THỦ TƯỚNG VNCH
NGUYỄN BÁ CẨN VỀ VIỆC ĐỆ NẠP HỒ SƠ VỀ THỀM LỤC ĐỊA
May 13, 2009
Ngày 9 Tháng 5, Năm 2009
Kính gởi Ông Ban Ki-Moon
Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc
Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea
Office of Legal Affairs of the United Nations
DC2-0450 (2UN Plaza, Fourth Floor), at 44th Street
New York, NY 10017
Kính thưa Ông Tổng Thơ Ký,
Chúng tôi toàn thể nhân dân nước Việt Nam Cộng Hoà hiện đang sống trong nước
Việt Nam và tại hải ngoại kính cẩn gởi đến Ông Tổng Thơ Ký hồ sơ đăng ký Thềm
Lục Địa vượt quá 200 hải lý đo từ đường ranh cơ bản, căn cứ vào các Điều 73
của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Nghị Quyết số III của Đệ Tam Nghị Hội về
Luật Biển.
Thật vậy, Nước Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) là một Quốc Gia thành hình hợp pháp
theo đúng các nguyên tắc Công Pháp Quốc Tế, được hơn 80 quốc gia trên thế
giới thừa nhận, kể cả bốn nước (Pháp, Anh, Mỹ, Cộng Hòa Trung Hoa) trong số
năm quốc gia thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Việt Nam Cộng
Hoà đã được nhận vào các tổ chức kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc. Quốc Gia hợp
pháp này đã là nạn nhân của cuộc chiến tranh xăm lược bằng võ lực bởi nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) từ 1949 đến 1975.
Bất kể nhiều lần can thiệp của Cộng Đồng Quốc Tế qua ba (3) hiệp ước quốc
tế, Hiệp Định Genève năm 1954 và Hiệp Định Paris năm 1973 cùng với Văn Bảng
Cuối Cùng ngày 03/02/1973 của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam, nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) vẫn liên tục tiến hành cuộc xâm chiếm Việt Nam Cộng
Hoà, đưa đến cuộc tiến chiếm sau cùng toàn vẹn lãnh thổ VNCH ngày 30 tháng
tư, năm 1975.
Sau khi xâm chiếm xong VNCH, nước VNDCCH đặt lại tên cho toàn quốc là Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) thi hành chế độ độc tài toàn trị
cùng chánh sách kỳ thị ngược đãi đối với người dân địa phương không khác gì
chế độ đô hộ của thực dân. Ngoài ra nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
đã không bảo vệ được hữu hiệu quyền lợi và quyền của nhân dân Việt Nam qua
những bằng chứng cụ thể của các hiệp ước bất bình đẳng về biên giới trên đất
và trên biển ký kết ngày 30 tháng 12 năm 1999 và ngày 25 tháng 12 năm 2000
theo đó Cộng Sản Việt Nam đã nhường cho Cộng Sản Trung Quốc khoảng 4000 km2
đất liền dọc biên giới và 11,000 km2 trên biển.
Dựa vào các sự kiện trên đây, chúng tôi, Nhân Dân và Chánh Phủ hợp pháp cuối
cùng của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đệ trình hồ sơ này lên Cao Uỷ Ranh Giới
Thềm Lục Địa để ấn định và đăng ký Thềm Lục Địa vượt quá 200 hải lý đo từ
đường ranh cơ bản để bảo đảm quyền lợi và quyền của người dân Việt Nam Cộng
Hoà, nạn nhân của chế độ thực dân đô hộ, chiếu khoản 1 a) của Nghị Quyết số
III của Đệ Tam Nghị Hội về Luật Biển.
Bản Phụ Lục A là Mục Lục nêu rõ các hồ sơ, các bản đồ, và các CD theo đúng
những quy định của Điều 76, khoản 8 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
và các thể thức cùng thủ tục của Uỷ Hội Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS/40/Rev1)
. Vì lý do thiếu kỹ thuật chuyên môn và nguồn tài liệu do hoàn cảnh bị đô
hộ của quốc gia và nhân dân bởi CHXHCNVN, chúng tôi vô cùng cám ơn sự chỉ
dẫn và đề nghị của CLCS để bổ túc hồ sơ, nhất là về những gì liên hệ tới lãnh
vực khoa học và kỹ thuật.
Kính thưa Ông Tổng Thơ Ký,
Nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng hoà bình thật sự chỉ có thể thực hiện được
khi nào công lý được áp dụng đồng đều cho tất cả nhân dân và quốc gia. Hai
mươi năm trước đây, Liên Hiệp Quốc đã gởi nhân viên và quân đội tới Kampuchea
giúp thi hành Hiệp Định Paris cho người dân Cambodian được tự do lựa chọn
tương lai chính trị của họ. Nhân dân Việt Nam nếu có đòi được đối xử như nhân
dân Kampuchea thì cũng là lẽ công bằng thôi. Huống chi hiện giờ nhân dân Việt
Nam chỉ mong Liên Hiệp Quốc nếu không giúp được như đã giúp dân Kampuchea
thì ít ra cũng giúp nhân dân Việt Nam được bảo toàn quyền lợi chính đáng và
chủ quyền vươt quá 200 hải lý như hồ sơ đệ trình kèm theo đây, đúng theo tinh
thần các Điều 73 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Nghị Quyết số III của Đệ
Tam Nghị Hội Quốc Tế về Luật Biển. Làm được như vậy, Liên Hiệp Quốc sẽ khẳng
định nguyên tắc tối thượng của Pháp Trị và tạo được niềm hy vọng cho các quốc
gia và nhân dân đang là nạn nhân của tội ác và áp bức trên khắp thế giới.
Chúng tôi hết lòng mong mỏi sự lưu ý đặc biệt của Ông Tổng Thơ Ký và xin
gởi đến Ngài lời chào trọng vọng nhất của chúng tôi.
Nguyễn Bá Cẩn
Các đoàn thể trong và ngoài nước đồng đệ nạp
Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện
Thủ Tướng Chính Phủ VNCH