howle cũng làm việc thiện nguyện cho cộng đồng của ông và chỉ mới rời khỏi cương vị chủ tịch St Marys Band Club sau 8 năm phục vụ.
Cảnh sát đã truy tìm tài xế một chiếc xe thứ ba có can dự trong cuộc đua xe trên đường phố chiếm trọn 3 làn đường của xa lộ này. Quyền Ủy viên Cảnh sát NSW, Andrew Scipione mô tả tai nạn này là một thảm kịch phơi bày trước mắt chúng ta. Cảnh sát nói rằng tài xế 2 chiếc xe Holden Commodores màu đỏ được cho là đã can dự vào cuộc đua đã được cho thử nghiệm ma túy và rượu trước khi hỏi cung. Cả 2 người đàn ông này đều chỉ bị thương nhẹ. Cảnh sát nghi ngờ 2 chiếc Commodores đã chạy đua song song với một chiếc xe thứ 3, được tin là một chiếc Mazda màu xanh dương. Viên cảnh sát Peter Jenkins nói rằng: "có lẽ 3 chiếc xe này đã chiếm hết cả 3 làn xe chạy".
Các nhân viên cảnh sát điều tra nói rằng bà Howle mới vừa bắt đầu quẹo mặt ngang qua xa lộ thì cùng lúc đó cả 3 chiếc xe đã chạy vào giao lộ. Các nhân chứng nói rằng những chiếc Commodores đã thắng rất mạnh đến nỗi các vỏ xe bị nổ tung. Bộ trưởng Cảnh sát NSW, David Campbell đã gửi lời chia buồn của ông đến gia đình Howle. Ông nói thêm, những kẻ chịu trách nhiệm về tai nạn này sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề.
Philip Ruddock: Vụ án Haneef là mộ gánh xiếc truyền thông
Canberra: Tổng trưởng tư pháp Philip Ruddock đã cho rằng, những mô tả của truyền thông báo chí Úc, quanh việc chính phủ bắt giữ rồi huỷ bỏ vụ án truy tố bác sĩ Mohamed Haneef đã khiến vụ án giống như là một "gánh xiếc" được trình diễn trong bàn tay nhào nặn của giới truyền thông. Hôm thứ Hai vừa qua, ông Ruddock đã chỉ trích sự loan tải tin tức về việc điều tra và về vụ án chống bác sĩ Haneef vốn đã bị thiệt hại bởi các vụ rò rỉ thông tin qua lại giữa cảnh sát và nhóm pháp lý của bác sĩ ở bệnh viện. Ông Ruddock đã nói với đài truyền hình ABC rằng: "bất kỳ vụ án nào được xử lý chủ yếu qua truyền thông cũng đều là những vụ được giải quyết yếu kém, bởi vì bạn không bao giờ có thể xem xét được tất cả vật chứng một cách khách quan như bạn có thể làm khi cả 2 phe đều có thể thử thách chúng như họ làm trong phiên tòa".
Ông Ruddock đã từ chối phê bình việc Bộ trưởng Di trú Kevin Andrews nói rằng sự ra đi nhanh chóng của bác sĩ Haneef để rời khỏi Úc ngay sau khi ông được phóng thích đã làm gia tăng sự nghi ngờ của ông về viên bác sĩ này. Ông Ruddock nói: mọi người đều có sự suy luận khác nhau từ những hoàn cảnh chung quanh một hành động cụ thể nào đó và ông bộ trưởng đã có một sự suy luận riêng. Tôi không thể bình luận về việc này được.
Thủ hiến Steve Bracks từ nhiệm
Melbourne: Thủ hiến Steve Brack vừa xác nhận rằng ông đã từ nhiệm, một quyết định chủ yếu vì lý do gia đình. Hôm Thứ Sáu vừa qua, khi công bố quyết định ra đi của mình tại một cuộc họp báo chí, ông Bracks đã nói với các phóng viên rằng: "tôi vừa rời khỏi cuộc họp với các bộ trưởng trong nội các của tôi, nơi mà tôi thông báo cho họ biết là tôi quyết định từ nhiệm chức vụ thủ hiến, lãnh tụ lao động tại quốc hội cũng như là đại biểu đơn vị Williamstown". Ông xác nhận, việc từ nhiệm này một phần vì lý do gia đình nhưng không nói cụ thể. Khi trình bày chi tiết về những thành công của chính phủ của ông trong 8 năm qua, ông nói: bây giờ là thời điểm cần có một lãnh tụ mới.
Ông cho rằng ông cảm thấy không còn có thể dốc hết sức vào công việc được nữa, và rằng những sự kiện gần đây ở nhà đã giúp ông được rõ hơn trong quyết định ra đi của mình. Người con trai lớn nhất của ông là Nick vừa bị bắt và buộc tội lái xe trong khi say rượu (DUI) sau vụ đụng xe vào một buổi sáng sớm hôm đầu tháng. Ông Bracks, 52 tuổi đã kết hôn với bà Terry và là cha của 3 người con: Nick, Amy và Will. Bà Bracks đã ở bên cạnh ông trong cuộc gặp gỡ báo chí để nói rằng bà hoàn toàn tán thành quyết định của ông. Bà nói thêm: "thật là tốt, vì gia đình lại có ông. Một trong số nhiều việc ông sẽ phài làm bây giờ là học cách xử dụng máy vi tính".
Ông Bracks được sinh ra ở Ballarat, được bầu làm đại biểu cho khu vực Williamstown trong cuộc bầu cử phụ ngày 13 Tháng Tám 1994. Ông được chính thức bầu làm lãnh tụ đảng Lao Ðộng Victoria vào ngày 22 Tháng Ba 1999 thay thế John Brumby. Tám tháng sau ông trở thành Thủ hiến sau khi đánh bại Lãnh tụ Ðảng Tự do là Jeff Kennett trong cuộc bầu cử tại tiểu bang. Ðảng của ông thành lập chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ của 3 Nghị sĩ độc lập.
Trước khi trở thành Thủ hiến ông Bracks đã nắm giữ nhiều vị trí then chốt với tư cách bộ trưởng đối lập, bao gồm bộ ngân khố, tài chính, bộ lao động và nhân dụng. Phủ nhận kế hoạch xâm nhập vào chính trường liên bang ông Bracks nói rằng chính trị đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn nhưng ông đã quyết định rằng mình không còn có thể dấn thân trọn vẹn được nữa. Do đó ông đã quyết định làm lại cuộc sống mới bên ngoài lĩnh vực chính trị. Phát biểu tại hội nghị báo chí đông nghẹt người, ông nói rằng: "đối với tôi đây đúng là thời điểm để bước xuống". Ông nói rằng ông đã trao tất cả cho công việc lãnh đạo tiểu bang Victoria vĩ đại: "các bạn có thể tưởng tượng được rằng không có quyết định nào thuộc lĩnh vực này là dễ dàng cả. Do đó khi đã đến lúc mà bạn biết rằng mình không thể nào dấn thân trọn vẹn được nữa thì sự lựa chọn đã rõ ràng. Gần đây tôi đã có sự chọn lựa và bây giờ tôi định rời văn phòng để lập một cuộc sống mới bên ngoài lĩnh vực chính trị".
Ông Bracks cho biết một nhà lãnh đạo mới sẽ được lựa chọn trong một cuộc họp kín vào lúc 11 giờ sáng ngày Thứ Hai. Ông nói rằng ông sẽ có một phiếu trong cuộc họp nhưng ông không cần dấu giếm sự thật rằng ông tin là Bộ trưởng Ngân khố John Brumby sẽ là một nhà lãnh đạo xuất chúng của đảng Lao Ðộng. Ông Bracks nói là gia đình đã đóng góp một phần vào quyết định của ông. Hồi đầu tháng này, ông Bracks nói rằng trên cương vị làm cha, ông cảm thấy mắc phải sai lầm khi người con trai lớn nhất của ông là Nick, 20 tuổi bị cho là đã đụng chiếc xe của gia đình trong khi say rượu. Nick, mới có bằng lái tạm thời (P-plate) bị cáo buộc là có nồng độ rượu trong máu lên tới 0.129 khi chiếc xe tông vào một cái cây ở gần nhà tại Williamstown, phía nam Melbourne. Một ông Bracks bối rối và đau khổ đã nói với các phóng viên vào lúc con ông "ngu dại" chấm dứt một đêm uống rượu với bạn bè bằng cách lái chiếc xe hiệu Saab cũ của gia đình rằng: "Tôi cảm thấy, có lẽ là điều tệ hại nhất mà tôi cảm thấy,.... rất gần với điều tệ hại nhất mà tôi cảm thấy trong cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy vô vọng và vô dụng. Với tư cách là cha mẹ, bạn không thể không cảm thấy sai lầm".
Liên hệ tới gia đình, ông Bracks nói rằng những sự kiện trong các tuần lễ gần đây đã góp một phần vào quyết định của ông. Ông nói: "Sự thật là nó đã góp phần vào quyết định của tôi nhưng nó chỉ giúp tôi thêm xác quyết chứ không đặt ra hướng đi của tôi. Khi đã xác quyết là tôi có một quyết định phải lựa chọn và khi đã lựa chọn thì tôi phải giải thích một cách công khai". Ông Bracks cho biết nội các của ông đã chấn động khi ông thông báo cho họ biết ông từ nhiệm. Ông nói, các bộ trưởng trong nội các, những người đã cùng tôi phục vụ, họ thật là xuất chúng. Quý vị có thể tưởng tượng được rằng đó là thời điểm đầy cảm xúc trong nội các, tràn đầy cảm xúc. Dĩ nhiên là họ chấn động và sửng sốt nhưng họ hiểu rằng điều tôi quyết định là tốt cho tôi, tốt cho gia đình tôi và cũng tốt cho cả tương lai của đảng Lao động nữa.
Ông Bracks nói thêm rằng, các chứng cớ cũng cho thấy là có thể ông là lãnh tụ Lao động giỏi nhất mà tiểu bang đã có. Ông nói: "hãy nhìn xem, tôi là một người cống hiến vĩ đại trong một thời gian dài và tôi nghĩ rằng sự cống hiến của tôi có lẽ là tốt nhất mà đảng Lao Ðộng có được tại tiểu bang này. Tôi biết là tôi hơi tự kiêu. Ðây không phải là chuyện tôi thường làm nhưng tôi nghĩ rằng chứng cớ sẽ cho thấy điều đó là đúng. Tôi tin rằng tôi đã làm tốt được việc này trong khi cân bằng với những ưu tiên khác trong cuộc sống và tôi đã làm được nó một cách thành công. Tuy nhiên thời điểm sẽ tới khi bạn cần phải ra đi và tôi nghĩ bây giờ là đúng lúc".
Các điểm nóng về bệnh ung thư tại NSW được tiết lộ
Sydney: Bản thống kê về bệnh ung thư của tiểu bang đã tiết lộ rằng vùng phía nam Sydney, với tỉ lệ những người hút thuốc và uống rượu cao hơn các nơi khác, đang là trung tâm điểm của bệnh ung thư ở NSW. Các cư dân vùng phía Nam và nội thành Sydney có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn 30% so với những người sống tại Paramatta. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo rằng môi trường không phải là lý do gây bệnh mà chính là cung cách sống mà các cư dân lựa chọn. Khu vực dân cư thuộc về hội đồng hành chính địa phương phía Nam Sydney trước đây có mức độ ung thư phổi và gan cao hơn mức trung bình của tiểu bang rất nhiều. Các căn bệnh ung thư đầu và cổ ở đàn ông, phần lớn do hút thuốc, 34% cao hơn các nơi khác trên toàn tiểu bang. Các chuyên gia tin rằng việc uống rượu và xử dụng ma túy đang thịnh hành, là yếu tố chính dẫn tới bệnh Hepatitis B và C, và cả 2 loại này cũng đều là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư gan.
Hội đồng Ung thư NSW, nơi soạn thảo bản báo cáo đã theo dõi 21 vụ ung thư và các khu vực nơi chúng xảy ra. Giám đốc Ðiều hành, bác sĩ Andrew Penman nói rằng: "mức độ ung thư cao hơn có thể là do sự béo phì, hút thuốc, uống rượu hoặc nguồn gốc văn hóa. Nó không nhất thiết bắt nguồn từ các nguyên do địa lý".
Gần 150,000 người bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên toàn tiểu bang NSW từ giữa năm 1998 đến 2002. Các điểm nóng khác của bệnh ung thư là Armidale, Gosford, Hurstville, Wyong, Deniliquin và Goulburn. Ðàn ông ở các vùng ngoại ô NSW có nhiều nguy cơ bị ung thư ở đầu, cổ, gáy và phổi hơn vì mức độ hút thuốc và uống rượu cao hơn. Việc nhập cư của dân di trú từ các quốc gia Á châu cũng tạo sự gia tăng đột biến về bệnh ung thư gan. Bệnh này có thể bị gây ra do Hepatitis B và C vốn là những chứng "bệnh địa phương" ở các nước như Hong Kong, Việt Nam và các quốc gia hải đảo Thái bình Dương. Fairfield với hơn 100 sắc dân khác nhau là vùng có tỉ lệ ung thư gan cao nhất tiểu bang. Bác sĩ Penman nói:"Ung thư gan là căn bệnh gia tăng nhanh nhất tại NSW". Bản báo cáo cũng cho thấy ung thư tuyến giáp trạng cũng gia tăng đột ngột trong số phụ nữ tại một vài vùng ở Sydney.
Không thể giải thích nguyên nhân của sự gia tăng đáng báo động này, các chuyên gia hiện đang kêu gọi nghiên cứu thêm về căn bệnh. Kylene Sayer, nhân viên phục vụ ẩm thực 25 tuổi, bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp trạng từ 2 năm nay nói rằng, trước đây tôi chưa bao giờ nghe nói về bệnh ung thư tuyến giáp trạng. Tôi không uống rượu, không hút thuốc và gia đình tôi không có ai bị ung thư cả.
Các khu vực và thành phố ở NSW có tỉ lệ ung thư cao trên tổng số 21 loại bệnh ung thư ở đàn ông và phụ nữ là: South Sydney, Sydney, Armidale, Gos- ford, Hurstville, Wyong, Tweed, Goulburn, Deni- liquin.
Lo ngại về dịch ung thư lan tràn tại bệnh viện
Sydney: Hơn 2200 nữ nhân viên đã được đề nghị cho chiếu điện miễn phí như là một phần của cuộc điều tra về khả năng ung thư vú hàng loạt tại bệnh viện Concord. Bất cứ phụ nữ nào, từ bác sĩ đến y tá, nhân viên vệ sinh, hành chính và nhà bếp, lo ngại bị nhiễm bệnh đều sẽ được cho chiếu điện sau khi việc phát hiện một tỉ lệ bệnh ung thư vú cao khác thường tại ít nhất là 2 khoa trong bệnh viện đã làm dấy lên sự sợ hãi trong số nhân viên.
12 phụ nữ từ dịch vụ thực phẩm và 5 người từ khu dinh dưỡng và khu tâm thần gần đó, những người từng làm việc gần nhau đã được chẩn đoán mắc bệnh trong vòng 10 năm qua. Một vài người được biết là đã chết. Ðã có nỗ lực tìm xem có thêm bao nhiêu trường hợp đã xảy ra trong số các nữ nhân viên cũ, những người đã làm việc từ 1998 đến 2007 cũng như các nhân viên hiện tại. Bệnh viện khẳng định rằng họ không tin là các nữ nhân viên đang gặp nguy cơ mắc bệnh rất cao nhưng vẫn đồng ý cho những ai mong muốn được chiếu điện.
Gerard Hayes từ nghiệp đoàn Y tế nói với tờ báo The Sunday Telegraph rằng ông đang hỏi ý nhân viên để xem có bao nhiêu người muốn được chiếu điện. Ông nói, họ đang đối phó rất tốt với vấn nạn này và họ hiểu rằng đây là một tiến trình điều tra. Chúng tôi hiểu rằng cuộc điều tra sẽ được tiến hành càng chu đáo và nhanh chóng càng tốt. Ông Hayes cho biết, hồi tuần trước, Tổng Giám đốc Bệnh viện Danny O'Connor đã đồng ý cho tất cả các nữ nhân viên nào lo ngại bị mắc bệnh sẽ được chiếu điện nếu họ muốn.
Một nguồn tin trong bệnh viện nói với báo chí rằng các nữ nhân viên không hoảng hốt nhưng ban quản trị đã giải quyết sự việc này "rất nghiêm trọng". Một phát ngôn nhân của Dịch vụ Y tế vùng Tây nam Sydney đã xác nhận là bệnh viện sẽ cho chiếu điện tất cả các nhân viên nào mong muốn.
Bà nói: "Trong khi chúng tôi không tin rằng các nhân viên cần chiếu điện là những ai khác hơn những người hội đủ tiêu chuẩn được áp dụng trên toàn quốc về việc soi quang tuyến vú, thí dụ như ở trong lứa tuổi từ 50 đến 69. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chuẩn bị để cung ứng việc chiếu điện cho nhân viên, nhất là những người đang lo lắng là mình có thể bị mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy không có chứng cớ nào cho thấy có một sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tại bệnh viện Concord cả".
Hơi độc gây lo ngại cho sức khoẻ
Sydney: Khoảng 100 cư dân Sydney đã bị đặt vào tình trạng nguy hiểm vì hơi độc gây ung thư từ một nhà máy bào chế thuốc tây. Nhà máy này đã bị bắt phải đóng cửa bắt nguồn vì sự lo ngại này. Bộ Y tế NSW và Hội đồng Thành phố Pittwater đã phát động một cuộc điều tra về công ty Unomedical ở Mona Vale, nơi mà hơi độc ethylene oxide được thải ra có thể đã 5 năm nay. Việc này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi có thêm 12 phụ nữ làm việc tại Bệnh viện Concord bị khám phá mắc bệnh ung thư vú. Các giới chức y tế đã điều tra về việc có thể xảy ra ung thư hàng loạt tại bệnh viện này sau khi có 5 phụ nữ cùng làm việc tại bệnh viện đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ 1998 đến 2006. Hôm Thứ Sáu, các cư dân ở Wilmette Place, Mona Vale được gõ cửa báo động về mối lo ngại được khám phá một tuần trước đây.
Công ty Unomedical chuyên cung cấp các thiết bị y tế khử trùng cho các bệnh viện ở Úc và Tân Tây Lan đã thải khí ethylene oxide từ nhà máy ở mức độ được cho là có thể không an toàn cho cư dân các vùng lân cận. Các giới chức y tế nói rằng không có "nguy cơ tức thì" cho các cư dân nhưng không thể loại bỏ ra ngoài các tác động về lâu về dài. Ethylene Oxide được dùng để khử trùng các thiết bị y tế thí dụ như bông băng và các dụng cụ giải phẫu. Hít vào chất khí này ở mức độ cao có thể gây dị ứng da và các khó khăn về hô hấp. Một số nơi làm việc phải tiếp cận với hóa chất này ở mức độ cao và lâu dài đã cho thấy có liên hệ tới sự gia tăng ở một số loại ung thư. Chất khí này được thải ra từ khu vực khử trùng hiện đã được đóng cửa cho tới khi một ban điều tra y tế có thể khẳng định xem cư dân có bị ảnh hưởng hay không. Bác sĩ về y tế cộng đồng Michael Staff thuộc Dịch vụ Y tế Khu vực Northern Sydney / Central Coast nói rằng hãy còn quá sớm để loại bỏ việc liệu có thể có ảnh hưởng lâu dài hay không. Ông nói, chúng ta không mong đợi một mức độ nguy cơ cao. Nó có thể nguy hiểm nhưng chúng ta cũng không biết được điều gì chắc chắn. Cư dân không cần thiết phải làm gì ngay lúc này.
Công ty này đã hoạt động từ năm 2002 và đã được yêu cầu nâng cấp hệ thống thông hơi tại nhà máy. Các cuộc thử nghiệm tiếp sẽ được thực hiện vào tuần tới để kiểm soát cấp độ của hệ thống. Mức độ ethylene oxide không an toàn được khám phá sau khi Hội đồng thành phố, chịu trách nhiệm về việc làm luật hạn chế sự thải khí, yêu cầu xin một bản báo cáo về các hoạt động của công ty này. Ông Staff nói rằng vẫn còn sự lo lắng về các ảnh hưởng lâu dài. Chúng tôi không thể đưa ra một tuyên bố rõ ràng nào về các nguy cơ nếu có, cho tới khi nào chúng tôi nhận được thêm thông tin.
Unomedical tuyển dụng 170 nhân viên. Một số người hiện đang có nguy cơ mất việc khi nhà máy đóng cửa. Một phát ngôn nhân của công ty nói rằng phải mất 3 tháng để nâng cấp nhà máy. Ông nói, chúng tôi sẽ tuân thủ theo sự điều tra.
Chủ nhà lừa đảo người thuê nhà ở những chỗ bất hợp pháp
Sydney: Các chủ nhà lừa đảo đã lợi dụng sự khủng hoảng nhà cho thuê tại thành phố để lừa người ngoại quốc vào thuê những chỗ ở bất hợp pháp. Một cuộc điều tra của tờ báo The Sunday Telegraph đã tiết lộ là nhiều du khách nước ngoài đã bị nhồi nhét vào các căn phòng quá tải và bẩn thỉu, có thể đã vi phạm quy hoạch và luật lệ của chính quyền địa phương. Thị trường cho thuê bất động sản chợ đen, bao gồm các phòng ngủ được biến thành chỗ tạm trú và các căn nhà ngoại ô biến đổi thành nhà trọ được quảng cáo trên các tờ rơi (flyers) gắn vào các cột điện thoại hoặc trên mạng lưới internet.
Tại một căn phòng ở phố, phóng viên của tờ The Sunday Telegraph được cho thấy 8 cái giường ngủ được dồn vào 2 phòng. Ở một nơi khác, một phòng ngủ được hứa hẹn là còn trống hóa ra chẳng có gì khác hơn là một cái lều nhỏ đặt ở ngoài bao-lơn. Nhưng những người ngoại quốc ham thuê phòng giá rẻ không biết rằng họ có thể bị đuổi nếu chủ nhà bị bắt. Một người đàn ông cho thuê một căn hộ chung cư ở đường Liverpool Street trong khu vực thương mại thú nhận rằng: "điều tôi làm là hoàn toàn bất hợp pháp. Tôi là người đi thuê nhà. Tên tôi là người duy nhất trên hợp đồng, nhưng tôi đã cho thuê lại để kiếm tiền". Ông chỉ cho phóng viên thấy là ông đã biến đổi một phần của cái bao-lơn thành ra phòng ngủ thứ 3, có đặt cả giường ngủ. Ông nói đây là việc làm ăn mạo hiểm rất tốt, tôi lấy $125 đô-la mỗi tuần, mỗi người để kiếm lời. Tôi cũng làm như vậy với 3 bất động sản khác. Người chủ nhà thật sự không chú ý đến. Ông nói: "lần vừa rồi ông ta tới tôi đã dấu hết nệm ở căn phòng ngoài bao-lơn và ông ta không để ý".
Cách Croydon 10 cây số một căn nhà ngoại ô đã được biến đổi thành một nhà trọ bất hợp pháp làm nơi trú ngụ của 14 sinh viên người Hoa, mỗi người phải trả khoảng $100 mỗi tuần. Mỗi phân vuông chỗ trống đều được biến đổi thành phòng ngủ, với phòng "sunroom" và nhà để xe, tất cả đều dùng để chứa sinh viên. Những người ở trong căn nhà này chia nhau một cái bếp nhỏ, chỉ có 4 mặt bếp để nấu nướng và 2 phòng tắm. Khi các phóng viên tiếp xúc với chủ nhà, ông từ chối bình luận mà chỉ nói rằng đấy là chuyện riêng của ông, chẳng mắc mớ tới ai khác:"tại sao tôi không thể cho thuê nhà? Anh nói cho tôi biết tại sao?". Vụ bất động sản bất hợp pháp này đã được đưa ra bàn cãi tại Hội đồng Thành phố Ashfield, nơi đã yêu cầu căn nhà phải được biến đổi trở lại thành bất động sản 5 phòng như cũ. Ðây là một câu chuyện kinh khủng vang dội khắp Sydney.
Tay du lịch ba-lô Alistair Young 25 tuổi đến từ Manchester đáp ứng một quảng cáo gắn trên cột đèn đường, cho thuê một phòng đôi ở gần đường George Street. Anh ta đã điếng người khi được chỉ cho xem một cái lều dựng ở một bao-lơn ngoài trời. Anh nói, chủ nhà đòi $220 một tuần nhưng nó chỉ là một cái lều lớn có cái nệm đôi bỏ bên trong. Rồi ông chỉ cho tôi một giường ngủ khác trong phòng giặt. Con số các khiếu nại về nhà cho thuê đã tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2007. Các con số này cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm hồi năm ngoái. Văn phòng Công bằng Mậu dịch NSW đã nhận được 732 đơn khiếu nại trong vòng 6 tháng qua so với 431 trong cùng thời gian hồi năm ngoái. Trong khi đơn khiếu nại bao gồm cả từ chủ nhà lẫn người ở thuê, phần lớn là từ những người ở thuê. Bộ trưởng Bộ Công bằng Mậu dịch NSW, Linda Buney nói rằng ngày càng đông người Úc đi thuê nhà, vì thế, điều quan trọng sống còn cho cả người thuê lẫn chủ nhà là cần phải hiểu biết luật lệ.
$20 triệu đô la tài trợ cho nghệ thuật nhưng không có tác phẩm
ACT: Tối thiểu là $20 triệu đô-la đã được chi ra để tài trợ cho các nghệ sĩ Úc hoàn thành hàng trăm cuốn sách, kịch bản và trình tấu nhạc nhưng chưa bao giờ được hoàn thành hoặc trình diễn. Tuy thế, Hội đồng Nghệ thuật Úc đã từ chối nêu tên các thủ phạm và nói rằng họ đã bị trừng phạt đủ vì họ không bao giờ được xin tài trợ thêm nữa. Giám đốc điều hành việc phát triển nghệ thuật của Hội đồng, Ben Strout nói với tờ báo The Sunday Telegraph rằng, theo quan điểm của tôi, đây không phải là việc nêu tên hay bêu xấu mà là sự bảo vệ ngân khoản cộng đồng (trong tương lai). Ông Strout nói rằng sẽ là điều vô nghĩa khi cố gắng thu hồi số tiền các nghệ sĩ còn thiếu nợ ngân quỹ do tiền của những người đóng thuế đài thọ. Nhưng trong khi các nhà nghệ sĩ được miễn trả lại tiền thì các thành viên khác trong cộng đồng, những người nhận tiền trợ cấp tật nguyền, trợ cấp thất nghiệp,... cũng từ tiền thuế đóng góp lại bị phạt và bắt hoàn trả lại những khoản tiền nhận không đúng.
Việc tìm kiếm trong hồ sơ của Hội đồng Nghệ thuật Úc đã cho thấy có 552 cá nhân và tổ chức đã không hoàn thành công trình đúng thời hạn từ hồi Tháng Tư 2005. Trong khoảng thời gian này, tổng cộng $4.53 triệu đô đã biến thành mây khói với 248 kế hoạch không hoàn thành gì cả. Hàng trăm ngàn đô la khác đã bị mất qua các loại học bổng không xác định (unspecified), học bổng để khích lệ và "các sáng tạo của nghệ sĩ mới nổi" mà không thể giải thích được.
Các số liệu này báo cáo về điều được gọi là trợ cấp "không được hoàn thành" bao gồm $1.3 triệu cho các chương trình "visual arts" (hội họa, nhiếp ảnh,...), $720,233 dành cho trợ cấp văn học, $1.3 triệu cho các chương trình khác nhau về người Thổ dân, $440,018 cho âm nhạc, $511,810 cho kịch nghệ và $38,270 cho bộ môn múa.
Ông Strout nói rằng ông không biết rõ về con số chiết tính riêng của từng tiểu bang nhưng nói rằng có lẽ NSW có số tiền phung phí cao nhất vì đã cấp phát nhiều tài trợ nhất. Hội đồng Nghệ thuật Úc đã ngăn chặn sự tiết lộ các văn kiện này mỗi lần nó được đưa ra. Giám đốc điều hành Emma Murphy nói rằng sẽ là điều không đúng khi bêu xấu nghệ sĩ hoặc các tổ chức bằng cách nêu tên họ ra. Ông nói rằng nó có thể làm hại tới quyền xin tài trợ của họ. Lynne Short, Trưởng Văn phòng Pháp lý của Hội đồng Nghệ Thuật Úc nói rằng khoảng 7% con số những người & tổ chức nhận tài trợ đã không làm tròn nghĩa vụ một cách thỏa đáng.
Thiếu niên thứ ba bị buộc tội vì đâm chết người đàn ông 35 tuổi
Sydney: Một thiếu niên thứ ba đã bị buộc tội về vụ đâm chết một người đàn ông 35 tuổi, bị bệnh tự kỷ (autistic) ở vùng bờ biển phía bắc Sydney. Ông Gerard Fleming đã bị đâm đến chết tại một nhà vệ sinh công cộng gần khu buôn bán ở Narrabeen đêm 16 Tháng Sáu. Hôm Thứ Hai 30/7 vừa qua, một thiếu niên 17 tuổi ở Narrabeen đã bị buộc tội giấu giếm tội phạm nghiêm trọng. Thiếu niên này được chấp thuận cho tại ngoại có điều kiện để ra hầu tòa tại tòa án thiếu nhi Bidura vào ngày 29 Tháng Tám tới đây.
Hôm tuần trước, một thiếu niên 16 tuổi ở Collaroy đã phải ra tòa nhưng đã khai là vô tội trong vụ sát nhân ông Fleming. Thiếu niên này bị từ chối không cho tại ngoại. Một thiếu niên thứ hai, 16 tuổi từ Warriewood đã được cho phép tại ngoại sau một phiên tòa riêng hồi tuần trước. Thiếu niên này bị buộc tội về một tội danh đồng lõa giết người và một tội danh giấu giếm tội phạm nghiêm trọng.
Vào buổi chiều ngày Thứ Hai, các thám tử thuộc Ðội phụ trách các vụ án sát nhân tại trạm cảnh sát Dee Why đã buộc tội thiếu niên thứ ba liên can đến vụ này.
Cộng đồng người Iraq tại Sydney ăn mừng Cúp vô địch
Sydney: Cộng đồng người Iraq ở Sydney đã tràn ra đường để ăn mừng sau khi đội bóng của họ thắng giải vô địch Á Châu lần đầu tiên với chiến thắng 1-0 trước đội Ả-rập Saudi trong trận chung kết vào đêm Chủ Nhật vừa qua. Khu vực thương mại Fairfield đã trở thành nơi tập trung hàng ngàn ủng hộ viên bóng tròn Iraq ca hát, nhảy múa trên đường phố và bắn pháo bông sau chiến thắng này.
Sarmad Ravi, 21 tuổi nói: "chúng tôi chưa bao giờ được coi là một đội bóng lớn cả. Hy vọng chiến thắng này sẽ cho mọi người Iraq cơ hội để vượt qua mọi khác biệt để cùng nhau ăn mừng một chiến thắng. Chúng tôi đã trải qua chiến tranh và sự chiếm đóng nhưng cuối cùng, bây giờ chúng tôi đang cầm lá cờ Iraq với niềm vui sướng".
Thủ quân Iraq, Younis Mahmoud đã đội đầu đưa bóng vào lưới nhân một quả phạt góc ở phút thứ 71, tạo bàn thắng duy nhất cho cuộc so tài ác liệt ở trận chung kết toàn Ả-rập, đá bại nhà cựu vô địch 3 lần của giải này là Ả-rập Saudi. Trọng tài Úc, Mark Shield đã phải đưa ra 5 thẻ vàng trong suốt trận đấu cho cả 2 phía.
Hủy bỏ việc buộc tội Bs. Haneef vì "mắc sai lầm"
Canberra: Giám đốc Công tố viện Liên Bang (DPP) đã ngưng việc buộc tội khủng bố đối với viên bác sĩ gốc Ấn độ Mohamed Haneef, vì cho rằng, đã có những sai lầm trong tiến trình điều tra, thụ lý vụ án. Chiều Thứ Sáu vừa qua, Công tố viện Liên bang đã hủy bỏ việc buộc tội hỗ trợ tổ chức khủng bố của Tòa án Ðịa phương Brisbane. Quyết định này theo sau việc duyệt xét lại vụ án được thực hiện bởi Ủy viên Công tố Liên bang, Damian Bugg QC. Ông Alan MacSporran SC, thay mặt Công tố Viện Liên Bang (DPP) nói với Quan Tòa địa phương Wendy Cull rằng việc duyệt xét lại vụ án của Công tố viện Liên bang đã tìm thấy 2 điểm sai lầm. Vì vậy, giám đốc công tố đã quyết định huỷ bỏ vụ án.
Bác sĩ Haneef đã bị cho là hỗ trợ một tổ chức khủng bố trong âm mưu tấn công tại Anh bằng cách đưa thẻ sim điện thoại di động của mình cho một người bà con có liên can đến kế hoạch cho nổ bom bất thành tại trung tâm Luân Ðôn và phi trường Glasgow. Ông MacSporran nói rằng sai lầm đầu tiên của giới thẩm quyền Úc liên quan đến địa điểm của chiếc thẻ sim điện thoại, ban đầu đã khẳng định là được tìm thấy ở trong chiếc xe jeep bị cháy dùng trong cuộc tấn công khủng bố ở Glasgow. Tuy nhiên, sau đó chiếc thẻ sim này được biết là do người anh/em họ của bác sĩ Haneef cất giữ tại Liverpool, cách xa Glasgow hơn 300 cây số.
Sai lầm thứ hai liên quan đến sự khẳng định rằng Bác sĩ Haneef đã sống với người anh em họ của ông là Sabeel và Kafeel Ahmed tại nước Anh trước khi đến Úc. Kafeel Ahmed đã bị cho là lái chiếc xe jeep trong cuộc tấn công khủng bố ở Glasgow trong khi Sabeek Ahmed đã bị buộc tội giấu giếm thông tin liên quan tới hành vi khủng bố. Tại một cuộc họp báo chiều Thứ Sáu ông Bugg nói rằng việc cáo buộc và truy tố Bác sĩ Haneef được đình chỉ vì không có cơ sở để buộc tội. Ông Bugg nói tại Canberra rằng: "trong khi có thể suy luận từ vật chứng mà tôi có, tôi nhận thấy rằng nó không đủ mạnh để có thể loại bỏ các giả thuyết phù hợp với sự vô tội. Trong hoàn cảnh vụ án này tôi không tin rằng có thể tìm ra được các chứng cớ đủ tiêu chuẩn cần thiết để chứng minh cho sự việc". Ông nói: "Quan điểm của tôi về việc này là đã có sự sai lầm". Ông Bugg tuyên bố: "nghĩa vụ cao hơn của tôi trong cương vị Công tố viên của quốc gia này là bảo đảm rằng không để cho bất cứ ai bị kết án vi phạm luật pháp liên bang, ngoại trừ có viễn tượng chính đáng cho việc buộc tội người đó".
Ông Bugg nói rằng ông sẽ tiếp tục điều tra thêm tại sao sai lầm lại xảy ra nhưng vẫn tin rằng các biện pháp an toàn đúng mức đã được thực hiên. Ông nói: tôi đã ra quyết định này và sẽ tiếp tục điều ra xem tại sao sai lầm này đã xảy ra. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy thỏa mãn rằng nếu các biện pháp an toàn này đã được thực hiện hôm nay thì tôi cũng tin tưởng là chúng đã đầy đủ để tránh sai lầm có thể xảy ra. Tôi cần nhắm vào sự kiện này để quyết định xem điều gì đã xảy ra."
Tư lệnh cảnh sát Liên Bang (AFP) Mick Keelty nói AFP sẽ tiếp tục điều tra đối với các cuộc tấn cống khủng bố bất thành tại Anh. Cuộc điều tra sẽ được tiếp tục cho đến khi nào sự việc được chấm dứt trong sự quan tâm của người Úc và các cuộc điều tra còn lại của Anh đã được thực hiện. Ông cũng không gạt ra ngoài việc tiếp tục buộc tội Bác sĩ Haneef: "Nghĩa vụ của chúng tôi là bảo vệ cộng đồng Úc chống lại mọi sự đe dọa của khủng bố. Công tác hiện nay của chúng tôi là cùng với giới thẩm quyền Anh điều tra về một âm mưu tấn công khủng bố trong nước Anh. Bất cứ sự kiện nào hướng về phía Úc thì chúng tôi sẽ điều tra".
Ðược hỏi bởi có phải vụ án là sự thất bại hay không ông Keelty nói rằng: "Ðó là lời của bạn, không phải của tôi. Cuộc điều tra của cảnh sát đã diễn ra chu đáo, kỹ lưỡng, tôi không cần phải xin lỗi về việc này hay bất cứ về cuộc điều tra khủng bố nào trên đất nước này. Trong trường hợp này chúng tôi đã làm tốt công việc của chúng tôi, chúng tôi đã làm công việc của chúng tôi một cách chuyên nghiệp"
Bs. Mohamed Haneef: Chính phủ Úc khỏi cần xin lỗi tôi mà hãy xin lỗi nhân dân Úc!
Karnataka: Trong một cuộc họp báo ngay ở phi trường quốc tế tại Ấn Ðộ, bác sĩ Mohamed Haneef đã tuyên bố: "Bản thân tôi không cần chính phủ Úc xin lỗi. Nhưng tôi thấy chính phủ Úc cần phải xin lỗi nhân dân Úc". Lời tuyên bố của bác sĩ Mohamed Haneef thể hiện thái độ phản đối của ông đối với lời tuyên bố trước đó của thủ tướng John Howard, khi thủ tướng khẳng định, chính phủ Úc không cần phải xin lỗi bác sĩ Mohamed Haneef. Ngoại trưởng Alexander Downer còn có thái độ thẳng thừng, và có thể nói là sống sượng hơn, trước những câu hỏi đòi Úc phải xin lỗi bác sĩ Mohamed Haneef. Ngoại trưởng nói với phóng viên ký giả tại phi trường Sydney: "Tại sao quý vị lại muốn chính phủ Úc phải xin lỗi bác sĩ Haneef? Quý vị muốn chúng tôi phải làm gì? Bộ chúng tôi phải quỳ xuống, lậy lục người ta hay sao? Vừa phải thôi!"
Ngay khi đặt chân xuống phi trường quốc tế Ấn Ðộ, bác sĩ Mohamed Haneef đã được giới chức cao cấp tại tiểu bang Karnataka, Ấn Ðộ mời làm việc tại một bệnh viện công có tên tuổi và uy tín. Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp báo đầu tiên trên lãnh thổ Ấn Ðộ, bác sĩ Mohamed Haneef cho biết, ông muốn trở lại làm việc tại bệnh viện Gold Coast của Úc, và ông sẽ tranh đấu bằng mọi giá để hoàn thành ước nguyện này. Theo ông, chính phủ Úc phải trao lại visa nhập cảnh Úc cho ông. Ông sẽ thách thức chính phủ Úc khi chính phủ Úc có quyết định thu hồi visa của ông. Hay được tin này, phát ngôn viên của bệnh viện Gold Coast cũng tuyên bố, sẵn sàng mời bác sĩ Mohamed Haneef trở lại làm việc một khi ông có chiếu khán nhập cảnh Úc.
Dư luận truyền thông và chính giới tại Ấn Ðộ cho rằng, cách thức làm việc được mô tả là "luộm thuộm và bất cẩn" của chính phủ Úc qua việc vội vã bắt giữ, câu lưu rồi trục xuất bác sĩ Mohamed Haneef, đã xuất phát từ tư tưởng kỳ thị người Hồi giáo, tiềm ẩn một cách vô thức trong chính giới Úc. Trả lời câu hỏi, liệu bác sĩ Mohamed Haneef có phải là nạn nhân của sự kỳ thị Hồi giáo trong chính giới Úc hay không, ông đã gật đầu trả lời: "Ðiều đó có thể".
Ðược biết, bác sĩ Mohamed Haneef đã bị bắt ngày 2 tháng 7 tại phi trường Brisbane khi ông chuẩn bị đáp phi cơ trở lại Ấn Ðộ thăm vợ và con gái mới sanh. Lý do khiến ông bị bắt là trước đó mấy ngày, một người có họ hàng với ông bị bắt vì có liên quan đến một âm mưu khủng bố nhưng bất thành tại Anh. Trong quá trình lục soát và điều tra, cảnh sát Anh tịch thu được một SIM card dùng cho mobile phôn, được xác nhận là của bác sĩ Mohamed Haneef. Ðiều lầm lẫn là cảnh sát Anh không cho cảnh sát liên bang Úc biết rõ, SIM card đó đã được tìm thấy tại một địa điểm cách xa nơi quân khủng bố dự định đặc bom tới 300 cây số.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi chánh án toà án địa phương tại Brisbane đồng ý cho bác sĩ Mohamed Haneef được quyền tại ngoại, thì ngày 16 tháng 7, bộ trưởng di trú Úc, Kevin Andrews, hành xử quyền hạn của một bộ trưởng, công bố quyết định huỷ bỏ visa của bác sĩ Mohamed Haneef, để tiếp tục giam giữ ông.
Mặc dù sau đó, công tố viện liên bang nhận thấy không đủ yếu tố và bằng chứng để truy tố bác sĩ Mohamed Haneef nên đã huỷ bỏ việc truy tố ông, bộ trưởng di trú Kevin Andrews vẫn khăng khăng một mực bảo vệ quyết định thu hồi visa của bác sĩ Haneef.
Tối Thứ Ba, 31 tháng 7, bộ trưởng di trú Kevin Andrews đã tiết lộ, quyết định của ông vào ngày 16 tháng 7 đã dựa trên những tin tức đặc biệt do cảnh sát liên bang Úc cung cấp, trong đó có nội dung trò chuyện qua internet giữa bác sĩ Mohamed Haneef với người anh Shoaib tại Ấn Ðộ, trong cuộc nói chuyện đó hai người có đề cập đến người đàn ông, hiện bị cảnh sát Anh bắt giữ vì tình nghi là quân khủng bố.
Qua nội dung cuộc trò chuyện giữa hai người, bộ trưởng Kevin Andrews khẳng định có mấy điểm quan trọng. Thứ nhất, cả hai anh em bác sĩ Haneef và Shoaib có đều cập đến một dự án (project) liên quan đến nhân vật bị tình nghi là quân khủng bố tên là Kafeel Ahmed. Thứ hai, cả hai cùng bạn bạc về những lý do để bác sĩ Haneef có thể rời Úc một cách nhanh chóng. Thứ ba, có lúc Shoaib nói: "Còn về em thì họ chẳng tìm thấy được điều gì cả" (Nothing has been found out about you).
Bộ trưởng Kevin Andrews còn cho biết, Kafeel Ahmed, người có liên quan đến dự án đặt xe bom tại Glasgow, Anh quốc, đã cho bác sĩ Haneef mượn tiền; và bác sĩ Haneef còn có cuộc trò chuyện qua internet với một người khác tên là Sabeel Ahmed, cũng là kẻ bị tình nghi là quân khủng bố, đồng thời là người có họ hàng với bác sĩ Haneef.
Chính vì những yếu tố quan trọng trên, nên cảnh sát liên bang Úc đã cố vấn bộ trưởng Andrews huỷ bỏ vô thời hạn visa của bác sĩ Haneef.
=END=
9- Ðời Sống Quanh Ta
- Ðiều tra thủ phạm ngay tại hiện trường
Vũ Hải
(SGT)
Thoạt nhìn vào những gì có trên hiện trường, ai cũng nghĩ đó là một vụ tự sát. Trên giường là một xác người bất động. Giữa mặt là một lỗ đạn sâu hóm, ruồi vẫn còn bu đặc từng đám. Trên sàn nhà là một khẩu súng bắn đạn ghém. Khám nghiệm cho thấy tất cả những dấu tay để lại trên súng đều là của nạn nhân. Nếu nạn nhân không tự sát thì còn ai vào đây? Tuy nhiên dưới con mắt của cảnh sát, đó là một vụ án mạng mà thủ phạm có thể tìm thấy qua điều tra ngay tại hiện trường. Ðể có thể biết được cảnh sát làm cách nào phăng ra chân diện của hung thủ, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây của bạn Vũ Hải.
Cú điện thoại bất ngờ!
Khoảng một giờ sáng, chuông điện thoại tại đồn cảnh sát đột ngột reo vang. Bên kia đầu dây, giọng một người đàn bà vừa hoảng hốt, vừa mếu máo nói đứt quãng báo tin người đàn ông, bồ của cô vừa bị bắn chết.
Không đầy 10 phút đồng hồ sau, cảnh sát đã hiện diện tại nơi xảy ra tai nạn. Ðó là một căn nhà với hình dáng nghèo nàn tiều tụy dấu vết của sự túng thiếu, một dấu hiệu quen thuộc ở những nơi thường xảy ra tội phạm tại Hoa Kỳ.
Có mặt đầu tiên tại hiện trường là một số thám tử thuộc đội hình cảnh địa phương. Kế đó là hai thám tử thuộc đội hình cảnh thành phố Miami và một chuyên viên pháp y. Họ là những người có thể giảo nghiệm tử thi để phát hiện nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Ngay khi bước vào căn nhà nơi xảy ra tai nạn, người ta chú ý thấy chỗ nào cũng có những tấm thảm bằng lông thú trải trên sàn, hoặc treo trên tường ngổn ngang. Trong phòng ngủ, một chiếc water-bed rộng lớn choán gần hết căn phòng. Trên giường, mền gối vất ngổn ngang bên cạnh thi thể bất động của một người đàn ông râu ria xồm xoàn, hai chân buông thõng dưới sàn. Ngay giữa hai mắt nạn nhân là một lỗ đạn sâu hóm, máu đã khô nhưng ruồi kiến vẫn bu đầy chia nhau bữa tiệc đầy bất ngờ. Một mắt của nạn nhẫn vẫn mở trừng trừng trong trạng thái giận giữ xen lẫn ngạc nhiên. Mắt bên kia bị vỡ nát thành một mảng bầy nhầy vừa máu, xương, thịt da, óc tóc, trộn lẫn với tròng mắt trông thật ghê tởm...
Nạn nhân là ai?
Người đàn ông nằm bất động có một thân hình to lớn với chiều cao ngót hai thước. Khổ người đậm con. Da thịt chắc như thép nguội. Trang phục của nạn nhân giống hệt như mấy tay đi motorbike, quần jean xanh bó sát, áo ngắn tay màu đen, giầy đen cao cổ, thắt lưng da rắn to bản.
Trên chiếc bàn đầu giường nạn nhân có tấm hình nạn nhân đang cưỡi chiếc Harley Davidson. Bên cạnh tấm hình là một số bao plastic nhỏ trống trơn. Qua khám nghiệm, cảnh sát được biết, những bao đó có chứa bạch phiến. Trên bàn còn một số sách vở khiêu dâm, một dụng cụ dùng để hút cần sa cùng nhiều thứ vặt vãnh khác.
Ở nền nhà ngay cạnh cửa ra vào và cách chân nạn nhân không đầy gang tay là một khẩu súng bắn đạn ghém hiệu Smith & Wesson. Nòng súng còn sặc sụa mùi thuốc.
Cảnh sát biết được nạn nhân tên là Jack và người gọi điện thoại cho cảnh sát là Diane, bạn gái của nạn nhân.
Lời khai của nhân chứng
Theo lời khai của chính Diane thì Jack đang sống trong tâm trạng khủng hoảng vì đang chờ đợi ra tòa trả lời về những tội trạng liên quan đến việc buôn bán ma túy tại Miami.
Vì được tại ngoại nên Jack đã cùng bạn gái là Diane đến uống rượu tại quán Pine Tree. Tại đây, hai người có cãi lộn một hồi trước khi Jack bỏ về. Theo lời của Diane thì Jack có lớn tiếng đe dọa sẽ tự tử vì quá chán đời. Sau khi Jack bỏ về, Diane tiếp tục ở lại quán uống rượu một lúc rồi mới về theo.
Khi về đến nhà, Diane thấy Jack đang ngồi trên giường ôm súng, nét mặt buồn rười rượi. Trông thấy Diane, Jack nói y đang có ý định tự tử cho thoát nợ. Diane có khuyên can một vài lời rồi bỏ vào phòng tắm. Ngay khi đó, cô nghe tiếng súng nổ. Kinh hoàng, chạy vô, Diane thấy Jack đã nằm vật trên giường, khẩu súng rớt xuống sàn và trong phòng sặc sụa mùi thuốc súng. Lập tức Diane gọi điện thoại cho cảnh sát.
Tự sát hay bị giết
Thoạt nhìn quang cảnh hiện trường cảnh sát đều tin tưởng đây là một vụ tự sát. Nhưng theo sự nhận định của chuyên viên tư pháp là bác sĩ Alvarez thì có một số điểm nghi ngờ cần phải thẩm cứu trước khi kết luận.
Thứ nhất, phần lớn những người tự tử bằng súng bao giờ cũng dí miệng súng sát vào da thịt của mình trước khi bóp cò. Vì vậy, lỗ đạn khi viên đạn bắt đầu tiếp cận da thịt người tự tử, luôn luôn nhỏ, gọn. Trong trường hợp Jack, lỗ đạn tương đối lớn, chứng tỏ, nòng súng phải cách xa trán nạn nhân từ 15 cho đến 20 phân.
Thứ hai, trán, mũi và ngay cả môi của nạn nhân có nhiều vết khói súng còn ảm lại. Ðiều này càng chứng tỏ, nòng súng khi nhả đạn đã cách mặt nạn nhân một khoảng cách nhất định. Bằng không, hiện tượng ám khói súng nếu có, chỉ có thể tập trung trong một diện tích nhỏ chứ không thể loang to toàn khuôn mặt như trường hợp của Jack.
Qua cơ quan giảo nghiệm đạn đạo, cảnh sát ghi nhận viên đạn gây nên cái chết cho nạn nhân là một loại đạn ghém. Ðạn này bao gồm nhiều viên chì nhỏ xíu. Một khi viên đạn bắn ra khỏi nòng, những viên chì nhỏ xíu sẽ duy trì ở thể liên kết trong vài phần ngàn giây đồng hồ đầu tiên trước khi những viên chì bị khuyếch tán theo hình phễu. Nói như vậy có nghĩa, ở khoảng cách càng ngắn, vết đạn càng gọn. Trái lại, khoảng cách càng xa, vết đạn càng to.
Sau khi cảnh sát dùng đúng khẩu súng của nạn nhân bắn thử ở những khoảng cách khác nhau, người ta kết luận lỗ đạn số 2 chính là lỗ đạn giữa trán nạn nhân. Lỗ đạn này đã bắn ở khoảng cách từ 45 phân đến 70 phân.
Ðể có thể bắn được với khoảng cách như vậy, nạn nhân chỉ có cách ngồi kẹp súng vào đùi và dùng ngón chân ấn vào cò súng. Nhưng thi thể của nạn nhân với đôi giầy cao cổ còn nguyên vẹn ở chân chứng tỏ giả thuyết này phải được loại bỏ. Vả lại sau khi giải phẫu tử thi nạn nhân, người ta ghi nhận đường đạn đã đi từ phía bên phải sang phía bên trái và đi theo hướng dốc từ phía trên trán nạn nhân xuống phía dưới của ót nạn nhân. Ðường đạn đi nghiêng xuống như vậy được coi là bất bình thường vì xưa nay những người tự tử bằng súng dài như vậy đường đạn bao giờ cũng phải đi từ dưới lên trên.
Như vậy trong trường hợp của Jack chỉ có thể nạn nhân nâng súng cao hơn đầu mình một chút trước khi bóp cò. Có vậy, viên đạn mới có thể tạo nên một đường đi từ trên xuống dưới. Nhưng điều này quả là một sự vô lý vì với chiều dài của cánh tay nạn nhân, nạn nhân không thể nào giơ khẩu súng ở chiều cao như vậy mà lại có thể với tay để bóp cò. Nhất là khi phải duy trì miệng súng ở khoảng cách cách xa mặt từ 40 phân đến 70 phân, cộng với trọng lượng của khẩu khá nặng, sẽ là điều khó khăn để Jack có thể bóp cò tự sát. Ðiều quan trọng nữa, một người khi tự tử, chỉ chọn cách tự tử nào thật ngắn gọn, đơn giản, bảo đảm cho mình chết tức khắc, cho khỏi đau đớn, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện bầy trò, tự sát một cách quái gở, bất bình thường.
Nói tóm lại, cảnh sát đi đến mấy kết luận như sau. Thứ nhất, khẩu súng bắn vào sọ nạn nhân đúng là khẩu súng rớt trên sàn nhà. Thứ hai, đường đạn đi từ trên xuống dưới trong sọ nạn nhân chứng tỏ khi bắn, nòng súng ở vị thế cao hơn đầu nạn nhân. Thứ ba, khoảng cách từ miệng khẩu súng đến vị trí trúng đạn trên trán nạn nhân ít nhất là từ 45 phân đến 70 phân. Cộng tất cả những kết luận hoàn toàn khoa học trên, cảnh sát tin tưởng vết đạn trên trán nạn nhân không thể nào là một vết đạn hậu quả của tự tử mà chỉ có thể là hậu quả của một hành động giết người hoặc ngộ sát, hoặc cố sát, mà thủ phạm phải là một người khác.
Ai là thủ phạm?
Ngay khi đi đến giả thuyết nạn nhân đã bị giết chứ không phải tự tử, cảnh sát lập tức nghi ngờ lời khai của Diane. Nói cách khác, sự dối trá của Diane trong việc ngụy tạo Jack tự tử phải nhằm một mục đích nào đó, mà mục đích đầu tiên khiến cảnh sát nghi ngờ chính là để che đậy hành động giết người của thị. Lập tức, cảnh sát xin trát lệnh của tòa và bắt giam thị thẩm tra.
Trước những bằng chứng quá hiển nhiên, quá khoa học của vụ án, Diane đành thú nhận chính thị là thủ phạm bắn chết Jack. Theo lời khai của thị lần này, thì sau khi Jack bỏ rơi tại quán rượu, thị đã phẫn uất theo Jack về nhà. Tại nhà, cả hai tiếp tục cãi cọ một hồi nữa cho đến khi Diane tức giận xách súng chĩa vào Jack bóp cò. Khi đó, Jack đang ngồi trên giường còn Diane thì đang đứng cách khoảng hai thước.
Mặc dù trước tòa, luật sư của thị đã cố gắng bào chữa tội giết người của thị trên căn bản thị đang say rượu và không biết khẩu súng đã có đạn sẵn, quan tòa vẫn phán quyết một án tù 20 năm cấm cố cho thị.
=END=
********************************** |