VIETNAM NEWS
NETWORK (VNN)
P.O. Box 661162
Sacramento, CA 95866
Phone & Fax: 916-480-2724
Email: vnn@vnn-news.com
Website: www.vnn-news.com
**********************************
Bài Vở Hàng Ngày
Ngày 29 Tháng 08 Năm 2007
**********************************
1- Thời Sự Việt Nam
- Ðại Lễ Phật
Ðản LHQ Ở VN
Trần Khải
2- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Diễn văn của
Chủ Tịch
Ðảng Việt
Tân tại Ðại
Lễ Tưởng
Niệm 20 Năm
Anh Hùng Ðông Tiến, Nam California ngày 26-08-07
3- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Ðã đến lúc phải chấm dứt "Mục vụ xin tiền"
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
4- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Ai là người "đánh
lận con đen"
Minh Sơn
5- Câu Chuyện Kinh Tế
- Tại sao giá dầu thô sẽ tăng cao nữa?
Nguyễn Anh Tuấn
6- Câu Chuyện Ðiện Ảnh
- Hollywood
7 Ngày Qua
Natalie Nguyen
7- Truyện Ngắn Trong Nước
- Cỏ máu
Phạm Ngọc Tú
**********************************
1- Thời Sự Việt Nam
- Ðại Lễ Phật Ðản LHQ Ở VN
Trần Khải
(VNN)
Nơi đây bài này sẽ là phần dịch tóm lược một email viết bằng Anh Ngữ của Thượng Tọa Thích Quảng Ba từ Úc gửi cho nhiều cơ sở truyền thông quốc tế, truyền thông Phật Giáo và nhiều vị hoạt động trong các cộng đồng Phật Giáo. Hoàn cảnh Phật Giaó quê nhà ra sao? Nơi đây có thể cho thấy một phần toàn cảnh.
Cũng nên nhắc rằng, đài BBC đã phỏng vấn Thầy Thích Quảng Ba trong chương trình nghe được ở Quận Cam, California, sáng Thứ Hai, với nội dung tương
tự, nhưng sau đây sẽ chỉ tóm lược, dịch thoát ý, lại từ bản email khi in ra dài tới 11 trang chữ lớn.
Từ Thích Quảng Ba, Úc Châu.
Kính gửi các bạn hữu quốc tế
Xin ghi nhận rằng các lãnh tụ CSVN không cho phép [và họ cũng không hiểu biết về] tự do ngôn
luận, và tuyệt đối không có tự do tôn giáo nơi đó...
Tôi đã trình bày về hoàn cảnh này tới quý vị trong suốt ba năm làm việc với quý vị, đặc biệt tới Hòa Thượng Kosajan, Viện Trưởng Ðại Học MCU ở Bangkok khi tôi gặp Hòa Thượng tại Hội Nghị Phật Giaó Bangkok ở Ðaị Học Mahidol University các ngày 2 đến 5 tháng
8-2007.
Tôi cũng có thể xác nhận với quý vị rằng bây giờ là chính thức (Tòa Ðại Sứ VN đã gọi điện cho tôi vài ngày trước về việc họ từ chối cấp visa
cho tôi vào VN; họ không bao giờ trả lời tôi bằng văn bản) rằng tôi không được phép vào thăm VN, cho dù là tôi không sợ vào đó, nói và làm những việc mà lương
tâm Phật Giáo của tôi yêu cầu tôi, cho dù là như thế tôi có thể gặp cơ nguy bị bắt hay trục xuất... Tuần trước, tôi xin giấy vào VN để: (1) dự lễ tái thiết ngôi chùa tổ của tôi ở Bình Ðịnh dự kiến làm lễ tuần tới, (2) thăm quý tăng ni của Giaó Hội PG Việt Nam Thống Nhất, một giaó hội bị CSVN cấm hoạt động từ 1981, và quý tăng ni của Giáo Hội PGVN, một giaó hội được thành lập, được phép hoạt động, bị kiểm soát và coi thường bởi người CSVN.
Xin làm ơn ghi nhận rằng 99% tăng ni Giáo Hội PGVNTN trong 27 năm qua đã bị cưỡng bách gia nhập GHPGVN, và quý tăng ni không thể thoát ra và bác bỏ các sách nhiễu chính trị để đứng ngoaì lề, mà họ không thể nói công khai như thế, như chúng ta có thể nói và cả thế giới có thể nói...
Cho dù tôi là một thành viên Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế (IOC) trong 3 đại Lễ Phật Ðản Liên Hiệp Quốc vừa qua (đại diện cho Úc, tôi được mời vào chức vụ này bởi Sư Kosajan, Viện Trưởng MCU, người được bổ nhiệm bởi chính phủ Thái Lan và Giáo Hội PG Thái Lan để làm chủ tịch Ủy Ban Phật Ðản LHQ trong 4 năm 2004, 2005, 2006, 2007 và sẽ là chủ tịch danh dự, theo Hiến Chương,
của Ðại Lễ Phật Ðản Quốc Tế kế tiếp ở Hà Nội; việc chọn Hà Nội làm nơi Ðại Lễ Phật Ðản 2008 là một thỏa thuận đầy thiện chí giữa Thầy Lê Mạnh Thát và Sư Kosajan mà không có liên hệ nào giữa các
thành viên IOC không phải người Thái; Sư Kosajan biết rõ rằng thái độ của chính phủ CSVN khó tiên đoán nổi về Lễ Phật Ðản LHQ này, bất kể VN là nơi duy nhất xin tổ chức lễ mà không nước nào khác cạnh tranh, thế nên sư và IOC không còn lựa chọn nào
khác, vì chính phủ Thái sẽ không trợ giúp các Lễ Phật Ðản LHQ khác tại Bangkok sau 2007) và tôi đã đóng góp nhiều cho sự thành
công của 3 đại lễ và hội nghị vừa qua ở Bangkok, nhưng tôi nghi ngờ là chính phủ CSVN sẽ cấp visa cho tôi vào đó cùng với hơn 40
thành viên của quý vị từ khắp toàn cầu vào thực hiện nhiệm vụ của chúng ta như thành viên của Ủy Ban Lễ Phật Ðản Quốc Tế IOC cho lễ năm 2008.
Lý do là vì vai trò khác của tôi trong Văn Phòng 2 Viện Hóa Ðạo
GHPGVNTN, chức Phó Hội Chủ GHPGVNTN tại Úc-Tân Tây Lan, cũng như lập trường của tôi và việc làm của tôi từ khi tới Úc năm 1983 về vấn đề nhân quyền tại VN, tất cả đều được Hà Nội biết rõ...
Ai, như thế nào, để làm gì và những gì có thể nói được và làm được cho Ðaị Lễ Phật Ðản LHQ 2008 tại Việt Nam, ít nhất là từ Úc, là những điều rất đáng quan tâm. Ðã có hơn 30 thành viên phái đoàn từ Úc sang
dự Ðaị Lễ Phật Ðản LHQ 2007 tại Bangkok, gồm cả các tăng ni từ mọi khuynh hướng Phật Giáo ở Úc...
Chính phủ Hà Nội dự kiến sẽ xài vài triệu đô la cho Lễ Phật Ðản LHQ sang năm, sẽ có cho phép tự do ngôn luận (cho dù chỉ trong) tại hội nghị quốc tế này hay không? Chúng ta không đoán nổi.
Ðể trả lời những câu hỏi mà tôi được hỏi vài trăm lần trong 3 tháng qua là tôi có sẽ vào VN để dự Lễ Phật Ðản LHQ hay không (tôi cũng đã tham khảo với vị lãnh đạo của tôi, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ; ngài tất nhiên từ chối bình luận vì Ðại Lễ này sẽ được tổ chức bởi Ủy Ban IOC, chủ tọa bởi Giáo Sư Lê Mạnh Thát; các thành viên GHPGVNTN có thể sẽ không
liên hệ tới).
Tôi đã nói liên tục rằng: Tôi sẽ chờ và xem. Tôi sẽ chỉ vào VN dự lễ với tư cách thành viên IOC và 1 lãnh đạo của cộng đồng Phật Giaó Úc Châu với đầy đủ tự do và chỉ vì việc hoằng pháp.
Tôi sẽ không xem xét để vào dự lễ nếu tôi tin rằng lễ này bị vận dụng một cách chính trị bởi tuyên truyền cộng sản, đặc biệt nếu tôi không thấy các vị lãnh đạo GHPGVNTN của tôi được trang trọng thỉnh mời, và một cách hợp pháp, một cách công khai và một cách bình đẳng đại diện GHPGVNTN trong Ðại Lễ Phật Ðản LHQ 2008....
Tôi không bao giờ mất niềm tin vào một nước VN tốt đẹp hơn với các pháp hữu làm việc tận tụy của tôi, già và trẻ, trong và ngoài VN, và tôi. Việt Nam luôn trong trái
tim và tâm thức của tôi, tôi chưa bao giờ rời xa quê hương tôi....(hết phần dịch).
Người dịch cũng cần ghi chú: rằng đây chỉ là bản dịch sơ lược. Nhưng hy vọng là đã mang được tấm lòng của Thầy Thích Quảng Ba. Người viết cũng tự ý dịch khẩn cấp, mà chưa xin phép Thầy Quảng Ba, vì thấy bản văn đã phổ biến quá rộng, và vì vai trò của Thầy quá lớn tại Úc, đặc biệt là kể cả cương vị thành viên Ủy Ban Tổ Chức Ðaị Lễ Phật Ðản LHQ nhiều năm qua.
=END=
2- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Diễn văn của Chủ Tịch Ðảng Việt Tân tại Ðại Lễ Tưởng Niệm 20 Năm Anh Hùng Ðông Tiến, Nam California ngày 26-08-07
Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần,
Kính thưa quý vị đại diện cộng đồng và các đoàn thể,
Kính thưa toàn thể quý vị,
Ngày 30 tháng 04 năm 1975, toàn thể đất nước Việt Nam rơi vào sự thống trị bạo tàn của đảng cộng sản Việt Nam. Hàng triệu người dân Việt cũng như hàng trăm ngàn gia đình đã hứng chịu không biết bao nhiêu là mất mát, đỗ vỡ qua biến cố tang thương đó. Ngay cả ở miền Bắc, khi tiếp cận với thực trạng tại miền Nam, nhiều người đã tỉnh mộng và hiểu ra rằng mình đã bị đảng cộng sản lừa gạt từ bao năm qua. Ngoài ra, hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi trong cảnh tuyệt vọng cùng cực. Trong lịch sử cận đại của nước nhà, có lẽ chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại lâm vào cảnh khốn cùng như vậy không phải do ngoại xâm, mà chính từ tham vọng quyền lực của thành phần lãnh đạo đảng cộng sản.
Nhưng dù trong tình trạng tan nát và tuyệt vọng như vậy, dù tâm
lý của đại đa số quần chúng lúc đó là hoang mang và buông xuôi, đã có những con người can đảm đứng lên tiếp tục đấu tranh để giải phóng đất nước khỏi ách độc tài. Ngay tại quê hương, rất nhiều người đã không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu chống lại sự thống trị của bộ máy bạo lực cộng sản. Tại hải ngoại, khi vừa đặt chân đến bến tự do, rất nhiều người đã lập tức bắt tay vào việc gây dựng lực lượng để tìm cách giải thoát dân tộc và xây dựng dân chủ.
Trong khung cảnh đó, ngay từ năm 1976, Tướng Hoàng Cơ Minh đã cùng với một số chiến hữu nỗ lực tìm kiếm những người đồng chí hướng, kết tụ thành một lực lượng đấu tranh để mưu đồ việc giải phóng dân tộc. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam ra đời vào năm 1980 là kết quả của việc kết hợp giữa các lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước để thống nhất chỉ huy, thống nhất đường lối và chủ trương. Tướng Hoàng Cơ Minh được đề cử vào trách vụ Chủ tịch Mặt Trận lúc ông 45 tuổi. Hai năm sau, để xây dựng nội lực nuôi dưỡng công cuộc đấu tranh lâu dài, ông đã cùng với một số các chiến hữu sáng lập ra Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng vào tháng 9 năm 1982. Một lần nữa ông được đề cử làm Chủ tịch đảng để lãnh đạo Ðảng Việt Tân trong công cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc và canh tân đất nước.
Những nỗ lực hoạt động của ông cũng như của một số những phong trào đấu tranh khác vào thời điểm đó đã đóng góp
vô cùng to lớn cho việc vực dậy tinh thần đấu tranh của người dân Việt Nam. Chính trong
hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng mà vẫn có những con người dám đứng lên giương cao ngọn cờ chính nghĩa dân tộc, khiến mọi người như vượt thoát qua cơn khủng hoảng để mạnh dạn nhìn vào tương lai. Chính hiện tượng này đã tạo ra một chấn động tâm lý quan trọng, và góp phần rất lớn xây dựng nền tảng cho công cuộc đấu tranh trường kỳ vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay.
Giai đoạn 5 năm sau đó từ 1982 đến 1987 đánh dấu một thời kỳ vô cùng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Khó khăn vì cả nền tảng của công cuộc đấu tranh đã phải xây dựng từ đầu trong hoàn cảnh thiếu thốn, hoàn toàn dựa vào sức của chính
dân tộc Việt Nam làm căn bản. Phức tạp là với những sự nghi kỵ, tấn công và chụp mũ từ nhiều phía lại làm khó khăn thêm chồng chất. Và nguy hiểm vì môi trường hoạt động thường xuyên bị đe dọa bởi quân đội cộng sản chưa kể đến những rủi ro khác của rừng sâu, nước độc.
Dầu khó khăn vô vàn nhưng Tướng Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu đã không sờn lòng, nỗ lực bắt tay với những lực lượng đang đấu tranh tại quốc nội, đồng thời đưa cán bộ Việt Tân về hoạt động trong nước để xây dựng hạ tầng cơ sở và phát
triển nhân sự. Giai đoạn lịch sử này đã thường được gọi là giai đoạn Ðông Tiến, đi về hướng đông, hướng mặt trời mọc để tìm về quê hương.
Tháng 7 năm 1987, lượng định rằng sự hiện diện tại quốc nội của ông và bộ phận lãnh đạo Việt Tân là điều cần thiết trước những biến chuyển của tình hình thế giới, Tướng Hoàng Cơ Minh đã cùng với một số cán bộ rời hậu cứ trên đất Lào để tiến về quê hương. Nhưng chuyến đi này lại là định mệnh. Ngày 28 tháng 8 năm 1987, sau hơn 45 ngày
chiến đấu anh dũng trên đoạn đường Ðông Tiến, Tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu thân cận nhất đã hy sinh cho đất nước, cho lý tưởng tự do khi chỉ còn cách quê hương Việt Nam có vài chục cây số.
Có ai biết được Tướng Hoàng Cơ Minh đã nghĩ gì khi ông tự kết liễu đời mình thay vì chấp nhận rơi vào tay kẻ thù. Ðối với ông có lẽ thân làm tướng thì cái chết trên chiến trường, giữa ba quân là vinh dự sau cùng ông tự dành cho
bản thân. Với cái chết oai hùng đó, Tướng Hoàng Cơ Minh đã trở thành vị tướng lãnh duy nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa anh dũng hy sinh trên chiến trường sau năm 1975. Và còn bao nhiêu chiến hữu khác của ông, kẻ tử trận, người tự sát trong đêm tối cùng vị Chủ Tịch của mình giữa tiếng súng vang dội.
Có ai biết được trên con đường Ðông Tiến suốt thập niên 80, cho đến những cuộc ruồng bắt tại cao nguyên hay miền hậu giang của thập niên
90, bao nhiêu đảng viên Việt Tân đã âm thầm hy sinh cho tổ quốc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử 25 năm vừa qua, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam và Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng đã cống hiến cho Tổ quốc và Dân
tộc hàng trăm đảng viên can đảm và kiên cường, sẵn sàng tranh đấu trong mọi hoàn cảnh với quyết tâm: Một là giải phóng tổ quốc Việt Nam, hai là được anh dũng hy sinh
cho đại cuộc giải phóng tổ quốc. Họ là những dũng sĩ của thời cận đại đã cống hiến cuộc đời, hạnh phúc bản thân, và cuối cùng là xương máu cho dân tộc. Và ngày hôm nay ngay trong căn phòng này, cũng còn những người đã hơn một lần đối diện cái chết trên con đường Ðông Tiến, cũng còn những người đã từng chịu đựng nhiều năm dài trong ngục tù cộng sản chỉ vì khát vọng tự do của dân tộc.
Ðã có quá nhiều người ra đi. Ðã có quá nhiều mất mát trong âm thầm.
Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại và ghi
nhận sự hy sinh to lớn của những con người anh hùng đó. Hãy gạt qua một bên họ thuộc đảng này hay tổ chức nọ. Hãy nhìn họ như những người dân Việt Nam biết yêu thương
dân tộc, sẵn sàng hy sinh tất cả để đánh đổi lấy hạnh phúc cho toàn dân. Hãy nhìn vào sự hy sinh
cao cả của họ để công nhận rằng họ là những người yêu thương tổ quốc Việt Nam vô bờ bến để chọn xả thân, đem cái chết của chính mình để trả nợ non sông. Hãy đặt họ vào vị trí xứng đáng trong dòng lịch sử dân tộc.
Kính thưa quý vị,
Ðã 20 năm trôi qua, ngày hôm nay công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ thật sự vẫn còn đang tiếp diễn nhưng với sự tham gia của nhiều thế hệ đảng viên Việt Tân mới bên cạnh lớp người đi trước vẫn còn đang miệt mài với vận mạng của đất nước. Ðối với chúng
tôi, tấm gương anh hùng và lòng yêu thương dân tộc của cố Chủ tịch Hoàng
Cơ Minh và những chiến hữu tiên phong đã góp phần tạo nên truyền thống và sức mạnh của Ðảng Việt Tân. Ðó là truyền thống luôn luôn đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết và kiên trì đấu tranh dù có khó khăn vô vàn. Và sức mạnh có được là của niềm tin, của kỷ luật tự giác, và của sự trong sáng trong tâm của mỗi người đảng viên.
Nhưng để cho Mặt Trận và đảng Việt Tân vượt qua tất cả những giai đoạn khó khăn, chúng tôi không thể không bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa đến các thân hữu và thân nhân của các Kháng Chiến Quân và đoàn viên Mặt Trận. Chính quý vị là những ân nhân của Kháng chiến Việt Nam. Chính vì sự yểm trợ miệt mài và cao quý trong suốt hai thập niên
qua, quý vị đã giúp cho những chiến hữu tiên phong của chúng tôi can đảm bước đi trên con đường Ðông Tiến và giúp cho các đảng viên Việt Tân an lòng, hướng về phía trước và kiên trì đấu tranh. Hôm nay, trong buổi lễ tưởng niệm này, chúng tôi, những người còn đang tiếp nối con đường đấu tranh của cố Chủ tịch Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu tiên phong, xin được bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Ðảng trước những đóng góp và yểm trợ cao quý của quý vị thân hữu khắp mọi nơi trên thế giới, của thân nhân các Kháng Chiến Quân và đoàn viên
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.
Chúng tôi nguyện sẽ không bao giờ để cho những sự hy sinh to lớn đó bị uổng phí. Ðảng Việt Tân sẽ luôn luôn là một tập hợp của những con người sẵn sàng sống trọn vẹn với hoài bão san bằng bất công và khổ đau trên quê hương Việt Nam. Hình ảnh của cố Chủ tịch Hoàng
Cơ Minh và những chiến hữu đã nằm xuống sẽ không bao giờ phai nhạt với những lớp đảng viên Việt Tân tiếp nối, và mong rằng các thế hệ Việt Nam mai sau cũng sẽ không bao giờ quên những người hào kiệt đã quên mình chính vì tương lai của những lớp người đi sau.
Xin chân thành cảm tạ quý vị và xin kính chào quý vị.
Ðỗ Hoàng Ðiềm
* Chủ tịch Ðảng Việt Tân, ông Ðỗ Hoàng Ðiềm, đang đọc diễn văn trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm Anh Hùng Ðông Tiến.
=END=
3- Diễn Ðàn Hải Ngoại
- Ðã đến lúc phải chấm dứt "Mục vụ xin tiền"
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
Vấn đề các vị Hồng Y, Giám mục, Linh mục và Tu sĩ trong nước ra hải ngoại xin tiền từ nhiều năm qua, đã đến lúc phải được đưa ra thảo luận và phân tích một cách công khai. Nhất là gần đây, nhiều việc đáng tiếc đã xảy ra
trong các tiệc gây quỹ của một số Giám mục.
Vào thời điểm cận ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 2007, trường hợp Giám mục Nguyễn Văn Hoà - Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cùng một vài vị Giám Mục sang viếng thăm Hoa Kỳ, trong một buổi tiệc mừng gây quỹ đã bị một số giáo dân
tại Quận Cam xuống đường biểu tình phản đối. Cách nay vài ngày, một bức thư ngỏ của Ông Lý
Văn Hợp gởi Ðức Cha Mai Thanh Lương và Cha Mai Khải Hoàn được công bố trên diễn đàn điện tử, kể lại ông tới tham dự bữa tiệc tại nhà hàng Seafood World ở thành phố Westminster Nam California vào ngày 19 tháng 8: "Các giáo dân đến tham dự với mục đích nghe Ðức Cha Tri nói chuyện và quyên góp tiền bạc để gây quỹ". Trong thư ngỏ đó, ông Hợp có than
phiền rằng khi ông lên cầm micro xin hỏi vị Giám mục chủ tọa:"Xin Ðức cha cho biết, VN có tự do tôn giáo không?" thì bị một số người la ó, giật micro và:"Người xiết tay, kẻ xốc nách, xô đẩy và lôi ra khỏi nhà hàng". Tôi chỉ nêu lên
trường hợp Ðức Cha Châu Ngọc Tri với sự dè dặt thường lệ và trích dẫn một vài câu trong Thư Ngỏ của Ông Lý Văn Hợp mà không có lời bình luận nào, vì tôi chưa biết hết sự thật và bối cảnh xảy ra câu chuyện. Tuy nhiên, tôi coi đây là một việc đáng tiếc.
Nếu hai sự kiện trên chưa đủ mạnh để phải đặt lại vấn đề "mục vụ xin tiền", có lẽ tôi phải nhắc tới bản tin mới đây từ VietCatholic đăng tải:"LM Phanxicô Xaviê Nguyễn Ðức Quỳnh dùng giấy giới thiệu giả mạo đang quyên tiền tại Hoa Kỳ". Bản tin cho
biết đương sự nói là xin tiền để "Xây một một trung tâm cho các linh mục tàn tật ở Việt Nam." Bản thân LM
Quỳnh cũng bị tàn tật, ngồi xe lăn đi xin tiền nên càng được nhiều người thương. Cũng may là hành vi bất chính đó bị phát hiện sớm và LM Quỳnh đã phải hoàn lại số tiền $ 6,000 mỹ kim...
chờ Bề trên quyết định.
Giọt Nước Làm Tràn Ly
Trong bài viết này, tôi không có ý đi sâu vào chi tiết các sự việc nói trên, nhưng tôi coi những sự việc đó như là một giọt nước cuối cùng, làm tràn ly nước vốn đã đầy trong lòng tôi, trước cảnh hỗn loạn của đạo quân nhiều màu sắc trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ trong nước ra quyên tiền đồng bào Hải ngoại. Thậm chí có người đã bày trò giả mạo, lường gạt để kiếm ăn.
Thật vậy, hiện tượng các chức sắc các cấp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ra hải ngoại xin tiền từ lâu nay, đã trở thành một đề tài đàm tiếu cho nhiều người nhiều giới. Dù vậy, phần đông chỉ than phiền và đề cập tới những điều chướng tai gai mắt hoặc nói cho qua chuyện rồi lãng quên. Thậm chí như việc giáo dân Quận Cam xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ, bắt loa kêu gọi ầm ĩ phản đối Giám mục Nguyễn Chí Linh thuộc Giáo Phận Thanh Hóa tại bữa tiệc gây quỹ, đã làm dư luận chú ý một thời gian, rồi mọi việc lại chìm vào quên lãng.
Có thể nói, vấn đề này như một thứ ung nhọt gây ra nhức nhối trong thân thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đã mang đến không biết bao nhiêu lời bàn ra tán vào. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề, có nhiều người đã dùng cách xoa dầu cao lên nó, có người đã dùng thuốc dán để chặn không cho nó xì mủ ra. Các cách chữa trị đó chỉ có tác dụng làm giảm đau nhưng không thể chặn đứng được sự phát triển của khối ung nhọt. Chưa thấy một người nào đưa vấn đề này ra phân tách, tìm hiểu một cách công khai và đưa ra lời kết luận hợp tình hợp lý cho sự việc. Có người nghĩ rằng, vấn đề này rất tế nhị, nếu nói lên sẽ bị đụng chạm và bị kết án là chống phá Giáo Hội xét vì mục đích việc xin tiền rất cao cả, nào là xây sửa nhà thờ, làm quỹ hưu dưỡng cho các cha già, giúp trẻ em mồ côi...Và gần đây nhất là vị LM tàn tật Phanxicô Xaviê Nguyễn Ðức Quỳnh quyên tiền có mục đích xây một "Trung tâm cho các linh mục tàn tật ở Việt Nam". Có ai dám lên tiếng phản đối việc "mục vụ xin tiền" cho các mục đích quá sức thánh thiện như thế, nếu không khéo bị cho là "kẻ chống phá Giáo Hội"?
Có người cảm thấy việc xin tiền này không ổn, nhưng ngại không dám đặt vấn đề vì thấy chiến dịch "mục vụ xin tiền" quá quy mô, có sự góp mặt rất tích cực của Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Tu sĩ, nói chung là "bộ phận đầu não" của Giáo hội Công Giáo Việt Nam hiện nay đang tham gia vào chiến dịch này. Ai dám lên tiếng? Người Công giáo Việt Nam thường có câu nói: "Chống Cha là chống Chúa". Như vậy, nếu có một người nào dám nói hoặc viết điều gì đụng chạm tới Hồng Y, Giám mục thì sẽ bị mang tội nặng đến mức nào, chắc chắn bị cho là "kẻ phá đạo" và...xuống hỏa ngục đời đời!
Bài Học Lịch Sử
Quan niệm đó đã làm tê liệt ý chí của người Công giáo, dung dưỡng cho bao nhiêu thứ sai lầm và tội lỗi xảy ra trong Giáo hội. Tôi nghĩ là còn lâu lắm người Công giáo Việt Nam mới học được bài học về Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus ở Ba Lan. Trong quá khứ, vị Tổng Giám mục này có thành tích làm tay sai cho mật vụ Cộng sản Ba Lan, đã chỉ điểm và báo cáo hãm hại nhiều giáo sĩ chống Cộng sản. Dân chúng biết nhưng không ai dám phản đối vì sợ bị tội "Chống Cha là chống Chúa", cho đến lúc Tổng Giám mục Wielgus được Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nâng lên chức vụ cao trọng nhất của Giáo Hội Ba Lan, là chức vụ Tổng Giám Mục Warsaw. Sự bổ nhiệm này đã gây ra làn sóng chống đối mạnh mẽ trong những người biết chuyện, nhưng Giáo Hoàng vẫn giữ nguyên quyết định của mình.
Trời bất dung gian! Ngay trong ngày lễ nhậm chức rất long trọng tại nhà thờ Chánh
Toà Warsaw vào ngày 7 tháng Giêng, 2007, bên ngoài nhà thờ có số đông biểu tình phản đối ầm ĩ. Chỉ một gìờ trước khi nhậm chức, người ta đã trưng ra bằng chứng cụ thể với lá thơ Tổng Giám mục Wielgus đã ký tên tình nguyện làm điềm chỉ viên cho mật vụ Cộng sản Ba Lan, tiếng bình dân gọi vai trò này là "chó săn". Do vậy,
Wielgus đã phải cúi đầu khóc lóc một cách nhục nhã giữa nhà thờ trước mặt các chức sắc cao cấp nhất của đạo và đời hiện diện trong buổi lễ nhậm chức, kể cả Tổng thống Ba Lan, và dĩ nhiên là trước các ống kính truyền hình phát đi trên toàn thế giới. Một phút trước đó, Tổng Giám mục Wielgus đã chuẩn bị bước lên đài vinh quang như là vị Thiên Thần đại diện Thiên Chúa. Nhưng một phút
sau đó, thì con người mang tên Wielgus trong bộ phẩm phục Tổng Giám Mục, bước xuống trong nhục nhã và hiện nguyên hình là một tên "chó săn" của mật vụ Cộng sản Ba Lan! Tôi có viết một bài về sự kiện này vào
ngày 10 tháng Giêng 2007. Hôm nay, tôi muốn nhắc lại để kết luận rằng, dù Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục, Linh mục hay Tu
sĩ, họ cũng chỉ là những con người, mà đã là con người thì ai cũng có thể sai lầm được.
Xác Ðịnh Tên Gọi
Nói như thế không có nghĩa bao gồm tất cả mọi chức sắc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được phép ra nước ngoài đều là đi xin tiền, nhưng có một số chỉ vì nhằm mục đích này. Người ta tìm cách thay thế việc xin tiền bằng lối nói văn hoa dễ nghe hơn như: kêu gọi đóng góp,
vận động tài chánh. Về sau này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy việc ra nước ngoài xin tiền đã được nâng cấp với hai chữ "mục vụ" đi kèm theo, tôi thấy hai chữ mục vụ dùng ở đây là không ổn.
Dù sao tôi cũng là một linh mục, tôi hiểu ý nghĩa của hai chữ "mục vụ". Nói một cách dễ hiểu, mục vụ là việc các vị chủ chăn thăm viếng và chăm sóc đoàn chiên, nhất là những con chiên ốm đau, bệnh tật và túng nghèo, lo lắng giúp đỡ cho họ, nhất là về mặt tinh thần. Hồi còn nhỏ tôi làm "mục đồng" tức là thằng bé chăn trâu, vì gia đình tôi làm nghề nông. Trong vai trò mục đồng tôi chăn giữ đàn trâu 7 con của gia đình, ban ngày tôi lùa trâu cho ăn nơi có nhiều cỏ, buổi chiều tôi tắm rửa kỳ cọ cho đàn trâu
trước khi lùa vào chuồng. Khi lớn lên làm linh mục, thi hành mục vụ trong phạm vi được giao phó, thăm viếng, an ủi giúp đỡ giáo dân về mặt tinh thần và cố gắng giúp họ những gì tôi có thể làm được trong vai trò một linh mục. Trong 37 năm của đời Linh mục, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều trong công tác mục vụ, ý nghĩa nhất là trong thời gian dài tôi làm mục vụ trong nhà tù Cộng sản. Hiểu như vậy, nên
tôi không yên tâm khi các vị chủ chăn trong nước ra hải ngoại xin tiền lại kèm theo hai chữ "mục vụ". Ðây là trường hợp lạm dụng danh từ.
Trong thực tế, Cộng đồng giáo dân Việt Nam Hải ngoại có cần các vị chủ chăn trong nước lặn lội ra hải ngoại để "mục vụ" cho họ hay không? Và nếu cần thì cần đến mức độ nào? Và khi ra ngoài này làm mục vụ thì thực sự "công tác mục vụ" đó là gì? Ðiều tôi thấy không ổn khi nói "mục vụ hải ngoại" là mỗi sau chuyến đi "mục vụ" ngắn hạn, các vị chủ chăn lại về nước mang theo một vò...sữa chiên! Và vò sữa chiên này đầy hay vơi là tùy thuộc vào đẳng cấp và chức vụ mà vị chủ chăn làm công tác "mục vụ" hải ngoại đang nắm giữ trong nước.
Có lúc tôi suy nghĩ vẩn vơ và tự hỏi không biết các vị "chủ chăn" từ trong nước ra "mục vụ" đàn chiên Hải ngoại, thực sự có phải vì các ngài thương yêu đàn chiên "bơ vơ không người chăn dắt" hay vì các ngài thương cái bầu sữa căng đầy của đàn chiên, nhất là đàn chiên béo tốt sống tại Mỹ? Nếu tôi có hiểu sai thì xin Chúa tha tội cho tôi, có nhiều bằng chứng cho
tôi biết các vị chủ chăn trong nước ra "mục vụ" Hải ngoại là nhắm vào "bầu sữa chiên" hơn là chính con chiên.
Thân Phận Ðồng Bào Tị Nạn Cộng Sản
Ðiều này khiến tôi cảm thấy xót xa cho số phận người Việt Nam tị nạn Cộng sản. Sau ngày 30 tháng Tư 1975 họ đã liều chết trốn chạy chế độ Cộng sản bạo tàn, họ phải bỏ nước ra đi và không biết bao nhiêu người đã phải chết trên đường vượt biên. Bao nhiêu người bị bắt lại, đã chịu tù đày, đánh đập và có nhiều người đã bỏ mạng trong tù vì vượt biên không thành. Số người may mắn còn sống sót
trong đó có bao nhiêu phụ nữa đã bị hải tặc hãm hiếp trên bước đường trốn chạy chế độ cộng sản. Khi tìm đến được bến bờ tự do, đồng bào tị nạn vẫn còn nghe văng vẵng bên tai câu nói của tên Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Ðồng: đàn ông là hạng ma cô, đàn bà là hạng đĩ điếm...bọn đó phải ra đi cho sạch đất nước...
Nhưng rồi mấy chục năm sau, khi người Việt tị nạn làm ăn phát đạt và chế độ Việt cộng cần đô-la thì con cháu của Phạm Văn Ðồng đã trở giọng và âu
yếm gọi họ là "khúc ruột xa quê hương ngàn dặm!". Mới đây chế độ Việt cộng còn ra Nghị quyết 36 với lời lẽ đầy yêu thương và mời gọi đối với Cộng đồng người Việt Hải ngoại. Thực tế, thì chế độ bất nhân đó thương đồng bào Hải ngoại hay thương cái túi tiền của họ, tôi chắc là người mù cũng nhìn thấy được.
Viết tới đây, tôi thấy thương cho thân phận người Công giáo tị nạn Cộng sản. Có lần đọc tin trên Net tôi giật mình khi thấy trong một bài tường thuật của một người tên là Sr Minh Nguyên, viết về chuyến đi Nhật Bản của Hồng Y Phạm Minh Mẫn có linh
mục Huỳnh Công Minh, Linh mục Trương Kim Hương tháp tùng, trong đó có đoạn nhắc lại Hồng Y Phạm Minh Mẫn gọi những người Công giáo Hải ngoại là "tha phương cầu thực". Thấy câu này chướng tai quá, tôi đã email hỏi vị Hồng Y xem thực sự Ngài có nói câu đó hay không. Hồng Y Phạm Minh Mẫn hồi âm, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi nhưng bằng một email khá dài và đầy văn hoa. Cuối cùng
tôi cũng hiểu được ý của Ngài qua câu "tôi không có thói quen dùng cách nói như vậy". Tôi đã email lại và nói rằng nếu Ngài không có nói câu đó thì xin Ngài cải chính
vì tôi e rằng câu đó làm tổn thương cho nhiều người và có thể có hậu quả không hay, nhưng vị Hồng Y không trả lời tôi.
Câu chuyện "Tha phương cầu thực" đã qua đi và tôi tin là Hồng Y Phạm Minh Mẫn không nói câu đó, nhưng tác giả bài tường thuật đã đặt câu nói đó vào miệng của Ngài, và điều ngộ nhận đó đã làm buồn lòng một số người Công giáo tị nạn Cộng sản tại hải ngoại. Tôi đọc được tâm trạng này và xin vị Hồng Y đính chánh để an ủi những người Công giáo Hải ngoại, là những người đã đóng góp rất tích cực khi Ngài ra Hải ngoại xin tiền, vì họ vẫn nghĩ là Ngài đã dùng câu nói "tha phương cầu thực" đối với họ, nhưng Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không làm. Ðiều này khiến tôi thấy thương cho thân phận "những con bò sữa" hải ngoại.
Nguyên Nhân Thành Hình
Bất cứ một hiện tượng nào cũng đều có nguyên nhân thành hình của nó. Sự kiện các chức sắc của Giáo Hội Công
Giáo trong nước ra hải ngoại xin tiền được cấu thành bởi 3 yếu tố sau đây.
1. Tính rộng rãi của người Công giáo Việt Nam hải ngoại. Ðây là một đặc tính rất đáng khen của đồng bào Công giáo, họ rất sẵn sàng đóng góp
vào các việc chung, nhất là các việc cụ thể như xây nhà thờ, nhà dưỡng lão, cô nhi viện...Sau thời gian ổn định cuộc sống tại Hải ngoại, họ đã cần cù chăm chỉ làm ăn nhiều người đã trở nên khá giả và rất sẵn sàng để bố thí đóng góp thật rộng rãi vào các việc tôn giáo mỗi khi có lời kêu gọi của các vị chủ chăn, nhất là các chủ chăn có chức vụ cao như Hồng Y, Giám mục, họ càng dâng cúng mạnh hơn.
2. Nhu cầu cần tiền của những chủ chăn trong nước. Nói về nhu cầu thì vô
hạn vì đồng tiền bao giờ cũng có thế đứng nhất định của nó trong đời sống con người. Chẳng thế mà có câu ví vui tai sau đây về đồng tiền: "Ðồng tiền là tiên là Phật - Là sức bật của tuổi trẻ - Là sức khoẻ của tuổi già - Là đà danh vọng - Là lộng che thân - Là cân công lý - Ðồng tiền "hết ý".Trong đời sống tôn giáo cũng không thoát khỏi định luật này, nhất là trong hoàn cảnh nghèo túng của Giáo hội Công Giáo Việt Nam đã bị chế độ Việt cộng tướt đoạt tài sản đến trắng tay thì nhu cầu phải kiếm tiền lại càng khẩn thiết hơn. Chính vì nhu cầu đó mà bất cứ ai trong tư thế có thể ra hải ngoại xin tiền đều không bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Mỗi vị "chủ chăn" ra hải ngoại xin tiền đều có một lý do thánh thiện riêng để trình bày và lý do nào nghe qua cũng cảm động và đáng giúp cả.
3. Nhu cầu làm đẹp mặt cho chế độ. Chế độ Việt gian Cộng sản chắc chắn phải khuyến khích
và tạo điều kiện cho phong trào mục vụ xin tiền này vì họ có lợi trước mắt. Theo tôi nghĩ, không có cách gì làm đẹp cho bộ mặt của chế độ vô thần Cộng sản hữu hiệu cho bằng hình ảnh các nhà thờ được mọc lên như nấm và càng lúc càng lộng lẫy hơn tại Việt Nam. Hơn nữa việc các chức sắc của Giáo Hội Công
Giáo lũ lượt ra hải ngoại kiếm tiền mang về "xây dựng giáo hội quê nhà" là cách tốt nhất để khóa mồm những ai lên tiếng tố cáo chế độ cộng sản Việt Nam là chế độ đàn áp tôn giáo! Ðó là chưa nói tới việc các cán
bộ "tốt bụng" cho phép các vị ấy ra nước ngoài xin tiền, không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước số tiền kếch sù mà các vị chủ chăn mang về trong nước. Ai cũng có thể hiểu là số tiền đó phải chia chác cho bọn cán bộ, vì bọn chúng đã chịu khó "vét từng xu" trong túi của Việt kiều về thăm nhà khi
bước qua ngưỡng cửa phi trường, thì không lẽ lại không để ý tới cái túi nặng chình chịch của các vị Hồng Y, Giám mục, Linh mục... đang bước xuống phi trường?
Nói tóm lại, 3 yếu tố nói trên được ví như giấy bổi, dầu xăng và...cái quạt đã giúp cho ngọn lửa của cao trào "mục vị xin tiền" bốc lên cao. Thực tế, cao trào này đã bắt đầu làm xôn xao dư luận, có thể làm gây rối loạn và phân hoá trong nội bộ các Cộng đồng Công giáo Hải ngoại mà từ lâu có nhiều người gọi cách vui vui là những...con bò sữa!
Ðôi Dòng Lịch Sử
Khi viết những dòng chữ này này tôi chợt nhớ tới phong trào bòn vàng ở Mỹ trong các thế kỷ trước. Khi các tin tức về việc khám phá mỏ vàng được loan truyền, dân chúng đổ xô tới làm thành một phong trào bòn vàng rất sôi nổi và có
nhiều chuyện đáng nói. Cơn sốt bòn vàng đã làm thay đổi hẳn đời sống xã hội của dân chúng và hình thái mội sinh của một số vùng ở Mỹ. Nhờ vào đó, một số người may mắn đã trở nên giàu có, ngược lại một vài vùng đất màu mở trước kia, sau khi bị cơn sốt bòn vàng hoành hành, đã trở nên hoang phế không
còn canh tác được vì đã bị "đào tận gốc, trốc tận rễ" để tìm vàng. Phong trào bòn vàng ở Mỹ ngày xưa có những điểm tương đồng với phong trào "bòn đô-la" của các chức sắc Giáo Hội Công
Giáo Việt Nam ngày nay, tuy có 2 điểm khác biệt.
Ðiều khác biệt trước tiên là ngày xưa bên Mỹ tài nguyên vàng đã nằm sẵn trong lòng đất, dân bòn vàng cứ kéo tới mà đào, xới, đãi, lọc để lấy vàng, nhưng đào mãi có ngày sẽ hết. Ngược lại, ngày nay tài nguyên đô-la nằm trong
túi của đồng bào Công giáo tị nạn Cộng sản Hải ngoại không phải tự nhiên mà có. Ðây là kết quả của sự cần cù làm ăn, tiết kiệm và để dành tích lũy mà có. Và tài nguyên này có khả năng sẽ còn dài
dài.
Ðiều khác biệt thứ hai là các tài liệu viết về phong trào bòn vàng bên Mỹ có ghi lại tên tuổi những người có công khám phá ra mỏ vàng, nhưng không
thấy tài liệu sách vở nào ghi lại ai là người đã lập công đầu trong việc phát hiện ra "mỏ đô-la" nằm sâu trong túi những người Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản tại Hải ngoại. Nếu biết được, tên tuổi người đó phải được các sử gia viết xuống để đời sau nhớ ơn, nhất là những ai may mắn bòn được nhiều "đô-la" nhất. Về vấn đề này, tôi đã lục lọi lại trí nhớ và nói chuyện bàn hỏi với nhiều người, cuối cùng có thể tạm kết luận phải dành vinh dự tiên phong đó cho Giám mục Nguyễn Văn Sang thuộc Giáo phận Thái Bình. Ðược biết cách nay không lâu, Giám mục Nguyễn Văn Sang là
một trong hai vị Giám mục còn sống được chủ tịch nhà nước Việt cộng Nguyễn Minh Triết trao tặng huân chương "cao quý". Tôi không hiểu hết những công sức của Giám mục Nguyễn Văn Sang đã và đang tích
cực đóng góp cho chế độ như thế nào để được ban thưởng loại huân chương gọi là "cao quý" đó, nhưng tôi
nghĩ là trong đó phải kể tới công đã khám phá ra mỏ đô-la nằm trong túi những người Công giáo Việt Nam Hải ngoại.
Những Ðiều Nghe Thấy
Ðã từ lâu rồi, những gì tôi được nghe và thấy liên quan tới "mục vụ xin tiền" thật là phong phú và đa dạng. Phong phú vì được nghe từ nhiều người nhiều giới khác nhau. Ða dạng vì được nghe từ nhiều thành phần ở Hải ngoại cũng như trong nước. Ở Hải ngoại, từ những linh mục phụ trách các cộng đồng, những người cho tiền, người trung gian giúp tổ chức để quyên tiền, người đứng ra tổ chức tiệc quyên tiền, những việc xảy ra chung quanh việc tổ chức tiệc quyên
tiền, trường hợp lừa đảo để quyên tiền...và còn nhiều chuyện khác nữa. Khi đồng tiền về tới Việt Nam, từ việc quản lý đồng tiền, về cách thức xử dụng đồng tiền, việc thi đua xây cất nhà thờ ở Việt Nam, trường hợp mất tiền, về lối sống xa hoa của một số người xin được tiền, về vị Linh mục có ngôi nhà thờ gắn máy lạnh đầu tiên tại Việt Nam...và còn nhiều chuyện khác nữa. Tôi không thể kể ra hết những điều mắt thấy tai nghe liên quan tới vấn đề này, tôi tin là có nhiều người cũng đã nghe và biết như tôi. Vả lại, chẳng hay ho và đẹp đẽ gì khi kể lại những sự việc như vậy nên tôi chỉ ghi lại cảm nghĩ về hai sự việc sau đây.
Cách đây vài năm, tôi có dịp đồng tế với một Giám mục từ Việt Nam qua, tại một Cộng đồng khá lớn và giàu có ở Mỹ. Trong thánh lễ, cha quản nhiệm có nhắc giáo dân giúp vị Giám mục. Sau khi tan lễ, vị Giám mục mặc nguyên phẩm phục ra đứng bên ngoài cửa chính nhà thờ, hai bên có 2 vị chức sắc cầm cái giỏ khá to. Giáo dân lần lượt bước ra, người thì đặt tiền vào giỏ, người thì tới bắt tay nói chuyện với vị Giám mục, người khác cố nhét tiền vào tay, vào áo...và nơi nào có thể nhét được trên người vị Giám mục. Vì có đông người muốn bắt tay và cho tiền nên số tiền giấy rơi lả tả dưới đất và vị Giám mục cúi xuống nhặt lên. Cảnh tượng này làm tôi bị "shock"! Có lẽ vì tôi thuộc thế hệ cũ, sinh ra
và lớn lên tại một xứ đạo nhà quê và chẳng mấy khi được trông thấy các vị Giám mục. Khi họ đạo có dịp đón Giám mục về ban phép Thêm sức thì quả là một biến cố của họ đạo với nghi thức đón tiếp Giám mục rất linh đình với đầy đủ cờ quạt. Giờ đây, nhìn
hình ảnh vị Giám mục đang mặc phẩm phục, cúi khom người nhặt những đồng tiền giấy nằm dưới chân, trước mặt một số đông giáo dân khiến lòng tôi đau xót. Ước gì tôi đừng chứng kiến cảnh tượng đó.
Việc thứ hai tôi muốn viết ra đây là trong chuyến ghé qua Mỹ vừa rồi, tôi có ghé Nam Cali, ở nhà một người bạn học từ hồi nhỏ. Trong một lần đề cập tới "chuyện dài quyên tiền", vợ người bạn kể lại rằng có người đưa đi giới thiệu với nhóm cầu nguyện của chị một linh mục từ Việt Nam qua xin tiền. Vị linh mục này
trình bày lý do rất thương tâm ở Việt Nam và xin mọi người trong nhóm giúp đỡ. Ðiều đáng nói là trong lúc vị Linh mục này đang ca
"bài ca con cá" để xin tiền thì luôn miệng gọi những người đang hiện diện và đồng bào Hải ngoại là "ngụy". Nhiều người tỏ ra khó chịu, cuối cùng chị vợ người bạn tôi chịu hết nổi đã lên tiếng: "Cha à! Cha gọi tụi con là "ngụy", tụi con buồn lắm!" Khi ngồi nghe
câu chuyện này tôi cảm thấy khó chịu trong người, nhưng cố dằn xuống vì tôi không muốn những giáo dân nghe những lời tôi định nói ra!
Kết Luận
Qua những phần nói trên, đọc giả đã hiểu được tâm trạng và sự khó khăn của tôi khi phải đề cập tới vấn đề này một cách công khai. Một vấn đề có thể gây ra tranh luận và sẽ bị phản bác từ những cái loa của chế độ Việt gian Cộng sản. Ðiều chắc chắn nhất là sẽ bị kết án là nói xấu Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận tất cả phản ứng bởi bài viết này, vì tôi đã viết ra những gì tôi biết và suy nghĩ. Tôi biết là sau bài viết này, sự kiện "bòn đô-la" vẫn tiếp tục, vì màu sắc của tờ giấy bạc đôla lúc nào cũng chiếu sáng và mùi vị của nó lúc nào cũng thơm, nhưng sẽ được thực hiện cách kín đáo hơn.
Xin nói rõ ở đây là mục đích tôi viết bài này không phải để phản đối việc người Công giáo Việt Nam Hải ngoại đóng góp tiền bạc để sửa sang và xây dựng lại các cơ sở tôn giáo đã bị đổ nát tại quê nhà. Bản thân tôi đã từng làm công việc đó và tôi sẽ còn làm trong trường hợp thật sự có nhu cầu cần thiết. Tôi biết có nhiều người rất thành tâm thiện chí gởi tiền về giúp các nơi thật sự túng nghèo. Ðây là những người đáng ca ngợi vì họ đã sống đúng tinh thần chia sẻ trong Phúc Âm.
Tôi cũng không nói xấu hay đả kích Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, vì Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đáng thương
hơn là đáng trách. Ðiều tôi muốn nói là có một số người trong hàng ngũ chức sắc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã lạm dụng và khai thác quá mức cái túi tiền của người Công giáo Việt Nam Hải ngoại. Hành vi của những con người này đã làm ố danh cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cũng nên ghi nhận là
phong trào bòn-đô la này mới xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử 300 năm của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, khi mà Giáo Hội sống dưới chế độ Cộng sản là chế độ vô thần quyết tâm triệt hạ tất cả mọi tôn giáo chân chính, trừ ra các loại Giáo hội do bọn chúng dựng lên hoặc do
chúng nắm được quyền kiểm soát.
Ngày nay, khi nhìn vào bề mặt bên ngoài, nhiều người, nhất là những người ngoại quốc lầm tưởng rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang ở vào thời kỳ phồn thịnh, phát triển và có tự do. Không có mấy người biết rằng hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ u tối và đáng thương nhất vì CHẾ Ðộ VÔ THẦN CộNG SẢN VIỆT NAM ÐÃ CƯỚP ÐI QUYỀN PHONG CHỨC V BỔ NHIỆM CÁC CHỨC SẮC CỦA GIÁO HộI CÔNG GIÁO VIỆT NAM.
Nói một cách dễ hiểu, hiện nay tại Việt Nam chỉ có những người nào ÐƯợC CộNG SẢN CHO PHÉP MỚI ÐƯợC PHONG CHỨC GIÁM MụC V LINH MụC. Ðây là điều đau đớn nhất mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang phải chịu. Phái đoàn Toà Thánh qua Việt Nam nhiều lần để xin lại quyền này nhưng không được.
Với quyền phong chức và bổ nhiệm nằm trong tay đảng Cộng sản, không lạ gì chiến dịch "mục vụ xin tiền" càng lúc càng phát triển rầm rộ, vì
không ai có nhu cầu phải chuyển đô la về trong nước để làm đẹp bộ mặt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho bằng chính đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà thờ càng nhiều và "hoành tráng" bao nhiêu thì giúp cho bộ mặt của chế độ càng đẹp đẽ bấy nhiêu. Xin mọi người đừng quên rằng, khi nào cần thì đảng Cộng sản chỉ việc ra một Quyết Nghị là tất cả nhà thờ và tài sản đó của Giáo hội sẽ thuộc về nhà nước như họ đã làm trong quá khứ. Hiện nay còn rất nhiều giáo xứ, dòng tu, giáo phận... trong đó có Giáo phận Vĩnh Long của tôi, đang làm đơn khiếu nại và "xin lại" tài sản của Giáo hội bị chế độ cướp đi từ năm 1975, nhưng nào có được kết quả gì!
Có ai dám bảo đảm với tôi rằng chế độ ăn cướp đó sẽ không tái diễn lại màn tịch thu tài sản của Giáo Hội một lần nữa? Có lúc tôi nghĩ, những tay cán bộ Cộng sản quỷ quái ở Việt Nam là những tên phù thủy cao tay ấn, bọn chúng ngồi nhà và sai "âm binh" đi thu gom về những gì
chúng muốn.
Nguyện Vọng Thiết Tha
Sự phát triển rầm rộ của chiến dịch mục vụ xin tiền đã tạo ra xôn xao trong dư luận và bắt đầu gặp phản ứng công khai rất bất lợi của giáo dân hải ngoại. Xin hàng Giáo phẩm trong nước hãy nhớ rằng, cộng đồng Việt Nam Hải ngoại là những nạn nhân của chế độ Cộng sản, phải hiểu rằng họ có cái nhìn và sự hiểu biết về chế độ Cộng sản khác hơn cái nhìn của một số chức sắc Công giáo trong nước. Do đó việc các Giám
mục chọn thời điểm gần ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 2007 để mở tiệc mừng quyên tiền ngay giữa lòng Thủ Ðô Tị Nạn bị nhiều người coi là hành động vô tâm, mang tính cách thách thức sự đau đớn của những nạn nhân Cộng sản.
Ðể kết thúc bài viết này, tôi xin nói, qua dư luận từ nhiều phía và
những lời đàm tiếu về tình trạng các Hồng Y, Giám Mục, Linh mục và Tu sĩ nam nữ từ trong nước ra hải ngoại xin tiền từ nhiều năm qua và nhất là qua các sự việc đáng tiếc xảy ra trong các tiệc gây quỹ của một vài Giám mục trong thời gian gần đây, tôi xin thưa với hàng Giáo phẩm và Linh mục Tu sĩ trong nước rằng "ÐÃ ÐẾN LÚC PHẢI CHẤM DỨT MụC Vụ XIN TIỀN".
Xin đừng biến Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hải ngoại vốn là vùng đất màu mỡ trước kia phải trở nên hoang phế không còn canh tác được vì bị những kẻ bòn đô-la
"đào tận gốc, trốc tận rễ" như hậu quả thảm thương gây ra bởi bàn tay của những kẻ bòn vàng trong lịch sử Hoa Kỳ. Ðã có dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của Cộng đồng Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản tại Hải ngoại dâng cao lên tới mức đáng phải chú ý.
Tại thành phố Auckland, New Zealand
Ngày 25 tháng 8 năm 2007
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
=END=
4- Diễn Ðàn Quốc Nội
- Ai là người "đánh lận con đen"
Minh Sơn - UBYTNKK
Trong các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2007, đài tiếng nói Việt Nam,
báo nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, thông tấn xã Việt Nam liên tiếp phát đi, đăng tải các bài viết xung quanh vấn đề các công dân biểu tình tại Hà nội và Sài gòn. Nội dung các bài viết trên tập trung đổ vấy cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước kích động, xúi dục nhân dân tham gia biểu tình chống đảng, nhà nước Việt Nam.
Trước hết cần khẳng định các sự kiện xẩy ra mới đây tại Sài gòn và Hà nội là các cuộc biểu tình của người dân phản đối chính quyền các cấp trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân không thoả đáng, lợi ích của họ bị thiệt hại, trong đó đất đai là vấn đề nổi cộm. Các cơ quan ngôn luận của đảng CSVN cố tình lảng tránh, không dám nhìn thẳng vào sự thật, cho đó là việc dân đi khiếu kiện vượt cấp và khẳng định do có sự móc nối của "bọn phản động lưu vong với các phần tử cơ hội chính trị trong nước kích động, xúi dục để họ tham gia biểu tình".
Hình Dân Oan Các Tỉnh Biểu Tình Tại Hà Nội và Các Tỉnh Phiá Bắc - Tháng 8 năm 2007
Dân Oan Tỉnh Vĩnh Phúc
Dân Oan Các Tỉnh Về Hà Nội Khiếu Kiện
Dân Oan Tỉnh Tuyên Quang
Dân Oan Thành Phố Saì Gòn
Trẻ Em Sài Gòn ra Hà Nội Theo Cha Mẹ Biểu Tình Khiếu Kiện
Khỏi phải tranh luận nhiều, cứ nhìn vào nội dung biểu ngữ trên các băng rôn mà họ trương lên tự nó đã nói lên điều đó. Vấn đề là tại sao các cơ quan ngôn luận của đảng CSVN lại cố tình không thừa nhận đó là các cuộc biểu tình. Ðơn giản là: dưới chế độ XHCN mà có biểu tình chống nhà nước được là việc làm bôi đen chế độ, đó là việc làm không thể có. Cũng như trước đây đảng luôn tuyên bố: dưới chế độ XHCN, không có hàng hoá sức lao động; không có thất nghiệp...
Tác giả có tên Vân Hương viết trong bài bình luận truyền tải trên đài tiếng nói Việt Nam có tiêu đề: "những ý đồ đen tối đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của dân tộc". Xin được bàn luận với tác giả một số nội dung như sau: Như trên đã khẳng định, các sự kiện trên thực chất là các cuộc biểu tình của người dân phản đối chính quyền nhà nước. Các cuộc biểu tình này do chính những người dân không chấp nhận cách giải quyết của chính quyền địa phương, nên họ đã tự kéo lên Sài gòn, Hà nội để biểu tình phản đối. Không thể đổ lỗi cho các thế lực thù địch dụ dỗ, xúi dục. Nói như vậy là chính tác giả đã vô tình hay cố ý đánh giá thấp về vai trò lãnh đạo của đảng, bởi vì các thế lực đó ở nước ngoài vừa là quá xa, vừa là có số lượng đếm trên đầu ngón tay làm sao mà móc nối với "bọn cơ hội chính trị trong nước". Chỉ có vài người mà xúi dục được nhân dân chống đảng, nhà nước; một chính đảng được nhân dân "tin
yêu", có hệ thống tổ chức từ TW đến các thôn, làng, ấp bản; một nhà nước "của dân, do dân và vì dân", một hệ thống tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đồ sộ, đang ngày đêm bám sát dân, quản lý dân. Vậy mà "bọn phản động xúi dục" được dân đi theo để chống đảng, nhà nước thì quả là chuyện không những nực cười mà còn là việc nhìn nhận, đánh giá đảng, nhà nước của mình thiếu khách quan, thiếu thiện chí, không lẽ đảng, nhà nước ta lại mất lòng tin với dân đến mức đó sao.
Về ý chí và nguyện vọng của dân tộc. Theo
tôi mỗi người hãy mở rộng tầm nhìn cho rộng hơn, xa hơn thì mới thấy được ý chí và nguyện vọng của một dân tộc là gì. Không thể lấy ý chí, nguyện vọng của một thiểu số (một chính đảng hay một tôn giáo...) để áp đặt cho toàn dân tộc và coi đó là ý chí của toàn dân tộc. Những tiếng nói đòi mở rộng dân chủ, xoá bỏ sự độc tôn cai trị đất nước, những khát khao của công dân được sống trong môi trường tự do, bình đẳng như các dân tộc tiến bộ trên thế giới... đó không phải là ý chí, nguyện vọng thiết thực của nhân dân hay sao?
Trong bài viết của mình, tác giả đưa ra nguyên nhân chính về việc dân khiếu kiện liên
quan đến vấn đề đất đai là: "do chính
sách pháp luật chưa hoàn chỉnh, trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, một số ít cán bộ có khuyết điểm, sai phạm", và tác giả xoa dịu "đây cũng là những vấn đề khó tránh khỏi ở những nước đang phát triển".
62 năm nhà nước CHXHCNVN ra đời, cho đến giờ chính sách pháp luật chưa hoàn chỉnh. Vậy đến 600 năm nữa đã hoàn chỉnh chưa? Tuy nhiên chính sách pháp luật luôn bám sát cuộc sống và có
việc phải điều chỉnh, bổ sung đó là thực tế, nhưng không thể chấp nhận được cho đến ngày nay, chính sách pháp luật của ta còn bất cập đến mức này. Dù nguỵ biện đến đâu chăng nữa thì nó vẫn toát lên là một nhà nước yếu kém, một nhà nước không có được ngang tầm với tiến trình phát triển của đất nước. Nguyên nhân chính không phải do con người Việt Nam thiếu thông minh, không nắm bắt kịp xu thế thời đại, cũng như những phát sinh trong đời sống xã hội trong nước, mà chính là do sự duy trì thể chế độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí. Vì vậy, trong việc hoạch định chính sách luôn xa rời thực tế, mang đầy tính quan liêu, luôn hướng lợi cho
mình và phần thiệt thòi luôn là người dân phải hứng chịu.
Quản lý kinh tế-xã hội yếu kém, quan liêu, tham nhũng chính là sản phẩm của cơ chế độc quyền. Vì không có cơ quan đối trọng để thực hiện chức năng giám sát các cơ quan công quyền. Ðảng chỉ nhận được những tiếng nói ve vãn, xuôi chiều, từ đó tính tự mãn được hình thành và lâu ngày trở thành mãn tính. Không chịu nghe
ai, chỉ thích được xu nịnh. Ðảng tự hình thành bộ máy để thực hiện việc chữa trị các bệnh kinh niên trên. Kết quả là qua năm này
sang năm khác, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, bệnh không những không giảm mà còn gia tăng. Muốn trị được nó phải trị từ nguồn gốc phát sinh ra nó, phải chữa trị ngay cái
mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Trong bài bình luận đăng trên báo nhân dân, tác giả Hoàng Hà đã không
ngần ngại dùng từ ngữ miệt thị nhau: "vạch trần trò 'đánh lận con đen' của Thích Quảng Ðộ và đồng bọn". Mở đầu bài viết, tác giả cũng đổ vấy như hai bài được truyền tải trên đài tiếng nói Việt nam. Tác giả đưa ra so sánh:"những người dân tập trung trước cơ quan nhà nước ở Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh, chắc chắn ít hơn nhiều so với số người biểu tình ở Washington, thậm trí ngay cả trước nhà trắng ở mỹ". Ðúng là như vậy, chỉ khác là ở Mỹ hoạt động biểu tình là việc bình thường, việc chỉ trích chính phủ cũng được coi là bình thường, không ai ngăn cấm; những người ủng hộ biểu tình lại càng rất bình thường, không bị coi là chống đối, đe doạ an ninh quốc gia, không bị giải tán. Còn ở Việt Nam thì sao? Tại sao lại coi biểu tình có
trật tự là xâm hại đến an ninh trật tự xã hội, là hành động chống đối đảng, nhà nước, phải tổ chức giải tán, Các hoạt động giúp đỡ đồng bào biểu tình lại bị coi là tiếp tay cho những hoạt động chống phá. Tại sao lại phải tìm cách hạn chế những sinh hoạt của đồng bào mình tham gia khiếu kiện...tiếc là
Hoàng Hà lại không so sánh những nội dung này.
Thật đau lòng khi tác giả trích câu nói của Hồ chí Minh: "nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân", đau lòng vì thực tế nó hoàn toàn trái ngược lại với câu nói
này. Một đất nước hoàn toàn do một chính đảng độc quyền thống trị liên tiếp trên 2/3 thế kỷ. Một nhà nước hoàn toàn do một đảng độc tôn cử ra thì không thể có được dân chủ. Về lợi ích thì câu chuyện ở Hà Tây mới đây là một ví dụ sinh động: nhà nước thu hồi đất của dân để xây dựng khu công nghiệp, trả cho dân 54.000đ/m2, chỉ cần sang tay cho nhà đầu tư thì nhà
nước đã thu lợi trên 1 triệu đồng/m2. Nhà nước ưu tiên nhượng lại cho các hộ có đất bị thu hồi với mức10% so với diện tích thu hồi, với giá 7 triệu/m2. Nếu có 1000m2 thu hồi thì được cấp lại100m2 và phải bù thêm vào 16 triệu để lấy lại 10% mảnh đất của chính mình. Ðây là hình ảnh điển hình chứng minh một nhà nước: "bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân".
Tác giả đặt câu hỏi mỉa mai, chỉ trích Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ: "lấy đâu ra nhiều tiền vậy". Lấy đâu ra thì
hẳn tác giả biết rõ. Có điều chắc chắn rằng không phải tiền rút ruột của dân, không phải lấy ở dự án PMU18, không phải tiền lấy từ việc khai khống hài cốt của các liệt sỹ đã hy sinh
vì đất nước, cũng không phải tiền ăn cắp từ quỹ quyên góp của nhân dân ủng hộ đồng bào lũ lụt...như những cán bộ của đảng, nhà nước Việt Nam.
Việc biểu tinh của các công dân tại Hà Nội, Tp. Sài Gòn rõ ràng là như vậy. Không hề có bàn
tay của các thế lực nào mà đi xúi dục, chỉ đạo, kích động, lôi kéo người dân đi biểu tình chống đảng, nhà nước Việt Nam. Các thế lực đó dù có
muốn cũng không thể thực hiện được, đó là thực tế. Việc yểm trợ cho người đi khiếu kiện của các Tôn Giáo, của Ủy Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện, của nhân dân trong và ngoài nước, của các nhà
dân chủ hay bất cứ tổ chức, cá nhân, tập thể nào là việc làm vì nhân đạo, nhằm giúp cho đồng bào giảm bớt những khó khăn, đau khổ mà họ phải gánh chịu. Việc làm này không thể được coi là kích động, xúi dục, và tiếp tay cho việc chống đảng, nhà nước.
Gắp lửa bỏ tay người là việc không nên làm. Ai "đánh lận con đen", hãy để Nhân Dân phán xét.
Minh Sơn
Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện
uybanyemtronguoikhieukien@yahoo.com
Việt Nam - Ngày 28 tháng 8 năm 2007
=END=
5- Câu Chuyện Kinh Tế
- Tại sao giá dầu thô sẽ tăng cao nữa?
* Tại sao giá dầu gia tăng kỷ lục từ bốn năm qua lại không tác hại lên sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu?
* Liệu giá dầu thô có thể tăng lên mức 90 Mỹ-kim một thùng hay không?
Nguyễn Anh Tuấn
(VNN)
Nếu như nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tiếp tục tăng trưởng vững mạnh và đều đặn trong bốn năm qua, thì giá dầu thô cũng đã gia tăng mạnh mẽ khiến cho những ai sở hữu kho "vàng đen" này cũng làm giầu mạnh trong những năm qua, và trong nhiều trường hợp cũng đã dẫn đến nhiều thay đổi quan trọng trên cả hai mặt xã hội và chính trị. Trong bối cảnh giá dầu thô gia tăng khiến cho giá xăng cũng tăng theo (mặc dù cả hai sự gia tăng này không hoàn toàn đồng bộ) gây nhiều tiếng kêu ca từ phía quần chúng, nhiều chính trị gia, nhất là các vị dân biểu, nghị sĩ tại Quốc Hội Mỹ thường tìm cách đổ lỗi cho các đại tổ hợp năng lượng như ExxonMobil, Chevron,
BritishPetroleum, ConocoPhillips là đã lợi dụng tình thế để làm giầu. Những vị dân cử này thường lớn tiếng hăm doạ rằng sẽ điều tra hoặc kéo các vị tổng giám đốc của các đại công ty dầu hoả và khí đốt này ra điều trần trước Quốc Hội để tìm hiểu xem các công ty đó có làm ăn theo kiểu đầu cơ tích trữ hay không, hay đã nương theo tình thế "khan hiếm", hay đúng hơn là mức cầu vẫn cao hơn mức cung, để trục lợi.
Thoạt nhìn, thì những lời tố cáo trên cũng dễ lọt tai khi người ta nghe những bản báo cáo tài chánh thường niên của các đại công ty năng lượng này để thấy rằng những nhân vật chóp bu cỡ tổng giám đốc (CEO) của những hãng như ExxonMobil được thưởng "tiền hoa hồng" (bonus) lên đến hàng trăm triệu Mỹ-kim! Nhưng công bình mà nói, không phải những vị ngồi trong hội đồng quản trị (board of directors) của các công ty ấy mập mờ với nhau để chia chác hưởng lợi, mà chẳng qua họ chỉ làm đúng công tác quản trị của mình, tức là thưởng phạt công bằng. Nếu như công ty thu lời được nhiều, thì sau khi phân chia lợi nhuận (dividend) đến cho các cổ đông, ban quản trị bắt buộc phải tưởng thưởng cho những người có công đóng góp vào sự thành công đó, và người đóng góp công lao lớn nhất là vị tổng giám đốc chắc chắn phải được hưởng tiền thưởng cao nhất. Người ta chỉ thích chú ý đến những vị CEO, CFO, president với những số tiền bonus khổng lồ, chứ có biết đâu rằng bất cứ ai có cổ phần thuộc về các hãng năng lượng và dầu hoả cũng đều được hưởng lợi cao trong vòng bốn năm qua. Ðó là lý do tại sao các hãng ExxonMobil và
Chevron làm giầu từ vài năm qua trong khi hai hãng
General Motors và Ford thì lại bị thua lỗ nặng. Khó ai biết trước được chuyện làm ăn buôn bán, lời ăn lỗ chịu.
Thật vậy, có thể nói là kỹ nghệ dầu hoả đem lại lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Bản báo cáo tài chánh mới nhất của ExxonMobil cho tam cá nguyệt sau cùng cho thấy tiền lời cao đến mức 8,4 tỷ Mỹ-kim. Theo lời của nhà báo Stanley Reed, trong
một bài viết chính cho chủ đề đăng trên tuần san Business Week số đề ngày 15-05-2007, thì nếu cộng lại tất cả lợi nhuận trong năm 2006 của các đại công ty năng lượng và dầu hoả như British Petroleum, Royal Dutch Shell, Chevron, Total, ConocoPhillips và
ExxonMobil, người ta sẽ giật mình trước con số to lớn khoảng 135 tỷ Mỹ-kim, còn cao hơn tổng sản lượng quốc gia của hàng chục nước trên thế giới.
Dĩ nhiên, không phải chỉ có các tư nhân sở hữu chủ các cổ phần của đại công ty trên là hưởng lợi mà nhiều lãnh tụ của các quốc gia có các kho dầu hoả này cũng tình cờ được hưởng cái lợi thiên nhiên này một cách hết sức may mắn. Ðó là trường hợp của các ông như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela hoặc Tổng thống Vladimir Putin của Nga, hoặc các ông hoàng cai trị các vương quốc Ả Rập được trời ban cho may mắn có mỏ dầu hoả. Ðiều này cũng dễ hiểu khi nhìn lại mức gia tăng đến chóng mặt của giá dầu thô trong vòng bốn năm qua. Trong nhiều năm dài cho đến năm 2003, giá dầu thô ở mức khoảng 29 đô-la cho 1 thùng phi (barrel). Qua đến năm 2004, nó tăng vọt lên mức 38 Mỹ-kim. Chưa hết, bước sang năm 2005, nó lại nhảy vọt lên thành 54,5 Mỹ-kim. Ðã vậy, qua đến năm sau, 2006, nó lại tăng lên thành 65 Mỹ-kim. Ðến đầu năm nay, nó gia giảm xuống ở mức 60 Mỹ-kim và nhiều người nghĩ rằng có thể sẽ khó tăng lên nữa khi mà tình hình không lấy gì làm bất ổn, không có tai ương bão lụt gây trở ngại cho việc sản xuất dầu, cũng như không có biến động ghê gớm như chiến tranh nổ bùng với Ba Tư. Thế nhưng đột nhiên chỉ trong vòng 7 tháng của năm 2007, giá dầu đã tăng vọt đến gần 30%, từ 60 Mỹ-kim đã nhảy lên đến mức 78,77 Mỹ-kim trong tuần qua. Từ giá bán 30 Mỹ-kim để rồi tăng vọt lên thành 60 hay 70 Mỹ-kim một thùng trong khi giá thành để sản xuất không có gì thay đổi, người ta dễ dàng hình dung mức lời sẽ to lớn như thế nào.
Chỉ cần làm một bài toán nhỏ để nhân mức lời trên với con số hàng triệu thùng dầu thô sản xuất mỗi ngày thì ta sẽ hiểu vì sao ngân sách các quốc gia sản xuất dầu thô đã gia tăng mạnh bạo trong thời gian qua. Và điều đó cũng giải thích dễ dàng vì sao các ông hoàng cai
trị các nước Ả Rập, dù là vương quốc nhỏ như UAE, Bahrain, Kuwait hay lớn như Saudi Arabia, đã có dư dả tiền bạc để đầu tư vào các công trình cải thiện hạ tầng cơ sở hoặc mua sắm dụng cụ tối tân về dân sự và quốc phòng. Và cũng vì sao mà ông Hugo Chavez
có thể huênh
hoang xì tiền ra để mua chuộc nhiều nước Nam Mỹ trong vùng trong khi vẫn lớn tiếng chửi bới Hoa Kỳ, cũng như vì sao mà ông Putin có thể ngang nhiên áp lực các nước chư hầu cũ phải gần như thần phục trở lại cũng như khiến cho Âu Châu và Hoa Kỳ phải nể sợ mặc dù chỉ hơn một thập niên trước, Nga Sô dưới thời của TT Boris Yeltsin phải chịu nhục để ngửa tay xin viện trợ của phương Tây qua Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vì tình hình kinh tế và tài chánh kiệt quệ sau ngày Liên Sô sụp đổ.
Ðiều đáng ngại hơn nữa là dường như sự gia tăng về giá dầu thô này có vẻ như chưa muốn ngừng lại. Cả hai yếu tố cung và cầu đều cùng có hậu quả khiến cho giá dầu tiếp tục gia tăng. Nhu cầu tiêu thụ tiếp tục gia tăng, không phải chỉ riêng ở thị trường tiêu thụ lớn nhất là Hoa Kỳ, mà quan trọng hơn nữa là sự tăng trưởng kinh tế không ngừng của các nước ở Á Châu, nhất là hai nước lớn và đông dân là Trung Cộng và Ấn Ðộ. Trong khi đó thì mức sản xuất không thể gia tăng theo kịp, vì các hãng xưởng cũng như các quốc gia sở hữu các mỏ dầu không thể đầu tư nhanh chóng vào các máy móc
hay giàn khoan tối tân để có thể gia tăng mức sản xuất theo kịp mức cầu. Trong bối cảnh mọi dự kiến đều cho rằng mức cầu tiếp tục tăng trong khi mức cung có thể bị giảm, những tay buôn đều phải tiên đoán rằng giá dầu sẽ tăng lên nữa. Và với việc buôn bán ngày nay diễn ra trên thị trường trao đổi (futures commodities market) theo đó các tay buôn trục lợi có thể tìm cách mua trước nhiều hơn (để bán lại sau này khi giá tăng cao), sự tiên đoán (speculation) kiểu đầu cơ tích trữ này sẽ càng tạo nên áp lực khiến cho giá dầu dễ tăng giá hơn.
Theo lời của ông Peter Beutel, chủ tịch của văn phòng quản trị rủi ro đầu tư năng lượng có tên là Cameron Hanover, cho biết "thì dường như cái lực đẩy giá dầu thô đang tiến khá mạnh, và cái con số gây phản ứng khích động mạnh nhất hiện nay là 81 Mỹ-kim." Nói một cách khác, nếu như trong một ngày gần sắp tới tình cờ giá dầu có thể lên mức 81 Mỹ-kim thì tâm lý của nhiều tay trục lợi sẽ ào ào tin rằng rồi có lúc nó sẽ lên đến mức 91 Mỹ-kim hay hơn nữa. Tâm lý suy đoán kiểu hoang mang này là phản ứng thông thường của mọi người chứ không riêng gì chỉ có ở những tay đầu cơ tích trữ. Hãy lấy thí dụ như khi giá xăng chưa bao giờ lên quá mức 2 Mỹ-kim cho 1 gallon thì ít ai chịu tin rằng giá xăng một ngày này đó sẽ ở luôn mức trên 2 đô-la, chứ đừng nói là ở mức 3 đô-la. Tuy nhiên, một khi giá xăng bắt đầu tăng lên thành $2.09, rồi $2.19, $2.49, $2.79, $2,99 v.v... thì lúc bấy giờ mọi người đều nghĩ rằng sẽ không bao giờ nó xuống trở lại dưới mức 2 đô-la nữa, cho dù là việc giá gia tăng không có một lý do giải thích nào hợp lý. Thậm chí lúc đó, người ta còn hốt hoảng tin rằng nếu ngày nào nó vọt qua mức 3 đô-la thì e rằng có lúc nó cũng có thể nhảy lên ở mức 4 Mỹ-kim cho 1 gallon, như tình trạng hiện nay tại một số tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Trong tất cả những tình huống đó, người ta thường nói đến một con số ảo thuật (magic number) tức là có thể tạo nên một sự thay đổi quan trọng trong suy nghĩ khi mà con số đó được hiện thực.
Một điểm đáng lo khác là trái với những lần tăng giá dầu thô trước đây, động lực thúc đẩy việc tăng giá lần này không phải là những biến động bất ngờ như xung đột chiến tranh, tai ương bão lụt hoặc tai nạn hư hại các giàn khoan dầu hay các nhà máy lọc dầu v.v... Thậm chí cũng không có sự toa rập của các nước sản xuất dầu trong khối OPEC như trường hợp đã xảy ra vào năm 1974 khi các nước này chơi ép thế giới bằng cách tự động tăng giá lên gấp bốn lần. Trớ trêu thay, lần này, việc giá dầu gia tăng là hệ quả của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thật vậy, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn vững mạnh trong nhiều năm qua, cho dù có một số lo ngại nhỏ cho thị trường địa ốc gần đây. Các quốc gia con rồng châu Á như Trung Cộng và Ấn Ðộ thì cứ tiếp tục vẫy vùng mạnh bạo hơn nữa với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm lên đến gần 10%. Còn toàn khối Âu Châu thì vẫn tiếp tục phát triển vững vàng. Ðây là lý do chính giải thích vì sao mà mặc dù giá dầu thô đã gia tăng mạnh mẽ và gần như phi lý trong thời gian qua, đã không có những lời ta thán hay kêu ca hoặc lên tiếng cảnh báo. Ðiều này cũng là phản ứng thông thường của giới con buôn cũng như người tiêu thụ. Cho dù giá hàng nhập vào cứ gia tăng, chủ tiệm sẽ vẫn không phàn nàn gì hết nếu như các món hàng đó vẫn được bán chạy như thường, và người tiêu thụ vẫn không kêu ca, hay có thể bình phẩm một vài lời nhưng vẫn tiếp tục mua, nếu như đồng lương thu nhập của họ tiếp tục gia tăng theo để cho phép họ có thể tiêu xài rộng rãi. Nói một cách khác, giá cả chung quanh có thể gia tăng nhưng sẽ không ảnh hưởng gì lớn lao nếu như ta vẫn có dư khả năng để mua sắm tiếp.
Dĩ nhiên, điều đáng lo là nếu đà tăng giá này tiếp tục, nó có cơ nguy tạo nên tình trạng lạm phát, dẫn đến một sự suy thoái kinh tế và có thể tạo nên những xung đột địa dư chính trị nếu như sự tăng giá này bắt nguồn từ việc tranh giành nguồn cung cấp dầu hoả có thể mỗi ngày mỗi khó khăn hơn.
Thống kê mới nhất vào đầu tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency, IEA) đã đưa ra lời báo động rằng khả năng tích trữ phòng hờ về khối lượng dầu hoả trên toàn cầu sẽ bắt đầu bị giảm vào năm 2010, vì kể từ năm này, nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sẽ bắt đầu vượt qua mức cung ứng của mọi nguồn sản xuất. Cho dù là Tây Âu và Hoa Kỳ đã thành công phần nào trong việc giảm bớt nhu cầu năng lượng (qua các biện pháp tiết kiệm cũng như gia tăng hiệu năng của máy móc), nhưng tổng số mức nhu cầu trên thế giới vẫn gia tăng, do bởi đà tăng trưởng tiếp tục mạnh bạo của nhiều nước tại Á Châu và nhiều quốc gia mới phát triển khác.
Một yếu tố khác cũng khá quan trọng khiến cho giá dầu thô tiếp tục gia tăng trong thời gian qua là sự cạnh tranh của giới tư nhân trong kỹ nghệ dầu hoả cùng với các chính quyền trong việc sở hữu hay
khai thác các mỏ dầu. Cho đến thập niên 1960, có khoảng 85% các kho dự trữ dầu thô trên thế giới được mở rộng ra cho các công ty ngoại quốc khai thác. Nhưng giờ đây, tỉ lệ này đã tụt xuống còn ở mức 16%. Theo lời của ông T. Boone Pickens, một tỷ phú và doanh gia lâu năm trong ngành dầu hoả, cho biết thì thế giới ngày nay không còn tự do và dễ dàng đi tìm các mỏ dầu để khai thác được nữa. Mọi người thường hay nghe nói nhiều đến các đại công ty dầu hoả như ExxonMobil, BP, Chevron
v.v... nhưng thật ra thì khả năng và trữ lượng của các công ty này không thể nào sánh với các công ty dầu hoả quốc doanh như Saudi Aramco (Saudi Arabia),
Kuwait Petroleum (Kuwait), Pemex (Mễ Tây Cơ), PDVSA (Venezuela) hoặc Gazprom (Nga).
Trong quá khứ khi mà giá dầu thô còn thấp (vào khoảng 20 Mỹ-kim một thùng) không đem lại lợi nhuận nhiều, đa số các quốc gia có thể không để ý nhiều đến việc phải nắm quyền sở hữu hay chủ động trong các giao kèo với các công ty tư nhân trong việc sản xuất dầu hoả. Hầu hết đều sẵn sàng để cho các đại công ty năng lượng mặc tình hưởng những điều kiện thuận lợi nếu như việc sản xuất thành công, bởi lý do dễ hiểu là chỉ có các đại tổ hợp giầu mạnh này mới có đủ tư bản và kỹ thuật tân tiến để đầu tư vào các dự án to lớn, khá tốn kém nhưng cũng không kém phần rủi ro này. Bởi vì không phải tốn công đào bất cứ chỗ nào cũng có mỏ dầu, ấy là chưa kể các công ty này phải tốn tiền để thiết lập các giàn khoan vĩ đại. Ðến khi sản xuất thành công, các đại công ty năng lượng dĩ nhiên phải được hưởng lợi nhiều, sau khi đã chia một phần hoa hồng cho các chính quyền địa phương. Mối tương quan hai bên cùng có lợi này có lẽ sẽ được tiếp tục dài lâu nếu như không có những đột biến hay những sự thay đổi giá cả sâu rộng. Nếu như giá dầu xuống quá thấp, các công ty dầu hoả sẽ rút lui. Ngược lại, nếu như giá dầu tăng cao, các chính quyền địa phương sẽ nổi máu tham, và thấy tiếc rằng mình đã vô tình để cho các công ty khai thác lợi dụng lúc ban đầu để ký những giao kèo có lợi cho họ. Từ đó, mới nảy sinh ra những quyết định quốc hữu hoá các cơ sở hay mỏ dầu trong nước, cũng như việc đơn phương thay đổi các giao kèo đã ký từ trước, với mục đích là giành lại phần lợi cho nhà nước thay vì cho các công ty ngoại quốc từ bấy lâu nay đã hưởng lợi.
Thái độ "lật lọng" này thật ra lại được sự ủng hộ của đa số quần chúng khi tự ái dân tộc bị kích thích đúng chỗ. Ðó là trường hợp đã xảy ra tại các nước như Venezuela hoặc Bolivia, mặc dù trong đường dài có thể đem lại những bất lợi cho các quốc gia này vì các công ty ngoại quốc trong tương lai sẽ ngần ngại không muốn đầu tư tiếp, và do đó sẽ làm trì trệ mức phát triển trong nước. Ðó là điều đã xảy ra như tại Venezuela mới đây khi hai đại công ty năng lượng ExxonMobil và
ConocoPhillips đã quyết định rút lui khỏi thị trường này thay vì chịu những điều kiện bắt chẹt của chính quyền Chavez.
Tuy vậy, Venezuela không phải là quốc gia duy nhất chơi trò bắt ép các công ty ngoại quốc. Vào tháng Sáu vừa qua, chính phủ Nga cũng đã buộc hãng BritishPetroleum phải nhường lại phần hùn của mình trong mỏ khí đốt Kovykta với giá hời là 700 triệu Mỹ-kim thay vì với giá thực sự của nó cao hơn nhiều. Hồi năm ngoái, chính quyền Putin cũng đã chơi ép hãng Royal Dutch Shell phải nhường lại chủ quyền khai thác một dự án khai thác khí đốt Sakhalin II cho Nga, và giờ đây cũng đang tìm cách ép buộc tương tự với ExxonMobil cho một dự án gần đó.
Dĩ nhiên những thái độ này có thể đem lại bất lợi trong ngắn hạn cho các quốc gia này khi mà sản lượng sẽ không còn mạnh mẽ như lúc trước với sự rút lui của kỹ thuật và kiến thức của các đại công ty năng lượng. Ðiều này có thể dẫn đến những áp lực xã hội nếu như tình trạng sản xuất thấp đem lại lợi tức thấp và có thể khiến cho ngân sách nhà nước tụt xuống theo hoặc khiến cho nhiều nhân công bị thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ vì giá dầu thô gia tăng quá nhanh, cho nên dù mức sản xuất có thấp thì cũng đem lại một nguồn lợi tức to lớn dư sức bù đắp vào, khiến cho các chính quyền này không gặp áp lực nào.
Dĩ nhiên một mối lo khác nữa cũng có thể tạo áp lực khiến cho giá dầu thô sẽ ở mức cao, đó là tình
hình chiến tranh
có thể nổ bùng ra bất cứ lúc nào, như trường hợp giữa Hoa Kỳ và Ba Tư, với những hệ quả trầm trọng như việc Ba Tư có thể khuynh loát vùng eo biển Hormuz khiến cho đường giao thông cho các tầu dầu sẽ gặp gián đoạn. Chẳng hạn như tình trạng bất ổn tại Iraq từ vài năm qua cũng đã khiến cho mức sản xuất của nước này vẫn còn thấp hơn so với mức trước đây khi còn dưới chính thể của Saddam Hussein.
Tất cả những yếu tố trên đều dẫn đến những kết luận bi quan, cho cả các công ty sản xuất lẫn giới tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ xem ra không có dấu hiệu suy giảm, trong khi mức cung ứng không thể nào theo kịp nếu như không có sự gia tăng đầu tư về máy móc và kỹ thuật của các đại công ty tư nhân. Thế nhưng trong bối cảnh giá dầu tiếp tục gia tăng cao mãi, dường như các chính quyền tại các nước như Nga, Venezuela và nhiều quốc gia với các kho trữ lượng khổng lồ sẽ không thấy áp lực nào để nhường quyền sản xuất và hưởng lợi cho các công ty tư nhân. Thay vào đó, họ sẽ để cho các công ty quốc doanh như PDVSA, Pemex và Gazprom khai thác và hưởng lợi, cho dù biết rằng sự hiệu năng sẽ không bằng với các công ty ngoại quốc khác.
Ðiều này có thể đúng cho quyền lợi của người dân và chính quyền các nước này, vừa bớt lệ thuộc và bị bóc lột bởi các công ty ngoại quốc trong lúc đẩy mạnh các công ty quốc doanh. Thế nhưng đối với cộng đồng thế giới đang cần tiêu thụ dầu hoả, như tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, điều này sẽ báo hiệu một tình trạng càng ngày càng lệ thuộc vào các nguồn sản xuất từ ngoại quốc, và do đó nhiều phần là sẽ phải tiếp tục chịu đựng với cái giá càng ngày càng cao.
Nguyễn Anh Tuấn
Houston, Texas
nguyenanhtuan@sbcglobal.net
=END=
6- Câu Chuyện Ðiện Ảnh
- Hollywood 7 Ngày Qua
Natalie Nguyen
(VNN)
Knightley: "Người ta xem
trọng danh vọng quá"
Nữ diễn viên Keira Knightley vừa lên tiếng cảnh báo những nam diễn viên
luôn bị ám ảnh bởi danh vọng. Cô nói rằng người ta xem trọng danh vọng quá.
Ngôi sao bộ phim "The Pirates of Caribean" không hiểu nổi tại sao người ta lại quá chú ý đến cô.
Trao đổi với Britain Radio
Times, cô nói: "Tôi rất lo mỗi khi bọn trẻ nói với tôi rằng "Chúng con muốn được nổi tiếng".
Tại sao? Vì muốn được ăn nhà hàng? Nếu muốn ăn nhà hàng thì chỉ việc đến ăn thôi chứ cần gì phải nổi tiếng. Ðồng ý là tôi đang xuất hiện trên các bìa báo, đó không phải là chính tôi, người ta làm tóc, trang điểm lại tôi hoàn
toàn, đó là một cái gì đó mà người ta tạo ra thôi"
***
Potter và Spider-man được đề cử giải thưởng điện ảnh Anh
Bộ phim Harry Potter and the order of the phoenix và Spiderman-3 đang được đề cử giải thưởng điện ảnh của Hoàng Gia Anh. Ðài truyền hình quốc gia Anh
ITV đang chuẩn bị trao giải thưởng sau khi họ gặt hái thành công rực rỡ từ giải thưởng điện ảnh toàn quốc. Cả hai chương trình đều đề nghị mọi người dân tham gia bỏ phiếu bình chọn. Keira Knightley (Pirates of the caribean), Megan Fox
(Transformers), Eva Green và Dame Judi Dench (Casino Royale) được đề cử danh hiệu nữ diễn viên xuất sắc và sẽ được trao giải vào ngày 28 tháng 9 tại London. Bruce Willis (Live Free
or die hard), Daniel Craig (Casino Royale), Shia LeBoeuf (Transformers), Tobey
Maguire (Spider - man 3), Johnny Depp và Orlando Bloom (Pirates of the
Caribbean: At World's End), Rupert Grint và Daniel Radcliffe (Harry
Potter) đang cạnh tranh cho giải nam diển viên xuất sắc. Cạnh tranh cho giải thưởng bộ phim hay nhất có các ứng cử viên là Flushed away, Happy Feet, Shrek the third và The Simpson.
***
Seagal yêu cầu FBI xin lỗi
Diễn viên Steven Seagal đang yêu cầu cục điều tra
liên bang phải xin lỗi anh một cách chính thức vì đã gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp điện ảnh của mình sau khi nhấn mạnh rằng anh đã tự thuê một thám tử tư để dò la tin tức các phóng viên không chịu viết bài
tâng bốc anh. Nam diễn viên 56 tuổi này đã thực hiện 12 bộ phim kể từ bộ phim Exit Wounds năm 2001 - tất cả đều được phát hành trực tiếp qua DVD, bỏ qua thời gian công chiếu, Seagal đang xem xét việc một tờ khai FBI vào năm 2002 bị rò rỉ ra ngoài có nội dung làm cho uy tín của anh trong mắt người hâm mộ bị suy giảm. Trong bản khai này có một chi tiết nói về việc Seagal đã thuê một thám tử tư tên là Anthony Pellicano để đe doạ phóng
viên, sau đó cuộc điều tra tập trung vào Pellicano, anh này hiện đang bị tống giam
và chuẩn bị khởi tố vì một số tội danh trong đó có việc nghe lén điện thoại, thế nhưng FBI không hề có động thái nào trả lại sự trong sạch của Seagal. Theo tạp chí Los Angeles Times, nam diễn viên này đang muốn tên tuổi của mình được khôi phục lại ngay lập tức. Seagal vừa mới phát biểu rằng: "Những tin tức không chính xác của FBI đã gây là
một làn sóng rất nhiều bài báo nói rằng tôi khủng bố báo chí và có liên hệ với Mafia. Những tin đại loại như vậy làm cho các nhà sản xuất lẫn phim trường độc lập rất lo sợ - đồng thời nó làm tiêu tan cả sự nghiệp".
Anh cũng nói thêm: "Tôi đã chán phải chứng kiến tên tuổi của mình bị xếp chung
vào danh sách tội phạm dù tôi không làm bất cứ điều gì sai trái. Bạn sẽ chẳng biết nó ảnh hưởng đến mức nào đâu, chỉ cho đến khi nó xảy ra với bạn"
***
Bell tham gia "Heroes"
Nữ diễn viên từng tham gia Veronica Mars Kristen Bell sẽ tham gia
vao danh sách các diễn viên thực hiện loạt phim Heroes. Có tin đồn rằng cô đang cân
nhắc với phim Lost, sau khi bộ phim Veronica Mars bị huỷ bỏ phần ba hồi đầu năm, nhưng cuối cùng đã đồng ý tham gia Heroes. Theo tạp chí thương
mai Variety, cô sẽ vào vai Elle, một phụ nữ huyền bí với hai đặc tính khác biệt nhau hoàn toàn.
***
Bacon cạo đầu
Kevin Bacon vừa quyết định sẽ cạo trọc đầu để tham gia vào bộ phim mới nhất Death Sentence. Nam diễn viên này sẽ vào vai một người đàn ông săn tìm kẻ đã giết con trai mình - anh quyết định làm
sao cho càng như thật càng tốt. Anh nói với đạo diễn: "Nếu tôi cạo đầu, trông sẽ đẹp hơn là đội đầu giả, đúng không? Và thế là tôi cạo. Ðó là một khoảng khắc hơi căng thẳng vì chỉ có thể quyết định một lần và nếu thất bại thì sẽ rất ê chề vì không thể nào mọc tóc lại ngay được".
***
Carey xem thời điểm xuống dốc của mình là "Một bước ngoặt"
Ca sĩ nhạc Pop Mariah Carey không hề hối tiếc về khoảng thời gian cô
gặp sự cố về tinh thần và xuống dốc, cô mô tả quảng thời gian đó như một bước ngoặt. Cô trải qua thời gian điều trị vì kiệt lực vào tháng bảy năm 2001 sau khi có những hành vi bất thường nơi công cộng. Nhưng Carey nhấn mạnh rằng cô cần có một bước ngoặt thực sự để xem xét lại ảnh hưởng của quá trình làm việc quá sức đối với sức khoẻ của mình. Trao đổi với tạp chí Interview, cô nói: "Tôi vẫn chưa hồi phục. Tôi vẫn còn phải học hỏi, còn phải làm việc quá sức và tôi
phải trả giá. Tôi xem đây là một bước ngoặt. Tôi phải đi xuống tận đáy thì mới hiểu được giá trị của việc làm việc quá sức. Nhưng phải chăng lúc đó tôi đã không thể kiểm soát được mình? Quả thật là đúng vậy đó.
***
Brangelina đến hồi kết cục
Những tin đồn về chuyện chia tay của Brad Pitt và Angelina Jolie lại một lần nữa rộ lên. Giả sử hai người thực sự chia tay thì tạp chí National Enquirer cho rằng Pitt sẽ không sống cô đơn.
Một nguồn tin của N.E. cho biết Pitt "lúc nào cũng muốn có
con". Nhưng trong trường hợp chỉ có một con thì anh ta sẽ không chịu chia sẻ. Anh ta thậm chí có lần đã nói với Angelina: "Tôi sẽ đem bé Shiloh
theo".
Chuyện gì đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai người? Tạp chí này có đề cập đến sự bất đồng về cách nuôi dạy con cũng như những mối căng thẳng khác trong gia đình.
***
Gere để mông trần!
Diễn viên đóng thế cho Richard Gere trở nên thất nghiệp sau khi nam diễn viên 57
tuổi này nhất định sẽ tự đóng vai để lộ đôi mông trần của anh.
Trong bộ phim "The Hunting Party", anh đóng vai một cựu phóng
viên chiến tranh thực hiện một nhiệm vụ ở Bosnia cùng với Terrence Howard.
Các nhà sản xuất đã lựa chọn một người đóng thế cho cảnh Gere phải cởi quần áo trên đường băng sân bay. Ðạo diễn Richard Shepard nói với Page Six: "Chúng tôi đã có sẵn người đóng thế đứng ngay đó, nhưng Gere đề nghị để anh tự đóng. Shepard nói thêm: "Cũng không cần phải thuyết phục anh ấy nhiều".
***
Murray Bill bị bắt giữ vì lái xe Golf khi say rượu
Ngôi sao Hollywood Bill Murray bị tạm giữ vì bị tình
nghi là say rượu khi đang lái xe golf ở thủ đô Stockholm Thụy Ðiển. Thanh tra cảnh sát Christer Holmlund cho biết anh ta bị cảnh sát chặn lại vào
sáng sớm chủ nhật, kiểm tra thấy có cồn trong hơi thở. Holmlund nói: "Anh ta từ chối thổi vào ống kiểm tra,
trích dẫn một vài điều luật Hoa Kỳ. Do đó chúng tôi áp dụng biện pháp cổ điển là xét nghiệm máu. Do vậy sẽ phải mất đến 14 ngày mới có kết quả". Murray - đến thành phố để tham gia vào một giải golf - ký vào biên bản thừa nhận mình
say rượu và đồng ý để cảnh sát buộc tội nếu như có kết quả. Nam diễn viên 56 tuổi này sẽ bị truy tố nếu tỉ lệ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Nếu quá cao, anh ta có thể sẽ bị tống giam -
tuy nhiên mọi việc có xu hướng phát triển theo hình thức phạt tiền. Holmlund nói thêm: "Không có bằng chứng rõ ràng để kết luận ai đang ngà ngà". Cảnh sát cũng nói rằng chiếc xe golf
cũng cần phải điều tra vì không biết ai là chủ sở hữu, nhưng Murray sẽ không phải giáp mặt với án trộm xe: "Ðó chỉ là một chiếc xe golf, tại sao nó xuất hiện ở đây, chúng tôi vẫn chưa biết. Tôi đã làm việc trong ngành từ năm 1968 đến nay mới gặp trường hợp này lần đầu tiên".
***
Richie được phóng thích sau 80 phút bị giam
Nicole Richie vừa được phóng thích sau khi bị giam mới hơn một giờ theo bản án phạt giam 4
ngày. Cô gái thượng lưu đang mang thai này hôm chủ nhật vừa qua bị tống giam,
sau đó phóng thích về nhà chỉ sau 80 phút tại trại giam Century Regional Facility ở Lynwood, Calif.
Phát ngôn viên cảnh sát giải thích rằng tình trạng quá tải của trại giam buộc họ phải phóng thích Richie sau một thời gian ngắn.
Trong bản công bố trên báo chí, họ cho biết: "Trong thời điểm này, điều kiện giam giữ đối với nữ phạm nhân chịu án 30 ngày hoặc thấp hơn vì tội danh không bạo động là như sau: Tội nhân được lên danh sách, chụp hình, sau đó thường được phóng thích trong vòng 12 giờ. Vấn đề này là do tình trạng quá tải, tuân thủ theo tài liệu hướng dẫn của toà án liên bang. Dựa theo những điều trích dẫn và dựa trên án
phạt giam 96 giờ của cô Richie, cô sẽ được hưởng chế độ tương tự như những người khác".
Richie bị kết tội lái xe trong tình trạng không tỉnh táo
vào ngày 27 tháng 7 và bị kết án 36 tháng thử thách, nếu cô ta vi phạm thời gian thử thách sẽ bị phạt giam 1 năm.
Richie bị chặn lại vào ngày 11 tháng 12 khi lái xe ngược chiều trên đường xa lộ liên bang số 134 California ở Burbank, Calif.
Sau khi không vượt qua được cuộc kiểm tra, Richie thừa nhận đã hút cần sa và sử dụng thuốc giảm đau. Cô đang có thai năm tháng với bạn trai là Joel Madden.
***
Stefani kín đáo trong buổi hoà nhạc ở Malaysia
Ca sĩ Hoa Kỳ Gwen Stefani hôm thứ ba vừa qua xuất hiện tại buổi trình
diễn ở Malaysia với trang phục hoàn toàn kín đáo theo đúng cam kết của mình sau khi nhận được lời than phiền từ các sinh viên Hồi giáo. Ngôi sao của Aviator chưa bao giờ trình diễn ở Kuala Lumpur do đó rất cẩn thận vì không muốn người dân địa phương bất mãn về vũ đạo cũng như trang phục của mình. Thay vào đó, Stefani đã làm cho 7000 thính giả hoàn toàn khâm phục khi
thay đổi trang phục của mình sau từng bài hát.
***
Jackson bị tưởng lầm là người vô gia cư
Samuel L. Jackson bị tưởng lầm là một kẻ vô gia cư khi anh
bị lạc đường mà vẫn còn mặc trang phục hoá trang. Jackson đóng vai một cựu võ sĩ quyền anh vô
gia cư trong bộ phim Resurrecting The Champ, anh cho biết nhìn bề ngoài hết sức giống nên người ta cũng tưởng anh là một gã vô gia cư đang tìm nơi trú ẩn. Anh kể: "Tôi đi lòng vòng, hút thuốc lá, họ tưởng tôi cũng là một người như họ và thế là cả bọn cùng nhau đi kiếm chỗ trú ẩn, và khi tôi dẫn họ đến ăn với Josh Hartnett, tôi đã đánh lừa rất nhiều người trong số họ".
***
Lohan bị giam một ngày
Lindsay Lohan sẽ bị giam một ngày và trải qua 10 ngày phục vụ công ích sau khi bị kết án đã phạm hai
trong số bảy tội danh cáo buộc.
Cô phạm phải hai tội danh là lái xe trong tình trạng không tỉnh táo vì
sử dụng cocaine cùng với tội danh lái xe khi say rượu tại Beverly Hills, Calif. và gần Santa Monica hồi tháng 5
và tháng 7 năm nay.
Cảnh sát cho biết tìm thấy cocaine trong hành trang của ngôi sao này trong cả hai trường hợp, dù các quan chức cho biết số lượng cocaine là dưới 0.05, chưa đủ mức để quy là trọng tội.
Theo kết luận của toà tại Beverly Hills hôm thứ năm, Lohan sẽ bị phạt giam 24 giờ sau khi
phải bây giờ phục vụ một thời hạn nhà tù 24 giờ, sau khi quan tòa giảm nửa án phạt 4 ngày
và yêu cầu cô phải lao động công ích trong 10 ngày.
Cô phải ở tù thêm một ngày vì trước đó đã ngồi tù một ngày khi bị bắt giữ. Cô gái 21 tuổi này hiện đang ở trại cai nghiện Utah, không xuất hiện khi nghe toà tuyên án. Cô phát biểu: "Rõ ràng đời tôi không thể nào kiểm soát được khi mà tôi nghiện rượu và ma tuý. Mới đây tôi lại tái phạm và làm những việc đáng xấu hổ. Tôi vi phạm luật pháp và giờ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Cho dù lúc đó tôi có nói gì, nhưng tôi mới chính
là người đáng trách nhất. Tạ ơn Chúa tôi không làm cho ai bị thương. Tôi rất muốn được trở nên khoẻ mạnh, sống có chừng mực và đang tìm kiếm sự trợ giúp của y học. Thật may là tôi không hề cô đơn và tôi biết có những người như tôi đã thành công. Có lẽ theo thời gian mọi việc sẽ dễ dàng hơn, tôi hy vọng là thế".
***
Quyển sách mới của Hilton không phải là nhật ký những ngày trong tù!
Hilton đã bị giam 23 ngày trong tổng số 45 ngày
theo án phạt giam vì đã vi phạm thời gian thử thách hồi tháng sáu về việc lái xe trong tình trạng say rượu.
Nhưng đại diện văn học của cô Dan Strone nhấn mạnh rằng thời gian trong tù không phải là nội dung
chính của quyển sách. Anh nói: "Cô ấy dự kiến viết về một chuyện khác.
Cô ấy đang đầu tư cho một quyển sách mới và tôi không tin rằng đây là thời điểm viết lại nhật ký những ngày trong tù.
Tôi nghĩ đó không phải là mục tiêu hiện nay của cô ấy".
=END=
7- Truyện Ngắn Trong Nước
- Cỏ máu
Phạm Ngọc Tú
Nhung không xấu không đẹp. Người gầy khô, mặt mũi không đặc biệt. Người ta sẽ dễ dàng nhầm lẫn cô với bao nhiêu người khác.
Chỉ có cái miệng, cái miệng không đẹp nhưng khi cô nói chuyện và cười, đường lượn vành môi trở nên sống động, khiến người đối diện có đôi chút ngỡ ngàng, thậm chí còn thấy rằng mình đánh giá cô không đẹp là sai. Chính điều đó đã hấp dẫn Phong, Phong đến với cô vì cái miệng "duyên duyên" ấy.
Phong đẹp trai, sôi nổi, làm ăn được, một chàng trai có thể coi là hoàn hảo dưới mắt nhiều cô gái. Rất nhiều cô gái đến với anh, nhưng anh đã chọn Nhung. Nhung bé bỏng và tội nghiệp, người ngoại tỉnh, chỉ là một nhân viên kế toán bình thường.
Nhung mặc những bộ quần áo tầm tầm, đi xe rẻ tiền, ít khi
tô son điểm phấn, da hơi tái. Cô nói nhỏ, ngay cả khi đang rất vui, như thể sợ ai đó giật mình.
Ánh mắt lặng lẽ hay nhìn xuống, không dám nhìn thẳng vào người đối diện. Ai đấy bảo cô là con rùa cũng đúng, thậm chí nói thẳng điều đó vào mặt cô cũng chẳng sao. Trời sinh ra cô đã là một người cam chịu, cam chịu từ trong trứng nước.
Phong không coi những cái đó là nhược điểm. Anh bảo Nhung không phải thay đổi gì cả, hãy sống là chính mình, thế là được. Hẳn nhiên là Nhung sung sướng lắm. Cô coi Phong như thần tượng, Phong là lẽ sống của đời cô.
Phong vốn là một người sôi nổi, là linh hồn của những cuộc vui. Có lẽ vì thế mà anh chọn Nhung chăng? Vì anh tìm thấy ở cô một sự bình yên tĩnh lặng, bình yên như cây cỏ...
Nhung ở nhờ nhà bác, một căn nhà ở gần ngoại thành. Người bác không ở, mà cũng không bán. Căn nhà có một mảnh vườn nhỏ, trong vườn trồng nhiều loại cây. Toàn những loại cây không đặc biệt, nhưng Nhung yêu chúng.
Những khi rỗi rãi, Nhung thường ôm con mèo mướp to sụ, ngồi bên cửa sổ nhìn ra cái khoảng không xanh ngắt bên ngoài. Ðã biết bao nhiêu lần Phong đến tìm Nhung và bắt gặp cái không khí bình lặng ấy.
Ðến bên Nhung, anh như trút hết mọi nỗi lo toan
thường nhật, anh ôm cô và con mèo vào lòng, cả ba cùng ngồi rủ rỉ bên
nhau, nói những câu chuyện không đầu không cuối. Nhung vui lắm sau mỗi lần như vậy. Làn da tai tái ửng hồng, cặp mắt u buồn ngời sáng long lanh. Nhung yêu Phong hơn cả bản thân
mình, cô có thể cho anh tất cả, trừ một thứ...
***
Linh xinh đẹp và kiêu kì.
Cô là thư ký trong một công ty liên doanh, lương tháng tính bằng đô. Tất nhiên
những người theo đuổi cô không thể tính bằng đầu ngón tay. Chỉ có điều cô không còn cảm thấy rung động trước người khác giới.
Trước đây cô cũng đã trải qua một mối tình, cũng sóng gió buồn vui đủ cả. Một lần cô bắt gặp anh chàng người yêu đi vào khách sạn với một cô gái khác.
Lòng tự ái của một cô gái đẹp đã khiến cô rời bỏ anh chàng ngay lập tức, và cũng từ đó cô tự cho mình quyền để những chàng trai đến với cô đau khổ bằng những trò đùa giỡn chán chê. Linh kiêu căng và ngạo mạn, hoa
trên môi và băng giá trong tim...
Linh gặp Phong và Nhung một cách rất tình cờ. Hôm ấy Phong đưa Nhung đến dạ hội của công ty Linh với tư cách là khách mời danh dự. Phong chào Linh bằng lời chào xã
giao, cái nhìn anh dành cho cô cũng xã giao nốt, giống như những cái
nhìn anh dành cho đồng nghiệp là nam giới.
Anh hoàn toàn không giống những người đàn ông hay xun xoe vây quanh Linh, những người đàn ông cho dù có đi cùng vợ hay bạn gái nhưng vẫn kín đáo dành cho cô những cử chỉ đầy ẩn ý.
Linh, trước thái độ như vậy của Phong, cảm thấy vô cùng khó chịu. Hẳn nhiên không phải là cô thích Phong, chỉ vì cô thấy lòng tự ái bị tổn thương,
cô xinh đẹp và rực rỡ như vậy, trong khi Nhung, cái người luôn kè kè bên cạnh Phong
là ai chứ, một con bé mờ nhạt, thiếu muối theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Bỗng nhiên cô thấy Phong cũng "hay hay". Với một người có thể đạt được mọi thứ quá dễ dàng như Linh, Phong trở thành mục tiêu cần phải vượt qua, giống như trong lúc nhàn rỗi không có trò gì để chơi, người ta thường chọn một trò chơi tương đối khó để giết thời gian, và để có cảm giác mình là một tay chơi cừ.
Thế là từ hôm đó, trong máy Phong thường có những cuộc điện thoại của Linh.
Lúc là những cuộc gọi mời hợp tác, khi lại là một lời mời tới một quán bar nào đó.Tới lời mời thứ ba, Phong đồng ý gặp Linh.
Quả là Phong cũng không ngờ rằng cuộc gặp mà anh nghĩ chỉ mang tính xã giao này lại thay đổi cuộc đời anh nhiều đến thế. Linh duyên dáng và xinh đẹp lạ lùng.
Mọi cử chỉ thái độ của cô đều đúng mực, khiến cho Phong hơi ngờ vực lời bàn tán của mấy anh đồng nghịêp về một Linh kiêu căng ngạo mạn. Linh hiểu biết nhiều, ăn nói hài hước và rất có duyên, khiến Phong không khỏi so sánh với người yêu hiện tại của anh.
Anh cố gạt ra khỏi đầu những so sánh, những suy nghĩ về Linh, nhưng càng cố gạt ra thì nó lại càng trở về quấn lấy anh. Lúc là hình ảnh của một Nhung rụt rè và mờ nhạt, lúc lại là Linh
tràn trề nhựa sống, hài hước sôi nổi trẻ trung. Một nỗi sợ mơ hồ cứ đeo bám lấy anh.
Phong tìm đến Nhung, hy vọng khi gặp cô, anh sẽ xóa bỏ được hình ảnh của Linh đang ngày một xâm chiếm lấy tâm trí anh. Trời vừa qua một cơn mưa, cái nắng gay gắt không
còn thiêu đốt khó chịu nữa, hít một hơi thật sâu hương vị mùa hè, Phong rút chìa khóa và mở cánh cổng nhà
Nhung (cô cũng cho anh một bộ chìa khóa nhà mình).
Nhung đang ở ngoài vườn, ánh mắt hiền lành chợt long lanh khi bắt gặp anh. Con mèo mướp vẫn đang quẩn bên chân cô. Phong cười gượng, hỏi: "Chưa nấu cơm tối hả em?".
Nhung ngượng nghịu (không hiểu sao yêu Phong đã được hơn 1 năm rồi mà cô vẫn còn ngượng nghịu như thế): "Lát nữa em mới nấu, vẫn sớm mà anh, em đang tỉa bớt mấy cái cành này, lá rườm rà quá hoa không mọc được".
Phong cúi xuống với con mèo, định vuốt ve nó như mọi lần, nhưng con mèo dường như cảm thấy điều gì bất ổn, nó lảng ra xa. Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu Phong, anh kéo Nhung vào nhà và ghì chặt lấy cô...
Nhung đẩy Phong ra, đôi tay run rẩy, ánh mắt cô rưng rưng tội nghiệp. Phong chán ngán nới lỏng vòng tay. Nhung vội chạy vào bếp chuẩn bị cơm chiều, con
mèo mướp như một đầy tớ trung thành lại bám gót cô.
Phong đứng lặng lẽ ở góc vườn, trời sắp tối, lại vừa qua một cơn mưa, những con muỗi bay vo ve trên đầu anh, nhưng anh không để ý. Phong biết điều mình làm khi nãy đã khiến Nhung
hoảng sợ. Anh cảm thấy hổ thẹn, nhưng khốn khổ thay, ngay cả khi ấy, anh vẫn không thôi nghĩ tới Linh.
Bóng tối xuống rất từ từ, Phong trở vào nhà. Nhung đã dọn cơm xong, mặt vẫn chưa hết ửng đỏ, cô xới cho Phong một bát cơm. Bữa ăn tối ngượng nghịu và tẻ ngắt, cả hai người cùng tránh nhìn vào mặt nhau. Một cuộc điện thoại khiến Phong đứng dậy, anh tìm cớ có chút việc gấp rồi mở cửa nhà Nhung dắt xe ra.
Phóng xe ra khỏi ngõ nhà Nhung, Phong thấy nhẹ nhõm.
Anh bắt đầu chán cái cảm giác tĩnh lặng khi ở bên Nhung, nếu trước đây đó là nơi để anh tìm cảm giác bình yên sau một ngày mệt mỏi, thì bây giờ đó lại là nơi buồn tẻ đáng sợ. Một cách vô
thức, anh lục máy điện thoại tìm số của Linh...
Giọng nói thánh thót ngọt ngào của Linh như rót vào
tai anh một bản nhạc vui. Anh hình dung Linh nói Linh cười ở đầu dây phía bên kia, Linh yêu kiều rạng rỡ, Linh
hài hước thông minh, Linh đối lập hoàn
toàn với cô gái buồn tẻ hay đứng ôm mèo ở góc vườn.
Phong muốn mời cô đi chơi, nhưng đầu dây bên kia đang ồn ào cho thấy Linh đang bận ở một cuộc vui nào đó. Linh bảo hiện tại thì không thể được, nhưng nếu Phong chịu khó chờ cô dưới cửa sổ nhà cô như anh Romeo chờ cô nàng Juliet thì có thể cô sẽ đi chơi với Phong,
biết đâu đấy.
Phong bật cười, anh thấy cô thật đáng yêu. Anh đã 28 tuổi, có còn trẻ thơ lãng mạn nữa đâu. Nhưng anh vẫn muốn thử cảm giác đứng đợi trước cửa nhà Linh, để xem nó thần tiên lãng mạn thế nào. Mua một bông hồng đỏ, anh đứng trước cửa nhà Linh, chờ đợi.
Tối muộn, khi chiếc yên xe máy của anh và bông hoa hồng đã thấm đẫm sương, Linh mới trở về. Linh bước xuống taxi, xinh đẹp và vô cùng quyến rũ, chiếc váy dài không dây hở một khoảng vai trần, cổ áo khoét
rộng để lộ một khoảng da trắng nõn bên trong.
Linh thấy anh, và có lẽ hơi bất ngờ. Cô bước lại, hơi thở còn thơm mùi rượu nhẹ. Cô cười tươi giơ hai tay về phía anh:" Hi! Romeo của em". Phong bước tới như trong cơn mê, đầu óc anh mụ mị hẳn đi. Anh ôm chặt lấy Linh, đôi môi hối hả kiếm tìm. Trái tim băng giá của Linh hình như dần tan chảy, bàn tay cô mơn man mái tóc anh...
***
Phong tỉnh dậy trong nhà Linh vào sáng hôm sau. Thấy anh thức giấc, Linh
mang đến cho anh một tách cà phê nóng. Mùi cà phê khiến anh khoan khoái,
anh âu yếm nắm lấy tay cô.
Linh nghiêm mặt nói:" Chuyện giữa anh và Nhung anh nên giải quyết dứt điểm đi nhé, em
không thích lằng nhằng tình yêu tay ba đâu".
Phong cười nhẹ, bảo::" Ừ, anh sẽ giải phóng cho cô ấy, cũng đã đến lúc rồi".
Hôm ấy là ngày Chủ nhật, cũng là sinh nhật của Phong. Nhung dậy sớm và định chuẩn bị cho Phong một món quà đặc biệt. Cô đã hỏi được cô bạn cùng phòng công thức làm bánh ngọt, chính
cô sẽ làm nó tặng anh.
Rồi cô sẽ đi mua tặng anh một chiếc cà vạt hiệu Pierre Cardin, loại mà anh thích, cho dù nó tốn của cô một khoản tiền không
nhỏ. Tối nay sẽ là một tối bất ngờ dành cho anh ấy. Cô sẽ cho anh tất cả...
Nhung nhào bột, đánh trứng, đun nóng sô cô la, gương mặt ửng hồng. Con mèo mướp như thường lệ lại quẩn lấy chân cô, trong cổ họng phát ra những tiếng "rừ rừ" khe khẽ. Chiếc bánh đã hoàn thiện, cô bày nó lên trên bàn, sung sướng ngắm nhìn
thành quả của mình. Chỉ còn thiếu cái cà vạt nữa là sẽ đủ bộ quà tặng cho anh.
Nhung soi gương mặt nhợt nhạt của mình trong gương, mở tủ lấy ra hộp phấn Phong tặng. Thỉnh thoảng cô mới dùng nó. Cô không quen dùng mỹ phẩm. Thoa một chút phấn lên mặt, tô lên
môi một chút son hồng, Nhung cười rạng rỡ. Mặc lên người chiếc váy màu xanh,
chiếc váy thật vừa vặn với cô, Nhung khóa cửa và chạy xe ra phố.
Ra tới cửa hàng Pierre Cardin, Nhung chọn tới chọn lui, cuối cùng cô
cũng tìm ra được chiếc cà vạt mà cô ưng ý. Người bán gói nó cẩn thận vào trong hộp cho cô. Cô lại cầu kỳ tìm một chiếc nơ màu đỏ thắm thắt phía trên cái hộp.
Xong xuôi mọi thứ, cô lên xe đi về, trong lòng tràn ngập niềm vui, chỉ có điều từ sáng tới giờ chưa thấy
"anh yêu" nhắn một tin nào, có lẽ anh ấy vẫn còn giận chuyện hôm qua, thôi mình sẽ làm lành trước, rồi mình sẽ tặng cho anh tất cả những gì anh muốn. Trời đã xâm xẩm tối, đường phố chiều Chủ nhật vẫn rất đông người...Bỗng một chiếc xe tải lao về phía cô, Nhung quá bất ngờ nên
không tránh kịp...
***
Ðêm hôm ấy Phong trở về từ bệnh viện. Người ta tìm thấy số máy "quan trọng" của anh trong di động của Nhung nên đã gọi cho anh. Vết thương nặng trên đỉnh đầu cộng với mất quá nhiều máu khiến Nhung không qua khỏi.
Trên tay anh vẫn cầm hộp quà mà Nhung tặng, chiếc hộp đã bẹp dúm đó, máu của Nhung thấm đỏ bên ngoài hộp. Bên trong là một chiếc cà vạt trông khá lịch lãm, cạnh đó là một cái thiếp có những dòng chữ Nhung viết vội: " Tặng anh yêu của em, chúng ta sẽ mãi ở bên nhau anh nhé".
Phong lặng lẽ trở về nhà Nhung. Ðêm đã khuya, sương đọng lấp lánh trên những chiếc lá khế trong vườn. Anh đẩy cửa vào nhà, và thấy trên bàn là một chiếc bánh phủ sô cô la, cạnh đó Nhung đã để sẵn 28 cây nến mừng sinh nhật.
Phong cố ghìm mình để không bật ra tiếng khóc. Con mèo mướp như linh cảm thấy điều gì, nó gào lên ngoao ngoao thảm thiết, đôi mắt xanh
loé lên những tia tuyệt vọng.
Phong lảo đảo bước ra, cây cỏ trong vườn ướt đẫm sương đêm, mùi cỏ lúc thì nồng nồng ngọt ngọt, khi lại phảng phất đâu đấy mùi tanh của máu, Phong nhìn xuống chiếc hộp quà
mình vẫn đang giữ trên tay. Anh bật lên thành tiếng khóc: "Nhung ơi...".
Chợt điện thoại Phong rung lên, số của "Juliet",
sáng nay Phong vừa mới đổi tên Linh như thế. Phong tắt máy...
=END=
**********************************